Thursday, October 9, 2014

Hiện tượng “Hoàng Chi Phong”

VRNs (10.10.2014) – California, USA – Cuộc xuống đường của người dân Hong Kong (Hương Cảng) đang lớn dần, và thu hút sự chú ý của dư luận thế giới. Một bên là Lương Chấn Anh, Đặc khu trưởng Hành chánh Hong Kong với Tập Cận Bình và đảng Cộng sản TQ vĩ đại sau lưng. Bên kia là Tổng hội Sinh viên Hong Kong, Phong trào “Chiếm Lĩnh Trung Hoàn”, và Phong trào “Học dân tư triều” của chàng sinh viên tên Hoàng Chi Phong, hồi mới 16 tuổi, đã trải qua nhà tù cảnh sát vì tranh đấu. Mời độc giả cùng chúng tôi tìm hiểu thêm về cuộc đối đầu đang làm người người đặt câu hỏi, “Liệu có phải đây là vụ Thiên An Môn thứ hai”?

Hong Kong cho mướn

Vào thế kỷ 17 và 18, nhu cầu đòi hỏi của thị trường phương Tây về những mặt hàng Trung quốc, đặc biệt là tơ lụa, sành sứ và trà đã tạo ra tình trạng mất cân đối mậu dịch, vì tại TQ không có thị trường tiêu thụ các mặt hàng của phương Tây. Một mặt, chính phủ TQ tự cung ứng cho thị trường trong nước, một mặt cấm các con buôn châu Âu không được phép tiếp thị sâu vào nội địa. Hàng bạc của châu Âu muốn bán vào TQ phải theo luật “nhất khẩu thông thương” áp dụng từ giữa thế kỷ 17, chỉ cho phép nhập cảng qua cửa biển Quảng Châu (thủ phủ tỉnh Quảng Đông) và chỉ được trao vào tay thương nhân TQ tại một trong 13 thương quán gọi là hệ thống Quảng Châu Thập Tam Hàng. Công ty Đông Ấn của Anh phản pháo bằng cách bán đấu giá thuốc phiện trồng tại các đồn điền của họ tại Ấn Độ cho các thương nhân ngoại quốc để đổi lấy các mặt hàng bạc. Sau đó, nha phiến mới được vận chuyển tới bờ biển TQ để bán cho trung gian người Hoa, trước khi đám con buôn nầy du nhập chui vào bán lẻ cho người hút ở trong nước. Tình trạng đảo ngược mức tiêu thụ hàng bạc và gia tăng con số người nghiện thuốc phiện ở TQ đã làm chính phủ phải báo động.

