(Baodatviet) - Bộ Ngoại giao TQ đã phải nhận lỗi về việc tàu cá chở 11 ngư dân nước này tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật để ăn trộm san hô
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 3/11, một phóng viên đã hỏi: “Gần đây, hoạt động khai thác trái phép san hô đỏ của tàu cá Trung Quốc tại vùng biển đặc quyền kinh tế Nhật Bản có xu hướng gia tăng. Vì thế, cảnh sát biển Nhật Bản đã bắt giữ ngư dân của Trung Quốc, phía Trung Quốc có bình luận gì về sự việc này?”.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh đã "nhận lỗi" về vụ việc này.
Bà Hoa trả lời: “Trung Quốc trước sau như một, coi trọng công tác bảo vệ động thực vật biển trước nguy cơ tuyệt chủng, yêu cầu ngư dân tác nghiệp sản xuất trên biển theo pháp luật, cấm hành vi khai thác san hô đỏ trái phép”.
Bà Hoa còn nói, “các cơ quan hữu quan của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý hành pháp. Đồng thời, chúng tôi cũng yêu cầu Nhật Bản xử lý vấn đề có liên quan một cách văn minh, lý trí, theo pháp luật, công bằng và thỏa đáng”.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bà Hoa Xuân Oánh |
Được biết, cảnh sát Biển Nhật Bản hôm 16/10, đã bắt giữ một tàu cá và 11 ngư dân Trung Quốc. Tàu cá này bị tình nghi là đã khai thác trộm san hô đỏ ở vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Chiếc tàu mang số hiệu “Chiết Động Ngư Vân 10180” của Trung Quốc đã bỏ chạy sau khi phớt lờ yêu cầu tấp vào bờ một đảo thuộc quần đảo Ogasawara, cách Tokyo 1.000 km về phía nam.
Theo một thông cáo của Cảnh sát Biển Nhật Bản, sau cuộc rượt đuổi trong vòng 85 phút, lực lượng này đã khống chế và bắt giữ tàu cá này cùng với 11 ngư dân.
Truyền thông Nhật Bản trước đó đưa tin, số lượng tàu thuyền đánh cá của Trung Quốc bị nghi ngờ tìm kiếm san hô đỏ tại vùng biển ngoài khơi Ogasawaras đã tăng lên kể từ mấy tháng gần đây. Loại san hô này có giá trị cao ở Trung Quốc vì dùng vào việc chế tác làm đồ trang sức.
Trước hành động xâm phạm vùng biển đặc quyền của Nhật Bản, khai thác trộm san hô được bảo tồn, Bắc Kinh đã tỏ ra nhận lỗi. Tuy nhiên, những hành động tương tự được ngư dân Trung Quốc với Philippines lại có cách ứng xử khác.
Tàu Min Yong Lu mắc cạn trong bãi san hô Tubbataha |
Hồi tháng 4/2014, Cảnh sát biển Philippines phát hiện tàu Min Yong Lu trong bãi san hô Tubbataha được công nhận là di sản Thiên nhiên thế giới. Tàu này với 12 thuyền viên đã phá hỏng 4.000 m2 san hô có tuổi đời hàng trăm năm. Trên tàu còn có 100 con tê tê, một loài động vật trong sách đỏ.
Hồi tháng 5/2014, Cảnh sát biển Philippines đã bắt giữ 11 thuyền viên trên tàu cá Trung Quốc, phát hiện hơn 500 con rùa biển bị bắt trộm, một số con đã chết.
Bắc Kinh đã gây sức ép để Manila tha bổng những thủy thủ này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc thời điểm đó kêu gọi Philippines "lập tức" thả những ngư dân bị bắt cùng tàu cá. Thậm chí Bắc Kinh còn yêu cầu Manila có "sự lý giải hợp lý", và những yêu cầu này được chính người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Bà Hoa Xuân Oánh đưa ra.
Tháng 8/2014, Manila đã kết án 12 năm tù thuyền trưởng tàu Min Yong Lu và 6 - 10 năm tù các thuyền viên. Phạt tài chính 100.000 USD/người. Các thủy thủ Trung Quốc bị bắt hồi tháng 5/2014 đang chờ được xử.
Minh Tuệ (Tổng hợp ANTĐ, ĐVO)
No comments:
Post a Comment