Monday, November 17, 2014

Tương lai trẻ em Việt ‘nhuộm màu sắc’ Trung Quốc

000_Hkg10098959.jpg
Một gian hàng bán đồ chơi Trung Quốc sản xuất tại Đông Kinh, thị trấn phía bắc Lạng Sơn giáp biên giới với Trung Quốc. Ảnh chụp hôm 23/9/2014.AFP photo

Nhóm phóng viên tường trình từ VN

Đồ chơi trẻ em có nguồn gốc Trung Quốc và những tác hại khôn lường của nó đối với sức khỏe cũng như tương lai trẻ em Việt Nam vốn là đề tài đã được nhắc đến nhiều lần. Nhưng rồi đâu cũng lại vào đó, trẻ em Việt vẫn phải tiếp tục chơi đồ chơi Trung Quốc với nguy cơ nhiễm độc chì rất cao và đáng sợ hơn cả là tâm lý trẻ em Việt ngày càng trở nên manh động, bạo lực hơn bởi những mẫu đồ chơi kích thích bạo lực này. Đáng sợ hơn cả là đa phần trẻ em Việt Nam đều không có lựa chọn nào khác với đồ chơi Trung Quốc!
Đồ chơi Trung Quốc tràn lan thị trường Việt
Một người mẹ trẻ tên Hằng, ở Yên Bái, chia sẻ: "Có những gia đình nhà giàu thì họ không sợ con mình bị ảnh hưởng bởi đồ chơi Trung Quốc, mà họ sợ nó ảnh hưởng bởi Mỹ, Holywood... Trẻ con nhà nghèo như em thì khó tránh khỏi mua đồ chơi Trung Quốc. Việc này hầu như là đương nhiên...".
Theo chị Hằng, việc mua đồ chơi cho trẻ em trong nhà đối với những người làm nông, lao động như chị là một việc thắt lưng buộc bụng, chị phải nhín nhịn nhiều thứ để có đồ chơi cho con. Với mức lương trung bình từ hai triệu rưỡi đến ba triệu đồng mỗi tháng, tùy thuộc vào công ty có tăng ca hay không, cộng thêm một ít thu nhập từ đồng ruộng, chị không tài nào mua được đồ chơi Việt Nam để cho con của mình chơi, nếu là đồ chơi có xuất xứ Nhật bản và các nước châu Âu, châu Mỹ thì càng không dám mơ tới.
Bởi trẻ em chơi đồ chơi rất nhanh hỏng, không biết giữ gìn nên việc mua đồ chơi phải diễn ra hằng tháng nếu không muốn con buồn. Trong khi đó, đồ chơi Trung Quốc có giá rẻ, dao động từ hai mươi ngàn đồng đến năm mươi ngàn đồng, mỗi tháng, chị Hằng chỉ cần nhịn một ngày đi chợ thì con của chị đã có đồ chơi. Hơn nữa, ở các chợ quê, thị trấn, đồ chơi trẻ em cũng không có gì khác ngoài đồ chơi Trung Quốc như súng nhựa, lựu đạn nhựa, robot nhựa, xe tăng nhựa, kiếm nhựa, mã ấu nhựa...
Có những gia đình nhà giàu thì họ không sợ con mình bị ảnh hưởng bởi đồ chơi Trung Quốc, mà họ sợ nó ảnh hưởng bởi Mỹ, Holywood...
- Chị Hằng,  Yên Bái
Nhìn chung, các loại đồ chơi này đa phần kích động bạo lực trẻ em. Chỉ có một số món như đàn guitar nhựa, piano nhựa và xe hơi nhựa là không kích động bạo lực nhưng lại có giá tiền cao hơn rất nhiều so với mấy loại đồ chơi kia. Hơn nữa, đồ chơi Trung Quốc tiềm ẩn mối hiểm họa chết người, đã có nhiều trẻ em chơi súng hoa cải nhựa, khi bắn thì phát nổ và gây thương tích. Nhưng cho đến thời đểm bây giờ, chị Hằng vẫn không hiểu vì sao đồ chơi Trung Quốc lại hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường.
Cũng theo chị Hằng, chỉ có một thời gian ngắn chưa đầy ba tháng là ít có hàng hóa Trung Quốc nói chung và đồ chơi Trung Quốc nói riêng trên thị trường Việt Nam, đó là khoảng thời gian mà Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hầu như suốt thời gian này mọi thứ hàng hóa của Trung Quốc rất ít xuất hiện trong các chợ. Nhưng sau khi Trung Quốc rút giàn khoan đi, hàng hóa Trung Quốc lại tiếp tục ồ ạt đổ sang các chợ Việt Nam.
Chị Hằng nói vui rằng theo logic mà chị nhận thấy, phải có thêm một cái giàn khoan nào đó của Trung Cộng khoan sâu vào vùng biển Việt Nam, cái này đi thì cái kia lại thế vào, càng lúc càng lấn sâu vào gần bờ Việt Nam thì mới hy vọng giảm bớt hàng hóa Trung Quốc ở các chợ. Nhưng lúc đó người Việt lại đối mặt với một nỗi lo khác còn ghê gớm hơn nhiều.