Ngày 25/10/1830, Hoàng đế Đạo Quang của nhà Thanh ban bố thánh chỉ, buộc các tỉnh áp dụng luật cấm mua bán và hút thuốc phiện – nhất là tại tỉnh Quảng Đông – điểm nóng bỏng nhất nơi thương nhân Anh tuồn thuốc phiện vào. Ngày 29/12/1838, khi Lâm Tắc Từ về kinh đô, vua Đạo Quang đã 8 lần triệu Lâm Tắc Từ vào cung trong 8 ngày liền, lắng nghe ý kiến và kế hoạch do ông đệ đạt, rồi phong ông làm Khâm sai đại thần kiêm Tiết độ thủy sư, xuống Quảng Đông thi hành lệnh cấm thuốc phiện. Người TQ là cha đẻ câu “nhu thắng cương, nhược thắng cường”, nhưng quan khâm sai họ Lâm làm ngược lại, quyết định sử dụng biện pháp mạnh. Đến nơi, ông cấp tốc điều tra và lùng bắt những người bán thuốc. Qua ngày 18/03/1839, ông phân phối tờ lệnh cấm thuốc phiện cho các lái buôn thuốc phiện người nước ngoài, ấn định trong 3 ngày phải giao nộp toàn bộ thuốc phiện hiện có trên tàu. Các con buôn thuốc phiện người Anh vừa không chịu giao nộp thuốc phiện, vừa tìm cách phá hỏng lệnh cấm của triều đình. Đúng 3 ngày sau, y lời, Lâm Tắc Từ cho lệnh bắt trùm sò thuốc phiện Lancelot Dent.  Hành động cứng rắn nầy làm chưởng quản mậu dịch của chính phủ Anh tại TQ là Charles Elliot lúc đó đang công tác ở Ma Cao bị chấn động. 72 giờ sau, Elliot từ Ma Cao đến Quảng Châu đích thân chỉ huy phản công chiến dịch tịch thu thuốc phiện của triều đình bằng cách phái một chiến hạm đến bỏ neo ở cửa sông Châu Giang thay lời tuyên chiến. Phía TQ, Lâm Tắc Từ công bố lệnh mới, hủy bỏ việc mậu dịch với nước Anh, song song với chỉ thị cho lính canh giữ nghiêm ngặt các thương quán, cũng như cắt đứt giao thương giữa Quảng Châu Thập Tam Hàng với Ma Cao, cấm người Hoa tiếp tục làm mướn trong các thương quán, quản thúc con buôn ngoại quốc bên trong thương quán và biến họ thành con tin, không cho ra đường hay xuống tàu. Trước hàng loạt biện pháp mạnh như thế, Charlet Elliot đành phải chấp nhận ra lệnh cho các tàu buôn Anh cứ giao nộp thuốc phiện với lời hứa sẽ được chính phủ Anh đền bù thiệt hại. Tiến hành tiếp quản á phiện, từ ngày 12/04 đến 21/05 Lâm Tắc Từ đã tịch thu không bồi hoàn hơn 20.000 hòm thuốc phiện (mỗi hòm chứa 55 kí), trong đó có 1.540 hòm của Mỹ, rồi tổ chức đốt bỏ toàn bộ số thuốc phiện ấy – một trận hỏa thiêu với ngọn lửa cháy liên tục 20 ngày mới tắt. Đi xa hơn thế, họ Lâm còn cho lính tràn lên các tàu buôn còn ở ngoài hải phận quốc tế để tịch thu thuốc phiện, và không ngừng ở đó. Lâm Tắc Từ ban hành thêm một lệnh khác, bắt con buôn ngoại quốc phải ký giao ước không đưa mặt hàng á phiện vào, nếu vi phạm sẽ bị án tử hình. Lời hứa bồi hoàn của chưởng quản Elliot đặt Bộ Tài chính Anh vào tình thế khó xử. Mặc dù không phủ nhận quyền kiểm soát á phiện nhập cảng của triều đình TQ, chính phủ Luân Đôn phản đối việc tịch thu thuốc một cách chuyên quyền bằng cách dùng lực lượng hải quân và hỏa pháo hùng hậu để tỏ thái độ. Ngày 3/11 năm ấy, chiến hạm Hyacinth vũ trang 18 nòng đại bác và chiến hạm Volage với 22 đại bác đã khai hỏa bắn vào các tàu chiến của TQ đang hộ tống chiếc Thomas Coutts ở Hổ Môn, một cửa sông hẹp thuộc vùng đồng bằng sông Châu Giang tỉnh Quảng Đông. Thomas Coutts là một thương thuyền do giáo phái Quakers sở hữu, khước từ buôn bán á phiện và được thuyền trưởng Warner mặc cả thành công với tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông nên được phép bốc hàng xuống đảo Xuyên Tị gần của sông Hổ Môn. Để ngăn chặn các tàu Anh khác nối gót chiếc Thomas Coutts để xé lẻ, Elliot ra lệnh phong tỏa cửa sông Châu Giang, một điểm giao thương chiến lược giữa Hong Kong và Ma Cao. Trong cùng ngày 3/11, một thương thuyền thứ nhì mang cờ Anh, chiếc Royal Saxon phá vỡ lệnh phong tỏa để cập bến Quảng Đông, nên bị hai chiến hạm Hyacinth và Volage nổ súng vào tàu hộ tống của TQ để cảnh cáo. Hải quân nhà Thanh ra thông cáo hôm ấy họ thắng lớn, nhưng sự thật là trong trận châu chấu đá voi nầy, phía TQ bị đánh chìm nhiều tàu.

