Thursday, October 9, 2014

'Sửng sốt' Hồng Kông

Phải nói là tôi vô cùng sửng sốt trong sáu ngày công tác làm phóng sự biểu tình ở Hồng Kông vì tính cách và sự văn minh của người dân ở đây.

Một du khách ủng hộ “Cuộc Cách Mạng Dù” (Umbrella Revolution) ở khu Mong Kok, Hồng Kông. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)

Tôi cùng nhà báo Ðinh Quang Anh Thái được nhật báo Người Việt cử đến vùng cựu thuộc địa của Anh một cách bất ngờ, chỉ có sáu tiếng đồng hồ chuẩn bị trước khi lên máy bay.

Sau 14 giờ bay, chúng tôi đáp xuống sân bay quốc tế Hồng Kông, rồi lấy xe điện đi mất 24 phút về ngay trung tâm biểu tình.

Xe ngừng ở trung tâm thương mại IFC, tôi và anh Thái đi bộ chừng 15 phút thì đến đường Connaught Road Central, dẫn vào khu vực trung tâm cuộc biểu tình.

Giúp đỡ tận tình

Người đầu tiên chúng tôi gặp là một thanh niên tên Kevin Li, chừng 20 tuổi. Anh cho biết đã tham gia biểu tình từ ngày đầu tiên. Công việc của anh là dọn dẹp vệ sinh, giữ đồ đạc và thực phẩm.

Sau khi phỏng vấn anh vài câu, thì anh Thái muốn gởi ngay về tòa soạn cho anh em trong ban biên tập đang chờ đợi, nhưng chúng tôi còn đang loay hoay thì được anh Kevin liền hướng dẫn một cách tận tình.

Ngày hôm sau, khi chúng tôi trở lại, anh Thái bèn gởi chiếc ba lô nhờ anh Kevin giữ giùm, để di chuyển cho dễ dàng. Anh vui lòng nhận ngay.

Khi đến Admiralty Centre, chúng tôi lại quay một đoạn video nữa, nhưng vừa xong thì hết điện, mặc dù điện thoại cầm tay của anh Thái vừa nạp điện đầy.

Ðang lúc lúng túng không biết làm sao nạp điện để gởi về, chúng tôi gặp một nhóm sinh viên ngồi trong góc khu thương xá, với một cái máy, có nhiều dây lòi ra, và ở trên có treo một tấm bảng “nạp điện điện thoại miễn phí.”

Dân Hồng Kông xếp hàng chờ ăn phở ở nhà hàng Bếp, do người Việt làm chủ. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)

Chúng tôi liền nhờ họ nạp giùm, và họ vui vẻ nhận lời, nhất là sau khi biết chúng tôi thuộc giới truyền thông.

Thông thường, mọi người đưa điện thoại nạp điện phải cho biết tên để các sinh viên không trả lầm người khác.

Và nếu ai có ý gian, chỉ cần nói đúng tên người gởi, là có thể “chôm” được điện thoại của người khác một cách dễ dàng, vì khi nhận cũng như khi trả, các sinh viên không hỏi căn cước (ID). Vậy mà không ai bị mất điện thoại trong sáu ngày tôi túc trực ở đó.

Riêng trường hợp anh Thái họ chẳng hỏi tên gì cả. Sau này tôi mới biết, mỗi khi anh Thái đến lấy điện thoại, các sinh viên nói với nhau bằng tiếng Hoa là: “Lấy giùm
cái điện thoại cho 'the foreigner guy.'” Sau này, khi tôi nhờ nạp điện, họ cũng chẳng hỏi tên tôi.

Khi điện thoại của anh Thái bị trục trặc, hai ba sinh viên xúm vào giúp. Nào là đọc mật khẩu (password) của họ để anh có thể sử dụng Internet gởi bài về. Thậm chí, có người còn gỡ cả “sim card” điện thoại, lắp vào máy của anh để thử.

Họ làm rất nhiệt tình và vui vẻ.

Dần dần, “cái góc” nhỏ bé đó trở thành “tổng hành dinh” của anh em chúng tôi. Chúng tôi gởi đồ đạc, máy ảnh, hoặc muốn nhắn gì ai, đều một chỗ này. Sau này mới biết các sinh viên có chia ca để trực ở đó, nhưng tất cả đều biết hai chúng tôi.

Mỗi khi nghe được tin tức gì, chúng tôi đều hỏi họ để kiểm tra xem có đúng hay không.

Có một lần, tôi đang ngồi viết bài, nhưng lại quên tên một địa danh ở đó. Tôi hỏi một sinh viên, nhưng vì không nhớ cách viết, nên anh này cũng chịu thua. Thế nhưng, anh lại đi hỏi các bạn khác, rồi họ lấy điện thoại di động ra, vào Internet, cố tìm cho bằng được cái tên tôi muốn tìm.

Khi các anh em bên đài truyền hình SBTN qua, chúng tôi cũng dẫn đến giới thiệu với các sinh viên.

Vào một buổi tối, khi anh Ðinh Xuân Thái của đài truyền hình Little Saigon TV vừa đến nơi, chân ướt chân ráo, ba lô, vali còn lỉnh kỉnh, tôi cũng giới thiệu anh với các sinh viên.

Sau một hồi đi làm phóng sự, anh Thái bắt đầu mệt, cần mướn khách sạn để tắm rửa và nghỉ ngơi. Tôi cho anh biết khách sạn khu đó rất đắt đỏ, cỡ $500 tới $650 một đêm.

Sau khi hỏi các sinh viên, họ lấy ngay điện thoại cầm tay, tìm khách sạn gần mà rẻ cho anh, rồi mướn giùm anh luôn.

Nhà báo Ðinh Quang Anh Thái (phải) được các sinh viên giúp sử dụng kỹ thuật gởi phim bằng Internet. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)

Nhưng anh Thái lại không biết đường đến khách sạn.

Thế là các sinh viên chỉ anh đi taxi, và còn cẩn thận viết tiếng Hoa lên một tờ giấy, đưa cho anh, và nói anh chỉ cần đưa tài xế là họ chở anh đến nơi.

Dù vậy, anh Ðinh Xuân Thái vẫn còn e ngại. Anh cứ nằng nặc rủ tôi và anh Ðinh Quang Anh Thái đi cùng về khách sạn tắm rửa, vì lúc đó chúng tôi cũng dơ lắm rồi.

Thế nhưng, tôi và anh Ðinh Quang Anh Thái từ chối, vì phải túc trực tại nơi biểu tình, phòng khi có sự kiện đặc biệt xảy ra.

Thấy vậy, hai sinh viên tình nguyện đi cùng anh Ðinh Xuân Thái về khách sạn, rồi còn kéo giùm đồ đạc của anh lên phòng, theo lời kể của anh ngày hôm sau.

Trật tự

Dù cuộc biểu tình có cả hàng chục ngàn người, thậm chí tối Thứ Bảy, 4 Tháng Mười, có hơn 100,000 người, không hề thấy có bất cứ vụ cãi nhau hoặc lộn xộn nào xảy ra.

Cũng không có cảnh sát, không có nhân viên an ninh, tất cả chỉ là một rừng người mặc áo đen đeo nơ vàng.

Thế mà tất cả lại rất là trật tự. Không ai bảo ai, mọi người dường như hiểu được vai trò của mình trong việc lớn.

Phóng viên Mai Phi Long của đài truyền hình SBTN nhận xét, “Họ làm việc như những con kiến thợ, chăm chỉ, và biết mình phải làm gì. Tôi không hề thấy kiến chúa ở đây.”

Thật vậy, mỗi khi leo qua bức tường để qua bên kia đường, từng người xếp hàng chờ đến lượt mình, không hề có chuyện chen lấn hay tranh giành.

Tại nhà vệ sinh gần đó cũng vậy, vì số người đông, nên lúc nào cũng có hàng dài, nhưng rất trật tự. Tôi không hề thấy có chuyện cắt ngang, hoặc ai đó đến nói “mắc” quá xin vào trước.

Ở Hồng Kông có hai loại xe buýt. Xe du lịch thì hai tầng. Xe buýt công cộng thì nhỏ hơn, chỉ có 16 chỗ ngồi. Vậy mà từng người một đứng xếp hàng chờ lên xe, không có chuyện chen lấn. Ngay cả khi đón taxi, người dân Hồng Kông cũng xếp hàng hẳn hoi. Trong lúc xếp hàng, giới trẻ thường lấy điện thoại ra đọc email hoặc coi Facebook. Người khác thì ăn uống những thức ăn “to go” một cách thoải mái.

