Trần Hoàng Lan (Danlambao) - Ngày nay có lẽ không còn một quốc gia nào nghi ngờ vai trò quyết định của giáo dục đối với sự phát triển của mình. Cộng sản Việt Nam là một trong số các quốc gia đã sớm nhận ra điều này. 8/1945 vừa cướp được chính quyền thì ngay tết trung thu năm ấy Hồ Chí Minh đã có thư gửi cho thiếu nhi toàn quốc trong đó viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không? Dân tộc Việt Nam có sánh vai được với các cường quốc năm châu hay không? đó là nhờ công học tập của các cháu”. Ông Phạm Văn Đồng cũng từng tôn vinh các thầy cô giáo hết lời: “nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Các cơ sở giáo dục hầu như nơi nào cũng lấy câu: “vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” làm khẩu hiệu. “Giáo dục là quốc sách” luôn được nhấn mạnh trong các chỉ thị, nghị quyết của đảng và được "phụ họa" bằng không ít những tác phẩm văn học nghệ thuật ca ngợi các thầy cô, sự nghiệp trồng người, ngành giáo dục. Ngân sách cùng các chính sách ưu tiên dành cho ngành giáo dục không ngừng tăng lên đặc biệt là hơn chục năm gần đây. Sẵn có truyền thống lạc quan người dân Việt Nam đã tràn đầy hy vọng đất nước sẽ sớm cất cánh để trở thành con hổ, con rồng của châu Á.
Nhưng 20 năm.. 30 năm... rồi ngót 40 năm trôi qua kể từ khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam vẫn thuộc diện... nghèo thậm chí lại tụt hậu với cả những nước trước đây kém phát triển hơn mình. Định đổ cho chiến tranh thì chiến tranh đã qua từ lâu và thực tế cùng các thời gian nói trên nhiều nước sau chiến tranh đã có những bước phát triển kỳ diệu. “Người ta” bèn tìm ra nguyên nhân là giáo dục Việt Nam lạc hậu, trì trệ không đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước. Và thế là... một cuộc “khám bệnh, kê đơn, bốc thuốc” cho “con bệnh giáo dục Việt Nam” bắt đầu. Chẳng cần nhiều thời gian, các chuyên gia giỏi, các nhà giáo lâu năm, các nhà hoạch định chiến lược, các nhà... đã thi nhau tìm ra những căn bệnh của giáo dục Việt Nam. Từ căn bệnh mà lý do mắc phải cũng chỉ vì "mong muốn tiến bộ" như “bệnh thành tích” đến căn bệnh trầm trọng là “sai về triết lý giáo dục”. Có những căn bệnh tưởng như không thể nào chữa được vì luẩn quẩn như bệnh “nghèo nên không có tiền làm giáo dục”. Cả loại chữa dễ như bỡn là bệnh “lãnh đạo ngành giáo dục chưa giỏi” vì... Việt Nam không bao giờ thiếu người tài. Tất nhiên căn bệnh phổ biến tham nhũng, lãng phí thì “con bệnh giáo dục Việt Nam” cũng không thể tránh khỏi...
Với một cơ thể bệnh tật đầy mình thì việc coi bất kỳ một bệnh nào trong số các bệnh nêu trên là bệnh cần chữa ngay là điều dễ hiểu. Bởi vậy “con bệnh giáo dục Việt Nam” đã nhanh chóng được “bốc” các loại “thuốc” tương ứng. Để dẹp luận điệu cho rằng: giáo dục Việt Nam không có tính nhân bản tức là sai về triết lý “người ta” đưa ra khẩu hiệu “học để làm người, làm cho dân giàu, nước mạnh” (1). Cho rằng “chương trình giáo dục lạc hậu” người ta tiến hành cải cách giáo dục nâng thời gian học phổ thông từ 10 lên 12 năm, sửa đổi chương trình, viết lại sách giáo khoa. Thấy hiện tượng “sa sút đạo đức nghề nghiệp của giáo viên ” trở nên phổ biến "người ta" yêu cầu, phát động “mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”, “học tập làm theo tấm gương Hồ Chí Minh”, “trường học thân thiện, học sinh tích cực” (2). Khắc phục vòng luẩn quẩn “nghèo nên không có tiền làm giáo dục”, “người ta” vay tiền nước ngoài, thu hút các dự án đầu tư cho giáo dục, xã hội hóa giáo dục (thực chất là bắt toàn dân đóng góp tiền cho giáo dục). Để ngăn chặn nạn “thi cử không nghiêm túc ảnh hưởng đến chất lượng”, “bệnh thành tích” "người ta" vận động phong trào “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Còn tham nhũng, lãng phí trong giáo dục cũng như ở các ngành, lĩnh vực khác luôn được dùng chung một liều thuốc là các chỉ thị nghị quyết của đảng về chống tham nhũng, lãng phí thường xuyên được nhắc lại có đổi mới câu chữ. Ngành giáo dục còn thay ông bộ trưởng vốn là tiến sĩ ở Liên Xô cũ bằng một ông tiến sĩ tốt nghiệp ở đại học Harvard Hoa Kỳ (nơi được coi là có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới). Coi giáo dục đại học là đầu tàu “người ta” cũng dự kiến phấn đấu trong 15 năm tới Việt Nam sẽ có 5 trường đại học đẳng cấp quốc tế, có thêm hàng nghìn tiến sĩ. Mục tiêu nâng cao dân trí của giáo dục cũng được “người ta” hết sức chú trọng thậm chí còn sốt sắng để hoàn thành gấp bằng cách mở thêm rất nhiều trường đại học ở các địa phương đa dạng hóa các loại hình đào tạo như tại chức, từ xa, liên kết, liên thông. Chuyện thật tưởng như bịa: thành phố nọ ra chỉ tiêu phấn đấu để sau vài năm tới 100% thành ủy viên có bằng tiến sĩ...