Qua năm kế, Elliot thương lượng với Toàn quyền Bồ Đào Nha tại Ma Cao xin cho tàu Anh được cất hàng tại hải cảng nầy và chịu đóng tất cả các khoản thuế cũng như chi phí thuê mướn kho bãi, nhưng phía Bồ từ chối, vì ngại triều đình TQ có biện pháp với Ma Cao. Tưới thêm dầu vào ngọn lửa thù địch đang cháy lan nầy, ngày 14/01/1840, hoàng đế nhà Thanh cấm tất cả mọi người ngoại quốc đang hiện diện trên lãnh thổ TQ phải chấm dứt bất cứ hình thức yểm trợ nào cho người Anh. Bị dồn vào chân tường, chính phủ Anh quyết định đánh.

Tháng 6 năm ấy, Đô đốc James Bremer dẫn một lực lượng viễn chinh gồm 15 tàu vận tải chở lục quân Anh tuyển mộ ở Ấn – vũ trang bằng loại vũ khí tân tiến để thay cho loại vũ khí đương thời là súng hỏa mai phải châm ngòi từng phát một – được hộ tống bởi 4 chiến hạm và 25 giang đỉnh, từ Singapore tới Quảng Đông, đòi triều đình TQ phải bồi thường cho Anh tất cả mọi thiệt hại do việc cắt đứt mậu dịch mà ra. Một cánh quân viễn chinh đã án ngữ cửa sông Châu Giang rồi đổ bộ và tiến chiếm được thị trấn Châu Sơn bỏ ngõ sau khi đám quân ít ỏi trấn đóng ở đấy hoặc bị giết, hoặc tẩu thoát.

Trong năm tiếp theo, 1841, ngày 25/01 quân Anh chiếm được đảo Hong Kong rồi dùng làm bàn đạp mở rộng vùng kiểm soát, hạ được chiến lũy Hổ Môn có nhiệm vụ trấn giữ cửa sông Châu Giang, cũng như làm chủ luôn mặt trận Quảng Đông. Tiếp theo, lính Anh đánh thốc ngược dòng sông Dương Tử, cướp được cả thuyền rồng chở tiền thuế của triều đình. Đến giữa năm 1842, phía Anh đánh chiếm luôn cửa sông Dương Tử và thành phố Thượng Hải, làm nhà Thanh phải chịu ký hòa ước Nam Ninh vào ngày 29/08, thừa nhận Anh là một quốc gia như TQ, phải trả cho Anh số tiền 6 triệu đồng bạc để đền bù toàn thể thuốc phiện đã bị Lâm Tắc Từ tịch thu 3 năm về trước, thêm 3 triệu Mỹ kim bồi thường cho thiệt hại vì việc cấm cửa Quảng Châu Thập Tam Hàng, cộng thêm 12 triệu Mỹ kim khác là tiền bồi thường tổn phí chiến tranh. Toàn thể 21 triệu đô nầy phải trả góp trong vòng 3 năm, chưa kể tiền lời hàng năm 5% nếu trả trễ. TQ cũng phải phóng thích tất cả tù binh Anh, song song với việc ân xá cho tất cả người Hoa bị kết tội vì cộng tác với chính phủ Anh trong ba năm chiến tranh. Phía Anh, quân đội triệt thoái khỏi Nam Kinh và con kênh Đại Vận Hà sau khi nhận được món tiền trả góp đầu tiên, tuy nhiên, lính Anh sẽ vẫn đồn trú ở đảo Cổ Lãng Tự và núi Chu Sơn cho đến khi toàn thể số tiền 21 triệu được trả xong. Vào thời điểm ký hòa ước Nam Ninh để kết thúc Cuộc chiến tranh Nha phiến thứ Nhất, nhà Thanh thỏa thuận coi Hong Kong là nhượng địa vĩnh viễn thuộc về Anh (từ ngữ nguyên tác là “thường viễn” 常遠 trong bản hòa ước bằng tiếng Hán, Điều III), nhưng 18 năm sau, nhượng địa nầy được mở rộng thêm với phần đất bán đảo Cửu Long, rồi tới năm 1898, Hiệp định Bắc Kinh thứ nhì mới đổi qui chế Hong Kong lại thành lãnh thổ cho mướn trong thời gian 99 năm, mãn hạn vào năm 1997 – nhưng cái sườn của việc tuột tay Hong Kong vẫn phát sinh từ Cuộc chiến tranh Nha phiến thứ Nhất kể trên, và cái tên Lâm Tắc Từ muôn đời đi đôi với vết ô nhục nầy.

