Đăng Bởi -
Ông Đương và ông Phước không tạo ấn tượng ở mặt chuyên môn mà "tạo ấn tượng" bằng những phát ngôn gây sốc
Đó là những sự việc ầm ĩ đã và trở thành tâm điểm của kỳ họp Quốc hội. Sự kiện này tương tự như sự kiện “tứ đại ngu” do đích thân ông Phước tạo nên khi đả kích ông Dương Trung Quốc trong kỳ họp trước.
Có một thực trạng đáng buồn, sức nóng từ nghị trường dường như không đến từ các cuộc thảo luận chính sách. Những bức xúc dân sinh đến các vấn đề bức thiết của kinh tế xã hội chưa được đại biểu phản ánh đúng mực. Trong khi bản thân nhiều đại biểu lại gây sóng gió bằng những phát biểu chẳng liên quan gì đến chuyện đại sự.
Bằng cách đó, đại biểu không chỉ làm lãng phí thời gian của mình mà còn làm lãng phí thời gian của Quốc hội. Trong khi Quốc hội vốn dĩ có rất ít thời gian cho hàng loạt những vấn đề dàn trải từ vi mô đến vĩ mô, lại phải bỏ thêm thời gian giải quyết những vấn đề nội bộ giữa các đại biểu. Lãng phí thời gian là một sự lãng phí rất lớn.
Sẽ không có gì đáng nói nếu những phát ngôn gây sóng gió của đại biểu liên quan đến những vấn đề Quốc hội đang bàn thảo. Vì với thời lượng khống chế, những bài phát biểu khó có thể diễn tả hết tâm huyết của người tham luận. Khi đó, báo chí là một kênh hữu dụng.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa thông qua báo chí phản ánh thực trạng chất lượng đại biểu Quốc hội. Cũng có thể cho là ông có tâm huyết, có trăn trở với chức trách của mình. Có thể hiểu là vì sự tiến bộ chung.
Đúng như một vị đại biểu Quốc hội nhận xét, việc đại biểu Trương Trọng Nghĩa thu thập và phản ảnh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội và cơ quan nhà nước hữu quan là hoàn toàn phù hợp với trách nhiệm của mình.
Còn ông Hoàng Hữu Phước viết Blog đả kích đồng nghiệp hoàn toàn là vì động cơ cá nhân. Nếu vì cái chung, ông đã sử dụng diễn đàn Quốc hội, phương tiện truyền thông đại chúng... để phản biện. Rõ ràng các đại biểu Quốc hội đều có quyền tranh luận, phản biện lại người khác.
Nhưng, việc ông nghị Phước sử dụng những từ xúc phạm, thiếu văn hóa, quy chụp người khác là không thể chấp nhận được, nhất là với tư cách một đại biểu Quốc hội. Nó không phù hợp với chuẩn mực văn hóa trong tranh luận, làm ảnh hưởng đến uy tín đại biểu Quốc hội.
“Nếu không đồng tình với quan điểm của tôi, ông Phước hoàn toàn có thể góp ý với tư cách cá nhân, góp ý ở đoàn, tranh luận ở Quốc hội, thậm chí là viết blog. Nhưng tôi không thể chấp nhận cách viết blog mà dùng câu chữ thiếu văn hóa để thóa mạ, hạ nhục người khác như vậy”.
Ông Trương Trọng Nghĩa
Điều đáng nói hơn, trước đây, khi ông nghị Phước viết bài “tứ đại ngu” để nói về đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã mời ông Phước làm việc trực tiếp, chấn chỉnh ông Phước.
Bây giờ ông Phước lại viết tiếp tục xúc phạm ông Nghĩa nữa thì cần đặt ra vấn đề liệu ông Phước có còn xứng đáng với tư cách là đại biểu Quốc hội nữa hay không, có xứng đáng là người đại diện cho cử tri nữa hay không?
Ở đây, có ý kiến cho rằng ngoài việc lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM yêu cầu Hoàng Hữu Phước trả lời các câu hỏi, cung cấp bằng chứng về những lời công kích, bôi nhọ và có biện pháp bảo vệ danh dự, nhân phẩm của ông Nghĩa... thì điều quan trọng hơn là không thể để Hoàng Hữu Phước tiếp tục có những việc làm sai trái, làm mất uy tín của Quốc hội, đại biểu Quốc hội TP.HCM.
Có ý kiến đề nghị không thể để Hoàng Hữu Phước tiếp tục có những việc làm sai trái, làm mất uy tín của Quốc hội, đại biểu Quốc hội TP.HCM. Ảnh TL
Tương tự như việc đại biểu Đỗ Văn Đương đả kích giới luật sư dường như hoàn toàn là vì quan điểm, thái độ cá nhân mà không gợi mở được gì cho sự phát triển chung. Nói cách khác, ông Phước và ông Đương chỉ đơn thuần... cãi lộn.
Nguy hiểm hơn: Khi những cuộc cãi vã "vô thưởng vô phạt" trở thành tâm điểm của kỳ họp Quốc hội, nó cho thấy những vấn đề quốc thái dân an đang chưa được quan tâm đúng mực. Khi đại biểu chú tâm vào những chuyện bên ngoài chuyên môn, nó cho thấy một tâm thế sao nhãng với vấn đề quốc sự.
Đại biểu Dương Trung Quốc than phiền: Đến 70% ý kiến đại biểu thảo luận về kinh tế xã hội là phát biểu chung chung. Bắt đầu bằng thành tựu, rồi đến “tuy nhiên”, “bên cạnh đó”… và rồi một số đại biểu sẽ nói về ngành mình, địa phương mình như một nhu cầu tất yếu. Thậm chí có đại biểu còn rất mất thì giờ để nhắc lại mười mấy chỉ tiêu kinh tế xã hội.
Chất lượng đại biểu Quốc hội thấp từ trước đến nay còn hoài nghi thì đã có những bằng chứng để chứng minh sự thật. Số đại biểu phát biểu có trọng tâm, có vấn đề, đại biểu có thái độ bức xúc, gai góc với các vấn đề xã hội có thể nói là đếm được trên đầu ngón tay.
Số ít đó trở thành những “gương mặt thân quen” ở các kỳ họp Quốc hội. Dễ hiểu vì sao những chuyện bên lề nghị trường trở thành tâm điểm dư luận ở mỗi kỳ họp.
Cải thiện chất lượng đại biểu Quốc hội, có thể coi là một nhu cầu bức thiết. Và có lẽ nên bắt đầu với những đại biểu chuyên phát ngôn “gây sốc” ngoài chuyên môn, làm sao nhãng trọng tâm nghị trường, lãng phí thời gian.
Bởi chiếc ghế đại biểu được xây dựng từ lá phiếu của dân, phải đề đạt, hiện thực được tâm tư, nguyện vọng của dân. Không người dân nào bầu đại biểu để đi... cãi lộn!
Kiến Giang
No comments:
Post a Comment