Saturday, October 4, 2014

Trung Quốc thách thức lời hứa của Mỹ với châu Á

(Baodatviet) - Mỹ vừa đưa ra lời hứa cam kết bảo vệ Nhật Bản và quần đảo Senkaku trước mọi hành động xâm phạm, thì 2 ngày sau, Trung Quốc lập tức điều tàu

Ngày 3/10/2014, các phương tiện truyền thông của Nhật Bản đồng loạt đưa tin từ thông báo của Lực lượng phòng vệ bờ biển của nước này (JCG) cho biết ba tàu hải giám của Trung Quốc đã đi vào lãnh hải Nhật Bản thuộc quần đảo Senkaku.
Quần đảo này hiện Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền với cái tên là Điếu Ngư. Theo JCG thì khi phát hiện ba tàu xâm nhập của Trung Quốc, Nhật Bản đã điều động lực lượng để đối phó. Một tàu của Nhật phát tín hiệu cảnh báo các tàu Haijing 2113, 2146, 2350 phải rời khỏi vùng biển lãnh hải của Nhật Bản.
Tuy nhiên, tàu Trung Quốc đáp lại rằng họ đang hoạt động trên khu vực chủ quyền của họ và Nhật Bản mới là những kẻ xâm nhập. Đây là lần xâm nhập thứ 24 trong năm 2014 của Trung Quốc vào vùng biển mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền này.
Trò chơi đuổi bắt này giữa Nhật Bản và Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã quá quen thuộc. Nó sẽ chẳng có gì đáng chú ý cả nếu như không trùng hợp vào thời gian mà Mỹ vừa ra một lời hứa khẳng định sẽ bảo vệ Nhật Bản và Senkaku.
Tàu Nhật Bản và Trung Quốc so kè với nhau trong vùng biển Senkaku/Điếu Ngư
Tàu Nhật Bản và Trung Quốc so kè với nhau trong vùng biển Senkaku/Điếu Ngư
Ngày 30/9/2014, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ, Tướng Robert Work khẳng định Washington sẽ ủng hộ Nhật Bản bằng mọi giá nếu có một âm mưu chiếm quần đảo Senkaku của họ. Thứ trưởng Work nhấn mạnh dù Mỹ đang gặp nhiều khó khăn như không kích lực lượng khủng bố IS, tham gia tái thiết Ukraine ở châu Âu, nhưng không có gì thay đổi trong chiến lược ưu tiên châu Á của nước Mỹ.
Tuy nhiên chỉ ba ngày sau tuyên bố hùng hồn của Mỹ, Trung Quốc điều ba tàu đến diễu hành ở vùng biển này, và thậm chí còn phát đi thông điệp cáo buộc Nhật Bản mới là kẻ đang đi xâm lược.
Hành động này của Trung Quốc chẳng khác gì một gáo nước lạnh dội thẳng vào bầu ngực nóng của Washington và là lời thách thức trong quan hệ Mỹ-Nhật với quan điểm mà Bắc Kinh từng nhiều lần tuyên bố: Điếu Ngư là của Trung Quốc và sẽ lấy lại quần đảo này bằng mọi giá.
Nước Mỹ đến với châu Á - Thái Bình Dương như một người khổng lồ cứu giúp những quốc gia nhỏ bé chịu sự áp bức, bá quyền của một người khổng lồ khác - Trung Quốc. Bàn tay của nước Mỹ chìa ra bao bọc Philippines, che chắn Nhật Bản, bảo vệ Hàn Quốc, nâng niu Đài Loan... Và trên tất cả, Mỹ khẳng định chiến lược chuyển định hướng châu Á - Thái Bình Dương với mục đích bảo vệ lợi ích của nước Mỹ và những đồng minh theo tiêu chí đôi bên cùng có lợi.
Tổng thống Obama cũng khẳng định trong tương lai, Trung Quốc và tham vọng của quốc gia này sẽ là một đối thủ cạnh tranh nguy hiểm với nước Mỹ. Và Washington ngày càng nỗ lực thể hiện sự ảnh hưởng của mình lên khu vực này cũng nhằm mục đích không để Trung Quốc "tự tung tự tác".
Hiện nay Mỹ đang vướng phải một cuộc chiến quy mô lớn với Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng, vốn là những kẻ khủng bố dã man, tuy nhiên việc những hành động ngoại giao trên cho thấy họ không hề quên Biển Đông và Hoa Đông, và trên hết là không quên đại địch Trung Quốc.

Đỗ Minh Tú

No comments:

Post a Comment