 Thỏa ước mới trước khi mãn khế ước mướn Hong Kong

13 năm trước khi hợp đồng thuê mướn Hong Kong hết hạn, vào ngày 19/12/1984 bà Thủ tướng Margaret Thatcher của Anh và thủ tướng Triệu Tử Dương đã gặp nhau để ký bản tuyên bố chung giữa 2 nước, theo đó phía Anh không chỉ trao trả khu vực Tân Lục địa mà còn cả Cửu long và Hương Cảng (Hong Kong) vào năm 1997. Phần mình, Bắc Kinh hứa sẽ áp dụng “nhất quốc lưỡng chế” (một nước, hai chế độ) – một sáng kiến do nhà lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình chủ xướng, theo đó, trong 50 năm tiếp sau việc trao trả, công dân Hong Kong sẽ tiếp tục được theo chế độ tư bản cùng các quyền tự do về chính trị vốn bị cấm ngặt ở trong lục địa. Nói khác đi, mặc dù thống nhất, nhưng Hong Kong vẫn được hưởng đặc quyền tự trị cao (high degree of autonomy) cho đến năm 2047, chiếu theo Điều 5 Chương 1 của Bộ luật Cơ bản: “Hệ thống và các chính sách xã hội chủ nghĩa sẽ không áp dụng tại Đặc khu Hành chánh Hong Kong, và hệ thống tư bản cũng như lối sống trước đó sẽ duy trì mà không thay đổi trong 50 năm.” Trong tinh thần của sáng kiến do Đặng Tiểu Bình đặt nền tảng trên Điều 31 của hiến pháp TQ, mỗi khu vực hành chánh như Hong Kong, Ma Cao hay Đài Loan vẫn duy trì hệ thống chính trị riêng với các vấn đề pháp lý, kinh tế và tài chính, bao gồm cả lãnh vực ký kết các hiệp định với nước ngoài sẽ còn được hưởng một số quyền nhất định.

