Từ một ngọn núi rất đẹp trên tuyến quốc lộ 12A, núi Cây Trỗ đã tan nát sau hơn một năm được cấp phép khai thác. (Hình: Tuổi Trẻ)
Theo tờ Tuổi Trẻ, chưa đầy 10 năm, gần 100 ngọn núi trong quần thể núi đá vôi thuộc huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đẹp như “Hạ Long trên cạn” đã bị “xẻ thịt” để phục vụ nhà máy ximăng và các công trình xây dựng.
Ông Trương Viết Cư, trưởng phòng khoáng sản của Sở Tài Nguyên-Môi Trường Quảng Bình, cho biết toàn tỉnh có hơn 50 mỏ, trong đó có hơn 40 mỏ khai thác đá cho xây dựng và nhà máy ximăng.
Thống kê của huyện Tuyên Hóa, chỉ riêng huyện này hiện có đến 15 mỏ đá hoạt động, đồng nghĩa với chừng đó ngọn núi đá vôi bị gặm dần. Dày đặc nhất là hai bên tuyến quốc lộ 12A chỉ dài 2km đoạn từ xã Châu Hóa lên xã Thạch Hóa nhưng hiện có đến sáu mỏ đá hoạt động.
Trong đó, mỏ lớn nhất là mỏ Lèn Bảng-Lèn Na, thuộc xã Tiến Hóa, rộng hơn 24hec ta với hai ngọn núi đá vôi Lèn Bảng-Lèn Na thuộc diện hùng vĩ nhất trong quần thể núi đá vôi ở Tuyên Hóa. Mỏ này chủ yếu khai thác đá vôi để phục vụ nhà máy ximăng Sông Gianh nằm cách đó chưa đầy 100m.
Theo giấy phép, mỏ đá này được phép khai thác trong 30 năm, nhưng mới chỉ 8 năm cả hai ngọn núi đá vôi khổng lồ đã bị gặm mất gần một nửa. Dáng vẻ uy nghi hùng vĩ của ngọn núi đá đã biến mất, thay vào đó là sự tan nát, xác xơ.
Ông Nguyễn Xuân Vành, xã Tiến Hóa cho biết, núi Lèn Bảng là tấm lá chắn ngăn gió bão cho xóm làng. “Thấy người ta xẻ đi những ngọn núi này, tui như đứt từng khúc ruột, nhưng chẳng biết phải làm sao,” ông Vành nói. Chưa hết, ngược theo quốc lộ 12A hơn 1km là hai mỏ đá của công ty Mai Thanh và công ty Cosevco 1.5 nằm ở hai ngọn núi đá vôi lớn liền nhau tại xã Thạch Hóa, ngay sát mép phải quốc lộ.
Điều đáng nói là khu vực giáp ranh giữa hai xã Phúc Trạch, Sơn Trạch của huyện Bố Trạch, kề với Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, có bảng lớn ghi, “Nghiêm cấm khai thác sản xuất vật liệu đá. Nghiêm cấm các loại phương tiện ra, vào vận chuyển đá.”
Thế nhưng đi sâu vào con đường này, cả một đại công trường với trên 20 ngọn núi đá vôi đang ngày đêm bị “xẻ thịt.” Từng mảng núi lớn bị bóc trắng hếu như những con thú bị lột da. Có ít nhất 10 nhóm thợ đá đang phá núi, mỗi nhóm chiếm một ngọn núi.
Do vùng này là cấm khai thác, nên chủ yếu người dân vào khai thác “chui” bằng cách thủ công, chỉ thi thoảng gặp tảng đá lớn mới nổ mìn. Chính vì kiểu khai thác thủ công này nên ngọn núi nào cũng bị gặm một vài miếng. Ông Hoàng Minh Đề, chủ tịch huyện Tuyên Hóa, buồn bã cho biết, “Những rặng núi đá vôi điệp trùng như là “linh hồn” của đất và người Tuyên Hóa từ bao đời nay. Nhưng khi chúng tôi nhận ra giá trị tinh thần của những ngọn núi này thì đã muộn mất rồi.”
Trong khi đó, ông Lê Minh Ngân, giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường Quảng Bình, thì cho rằng, việc cấp phép các mỏ khai thác đá là “đã cân nhắc tất cả yếu tố rồi,” và được tỉnh đưa vào quy hoạch, mặc dù việc này chắc chắn ảnh hưởng đến cảnh quan. (Tr.N)
11-21-2014 3:52:58 PM
No comments:
Post a Comment