Thursday, October 9, 2014

Hầu hết người Việt, người Hoa đều muốn theo tư bản

WASHINGTON DC (NV) .- Lòng ham muốn của người dân có thị trường tự do ở những nước cộng sản như Việt Nam và Trung Quốc cao hơn những nước tư bản truyền thống như Mỹ, Anh quốc, theo tổ chức Pew nghiên cứu.

 
Một phụ nữ và một ông bước vào một khu thương xá ở Bắc Kinh. Lòng ham muốn thị trường tự do rất cao ở Việt Nam và Trung Quốc so với các nước khác. (Hình: AP Photo/Ng Han Guan)

Có đến 95% các người dân ở Việt Nam được phỏng vấn nói rằng hầu hết mọi người sẽ khá hơn nếu sống trong nền kinh tế thị trường. Trong khi đó, có 76% người Trung Quốc cũng nghĩ như thế, theo cuộc khảo cứu dư luận toàn cầu của tổ chức Pew thực hiện với các cuộc phỏng vấn gần 49,000 người trên khắp thế giới.

Kết quả như thế chắc chắn làm giới lãnh đạo các chế độ độc tài đảng trị tại Việt Nam cũng như tại Trung Quốc khó chịu dù họ thừa biết nhân dân chẳng ưa gì guồng máy thống trị.

Tại Việt Nam, nhà cầm quyền cố gắn cái đuôi “Xã hội chủ nghĩa” vào chủ trương theo đuổi kinh tế thị trường khi chen chân vào chuỗi sản xuất và tiêu thụ toàn cầu.

Chỉ vì cái chủ trương đầu ngô mình sổ ấy mà nền kinh tế Việt Nam ngày càng tụt hậu so với các nước khu vực, khoảng cách giầu nghèo giữa tầng lớp cai trị và tham nhũng bắt tay với đám “tư bản thân hữu” so với đại đa số quần chúng thì càng ngày càng cách biệt lớn lao.

Pew là một tổ chức nghiên cứu xã hội trụ sở ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn do tổ chức Pew Charitable Trusts tài trợ thực hiện các dự án nghiên cứu khác nhau, trong đó có dự án nghiên cứu thái độ sống của người ta trên thế giới (Global attitudes project).

Sự mở rộng giao thương giữa các nước đã kích thích sản xuất và tiêu thụ toàn cầu, giúp tăng trưởng kinh tế nhanh ở một số nước trong đó có Việt Nam và Trung Quốc vốn là những nước nông nghiệp và thiếu ăn. Nhờ vậy, nhiều người dân đã thoát cảnh thiếu đói thường xuyên. Một số người trở thành tầng lớp trung lưu trong xã hội, thậm chí giầu có nổi bật trong xã hội.

Trong khi đó, nền kinh tế tại những nước tư bản cố cựu như Hoa Kỳ và Anh quốc thì tăng trưởng rất thấp hoặc có những giai đoạn đối phó với suy thoái kinh tế rất khó khăn. Nạn thấp nghiệp cao và lương bổng thì cũng không tăng.

Những kinh nghiệm sống ở những nước đang phát triển, muốn thoát ra khỏi tình trạng chậm tiến và tại những nước vốn có nền kỹ nghệ tiên tiến và mức sống khá cao, có thái độ khác nhau về thị trường tự do hiện nay cũng như tương lai.

Đến 65% những người ở các nước kỹ nghệ tiên tiến nói rằng con cháu của họ sẽ nghèo khổ hơn cha mẹ của chúng. Nhưng trái lại, tại những quốc gia lương bổng thấp hay trung bình, ít nhất là phân nửa những người được phỏng vấn cho rằng con cái của họ sẽ khá hơn cha mẹ.

Sự lạc quan về tương lai cao nhất là tại Việt nam khi có đến 94% người ta cho rằng đời con họ tốt đẹp hơn, trong khi tỉ lệ lạc quan 85% tại Trung Quốc. Trong khi đó, chỉ có 30% người ở Hoa Kỳ, 23% người Anh Quốc, 15% người ở nước Ý, 14% người Nhật, và 13% người Pháp tiên đoán tương lai sẽ tốt đẹp hơn cho đám trẻ con của họ hiện giờ.

Trên toàn thế giới, đến 60% người được phỏng vấn nói rằng khoảng cách giữa giàu và nghèo là “vấn đề rất lớn” ở nước của họ. Thiếu công ăn việc làm được coi là vấn đề nghiêm trọng hơn. Nói chung, có đến 66% người trên thế giới cho là người ta sẽ khá hơn dưới chế độ tư sản cho dù có khoảng cách giữa giàu và nghèo với một số người.

“Người ta sẵn sàng chấp nhận một mức độ bất cân bằng nào đó để có thị trường tự do”. Bà Katie Simmons, một chuyên viên nghiên cứu cấp cao của tổ chức Pew phát biểu.

Quan ngại về sự bất cân bằng (khoảng cách giàu nghèo) lên cao nhất ở Hi Lạp và Lebanon. Đến 84% người được phỏng vấn ở hai nước này coi đó là vấn đề lớn trong khi tại Nhật Bản chỉ có 28%.

Dù xếp hạng sau Việt Nam và Trung Quốc về ưa chuộng thị trường tự do, người Mỹ vẫn tin tưởng vững chắc rằng mọi cá nhân chịu trách nhiệm cho chính số phận của mình. Tại Hoa Kỳ, 57% người ta (chỉ đứng sau Venezuela với 62%) từ chối ý tưởng cho là “sự thành công trong đời sống được quyết định bởi các lực lượng bên ngoài sự kiểm soát của chúng ta”.

Người Mỹ cũng nhiều phần (73%) tin tưởng hơn các người ở những quốc gia khác nói rằng nỗ lực làm việc rất quan trọng để khá hơn trong đời sống.

Được biết, Pew phỏng vấn khảo sát với 48,643 người lớn tại 44 nước trên thế giới bằng cả hai phương pháp là qua điện thoại và phỏng vấn trực tiếp từ Tháng Ba đến Tháng Sáu.(TN)
10-09- 2014 5:55:39 PM

No comments:

Post a Comment