Monday, November 17, 2014
Công Lý hài và Công Lý cán cân
Báo Tuổi trẻ, Thanh niên, VN Exprees, Một Thế Giới… đồng loạt đưa tin về việc diễn viên hài Công Lý bức xúc khi thấy hình của mình bị cắt xén, trần như nhộng với chiếc quần xà lỏn và hai tay dang rộng làm cán cân công lý trên bìa của cuốn sách “Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014”. Có bài viết giễu nhại rằng có thể người viết sách “xem công lý chỉ là chuyện hài hước, giống như tên của một diễn viên hài”, cũng có bài thể hiện quan điểm công kích người đã cho in cuôn sách đã hành xử thiếu văn hoá… Nhìn chung, mọi hướng nhìn đều không thiện cảm với cuốn sách kì quái này!
Và, có một điều gây ngạc nhiên, đây là cuốn sách luật, cuốn sách để làm tư liệu giảng dạy và thực thi công lý nhưng lại hội tụ đủ ba yếu tố: Vô Văn Hoá; Không có tính khoa học và; Phi nhân quyền.
Ở khía cạnh thứ nhất, sự vô văn hoá không phải đến một chiều giữa nhóm làm sách, người chịu trách nhiệm ấn loát cuốn sách với diễn viên hài Công Lý mà là hành xử vô văn hoá mang tính tập thể có tác động đến cộng đồng, hay nói khác đi là nhóm làm sách, chịu trách nhiệm xuất bản không những không tôn trọng diễn viên Công Lý mà còn không tôn trọng cả bạn đọc và các thế hệ làm luật, học luật tại Việt Nam (ở khía cạnh này không có yếu tố thiếu tôn trọng các thế hệ học luật của nước ngoài vì chưa chắc họ đã xem Việt Nam là nước có công lý/pháp luật!?).
Với diễn viên Công Lý, việc dùng photoshop để dán một phần thân thể trần trụi, cơ bắp nào đó vào gương mặt của anh rồi sau đó đeo hai dĩa cân công lý vào bàn tay của anh, biến anh thành một trò hề trên bìa sách là một việc không những không thể tha thứ được mà nó còn lột trần bản chất vô văn hoá của một tập thể in ấn, kiểm duyệt và phát hành cuốn sách này. Trong đó không ngoại trừ Bộ trưởng Bộ Tư Pháp và Thủ tướng Việt Nam.
Ngược lại, với nhân dân, với những người bỏ tiền ra mua cuốn sách này để về đọc, đương nhiên là kẻ in sách đã hoàn toàn không có thái độ nghiêm túc, xem thường bạn đọc, xem thường công lý cũng như xem thường nguyện vọng thực thi và áp dụng công lý trong nhân dân. Điều này như một chỉ dấu cho thấy Việt Nam không có một hệ thống khoa học về công lý cũng như không có đội ngũ có trách nhiệm để chuyển hoá công lý thành một môn khoa học thường thức.
Và, xét trên góc độ khoa học, ngay từ bìa cuốn sách cùng với hình ảnh minh hoạ trên đó đã cho thấy đây là cuốn sách thiếu tinh thần khoa học, đặc biệt là khoa học về luật pháp/công lý. Bởi lẽ, ngay cả yếu tố đơn giản và căn bản nhất là tôn trọng sự thật, tôn trọng nguyên bản, bìa sách đã không có được điều này.
Kiểu chơi lắp ghép hình ảnh đầy chất vô văn hoá của cuốn sách cộng với thông điệp về công lý trên đó cho thấy cuốn sách chỉ là sự giễu nhại một cách vô ý thức về tinh thần khoa học cũng như nội dung pháp luật chứa bên trong. Người ta không thể nào tin và xem là bình thường một khi công lý lại đánh đồng với gương mặt của diễn viên hài Công Lý để rồi sau đó là một chuỗi dài ý niệm vừa bôi nhọ đối tượng trong hình bìa cũng như phần nội dung bên trong cuốn sách.
Một khi tinh thần khoa học không có trong một cuốn sách, và hơn nữa đây là cuốn sách không mang tinh thần văn hoá lành mạnh ngay từ cái bìa thì e rằng nó không thể là một cuốn sách có tính dân chủ được. Vì dân chủ hàm chứa cả văn hoá và khoa học, đây là hai tố chất làm nên cơ thể dân chủ. Mà cũng chính vì thiếu dân chủ nên những người in sách về công lý mới dám mạo phạm đến tính riêng tư, quyền riêng tư của người khác một cách không còn gì để bàn như vậy (cụ thể ở đây là diễn viên hài Công Lý). Nhìn chung, đây là cuốn sách “khoa học” có hình bìa khôi hài thuộc vào bậc nhất trong lịch sử ấn loát Việt Nam. Nhưng, vấn đề mấu chốt vẫn chưa nằm ở đây. Mà là: Tại sao người ta có thể giễu nhại một cách vô tội vạ như vậy?
Câu trả lời là: Mặc dù người chịu trách nhiệm xuất bản, người thiết kế bìa, người kiểm duyệt sách có mù vẫn nhìn thấy sự sai quấy trong bìa sách nhưng người ta vẫn cho in. Vì lẽ, sách thời thị trường, in ra thì phải bán cho chạy, nhắm vào tâm lý vốn rất coi thường đội ngũ biên soạn sách giáo khoa của nhà nước cũng như sự mất niềm tin, tính khôi hài trong cái nhìn của trí thức về phía cơ quan thi hành pháp luật Việt Nam (với hàng loạt oan sai, thiểu năng và yếu kém trong hàng trăm phiên toà phi lý) để mà biến sản phẩm thành hàng hoá trên thị trường. Không có cách nào bán nhanh chạy hơn một cái bìa sách khôi hài và có chút gì đó giễu cợt chính bản thân nó (pháp luật Việt Nam) theo kiểu “cán cân công lý là hai quả cân treo trên hai cánh tay của Công Lý, vậy thôi! Chẳng có gì hơn ở xứ sở này đâu!
Và ở đây cho thấy, có một sự đồng cảm giữa người biên soạn sách về pháp luật với những người tiêu thụ nó. Dường như giữa họ có chung sự mất niềm tin và xem nó như một thứ trò hề, không hơn không kém! Rất tiếc là cuộc chơi này đã đi quá đà dẫn tới một biểu niệm khác, làm cho mọi chuyện trở nên rối rắm!
11/17/2014 - 17:35
VietTuSaiGon's blog
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment