Tuesday, November 4, 2014

Thổi kèn bắt rắn

Nhớ hồi năm 2009, nhiều người hy vọng đề tài bauxite Tây Nguyên đưa ra bàn bạc tại Quốc Hội có cơ may đảo ngược số phận. Tôi vốn bi quan, nên biết tỏng tòng tong chung cuộc sẽ tới đâu.

Trong cuộc chơi ma quỷ này ông Nguyễn Tấn Dũng đã khôn khéo chia đôi dự án Bauxite Tây Nguyên thành hai dự án Nhân Cơ và Tân Rai, mỗi dự án dưới 600 triệu USD, không vượt giới hạn trình Quốc Hội phê duyệt.

Chưa biết ý Quốc Hội ra sao, trong khi dư luận phản kháng trong và ngoài nước sôi sục, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Ðình Ðàn đã khẳng định “chắc chắn Quốc Hội sẽ hoàn toàn ủng hộ.”

Còn Bộ Trưởng Phạm Khôi Nguyên cam đoan bộ đã đánh giá rất kỹ các ý kiến góp ý của các nhà lãnh đạo và các nhà khoa học, nhưng vẫn tiến hành đầu tư.

Ông ta còn nói trâng tráo, dự án được đầu tư “dựa trên đánh giá và báo cáo, còn thực hiện có tốt được như vậy không lại là vấn đề khác.”

Sếp của tập đoàn Than Ðoàn Văn Kiển thì phát biểu hết sức ngu xuẩn: “Ô nhiễm hay không, có làm mới biết!”

Nhưng cuối cùng vì là “chủ trương lớn của Bộ Chính Trị” (Tổng Bí Thư Nông Ðức Mạnh đã “trót” hứa với người “bạn vàng” Trung Quốc), nên không thể không làm.

Tới nay cả dự án Bauxite đã đầu tư trên 3.1 tỷ USD, gấp đôi mức giới hạn Quốc Hội trình duyệt, ngổn ngang với bao nhiêu bê bối. Trong dự toán, tiền vận chuyển quặng đã không được tính tới, giờ phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng đường sá, bến cảng. Công nghệ sử dụng của Trung Quốc lỗi thời, tiêu hao điện năng dữ dội. Ðập cuối đuôi vừa bị vỡ trong tháng 9 năm 2014, tràn bùn đỏ ra ngoài, môi sinh có nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng. Tính đủ chi phí, kẻ cả bỏ thuế xuất khẩu 20%, số lượng quặng khai thác bán lỗ ròng trong nhiều năm, mỗi năm 33 triệu USD.

Thế nhưng vẫn chưa phải là bài học. Tiền bỏ túi vẫn là thượng sách!

Trong kỳ họp Quốc Hội lần này, tưởng nói cho vui, ai dè Bộ Giao Thông Vận Tải đã đưa ra Quốc Hội để xin chủ trương xây dựng sân bay Long Thành với số tiền đầu tư 6.7 tỉ USD.

Bộ Trưởng Ðinh La Thăng cho rằng, “Kết quả nghiên cứu quy hoạch cho thấy, việc xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành là phù hợp, cần thiết và hiệu quả cho sự phát triển lâu dài của ngành hàng không dân dụng nói riêng và cho cả nước nói chung.”

Ông Thăng cũng nói thêm xây dựng sân bay Long Thành là cần thiết, bởi vì nó sẽ trở thành một sân bay quốc tế trung chuyển, có tầm cỡ quốc tế, khu vực.

Thế nhưng, vì xuất phát điểm thiếu trong sáng nên toàn bộ luận cứ, số liệu mà Bộ Giao Thông Vận Tải đưa ra mù mờ, thiếu chặt chẽ. Số liệu về sản lượng hàng không sân bay Tân Sơn Nhất đã bị thổi phồng nhằm ngụy tạo tình trạng quá tải và tạo ra nhu cầu ảo để mong được thông qua dự án sân bay Long Thành.

Quy mô sản lượng hàng không 100 triệu khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm của sân bay Long Thành (tương lai) là những con số tùy tiện, không có căn cứ vào dự báo ở thời điểm nào. Dự báo sản lượng hàng không đến năm 2050 chỉ dựa vào số liệu 15 năm phát triển ban đầu của sân bay Tân Sơn Nhất từ năm 1995 đến 2009 mà độ chính xác và tin cậy rất đáng ngờ vực.