Ký kết trên giấy trắng mực đen là một việc, nhưng tìm cách áp đặt thể chế cộng sản vẫn là tham vọng thường xuyên của tập đoàn cai trị ở Bắc Kinh.Tháng 8/2014 vừa qua, Bắc Kinh thông báo là chức vụ tân lãnh đạo hành pháp của đặc khu HK sẽ được bầu theo hình thức phổ thông đầu phiếu vào năm 2017, nhưng cử tri HK chỉ được lựa chọn trong số 2 hoặc 3 ứng cử viên do một ủy ban có thẩm quyền của nhà nước đề cử – như kiểu dân chủ bịp bợm “đảng cử, dân bầu” đang áp dụng ở Việt Nam. Thông báo của Bắc Kinh đã làm dấy lên phong trào bất phục tùng, đòi chính phủ trung ương phải tôn trọng quyền tự do lựa chọn người lãnh đạo của HK trong cuộc bầu cử sắp tới vào năm 2017. Từ gần hai tuần qua, sinh viên đã bãi khóa và sau đó nhận thêm sự ủng hộ của học sinh trung học, làm cuộc đấu tranh bất ngờ gia tăng khí thế và cường độ bằng những cuộc xuống đường, ngồi lì, rối loạn nghiêm trọng hơn bao giờ kể từ khi đặc khu này được trao trả cho chính quyền TQ. Ngày 29/09/2014, dân tiếp tục xuống đường và thách thức chính quyền sau một đêm chạm trán với cảnh sát chống bạo động. Để chống đỡ lựu đạn cay và bột tiêu của cảnh sát, sinh viên học sinh chỉ có một thứ vũ khí duy nhất là những chiếc ô đi mưa. Do đó, phong trào tranh đấu đòi dân chủ tại HK được đặt tên là “Cuộc cách mạng ô dù”. Trong hai ngày cuối tháng 9, đã có 41 người bị thương và 78 người bị cảnh sát bắt, trên 200 tuyến xe buýt công cộng ngừng hoạt động, hệ thống tàu điện ngầm bị xáo trộn và tê liệt, các trường học bãi khóa, nhiều tiệm buôn phải đóng cửa. Tới thứ Sáu 3/10, sinh viên đã tràn vào chiếm trụ sở hành chính đặc khu và bị cảnh sát dùng bạo lực đẩy lui ra ngoài. Hành động của cảnh sát đã làm bùng lên tinh thần ủng hộ của người dân dành cho phong trào đấu tranh của tổng liên đoàn sinh viên. Phong trào Chiếm Lĩnh Trung Hoàn (Occupy Central) của sinh viên đã lên tiếng đòi Bắc Kinh phải thủ tiêu quyết định “chỉ có đảng mới có quyền đưa người ra ứng cử”. Họ đòi chính quyền đặc khu phải gửi về Bắc Kinh một báo cáo mới về cải cách chính trị phản ảnh đầy đủ nguyện vọng dân chủ của người dân HK; phần đặc khu trưởng có 48 giờ để xuất hiện và tiếp xúc với đại diện sinh viên tại công viên Thiêm Mã nếu không muốn cuộc xuống đường lan rộng làm tê liệt thành phố, nhưng đặc khu trưởng, ông Lương Chấn Anh chỉ yêu cầu người biểu tình ngừng tranh đấu và quay về nhà. Thay vì tự giải tán, tổng liên đoàn sinh viên đòi Lương Chấn Anh phải từ chức, và tuyên bố: “Bất cứ ai còn chút lương tâm cũng phải xấu hổ vì đã hợp tác với một chính phủ không thèm quan tâm đến công luận”. Tin tức về cuộc đấu tranh tại Hong Kong làm sôi sục thế giới, nhưng bên trong lục địa vẫn im lặng như tờ, sau khi Bắc Kinh một mặt ra lệnh cho tất cả các trang mạng trong nước phải xóa bỏ tức khắc mọi thông tin về các cuộc xuống đường tại HK, mặt kia cảnh cáo dân Hong Kong rằng đặc khu nầy sẽ chẳng đời nào được hưởng trọn vẹn quyền tự trị, báo chí của HK sẽ chịu áp lực nặng nề của trung ương đảng, và quyền lực của đảng sẽ xen ảnh hưởng vào tất cả mọi lãnh vực của đời sống người dân. Biết thế nên những người xuống đường nay đang đấu tranh để bảo tồn các giá trị truyền thống của thành phố, mặc dù mỗi ngày càng gia tăng các cuộc tấn công và bôi bẩn nhắm vào những khuôn mặt dám ăn dám nói trong công chúng, hoặc các cây bút được công luận tin cậy.

Giữa tình hình căng thẳng như thế, hôm 29/09 chủ tịch Tập Cận Bình tiếp 70 tài phiệt giàu có nhất Hong Kong vừa bay về Bắc Kinh, để tạo dáng rằng đảng sẽ đưa ra các ứng cử viên giàu lòng ái quốc. Họ Tập đã nghênh đón tỉ phú Lý Gia Thành (người giàu thứ 9 trên thế giới) cũng như nhà tài phiệt hàng hải Đổng Kiến Hoa, và không quên nhắc lại rằng 5 triệu cử tri HK sẽ được quyền đi bầu, nhưng bất cứ ai muốn ra tranh cử chức đặc khu trưởng HK vào năm 2017 cũng phải được hội đồng bầu cử của thủ đô chuẩn thuận – một trò hề dân chủ mà các chính trị gia thân phe xuống đường gọi là “cuộc bầu cử cuội”.

141009007

141009008

141009009

141009010

Những ai bên sau lực lượng sinh viên học sinh?

Với một số ngân hàng, máy rút tiền tự động, trường học, trạm tàu điện ngầm ngừng hoạt động vì tình trạng biểu tình ngồi án ngữ giao thông công cộng, chính quyền Hong Kong được Bắc Kinh hậu thuẩn đang phải đối phó với tình trạng khó khăn khi áp đặt đường lối cộng sản xuống đầu và cổ của những người dân quen sống theo chế độ dân chủ và tự do. Họ là sinh viên học sinh và những người đã nghỉ hưu. Nhưng ai là kẻ chỉ huy đám đông đang làm nghẽn sinh hoạt thành phố cảng vốn nổi tiếng ổn định với môi trường đầu tư thuận tiện bậc nhất hoàn cầu đang xáo trộn nghiêm trọng vì một biến động có tính cách lịch sử?

Được thành lập năm 1958, Liên đoàn Sinh viên Hong Kong tập trung sinh viên học sinh từ các hiệp hội sinh viên của 8 trường, lại được sự ủng hộ của các giáo sư – bằng cách hoặc đích thân gia nhập đoàn biểu tình, hoặc thu âm bài vở để phát chuyền tay cho sinh viên để họ vừa biểu tình vừa ôn luyện môn học, khỏi bị gián đoạn việc học hành.

Phong trào Chiếm Lĩnh Trung Hoàn (tên đầy đủ là Chiếm Lĩnh Trung Hoàn với Tình yêu và Hòa bình / Occupy Central with Love and Peace) là cuộc xuống đường bất bạo động do giáo sư Đới Diệu Đình (Benny Tai) thuộc viện Đại học HK khởi xướng bằng bài báo đăng trên tờ Hong Kong Economic Journal vào tháng 01/2013 với lời tiên đoán rằng sẽ có tối thiểu một vạn người dân xuống đường ở Trung Hoàn vào tháng 7/2014 nếu cuộc bầu cử Trưởng Đặc khu Hồng Kông 2017 và cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp 2020 không được thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế. Phong trào nầy trở thành hoạt động chính thức sau khi chủ tịch ủy ban Lập pháp Quốc hội TQ ông Kiều Hiểu Dương minh định rằng ứng cử viên chạy đua vào ghế Trưởng Đặc khu Hành chính HK phải có lòng yêu nước đối với cả TQ đại lục và HK, sẽ không đối lập với Bắc Kinh và không là người theo trường phái ủng hộ dân chủ. Ngày 31/08/2014, quốc hội ở Bắc Kinh chính thức khẳng định rằng HK là một phần của TQ, nên cuộc bầu cử Trưởng Đặc khu Hành chính HK chính thức có hiệu lực và chỉ dành riêng cho các ứng cử viên nào ủng hộ chính phủ Bắc Kinh. Ngày 27/09, Phong trào Chiếm Lĩnh Trung Hoàn tiến hành cuộc xuống đường và chiếm giữ bất bạo động để tranh đấu cho hình thức phổ thông đầu phiếu và quyền đề bạt người ra ứng cử chức vụ lãnh đạo của người dân HK. Biểu tình đã khai diễn tại Trung Hoàn, là khu trung tâm kinh tế và tài chính của HK. Cùng sát cánh với Đới Diệu Đình trong phong trào nầy là Trần Kiện Dân (Chan Kin-man), giáo sư môn xã hội học của đại học HK, và linh mục 70 tuổi Chu Diệu Minh (Chu Yiu-ming), người từng có “tội ác” với chế độ khi giúp cho một số nhân vật đầu não của vụ Thiên An Môn trốn thoát ra khỏi TQ vào năm 1989, bằng một chiến dịch có tên Chim Hoàng Yến. Tháng 1/2014, khi đảm nhận chức vụ lãnh đạo phong trào Chiếm Lĩnh Trung Hoàn, linh mục Chu nói ông “rất ghê sợ đảng Cộng sản, nhưng nếu chúng ta cứ bằng lòng đầu hàng số phận, thì sẽ mất trắng tất cả.”