Nhà buôn Trung Quốc tung tăng bỏ tiền Việt Nam vào túi
Cô Thủy, chủ của một trung tâm giữ trẻ tư nhân tại Yên Bái, chia sẻ: "Cái đời sống có rất nhiều đồ chơi Trung Quốc, rất khó mà thoát Trung, ngay cả hàng hóa xách tay từ Mỹ về cũng đề made in China thôi! Rất khó, có điều là mình phải ý thức về đồ chơi độc hại, cái nào nên tránh thôi... Em nghĩ rất là khó!".
Theo cô Thủy, sở dĩ đồ chơi trẻ em của Trung Quốc xuất hiện quá nhiều tại Việt Nam là vì nhiều lý do, trong đó có hai lý do không thể chối cãi: Nhà nước đã làm ngơ hoặc quan tâm không đúng mức về vấn đề trẻ em; Kinh tế Việt Nam từ những năm 1990 đến nay đã hoàn toàn phụ thuộc vào trung Quốc, nếu dứt ra, sẽ liên lụy đến nhiều vấn đề khác.
Ở nguyên nhân thứ nhất, chỉ cần nhìn chính sách thuế đối với các mặt hàng nhập từ châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khu vực với mức thuế cao ngất trong khi có rất nhiều mặt hàng của Trung Quốc trốn thuế, du nhập Việt Nam bằng con đường không chính ngạch hoặc chính ngạch nhưng đã qua chung chi, có thể dễ dàng nhận ra rằng hàng Trung Quốc cũng như nhà buôn, nhà sản xuất của Trung Quốc được ưu ái gấp trăm lần hàng hóa, nhà buôn, nhà sản xuất các nước khác.
Và ngay cả đồ chơi trẻ em sản xuất tại Việt Nam, không hiểu mức thuế được ưu tiên bao nhiêu nhưng giá thành của đồ chơi trẻ em Việt Nam luôn đắt gấp ba lần, bốn lần so với đồ chơi trẻ em Trung Quốc cùng chủng loại. Và nếu tính theo thu nhập, sẽ khó có người lao động phổ thông nào dám mua đồ chơi Việt Nam cho con mình. Trong khi đó, số lượng người lao động nghèo có thu nhập thấp, dưới mức ba triệu đồng trên mỗi tháng tại Việt Nam chiếm con số ít nhất cũng trên 70% dân số trong độ tuổi lao động.
Thử hỏi, một khi đồ chơi các nước tiên tiến có giá quá cao, đồ chơi Việt Nam cũng có giá cao không kém trong khi chất lượng sử dụng lại rất kém so với ngay cả đồ chơi do Trung Quốc sản xuất bán giá rẻ ngoài thị trường thì cơ hội lựa chọn nào dành cho người nghèo nếu không phải là đồ Trung Quốc? Hơn nữa, với ngưởi có mức thu nhập thấp, cái ăn, cái mặc và chỗ ở còn là nỗi lo toan hằng ngày, huống gì chuyện tác hại sức khỏe mà chỉ nghe đài, báo nói chứ không được nhìn thấy cụ thể! Thói quen ăn mì tôm cứu trợ, ăn mì tôm thay canh, xài hàng rẻ tiền vốn là thói quen được huông tập bởi cái nghèo và thất nghiệp.
Cái đời sống có rất nhiều đồ chơi Trung Quốc, rất khó mà thoát Trung, ngay cả hàng hóa xách tay từ Mỹ về cũng đề made in China thôi!
- Cô Thủy, Yên Bái
Ở nguyên nhân thứ hai, từ năm 1990 đến nay, hàng hóa Trung Quốc ồ ạt sang Việt Nam với giá rẻ bèo đã xô dạt mọi thức hàng hóa của các quốc gia khác cùng với tính cẩn thận, coi trọng sức khỏe của người Việt. Hiện tại, giả sử nhà nước có làm một cuộc vận động bài trừ hàng Trung Quốc thì cũng chẳng mấy ai hưởng ứng tuyệt đối. Bởi chính sách nhà nước đã ưu tiên cho hàng hóa Trung Quốc độc chiếm, độc diễn trên thị trường Việt Nam đã gần hai mươi lăm năm.
Nói cho cùng, những người Việt lớn tuổi đã tích tập một lượng lớn độc hại từ vật chất đến tinh thần bởi hàng hóa Trung Quốc. Nhưng đó là chuyện của người lớn, trẻ em vô tội, chúng vẫn đang nhận chịu những tác hại từ hàng hóa Trung Quốc từng ngày, từng giờ vào thân thể, trí não. Và nguy cơ tương lai Việt Nam bị vong thân vì Trung Quốc đang đến rất gần!

No comments:

Post a Comment