NGÂN NGA - Thứ Bảy, ngày 22/11/2014 - 02:35
(PL)- Đây là vấn đề được nêu lên tại hội nghị giao ban công tác tư pháp khu vực phía Nam do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 21-11 tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng).
Tại hội nghị, ông Nguyễn Trung Dũng (Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp) nêu một số vướng mắc trong giải quyết đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài.
Có nghi ngờ cũng khó từ chối
Cụ thể, năm 2013 tại Đồng Tháp có 462 trường hợp kết hôn với người nước ngoài. Trong đó, chỉ có khoảng 30% là có tình cảm thật sự, còn lại là kết hôn vì mục đích kinh tế.
“Có những trường hợp mới quen khoảng một tháng qua điện thoại, hai bên đều chưa biết tiếng của nhau, phải nhờ người phiên dịch. Khi phỏng vấn thì người nhà cô dâu Việt nói: “Chú ơi, cha nó mất rồi, nó là con lớn...”. Cô dâu Việt đi nước ngoài như vậy là may rủi, hên xui lắm. Đau lòng lắm! Nhưng khó khăn nằm ở chỗ chúng tôi không có cách nào ngăn chặn được vì không ai thừa nhận chuyện kết hôn vì tiền hay bị ép kết hôn cả. Nếu chúng tôi làm quá, từ chối không cho đăng ký thì người ta thưa vì thủ tục của họ đã làm đầy đủ theo quy định” - ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, thực tế xử lý người môi giới lấy chồng ngoại cũng không dễ dàng. Rồi khi quan hệ hôn nhân đổ vỡ, việc ly hôn của phụ nữ Việt để xây dựng hạnh phúc mới cũng gặp không ít khó khăn, tốn kém. “Chúng tôi đã cố gắng tuyên truyền qua báo, đài nhưng cũng chẳng bằng những người họ đi rồi về tuyên truyền lại cho người khác. Có lẽ Bộ Tư pháp nên thành lập bộ phận tư vấn hôn nhân đặc biệt cho các cô dâu Việt. Bí quá, qua bên kia lỡ có bị ngược đãi cũng còn biết đường xử lý” - ông Dũng nói.
Huyện Nam Đầu (Đài Loan), nơi có hơn 10.000 cô dâu Việt lấy chồng và sinh sống. Ảnh: Đ.HIỂN
Nhiều vướng mắc khác
Về mặt quy định, ông Dũng cho rằng thủ tục kết hôn với người nước ngoài ở các nước đơn giản hơn Việt Nam. Chẳng hạn như ở Việt Nam khi phỏng vấn phải cần tới hai người, còn ở nước ngoài chỉ cần gửi giấy xác nhận.
Cạnh đó, luật quy định người được phỏng vấn “phải hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán” là còn chung chung, chưa rõ ràng nên mỗi cơ quan tư pháp phải tự đánh giá.
Ngoài ra, hiện đã có quy định về trình tự, thủ tục và thời hạn ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài (Thông tư số 16/2010 của Bộ Tư pháp) nhưng nhiều trường hợp bị chậm trễ, quá hạn do cơ quan tư pháp cấp trên. “Có khi chúng tôi hẹn với người dân một tháng nhưng rồi cũng không biết chừng nào có. Có tới 100% là quá hạn. Người dân họ bức xúc lắm” - ông Dũng nói.
Có thiếu biên chế?
Một vấn đề khác được đại diện Sở Tư pháp nhiều tỉnh nêu lên là tình trạng thiếu biên chế, dẫn đến không đáp ứng được nhu cầu công việc, đề nghị các cơ quan chức năng sớm ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 01/2009 của Bộ Tư pháp - Bộ Nội vụ để gỡ vướng cho các địa phương.
Trả lời, ông Lê Tiến Châu (Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Tư pháp) nói: “Đúng là có thiếu biên chế thật nhưng những biên chế được giao đã thực hiện tốt chưa? Cán bộ năm nào cũng đạt tỉ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hay hoàn thành tốt cao, vậy đã sử dụng hết tám giờ làm việc chưa? Có những thủ tục thừa thì tại sao không mạnh dạn đề xuất cắt? Tôi ngồi nghe thì việc thiếu biên chế là vô cùng khủng khiếp nhưng tôi thấy không hẳn thế. Thông tư liên tịch sửa đổi sẽ được thông qua vào tháng 12 tới nhưng đừng quá kỳ vọng vì chủ yếu vẫn chỉ là hướng dẫn chức năng nghiệp vụ”.
Quản lý hoạt động luật sư
Tại TP.HCM có hơn 3.000 luật sư, chiếm 1/3 số lượng luật sư cả nước. Một điều đáng chú ý là vẫn có tình trạng luật sư nhận tiền của thân chủ nhưng không làm gì mà lại không trả. Trong khi đó, đặc thù của luật sư là hành nghề tự do, số lượng lại lớn nên tổ chức quản lý rất khó. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần quan tâm về quy chế tổ chức hành nghề luật sư cho tốt hơn.
Ông HÀ PHƯỚC TÀI, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM
|
NGÂN NGA
No comments:
Post a Comment