Như vậy với mỗi một căn bệnh dù nặng, dù nhẹ của giáo dục đều đã được "bốc" một liều "thuốc" thích hợp tương ứng. Người dân Việt Nam lại kiên nhẫn chờ đợi... và lại thất vọng vì ước muốn rất khiêm tốn là giáo dục Việt Nam có những biến chuyển tích cực của họ vẫn chưa có được. Bức tranh thực trạng xã hội Việt Nam hiện nay trong đó giáo dục là một chi tiết đã phơi bày tất cả. Cải cách giáo dục thất bại. Chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau bao lần viết đi viết lại vẫn thấy chưa ổn và có thể tiếp tục phải viết lại. Thất thoát lãng phí trong giáo dục ngày càng tăng được đo bằng tỷ lệ giữa tiền nhà nước, tiền nhân dân, tiền vay của nước ngoài chi cho giáo dục rất nhiều nhưng hiệu quả thu được rất ít. Bệnh thành tích được đo bằng tỷ lệ học sinh khá giỏi, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp có giảm được một vài năm nhưng lại tăng trở lại và cao hơn trước. Đạo đức nhà giáo sa sút tới mức có cả một hiệu trưởng tổ chức mua bán dâm với chính học sinh trong trường của mình. Ngày khai trường hàng năm không khí hồ hởi, phấn khởi của phụ huynh khi đưa con em tới trường dần thay bằng nỗi âu lo về gánh nặng tài chính đóng góp cho đủ các loại thu ngày càng tăng do nhà trường đề ra. Một mục tiêu của giáo dục là đào tạo nhân lực thì nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay được đánh giá là vừa thiếu, vừa yếu. Trong các kỳ họp hội đồng nhân dân, họp quốc hội nếu được tự do chất vấn thì giáo dục thường có nhiều chất vấn hơn các ngành khác và cứ đều đều từ kỳ họp này đến kỳ họp khác những nội dung chất vấn cũ được lặp đi lặp lại vì không sửa được. Số 1 Việt Nam là Đại học Bách Khoa Hà Nội xếp thứ 1932 trên toàn cầu. Bức tranh giáo dục Việt Nam còn ảm đạm hơn khi điểm thêm bảng thống kê đánh giá so sánh giáo dục các nước của các tổ chức quốc tế.
Thực trạng trên cho thấy các loại bệnh của giáo dục Việt Nam mặc dù đã được chữa chạy rất sốt sắng, tận tình nhưng không khỏi mà xem chừng lại ngày càng nặng thêm. Nói giáo dục Việt Nam trì trệ, lạc hậu kìm hãm sự phát triển của đất nước cũng chẳng phải là oan uổng nhưng có lẽ chưa công bằng. Vì nhìn qua, nhìn lại thấy không riêng gì giáo dục mà bất kỳ một ngành nào, lĩnh vực nào,.. cũng đầy dẫy những tiêu cực, bất cập, yếu kém, lạc hậu... Thực trạng của chúng cùng thực trạng giáo dục đã góp phần vẽ nên bức tranh u ám của Việt Nam ngày nay. Cả hai đều xuất phát từ một nguyên nhân. Chính nguyên nhân này đã vô hiệu hóa hầu hết các loại "thuốc" chữa bệnh cho ngành giáo dục. Từ chuyện ngành giáo dục liên tưởng tới chuyện của cô gái mắt toét ở một làng toàn người toét mắt thời xưa trong hai câu ca dao: “Toét mắt là tại hướng đình. Cả làng cùng toét đâu mình riêng em” thấy có điểm tương đồng. Nhưng phần kết của chúng thì lại hoàn toàn trái ngược: Nhờ y học cô gái mắt toét ở làng nọ đã rõ: rửa mặt bằng nước ao tù gây bệnh mắt hột dẫn tới toét mắt chứ không phải tại cái "hướng đình" như vẫn lầm tưởng. Và rửa mặt bằng nước sạch cộng với điều trị tích cực đã giúp người dân cả nước hầu như thanh toán được bệnh mắt hột, mắt toét. Còn hiện thời những người làm giáo dục hẳn là phải biết cái "ao tù" gây "toét mắt" cho "cô gái giáo dục" cũng như bao nhiêu "cô gái" khác trong "làng Việt Nam" là thể chế độc tài, độc đảng. Nhưng vì thế này, thế nọ họ vẫn cố tình không đả động gì tới mà chỉ lăm le đề xuất hết dự án này đến dự án khác để kiếm phần trăm cho túi tiền của mình bất chấp hiệu quả. Gần đây nhất lại om sòm, rùm beng quảng cáo cho "trận đánh lớn trong giáo dục". Trận... mà chưa đánh đã biết nhân dân là kẻ thua đậm. Khổ thân "cô gái giáo dục"! "Toét mắt" đã chẳng khỏi, lại tiếp tục bị "làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền". (3)
(Nhân dịp kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam)
No comments:
Post a Comment