Sân bay Tân Sơn Nhất không “quá tải” như chủ đầu tư dự án sân bay Long Thành tuyên truyền. Khuynh hướng trong 8 năm vừa qua là số chuyến bay quốc tế, số hành khách quốc tế và số lượng hàng hóa quốc tế của sân bay Tân Sơn Nhất đều giảm. Sự gia tăng số chuyến bay, số hành khách và số lượng hàng hóa là do thành phần nội địa.

Số liệu của Cục Thống Kê Sài Gòn do cảng hàng không Tân Sơn Nhất cho thấy từ năm 1996-2000 hành khách tăng bình quân 6.8%/năm, trong đó khách quốc tế tăng 7.5%, khách nội địa tăng 5.8%. Trong giai đoạn 2001-2010 lượng khách tăng bình quân 10.8%/năm, trong đó khách đi đường nội địa tăng 15.6% còn khách đi đường quốc tế chỉ tăng 6.1%/năm. Trong 2 năm 2011-2012 bình quân mỗi năm lượng khách giảm 4.9%, trong đó nội địa giảm 4.4% và quốc tế giảm 5.6%.

Nhìn dài hạn kể cả những năm có tốc độ tăng trưởng cao thì lượng hành khách cũng chỉ tăng trong khoảng 10% mà có xu thế khách nội địa tăng cao hơn khách quốc tế. Nếu theo xu hướng của năm 2001-2010, dự tính đến năm 2015 lượng khách tăng được khoảng 16 triệu, tới năm 2020 sẽ là 24 triệu khách. Và đến khi đó thì Tân Sơn Nhất có thể mới quá tải, nếu không mở rộng.

Con số 9.1 tỷ USD mà Bộ Giao Thông Vận Tải nói để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cũng không đúng.

Ông Nguyễn Bách Phúc, chủ tịch Hội Tư Vấn Khoa Học Công Nghệ & Quản Lý HASCON, viện trưởng Viện Ðiện-Ðiện Tử-Tin Học trên cơ sở phân tích các tiêu chí chủ yếu để đánh giá năng lực của một sân bay cho rằng, cải tạo mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất có lợi về mặt kinh tế, địa chính trị, có thể nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất phục vụ đến 56 triệu hành khách/năm mà vốn đầu tư chưa đến 2 tỉ USD.

Tân Sơn Nhất đang có 2 đường băng đạt tiêu chuẩn quốc tế, đường phía Bắc dài 3,200 mét, rộng 45 mét, đường phía Nam dài 3,800 mét, rộng 45 mét, có khả năng tiếp nhận những máy bay lớn nhất thế giới hiện nay như Abus 380 với 850 hành khách, Boeing 747-400 với 660 hành khách.

Sân bay Hồng Kông cũng chỉ có 2 đường băng rộng 45 mét, dài 3,800 mét, nhưng có năng lực 87 triệu hành khách/năm.

Mặt khác, Việt Nam có quá nhiều sân bay so với các nước trong khu vực, nhiều sân bay quốc tế chưa sử dụng hết công suất như: Cần Thơ, Phú Quốc, Liên Khương, Cam Ranh, Phú Bài,... Vì vậy, việc xây dựng thêm sân bay Long Thành là một sự lãng phí rất lớn, bởi chất lượng dịch vụ, tính cạnh tranh quốc tế của Việt Nam còn kém, khó khai thác hết năng lực sân bay Long Thành theo dự án.

Thế nhưng, thực chất vùng đất trống hơn 100 hécta do quân đội quản lý gần sân bay có thể sử dụng đang được chuẩn bị làm sân golf chính là rào cản cho việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.

Việt Nam đang là một nước nghèo mà sân golf mọc lên quá nhiều so với nhu cầu. Ðất do quân đội quản lý là của nhà nước thì nhà nước có quyền thu hồi phục vụ cho mục đích dân sinh, công cộng. Chỉ vì lợi ích thiển cận, người ta sẵn sàng nhắm mắt, làm ngơ trước lợi ích kinh tế to lớn và lâu dài của đất nước. Sân golf chỉ để giải trí cho số ít người nước ngoài và những kẻ lắm tiền, nhiều bạc, còn sân bay là bộ mặt của thành phố, của cả đất nước, phục vụ cho hàng chục triệu người.

