Saturday, October 4, 2014

Trung Quốc dùng mafia tấn công người biểu tình Hồng Kông ?

RFI-Lê Vy

media
Cảnh sinh viên biểu tinh cầu viện : rào cản của họ đang bị dở bỏ. Ảnh chụp tại khu thương mại Mong Kok, Hồng Kông, ngày 04/10/2014.Reuters

Thời sự quốc tế nổi bật trên các trang báo ngày cuối tuần (04/10/2014) vẫn là cuộc biểu tình ôn hòa của dân chúng Hồng Kông và cuộc bầu cử tổng thống vòng một ở Brazil sẽ diễn ra vào ngày mai. Nhật báo Libération nghi ngờ Bắc Kinh đã dùng đến mafia để tấn công người biểu tình đòi dân chủ qua bài viết : « Mafia Trung Quốc trở lại Hồng Kông ».

Thông tín viên tờ báo tại chỗ tường thuật, hàng trăm tên côn đồ có tổ chức, đeo khẩu trang giấu mặt, được các thành phần thân Bắc Kinh sử dụng để tấn công vào một nhóm biểu tình ngồi vào chiều hôm qua. Các lều của khoảng 30 sinh viên đang cắm trại tại ngã tư khu phố Mongkok bị phá hủy và các hàng rào bảo vệ mà các sinh viên dựng lên cũng bị những tên vô lại đạp đổ. Họ cũng không ngớt lời thóa mạ người biểu tình. Tuy nhiên, cảnh sát lại không hề phản ứng khiến đám đông dân chúng phải thét lên : « cảnh sát là đồng phạm với mafia ». Một nhiếp ảnh trẻ, 28 tuổi trong khu phố làm chứng : « Đó chính là mafia, tôi nhận ra hành vi của họ, cách họ lăng mạ. Một số không phải là người Hồng Kông mà đến từ Hoa lục ». Liên đoàn sinh viên Hồng Kông, đồng tổ chức phong trào « Occupy Central » tố cáo « mafia tấn công vào người biểu tình ôn hòa » và khẳng định « cảnh sát và chính quyền đều nhắm mắt làm ngơ » để cho các tên côn đồ ra tay. Do đó, liên đoàn sinh viên đã từ chối lời đề nghị thương lượng do lãnh đạo Hồng Kông Lương Chấn Anh (Chun-ying Leung) đưa ra.

Theo Libération, hiện chưa có gì chứng minh được là chính quyền Trung Quốc đứng đằng sau các vụ tấn công trên. Tuy nhiên, nhiều người Hồng Kông cho biết, đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh mượn tay mafia để bịt miệng người phản kháng, các nhà dân chủ hay truyền thông. Vào tháng Hai, phóng viên Kevin Lưu Tiến Đồ (Kevin Lau Chun-to) của tờ Minh Báo ở Hồng Kông đã bị một gã đội mũ bảo hiểm đâm một nhát ngay giữa ban ngày và sau đó tẩu thoát nhờ một đồng bọn đi mô tô. Nạn nhân đã được cấp cứu với ba vết thương sâu ở lưng và hai vết ở chân. Các đồng nghiệp của anh ta cũng tố cáo thẳng mafia làm việc cho chính quyền Bắc Kinh. Nhiều vụ việc dã man như vậy cũng từng xảy ra với những người làm trái ý Bắc Kinh.

Lương Chấn Anh còn tồn tại được bao lâu ?

Nhìn sang lãnh đạo Hồng Kông, nhật báo Le Monde có bài viết phân tích về con đường chính trị của ông Lương Chấn Anh. Hiện ông này đang là đối tượng công kích của người biểu tình. Người Hồng Kông cảm thấy bị phản bội, vì trước mắt họ, ông Lương Chấn Anh chỉ là tay sai cho Bắc Kinh, lo bảo vệ lợi ích của Bắc Kinh tại Hồng Kông hơn là bảo vệ lợi ích của dân Hồng Kông trước chính quyền Hoa lục.

Trong lúc Hồng Kông đang trải qua một cuộc khủng hoảng dân sự chưa từng thấy, dân chúng mất lòng tin nghiêm trọng vào giới cầm quyền thì ông Lương Chấn Anh vẫn bình chân như vại, cố giữ chiếc ghế lãnh đạo và không chịu từ nhiệm.