Nói chung, địa điểm biểu tình phía trước Admiralty là đông nhất, nhưng không hề xảy ra xô xát, móc túi, mất cắp đồ đạc. Cũng không có ai tổ chức ca hát inh ỏi, không ai bán hàng, không có các công ty đến quảng cáo hoặc khuyến mãi bằng cách tặng sản phẩm. Nói chung chỉ thuần túy là biểu tình bất bạo động và không ồn ào.

Văn minh

Ngoài các cửa hàng buôn bán và nhà hàng, Admiralty Centre còn có trạm metro ở dưới tầng hầm. Vì thế, mỗi ngày, có cả ngàn người qua lại chỗ chúng tôi đặt “tổng hành dinh.” Có khi mệt quá, chúng tôi, và nhiều sinh viên khác, nằm đại ra ngủ, chân duỗi thẳng, nhưng không một ai đạp trúng chân chúng tôi.


Cư dân Hồng Kông xếp hàng chờ lên metro. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)

Tại các khu biểu tình biểu ngữ và khẩu hiệu được giăng và dán khắp nơi. Các biểu ngữ được treo từ trên cao xuống, rồi ở dưới có các chai nước uống được cột vào, để không bị gió cuốn.

Các khẩu hiệu được dán bằng băng keo, chứ không phải bằng keo, để sau này, nếu có hết biểu tình, chỉ cần lột ra mà không bị hư hại gì.

Không có đập kiếng, hôi của, hoặc dùng sơn vẽ lên tường, hoặc lên bất cứ thứ gì. Tất cả đều chỉ được vẽ bằng phấn, có nghĩa là có thể xóa đi được dễ dàng.

Khi trời mưa vừa dứt, ngoài những sinh viên đi lượm rác, chúng tôi thấy có một số sinh viên cầm chổi quét nước xuống ống cống, giữ cho khu vực biểu tình luôn sạch sẽ.

Có một lần, khoảng 2 giờ sáng, tôi chứng kiến anh Timmothy Sun, 17 tuổi, người Hồng Kông nhưng sinh ra ở Canada, cầm một bao rác và một cái kẹp âm thầm đi
lượm từng mẩu thuốc lá trên vỉa hè phía sau Admiralty Centre.

Bất thình lình, có một công nhân metro trung niên la lớn: “Tại biểu tình mà anh phải đi lượm rác đó.” Anh Timmothy chỉ ngước lên nhìn ông, không nói một lời, và tiếp tục vừa đi vừa cúi xuống, gắp từng mẩu thuốc bỏ vào bao rác.

Một lần khác, tôi và anh Ðinh Quang Anh Thái hỏi chuyện một sinh viên. Sau khi chấm dứt câu chuyện, anh thấy chai nước của tôi chỉ còn một nửa. Thế là anh hỏi tôi có muốn châm thêm không. Tôi từ chối và nói lời cảm ơn.

Vài ngày sau, khi tôi và phóng viên Mai Phi Long đang ngồi trước sở cảnh sát để theo dõi tình hình, anh thanh niên này lại đến, trên tay cầm bình nước khoảng 1 gallon, hỏi anh Long có cần châm thêm nước hay không. Anh Long đồng ý và vô cùng ngạc nhiên.

Sáng Thứ Hai, trên đường ra phi trường để về Mỹ, chúng tôi phải đi xe metro. Một lần nữa, chúng tôi chứng kiến hàng ngàn người, đông như kiến, bước hối hả xuống đường hầm. Tất cả tự động xếp hàng, chờ xe mở cửa, rồi từng người bước lên.

Tất nhiên, chỉ có sáu ngày ở Hồng Kông và chỉ quanh quẩn ở một vài khu phố, không thấy được tất cả. Thế nhưng, những cuộc biểu tình và thái độ của con người ở mảnh đất đang bị Trung Quốc đòi tiếp tục cai trị làm tôi vô cùng sửng sốt.

10-08- 2014 8:16:07 PM
Ðỗ Dzũng/Người Việt

No comments:

Post a Comment