Trong khi dự án khổng lồ mà vốn liếng gần như bằng không, Bộ Giao Thông Vận Tải chắc muốn thổi kèn bắt rắn? Cho đến giờ này, khi Bộ Giao Thông Vận Tải xin chủ trương của Quốc Hội, chưa nước nào có ý định bỏ tiền ra cho dự án sân bay Long Thành.

Ðược biết, Vietnam Airlines sẽ dùng 5 nghìn tỷ đồng (tương đương 240 triệu USD) vào việc giải phóng một phần mặt bằng cho dự án Long Thành, tức là chỉ hơn 3% trong tổng số tiền đầu tư giai đoạn 1 là 6.7 tỷ USD, còn với cả dự án trên 18.7 USD thì chỉ khoảng 0.128%. Tiền đâu ra? Bằng cách bán tháo quyền khai thác đường cao tốc, bán sân bay Phú Quốc, vay ODA, phát hành trái phiếu, vay nợ, gọi vốn tư nhân?

Phải vay mượn trong khi nợ công của Việt Nam tăng cả về tỷ lệ lẫn số tuyệt đối, từ mức 50% năm 2011 lên 64% GDP năm 2015 (tốc độ tăng nợ khoảng 18-25% một năm) đấy là chưa tính nợ của doanh nghiệp nhà nước.

Từ năm 2012 đã phải thực hiện vay để đảo nợ, dành một phần vay về để trả nợ. Ðến 2015 vẫn phải đảo nợ và số đảo nợ ngày càng tăng, từ 77 ngàn tỷ đồng của 2014 đã lên 130 ngàn tỷ đồng. Năm 2015, chính phủ dự kiến chi trả nợ 150 ngàn tỷ đồng, chiếm 13.3% tổng chi ngân sách nhà nước và tăng 25% so với dự toán chi 2014. Nợ khó đòi vượt 500 nghìn tỷ đồng, theo báo cáo chính thức của thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước.

Thế nhưng người ta vẫn phải nỗ lực tìm ra quy hoạch, dự án. Càng to càng tốt. Theo đại biểu Quốc Hội Lê Như Tiến thì “chỉ có một số người quyết định đầu tư, chủ quản đầu tư, chủ thầu xây dựng, ban quản lý dự án, công trình là được hưởng lợi. Họ thích vẽ ra những dự án hoành tráng, vì công trình, dự án càng lớn thì phần trăm chảy vào túi cá nhân càng nhiều theo phép tính tỷ lệ thuận” (vov.vn ngày 31/10/2014).

Có vẻ nôn nóng muốn làm cú vét trước khi nội các có thể thay đổi vào năm 2016, bị vuột khỏi tay dự án đường tàu cao tốc với mức đầu tư 56 tỷ USD, Bộ Trưởng Ðinh La Thăng đã “tìm ra” dự án sân bay Long Thành, nhỏ hơn, nhưng cũng tới 18.7 tỷ USD và đã được ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng duyệt ngay bằng Quyết định số 909/QÐ-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2011.

Chỉ cần Quốc Hội có bỏ phiếu thông qua chủ trương xây dựng sân bay Long Thành, ngân sách phải chi ngay 150 triệu USD (2-3% mức đầu tư) cho việc tư vấn khảo sát, lập hồ sơ thiết kế...

Như vậy, nếu Quốc Hội bấm nút đồng ý, chưa nói gì đến xây cất, phe nhóm ông Ðinh La Thăng-Nguyễn Tấn Dũng cũng đã kiếm quả này bộn tiền!
11-03-2014 1:54:11 PM
Lê Diễn Ðức
Theo Người Việt

1 comment:

  1. TRUYỀN ĐƠN TỐ CÁO.
    NHÂN VẬT SỐ MỘT ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG NHẬN HỐI LỘ 100 LƯỢNG VÀNG ĐỂ DUNG TÚNG BAO CHE CHO NHỮNG TỘI ÁC CƯỚP CỦA - GIẾT NGƯỜI.
    Hộp thư spam nay đã có 4583 số lần xem trang.

    ReplyDelete