Đại biểu tham dự kỳ họp thứ hai hàng năm của Quốc hội tại Hà Nội ngày 20 tháng 10 năm 2014. AFP
Nam Nguyên, phóng viên RFA 2014-11-13
Quốc hội Việt Nam chiều 10/11 đã đồng thuận Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 một cách khá đặc biệt. Ngay những dòng đầu tiên là lời kêu gọi Chính phủ, phải nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; bảo đảm nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn theo qui định.
Không phải ngẫu nhiên mà những khuyến cáo nặng nề lại được đưa vào đoạn mở đầu nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015.
Sử dụng vốn đầu tư chưa hiệu quả
Ưu tiên một, Quốc hội lưu ý Chính phủ phải nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công trong kế hoạch 2015. Theo Giáo sư Tiến sĩ Vũ Văn Hóa, phó hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, có nhiều tiêu chí để đánh giá hiệu quả đầu tư công trong các lĩnh vực của nền kinh tế. Nhưng nói chung là nguồn vốn bị thất thoát rất lớn, bên cạnh việc hầu hết chậm tiến độ phải nâng vốn và kết quả cuối cùng là hiệu quả không tương xứng số vốn nhà nước bỏ ra. GSTS Vũ Văn Hóa nhấn mạnh:
“ Để nâng cao hiệu quả trước hết cần xem xét đối tượng đầu tư như vậy là đã phù hợp chưa; thứ hai xem xét việc đầu tư ấy cái quá trình sử dụng vốn để đầu tư đã tiến hành thời gian theo ý định của kế hoạch đã giao hay không, Hiện nay thời gian đầu tư kéo quá dài, thường thì các công trình xây dựng bao giờ cũng vượt thời gian cả. thí dụ đáng lẽ một năm thì thành hai năm thành ra nó làm cho tiến trình đưa vào sử dụng nó rất chậm. Tôi nghĩ là hai lĩnh vực đó thì quan trọng nhất hiện nay là đầu tư dàn trải, cái đó thấy rất rõ, không tập trung vào cho nên vốn đã thiếu mà đầu tư trải ra rất nhiều mục tiêu cho nên không có đủ vốn đầu tư.”
Để nâng cao hiệu quả trước hết cần xem xét đối tượng đầu tư như vậy là đã phù hợp chưa; thứ hai xem xét việc đầu tư ấy cái quá trình sử dụng vốn để đầu tư đã tiến hành thời gian theo ý định của kế hoạch đã giao hay khôngGSTS Vũ Văn Hóa
Nợ công trở thành mối quan ngại chung
Bên cạnh khuyến cáo phải nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từ 2015. Quốc hội Việt Nam cũng đặt ra nhiệm vụ bảo đảm nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn theo qui định. Đó là nợ công không quá 65% GDP Tổng sản phẩm nội địa, tỷ lệ trả nợ trực tiếp từ ngân sách không quá 25% GDP.
Ngày 20/10/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhìn nhận trước Quốc hội là tỷ lệ trả nợ từ ngân sách Nhà nước đã ở mức 26,2% nếu tính cả số tiền vay để đảo nợ, vay mới để trả nợ cũ sắp đáo hạn. Con số này có thể đã tăng cao hơn sau khi Bộ Tài chính Việt Nam hôm 7/11 là đã phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm. Mục đích chính là vay nợ mới để trả nợ cũ sắp đáo hạn. Ngoài ra Thủ tướng cũng trấn an là nợ công vẫn an toàn.
Trả lời Đài Á Châu Tự Do ngày 15/10/2014, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định rằng, Nợ công của Việt Nam trong những năm gần đây đã tiến rất nhanh và đã trở thành một mối quan ngại chung của các chuyên gia kinh tế và của công luận ở Việt Nam. Ông nhấn mạnh:
“Đáng lo ngại là số nợ công mà bộ Tài Chính công bố lại không gồm nợ của doanh nghiệp Nhà nước, mà nợ của doanh nghiệp Nhà nước nếu không trả được cũng phải do Nhà nước trả, nghĩa là cũng sẽ trở thành nợ công, đây là một tình huống rất phức tạp, nếu tính cả số nợ của doanh nghiệp Nhà nước cộng vào thì số nợ công của Việt Nam hiện nay đã lên đến mức trên 105% của GDP và đó là một tỉ lệ quá cao.”
Đáng lo ngại là số nợ công mà bộ Tài Chính công bố lại không gồm nợ của doanh nghiệp Nhà nước, mà nợ của doanh nghiệp Nhà nước nếu không trả được cũng phải do Nhà nước trả, nghĩa là cũng sẽ trở thành nợ công, đây là một tình huống rất phức tạpTS Lê Đăng Doanh
Trước các số liệu nợ công khác biệt giữa cách tính của Bộ Tài Chính, của Ủy ban Kinh tế Quốc hội và chuyên gia nước ngoài, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long từ Hà Nội bày tỏ sự đặc biệt quan tâm về khả năng trả nợ của Việt Nam.
“Mặc dầu nợ công hiện nay dưới mức an toàn nhưng tới 2015 sẽ xấp xỉ 65%, tức là tới giới hạn đỏ và khả năng trả nợ của Việt Nam rất hạn chế. Hiện nay nợ công có xu hướng tăng nhanh, hiện nay mỗi người dân Việt Nam phải chịu hơn 900 USD/ đầu người nợ công; với thu nhập quốc dân tương đối bé với ngân sách thâm hụt rất lớn tình hình kinh tế vô cùng khó khăn; nợ công có xu hướng gia tăng, năng suất không có hiệu quả. Cho nên đó chính là những băn khoăn những khó khăn lớn nhất. Vấn đề ở đây không phải là biểu hiện của con số mà khả năng trả nợ cũng như tốc độ nợ có xu hướng tăng quá nhanh. Đây chính là sự lo lắng và cũng là sự bất cập của vấn đề nợ công hiện nay.”
Nghị quyết của Quốc hội cũng khuyến cáo Chính phủ phải thực hiện việc tăng trưởng tín dụng phù hợp, bảo đảm chất lượng tín dụng cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn; đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo hướng sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường mua bán nợ.
Giáo sư Tiến sĩ Vũ Văn Hóa từ Hà Nội nhận định:
Những dòng tiền từ trước đến nay đầu tư vào những hướng đã xảy ra ở VN như đầu tư vào vàng, đầu tư vào chứng khoán đầu tư vào bất động sản là những hướng không được hướng dẫn. Cho nên nhiều khoản tiền nằm đọng trong đó số vốn rất lớn không phát huy hiệu quảGiáo sư Tiến sĩ Vũ Văn Hóa
“Những dòng tiền từ trước đến nay đầu tư vào những hướng đã xảy ra ở Việt Nam như đầu tư vào vàng, đầu tư vào chứng khoán đầu tư vào bất động sản là những hướng không được hướng dẫn. Cho nên nhiều khoản tiền nằm đọng trong đó số vốn rất lớn không phát huy hiệu quả, đặc biệt là vào bất động sản nhà và đất tồn đọng số vốn trong đó rất lớn. Mà cái vốn này không phải là vốn tự có của nhà đầu tư mà là vốn của các ngân hàng thương mại. Điều này rất bất lợi cho các ngân hàng thương mại hiện nay nó làm cho nợ xấu tăng lên rất lớn. Giải quyết vấn đề này như thế nào thì hiện nay vẫn rất là bế tắc. Bởi vì số lượng nhà xây ra bán không được, đất cũng nằm ở trong đó và không phát huy được tác dụng. Chính phủ đang tìm cách để giải quyết vấn đề đó, nhưng tôi cho rằng sức mua của dân là có hạn bởi vì lúc đầu đã tăng giá trị của nó lên rất lớn, tạm gọi là bong bóng thì hiện nay những bong bóng đó không thể tồn tại mãi được và trở thành nợ xấu của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Đây là sự rất khó khăn của nền kinh tế Việt Nam”
Theo Nghị quyết của Quốc hội, dù muốn dù không Chính phủ Việt Nam sẽ phải cùng lúc đương đầu với các mặt trận. Thứ nhất là giữ nợ công trong giới hạn an toàn, thứ hai là mạnh tay sáp nhập các tổ chức tín dụng yếu kém để từng bước giải quyết nợ xấu, sau khi giải pháp Công ty mua bán nợ VAMC tỏ ra không có hiệu quả. Thứ ba là khi thông dòng tín dụng cho cộng đồng doanh nghiệp. Năm 2015 chính phủ đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,2%. Theo các chuyên gia con số này có thể vẫn còn là hơi cao so với khả năng thực tế của nền kinh tế.
No comments:
Post a Comment