Saturday, November 22, 2014

Trung Quốc gặp khó khi xưng bá thế giới về kinh tế

Hội nghị thượng đỉnh cấp cao APEC diễn ra ở Bắc Kinh vào giữa tháng 11/2014 vừa qua được coi là một bước ngoặt trong bức tranh kinh tế thế giới...

... khi cả thế giới được chứng kiến hai cường quốc kinh tế số một và số hai là Mỹ và Trung Quốc bắt đầu những động thái đầu tiên của một cuộc đọ sức kinh tế. Giờ đây, quá trình xưng bá thế giới về kinh tế của Trung Quốc sẽ gặp khó.
 
Mỹ không dễ để Trung Quốc qua mặt
Mỹ không dễ để Trung Quốc qua mặt
Trung Quốc, sau một thời gian dài phát triển dựa trên danh hiệu công xưởng của thế giới và xuất khẩu hàng hóa ra thế giới, đã chính thức bước những bước đầu tiên trên con đường đầu tư ra nước ngoài như một biểu hiện của một cường quốc muốn xưng bá thế giới (kinh tế).
Trên thực tế, sau khi mở cửa và nhất là trong vài năm gần đây, Trung Quốc đã chen chân vào nhóm các nước có khả năng đầu tư và cạnh tranh có hạng ở khu vực và trên thế giới, nhưng đó vẫn là những nỗ lực đơn lẻ của các tập đoàn Trung Quốc.

Mối quan tâm lớn nhất của Bắc Kinh vẫn là tiếp tục duy trì công thức phát triển dựa trên đầu tư nước ngoài với lợi thế nhân công rẻ và xuất khẩu hàng hóa ra khắp thế giới. Nguồn thu từ đầu tư nước ngoài và từ xuất khẩu mới là chiếc chìa khóa vàng cho sự phát triển thần kỳ của đất nước hơn 1 tỷ dân này.
Nhưng giai đoạn phát triển thần kỳ đó đang bước vào giai đoạn cuối cùng, khi những lợi thế cạnh tranh đã không còn nữa. Sự phát triển nóng liên tục trong vòng 3 thập kỷ đã đưa Trung Quốc lên hàng thứ hai trong số các cường quốc kinh tế cũng đã phá bỏ những lợi thế về nhân công rẻ và đi cùng với đó là lợi thế về giá cả của hàng xuất khẩu Trung Quốc ra thế giới cũng ngày càng giảm đi.
Trung Quốc sau một thời gian dài phát triển dựa trên tích lũy sẽ buộc phải đầu tư ra nước ngoài – cách mà các cường quốc kinh tế khác đang làm nếu muốn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của mình. Bài phát biểu của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở diễn đàn APEC về việc thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài không chỉ được coi như một bước ngoặt cho chiến lược phát triển kinh tế mới của Trung Quốc, mà còn có thể tác động tới vòng quanh kinh tế của cả khu vực.
Nhưng, chiến lược mới của Trung Quốc được giới chuyên gia đánh giá sẽ gặp nhiều trở ngại, không chỉ từ các điều kiện bên ngoài mà còn do các yếu tố chủ quan từ chính Trung Quốc. Chiến lược mới của Trung Quốc mà ông Tập đề cập được xem như sẽ chú trọng đầu tư vào các quốc gia láng giềng trong khu vực để tạo kết nối kinh tế.
Dự án mà người đứng đầu nhà nước Trung Quốc tuyên bố lên tới 40 tỷ USD như biểu thị quyết tâm cho việc đầu tư mạnh mẽ vào các nước láng giềng trong khu vực như một bước đi kiến tạo cho tương lai về lâu dài. Nhưng trên thực tế, Trung Quốc lại đang chú trọng vào các dự án kếch xù ở tận Châu Phi mà gần nhất là dự án xây dựng đường sắt 12 tỷ USD ở Nigeria.
Sự đầu tư mạnh vào Châu Phi của Trung Quốc không có gì lạ khi đây vẫn đang là khu vực cung cấp một lượng lớn nguyên liệu và nhiên liệu cho quá trình phát triển khổng lồ của Trung Quốc, dự án đường sắt dài tới 1400 km ở Nigeria được coi là góp phần thúc đẩy cho quá trình đó.

Nhưng, nó cũng cho thấy Trung Quốc vẫn đang đặt những vấn đề ngắn hạn lên hàng đầu hơn là những mục tiêu dài hạn. Những kế hoạch mở rộng hợp tác đầu tư ở khu vực và trên quốc tế được coi là bản lề cho tương lai của Trung Quốc như FTAAP hay Con đường tơ lụa vẫn đang dậm chân tại chỗ.
 
Một trở ngại khác cũng không kém phần quan trọng là những điều kiện quốc tế. Tình hình thế giới hiện tại không dễ dàng để Trung Quốc mở rộng các mối quan hệ kinh tế ở tầm khu vực và trên thế giới.
 
Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP thu hút tới 12/21 thành viên APEC mà không có Trung Quốc đang bước vào những vòng đàm phán cuối. Một khi đàm phán TPP hoàn tất, Trung Quốc sẽ gặp một trở ngại lớn trong việc mở rộng đầu tư sang các quốc gia láng giềng vốn phần lón nằm trong hiệp định kinh tế này.
 
Trong khi TPP sắp bước vào giai đoạn hoàn tất, thì kế hoạch mở rộng hợp tác FTAAP từ khuôn khổ APEC của Trung Quốc mới bắt đầu được Bắc Kinh thúc đẩy và hứa hẹn nhiều khó khăn.

Chiến lược con đường tơ lụa như một sự nối kết các quốc gia trong khu vực mà Trung Quốc đề ra mới chỉ dừng lại ở mức ý tưởng về một sự liên kết, chưa phải là một kế hoạch hoàn chỉnh để thiết lập một khu vực thương mại, vốn là điều cần thiết cho Trung Quốc ở thời điểm hiện tại để tạo thuận lợi cho luồng đầu tư ra nước ngoài sắp tới của mình.
 
Chủ Nhật, 23/11/2014 - 07:45
Theo Nhàn Đàm (theo Bloomberg, Tân Hoa Xã)
Một Thế giới

No comments:

Post a Comment