BBC-6 giờ trước
Việt Nam và Campuchia là hai nước Đông Nam Á bị xếp vào nhóm 10 nước có rủi ro hối lộ cao nhất thế giới, theo một bảng xếp hạng.
Trace International, một tổ chức vận động chống hối lộ đặt ở Mỹ, lần đầu tiên công bố bảng xếp hạng nhằm giúp các công ty đánh giá rủi ro.
Có tên Trace Matrix, chỉ số này đánh giá cách thức doanh nghiệp quan hệ với chính phủ, luật chống hối lộ, tính minh bạch của chính quyền và khả năng giám sát của xã hội dân sự.
Ireland được xếp đầu về tính minh bạch, còn Nigeria xếp chót, ở hạng 197.
Việt Nam bị xếp thứ 188, Campuchia 193, rơi vào nhóm 10 nước tệ nhất, gồm: Burundi, Chad, Guinea, Nigeria, Nam Sudan, Uzbekistan và Yemen.
10 nước xếp đầu (theo thứ tự chữ cái) gồm: Canada, Đức, Hoa Kỳ, Hong Kong, Ireland, New Zealand, Nhật Bản, Phần Lan, Singapore, Thụy Điển.
Trước đây đã có các bảng xếp hạng về tình trạng hối lộ như của Transparency International.
Tuy vậy, chủ tịch của Trace, Alexandra Wrage, nói chỉ số của họ có giá trị vì nó chỉ tập trung vào vấn đề hối lộ của doanh nghiệp.
“Chúng tôi muốn đề cập khả năng một công ty bị bắt phải hối lộ,” bà nói.
Rủi ro cao
Việt Nam có tổng điểm 82 trên 100, còn Campuchia có tổng điểm 89.
Có bốn lĩnh vực được đánh giá, trong đó Việt Nam có điểm 61 về quan hệ của doanh nghiệp với chính phủ. Theo Trace, điều này thể hiện rủi ro cao trong quan hệ với chính phủ, gánh nặng bị quản lý, và trông đợi được lại quả cũng cao.
Việt Nam được điểm 31 về luật pháp và thi hành luật chống hối lộ, nghĩa là khá hiệu quả trong vấn đề này.
Về tính minh bạch của chính phủ, Việt Nam bị điểm thấp tối đa 100, chứng tỏ bị đánh giá rất thấp về bộ máy hành chính.
Việt Nam cũng bị điểm thấp, 82 trên 100, về khả năng giám sát của xã hội dân sự.
Đây là lần đầu tiên Trace International, hợp tác với Rand Corporation, tiến hành bảng xếp hạng về vấn nạn hối lộ của doanh nghiệp trên thế giới.
No comments:
Post a Comment