(Baodatviet) - Đụng độ giữa người biểu tình và người phản đối chiến dịch Chiếm trung tâm, không có bằng chứng Mỹ "nhúng tay" vào Hồng Kông...
Bạo lực ở trung tâm
Ngày 3/10, tại 2 quận mua sắm chủ chốt của đặc khu Hồng Kông xảy ra ẩu đả giữa những người biểu tình đòi cải cách bầu cử và những người phản đối phong trào Chiếm trung tâm.
Theo báo Hồng Kông South China Morning Post (SCMP), dù cảnh sát đã cố gắng ngăn chặn hai phe nhưng ẩu đả vẫn tiếp diễn, gây ra cảnh hỗn loạn trên một số con đường. Trước tình hình này, một trong những thủ lĩnh biểu tình là Benny Tai kêu gọi người ủng hộ rời khỏi Vượng Giác để bảo đảm an toàn. Reuters cho biết, có ít nhất 3 người bị thương, trong đó có 1 phụ nữ, trong vụ ẩu đả này.
Hỗn loạn ở Vượng Giác |
Cùng ngày, tại khu vực vịnh Đồng La cũng xảy ra ẩu đả và theo SCMP, khoảng 30 người mang mặt nạ đã xỉ vả, tấn công người biểu tình trước khi bị cảnh sát ngăn lại.
Ngoài các vụ đụng độ trên, Hồng Kông ghi nhận quy mô cuộc biểu tình đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người biểu tình tiếp tục chiếm đóng ở các con đường chính và cơ quan chính quyền.
Tại một số khu vực, cảnh sát Hồng Kông loại bỏ các chướng ngại vật khi người dân quay trở lại nơi làm việc và trường học. Mặc dù bác bỏ yêu cầu từ chức, trưởng đặc khu Lương Chấn Anh cử Tổng Thư ký quản trị Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) tham gia đàm phán với Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông để tìm giải pháp tháo gỡ bế tắc.
Tuy nhiên, sinh viên Hồng Kông tuyên bố ngưng đàm phán với chính quyền và cáo buộc cảnh sát cho phép nhóm phản đối dùng bạo lực với người biểu tình.
Theo đài RTHK, ông Lương Chấn Anh ngày 3/10 khẳng định chính quyền không có kế hoạch giải tán người biểu tình tụ tập bên ngoài các cơ quan chính quyền và văn phòng của ông.
Giải oan cho Mỹ
Trong một diễn biến khác, tiến sĩ Willy Lam, giáo sư lịch sử và kinh tế chính trị tại Đại học Trung Quốc ở Hồng Kông cho biết nhà chức trách Trung Quốc tin rằng Mỹ đang cố tìm cách khuấy động một cuộc cách mạng màu ở đặc khu hành chính này.
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Radio VR, ông Lam nói rằng không có bằng chứng nào cho thấy Mỹ đã cung cấp tài chính hoặc hỗ trợ về vật chất cho người biểu tình.
Hồi tháng Tám năm nay, Bắc Kinh thông báo rằng sẽ thẩm tra những người muốn chạy đua vào vị trí trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông, trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm 2017. Sự kiện đã châm ngòi cho biểu tình lan rộng.
Willy Lam chỉ ra rằng công chúng rõ ràng muốn "có tiếng nói lớn hơn trong tương lai của họ", bao gồm cách thức tổ chức bầu cử trưởng đặc khu. Ông đánh giá nếu quyết định của Bắc Kinh không thay đổi, những gì diễn ra sẽ không phải là một cuộc bầu cử thực sự.
“Dù phần lớn những người ở Hồng Kông vẫn được xem như "những động vật kinh tế", chỉ quan tâm tới kinh tế, họ vẫn cảm thấy rằng mình xứng đáng được hưởng mức độ tự trị cao hơn, điều đã được cam kết khi Hồng Kông được trao trả lại Trung Quốc" - ông Lam nói.
Cũng trong ngày 3/10, Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga tuyên bố Tokyo hy vọng “hệ thống cởi mở và tự do” của Hồng Kông sẽ được duy trì theo nguyên tắc “một nhà nước, hai chế độ” như lâu nay. Theo Tân Hoa xã, ước tính thiệt hại kinh tế do tình hình bất ổn tại Hồng Kông có thể lên tới 5,1 tỉ USD.
An Nhiên (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment