Nghĩ sao mà họ xây tòa nhà 40 tầng trên con đường Nguyễn Huệ? Nói đường Nguyễn Huệ lớn là lớn thế nào trong khi nó vẫn chỉ có mười mấy mét, là con đường của một đô thị cả trăm năm trước.
Làm sao để thế hệ người trẻ hôm nay tự hào về tài năng của kiến trúc sư (KTS) người Việt, gu thẩm mỹ tinh tế của dân ta và ý thức sâu sắc về các giá trị văn hóa cần bảo tồn. Đó là điều mà KTS Trần Đình Nam, giảng viên ĐH Kiến trúc TP.HCM, luôn đau đáu.
Thấy kiến trúc mình nhỏ thì nghĩ nó “hèn”
. Phóng viên: Ông thường ra các đề bài cho sinh viên của mình gắn với các công trình kiến trúc cổ trước tình trạng bảo tồn đang bị xem nhẹ. Theo ông, vì sao kiến trúc truyền thống của ta bị xem nhẹ?
+ KTS TRẦN ĐÌNH NAM: Có một khó khăn khách quan là sách vở, tài liệu nghiên cứu kiến trúc trong nước quá ít hoặc nếu có thì viết rất hời hợt, kiểu như viết “Tôi tự hào về kiến trúc Việt Nam” nhưng không nói được là tự hào về cái gì. Bên cạnh đó, những kiến trúc nhỏ cũng trong tình trạng bảo tồn không đúng mức. Đó là cái lỗi của số đông trong việc đối xử với tài sản văn hóa. Thậm chí cái cách người Việt chúng ta đối xử với di sản văn hóa của nước mình còn tệ hơn so với cách người Pháp đối xử với công trình văn hóa Việt. Người Việt mình hay có tâm lý so sánh kích thước, thấy kiến trúc mình nhỏ thì nghĩ nó “hèn” quá so với kiến trúc đồ sộ của các nước chứ không biết thực chất giá trị của kiến trúc nằm ở đâu.
. Theo ông, giá trị kiến trúc truyền thống của ta nằm ở đâu, trong khi nhận thức của số đông chỉ thấy hầu hết chúng là kiến trúc Pháp, do người Pháp thiết kế và thi công trên đất Việt Nam?
+ Đó chính là sự tinh tế. Kiến trúc chính thống Việt Nam chưa chắc đã thua kiến trúc chính thống của Nhật và Trung Quốc về trình độ thẩm mỹ. Những công trình kiến trúc tiêu biểu ở Sài Gòn, Đà Lạt hay Hà Nội không mang đặc trưng hoàn toàn kiến trúc Pháp. Bởi vì những kiến trúc sư người Pháp vào Việt Nam lúc đó, như những nghệ sĩ, họ nhận ra kiến trúc ở đất nước này có những điều đặc biệt, họ muốn có những thử nghiệm kiến trúc tại đây, không chỉ riêng về mặt công năng mà cả gu thẩm mỹ. Rốt cuộc những công trình tiêu biểu của Pháp ở Việt Nam đều có cái hồn của Việt Nam. Điển hình như nhà thờ Đức Bà, dù đây là kiến trúc Pháp nhưng nhìn nó vẫn thân quen, hợp với hàng cây, bầu trời, với tổng thể Việt Nam xung quanh, thông qua những chi tiết như ô cửa, thay vì thiết kế theo kiểu Pháp với kính màu đơn giản thì ông J. Bourard còn bổ sung thêm các chi tiết bông gió, mà bông gió thì lại thuộc kiến trúc truyền thống ở Huế.
KTS Trần Đình Nam nói: “Tháp đẹp nhất của thương xá Tax đã bị đập từ năm 1944, thay bằng mặt đứng đơn giản hơn và xấu hơn như hiện nay. Đó là sai lầm của hơn nửa thế kỷ trước, bây giờ ở thế kỷ 21 ta lặp lại sai lầm cũ, mà còn kinh khủng hơn, đó là đập bỏ toàn bộ”.
Khi BV Thống Nhất ra đời, người nước ngoài rất nể phục
. Còn những công trình kiến trúc truyền thống do chính người Việt thiết kế và thi công thì sao, thưa ông?
+ Thời những năm 1960-1970 khi cha tôi còn làm kiến trúc, rất nhiều công trình quan trọng của Việt Nam và Sài Gòn nói riêng do người Việt Nam thiết kế như dinh Độc Lập, Việt Nam Quốc Tự, tòa nhà nay làm trụ sở Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam... Tôi có hỏi cha tôi rằng tại sao người Việt Nam có thể thiết kế được những công trình lớn và đẹp như thế. Ngay như BV Thống Nhất do cha tôi (KTS Trần Đình Quyền - PV) thiết kế và thi công cùng lúc với BV Chợ Rẫy do người Nhật làm. Ba tôi kể khi BV Thống Nhất ra đời, người nước ngoài rất nể phục người Việt Nam ở chỗ khi hai công trình xuất hiện cùng một lúc thì công trình do người Việt Nam làm lại trông đẹp hơn, sang trọng hơn và đặc biệt là chi phí thấp hơn công trình của Nhật. Họ nói người Việt Nam giỏi không chỉ ở khâu thiết kế mà còn giỏi ở tất cả khâu còn lại.
. Ông có thể nói rõ hơn kiến trúc sư Việt Nam giỏi là do đâu?
+ Người Việt Nam mình nói chung có gu thẩm mỹ tinh tế. Ngay cả Nhật cũng chỉ mạnh về khoa học kỹ thuật chứ không phải kiến trúc. Kiến trúc của họ bị đơn điệu, khô cứng. Ngược lại, một nước có nền văn hóa đồ sộ như Trung Quốc thì đặc trưng kiến trúc của họ lại quá rườm rà. Cả người Pháp sang đây cũng rất ngỡ ngàng về trình độ mỹ thuật của Việt Nam. Ông hiệu trưởng đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương là một họa sĩ người Pháp. Ông qua đây nằng nặc đòi toàn quyền Đông Dương cho ông mở trường mỹ thuật tại Hà Nội. Ông rất ngưỡng mộ mỹ thuật, kiến trúc Huế mà ông cứ tiếc là tại sao dân gian thời đó chỉ gọi họ là nghệ nhân, trong khi ông đánh giá thực chất họ còn giỏi hơn cả những kiến trúc sư bậc thầy. Họ làm ra nhà rường cũng chưa kinh khủng đâu, mà phải nói đến hệ thống cung điện, lăng tẩm khiến cả thế giới phải ngả mũ. Cũng vì vậy mà thời đó những công trình kiến trúc mà người Mỹ viện trợ cho Đông Nam Á, họ muốn giao hết cho người Việt Nam làm.
Thương xá Tax còn đến hôm nay là may
. Trở lại với quy hoạch của Sài Gòn, thời gian gần đây có quá nhiều phá hủy. Ông nhìn nhận chuyện này trong con mắt kiến trúc thế nào, thưa ông?
+ Khu trung tâm quận 1 do người Pháp thiết kế từ đầu thế kỷ 20. Những năm 1960 người ta đánh giá những khu trung tâm đó chỉ dành cho 500.000 dân. Nhưng hiện giờ cả TP, ngoài trung tâm quận 1 chỉ còn có trung tâm thứ hai là Phú Mỹ Hưng mà phải giải quyết cho nhu cầu vui chơi của tám triệu dân. Đó cũng là hậu quả của việc quỹ đất dành cho khu trung tâm bị xà xẻo, người ta cắt đất chia lô để bán nên bây giờ khu trung tâm mới bị xé ra như chúng ta thấy. Trong khi trước đây chính quyền cũ đã dành nhiều quỹ đất dự phòng mở rộng các khu trung tâm như tứ giác Cống Quỳnh - Nguyễn Trãi - Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Đạo hay khu sân khấu Lan Anh - hồ Kỳ Hòa kéo qua đến Thành Thái... Bây giờ chúng ta lỡ lọt vào các con hẻm của những khu này thì chỉ biết khóc vì nó quá hỗn tạp, không biết đường đi ra. Tình hình này nếu không thể chờ đợi khu Thủ Thiêm trở thành trung tâm thứ hai của TP như kỳ vọng thì khi Phú Mỹ Hưng trả đất theo hợp đồng thuê 50 năm, người ta sẽ nhảy ra xé Phú Mỹ Hưng.
. Câu chuyện thương xá Tax, phải chăng mình phải hy sinh cái cũ để đổi mới?
+ Thương xá Tax tồn tại đến hôm nay là một chuyện may. Đáng lẽ nó bị phá từ lâu rồi, vào những năm 1960-1970 để xây một chung cư hay một công trình hiện đại nào đó là chuyện bình thường, do lúc đó mình chưa ý thức được giá trị bảo tồn của nó. Bây giờ thì hầu hết mọi người đã có ý thức, rất quan tâm chuyện bảo tồn, hiểu được câu chuyện lịch sử không lặp lại của thương xá này là rất quý mà vẫn cứ phá bỏ.
Xin cảm ơn ông.
Chủ Nhật, ngày 5/10/2014 - 00:05
MỸ DUYÊN thực hiện
No comments:
Post a Comment