Le Monde cho rằng, nếu như ông Lương Chấn Anh chưa từng được dân Hồng Kông tín nhiệm, thì dưới con mắt Bắc Kinh, ông cũng chưa từng có một ký lô nào. Năm 2012, ông được ra tranh cử cốt cũng chỉ để Bắc Kinh bảo vệ hình ảnh đa dạng hóa các ứng viên. Tuy nhiên, Bắc Kinh chỉ mới bắt đầu thể hiện sự tin cậy và ủng hộ lãnh đạo Hồng Kông vào đêm 29/09 xảy ra bạo động. Chẳng ai lại bị lừa trước động thái của Bắc Kinh. Đối với nhiều nhà quan sát, sự nghiệp chính trị của ông Lương đã tắt từ lâu trong tư tưởng lãnh đạo Hoa lục, nhưng có lẽ ông Lương vẫn còn được tại vị trong một thời gian nữa ít ra vì hai nguyên nhân sau. Thứ nhất là vì lãnh đạo đầu tiên của Hồng Kông là ông Đổng Kiến Hoa (Tung Chee-Hwa) đã bị bãi nhiệm vào năm 2005, sau hàng loạt các cuộc biểu tình lớn. Do đó, không nên cho người biểu tình cái cảm giác là chỉ cần biểu tình là Bắc Kinh lập tức truất phế các quan chức. Lý do thứ hai là Bắc Kinh còn cần dùng đến ông Lương Chấn Anh, tùy theo diễn biến sắp tới của khủng hoảng, đặc biệt khi Bắc Kinh cần dùng đến vũ lực. Lúc đó, Bắc Kinh sẽ bật đèn xanh cho lãnh đạo Hồng Kông trấn áp người biểu tình và sau đó sẽ tố cáo và truất phế « con rối » Lương Chấn Anh.

Thái Lan : tự do ngôn luận bị bóp nghẹt

Vẫn liên quan đến thời sự tại Châu Á, nhật báo Le Monde quan tâm đến tình hình tự do ngôn luận tại Thái Lan đang bị bóp nghẹt từ sau cuộc đảo chính vào ngày 22/05. Đất nước này từ lâu vốn được ca ngợi là có một mô hình mở cửa chính trị trên bán đảo Đông Dương. Tuy nhiên, quân đội đã bãi bỏ quyền bày tỏ ý kiến và phạt nặng tội khi quân phạm thượng.

Tờ báo thuật lại, một nhóm sinh viên và giáo sư tổ chức hội thảo tại một cơ sở trường đại học gần Bangkok với chủ đề : « Khóa học dân chủ, chương 2 : sự sụp đổ của những nhà độc tài ở các quốc gia ngoại quốc ». Lớp học kéo dài chưa tới 10 phút thì một toán khoảng 30 cảnh sát ập đến. Với giọng điệu đe dọa, họ ra lệnh phải chấm dứt buổi học và dưới ánh mắt của quân đội, « điều này đe dọa đến an ninh quốc gia », theo lời kể của Apichat Pongsawat, một sinh viên học thạc sĩ. Bốn giáo sư bị đưa về đồn cảnh sát.

Cũng theo lời sinh viên trên, « từ sau khi xảy ra cuộc đảo chính, người dân không được bàn luận bất cứ điều gì ». Theo tổ chức Ân xá Quốc tế Amnesty International, 242 người đã bị bắt giữ chỉ trong vòng 100 ngày sau khi quân đội lên nắm chính quyền Thái Lan.

Ngày 12/09, Tướng Prayuth Chan-ocha cho biết muốn sử dụng các công nghệ thông tin mới để khép tội những ai « không chú ý đến lời ăn tiếng nói » vào tội khi quân phạm thượng. Từ đó, ai nấy đều tự hỏi liệu tài khoản Facebook một ngày nào đó sẽ trở thành công cụ dắt bạn vào nhà tù. 

Bầu tổng thống Brazil : Marina Silva, biểu tượng của thăng tiến xã hội

Nhìn sang thời sự tại Nam Mỹ, các nhật báo và cả hai tờ tạp chí trong tuần đều quan tâm đến cuộc bầu cử tổng thống vòng một tại Brazil vào ngày mai. Nhận định chung của các nhật báo là qua các kết quả thăm dò, hai ứng cử viên sáng giá có khả năng lọt vào vòng hai là tổng thống mãn nhiệm Dilma Roussef của cánh tả và nữ ứng cử viên của đảng Xanh là bà Marina Silva với khoảng cách khá sít sao. Tuy nhiên, các tờ tạp chí L’Express và Le Nouvel Observateur đều tập trung phân tích về cuộc đời và sự nghiệp chính trị của ứng viên đảng Xanh Marina Silva, vì bà được xem như một hiện tượng của sự thăng tiến xã hội. 

« Nữ chiến binh vùng rừng rậm Amazone » là từ mà Le Nouvel Observateur dành cho bà Silva. Sinh trưởng trong một gia đình nghèo, bà đã phải trải qua thời niên thiếu cơ cực : từng phải đi lấy mủ cao su, giúp việc nhà…Liệu bà có thể trở thành tổng thống da màu đầu tiên tại xứ sở đam mê bóng đá này ?

Không khuất phục trước hoàn cảnh khó khăn, năm 16 tuổi, bà Silva đã nài nỉ cha cho lên thành phố để được đi học, để được chăm sóc sức khỏe. Sau đó, bà ghi danh học chuyên ngành lịch sử tại trường đại học. Cũng từ đó, con đường chính trị của bà bắt đầu từ việc tham gia công đoàn, sau đó trở thành nghị sĩ và Bộ trưởng Môi trường dưới thời Tổng thống Lula.

Nhờ vào sự nghiệp cá nhân khá ngoạn mục, bà Marina Silva thu hút được dân chúng, trong một đất nước mà tầng lớp trung lưu là những người vừa thoát ra khỏi cái nghèo. Cũng giống như bà Dilma Rousseff, cô du kích từng bị bỏ tù dưới chế độ độc tài, sự thăng tiến xã hội của bà Silva được ông João Paulo Capobianco, người thân cận với bà so sánh với « Nelson Mandela mặc dù hoàn cảnh của hai người khác nhau ».

Le Nouvel Observateur nhắc lại, chương trình tranh cử mà bà đưa ra là chống nạn tham nhũng, phá rừng và xóa nghèo. Trong một đất nước đang rơi vào suy thoái kinh tế như hiện nay, phát biểu của bà Silva « thu hút giới trẻ, dân thành thị, trí thức. Vào năm 2013, chính thành phần này đã xuống đường đòi chính phủ phải đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực y tế, giáo dục và an ninh », theo nhận định của ông Jean-Jacques Fontaine, chuyên gia về Brazil. Tuy nhiên, tạp chí cho rằng, những hứa hẹn của bà Silva không chắc đủ để đánh bại Tổng thống mãn nhiệm Dilma Rousseff và đảng Lao động hùng mạnh của bà.

Nguy cơ khủng bố cao tại Pháp

Liên quan đến thời sự tại Pháp, tạp chí L’Express báo động, Pháp đang đứng trước nguy cơ khủng bố rất cao của nhóm thánh chiến djihad. Đông đảo thanh niên Pháp đã gia nhập hàng ngũ thánh chiến Hồi giáo và tạp chí quan ngại về những rủi ro khủng bố mà Pháp phải đối mặt, một khi thành phần này hồi hương.

Theo L’Express, cho đến nay, các biện pháp phòng chống khủng bố của Pháp tỏ ra khá hiệu quả. Kiều dân Pháp bị sát hại ở nước ngoài (Pakistan, Mauritanie, Algeri…) nhưng chưa một cuộc khủng bố Hồi giáo nào xảy ra tại Pháp trong khoảng năm 1996 đến 2012. Theo François Heisbourg, tác giả sách trắng của chính phủ, đề tựa : « Nước Pháp trước nguy cơ khủng bố » (2006), « khoảng 1000 người Pháp bị giết hại trong các hành vi khủng bố từ 50 năm nay, nhưng phần đông trong số đó bị sát hại trong những năm 1970, 1980 ».

Nguy cơ khủng bố tiến gần đến Pháp từ khi nổ ra cuộc nội chiến Syria cách đây 3 năm và việc can thiệp quân sự của Pháp tại Irak, trong liên minh với Hoa Kỳ. Ngày 22/09, tổ chức Nhà nước Hồi giáo kêu gọi « đặc biệt giết hại người Pháp xấu xa, ác độc ». Hai ngày sau thì công dân Pháp Hervé Gourdel bị sát hại tại Algeri.

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Nội vụ, gần 1000 người đang sinh sống tại Pháp có liên quan đến phong trào thánh chiến : 353 binh sĩ đang chiến đấu tại chỗ, gần 174 chiến binh đang trên đường ra trận, 189 người đang trên đường hồi hương hay đã về nước, 232 người có ý định bỏ Pháp gia nhập nhóm djihad. Chưa bao giờ, « cuộc chiến chống khủng bố » lại trở thành một vấn đề cấp thiết như lúc này.

Mêhico : dân chúng phản đối đặt máy phát điện từ gió

Nhìn sang Trung Mỹ, người dân địa phương tại miền Nam Mêhico đang đấu tranh chống lại việc xây dựng khu vực đặt các máy phát điện từ gió do các công ty Tây Ban Nha và công ty điện lực Pháp thầu. Đó là nội dung một bài viết trên tạp chí Le Nouvel Observateur.

Theo tạp chí, các công ty Châu Âu mua hoặc thuê đất của người bản địa. Sau đó, một lượng điện lớn được sản xuất nhằm cung ứng cho các công ty như Walmart hay được bán cho nước ngoài. Theo giải thích của một tổ chức phi chính phủ Mêhico, việc ký kết một hợp đồng tư nhân giữa công ty và một người bản địa là điều bất hợp pháp. Đó là những mảnh đất thuộc sở hữu chung và chúng không được bán nếu không được dân địa phương chấp thuận. Một cuộc điều tra của Oxfam vào năm 2009 cho thấy việc đặt các công ty đa quốc gia đã chia rẽ nội bộ dân chúng địa phương như thế nào, giữa những người muốn bán đất và những người từ chối. Khu vực này trở nên rất bạo động. Nhiều vụ đụng độ, ẩu đả, sát hại xảy ra kèm với các vụ cưỡng chế đất. Trước tình hình này, biện pháp phòng vệ của một số công ty Pháp là lập văn phòng làm việc tại nơi kín đáo, xe hơi hay máy phát điện của công ty đều không gắn logo.

No comments:

Post a Comment