Nhưng còn một con người lạ lùng nữa: Hoàng Chi Phong. Trên truyền hình và trên mặt báo chí thế giới, cậu bé 17 tuổi mang kính cận dày cộm nầy được gọi là Joshua Wong, đang chờ tới ngày 13 thàng 10 nầy để đủ tuổi làm thẻ cử tri, mặc dù anh chàng đã chẳng cần chờ đủ tuổi để nếm cơm tù từ mấy năm về trước.

141009005

Nhân vật lãnh đạo lỏi tì Hoàng Chi Phong

Ngày 29/05/2011, Hoàng Chi Phong cùng một học sinh trung học khác là Lâm Lương Ngạn (Ivan Lam) thành lập phong trào Học dân tư triều (Scholarism, có nghĩa phong trào tư tưởng của những người học thức) tập họp một nhóm những học sinh trung học cấp 2 tại Hong Kong để lên tiếng phản đối việc chính quyền Hong Kong khởi xướng “chương trình giáo dục ái quốc” bằng các giáo trình thân cộng do Bắc Kinh soạn thảo được cục giáo dục HK đề xuất nhằm tẩy não học sinh sinh viên tại thành phố cảng. Tuy không là một tổ chức, nhưng phong trào nầy bị các phương tiện truyền thông của TQ đại lục chụp mũ là nhóm có quan điểm cực đoan quá khích. Chính Hoàng Chi Phong, lãnh đạo của phong trào, cho biết anh đã có tên trong danh sách đen của Bắc Kinh về an ninh quốc gia; đảng và nhà nước tố cáo anh là mối đe dọa từ bên trong nhằm phá hoại sự ổn định chính trị và pháp luật của Đảng Cộng Sản – sau màn phản đối của 50 học sinh kéo dài cả tháng ròng, được nối tiếp bằng vụ tuyệt thực của 3 thành viên chính, đã cuốn theo được sự tham dự của các tổ chức phụ huynh học sinh và Liên đoàn giáo viên chuyên nghiệp, huy động được khoảng 120 ngàn người ủng hộ xuống đường hôm 1/07/2012 và cắm trại 10 ngày tại công viên công cộng bên dưới trụ sở hành chánh HK. Kết quả thay vì trở thành chính thức áp dụng kể từ tháng 9/2012, chính đặc khu trưởng Lương Chấn Anh phải ra lệnh xếp xó các giáo trình cộng sản nầy.

Lần nầy, trên ấn bản đề ngày 25/09/2014, tờ báo ngày Văn Hối Báo (Wen Wei Po) đăng nguyên một bài nhằm “lật tẩy” bí mật về Hoàng Chi Phong, cáo giáo rằng Phong bị Mỹ giật dây, với câu tường thuật không cần chứng minh: “Các lực lượng Hoa Kỳ thù nghịch đã sớm phát hiện tài năng của Hoàng Chi Phong từ 3 năm trước, rồi tiến hành các bước nhằm biến hắn thành một siêu sao chính trị.” Không trưng dẫn bằng chứng cụ thể, tờ báo đăng các tấm ảnh mà tờ báo nói là do “công dân mạng” đăng bừa bãi trên internet, rồi phụ đề rằng Phong thường xuyên gặp gỡ nhân viên Lãnh sự quán Mỹ ở Hong Kong; những người nầy ngụy trang các khoản tiền từ Mỹ gởi tới cho Hoàng Chi Phong. Bài phóng sự cũng tường thuật rằng hồi 2011, nhận lời mời của Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tại Ma Cao, gia đình Phong đã sang đấy, trú ngụ lại trong khách sạn Venetian Macao do công ty Las Vegas Sands của Mỹ làm chủ. Khi được các hãng thông tấn hỏi, Hoàng Chi Phong chỉ nói vắn tắt, “Tất nhiên là chuyện bịa đặt” còn Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tại Ma Cao và tòa Lãnh sự Mỹ tại Hong Kong từ chối bình luận.

Chẳng có gì đáng cho người thường xuyên theo dõi tin tức phải ngạc nhiên khi người lãnh đạo phong trào Học dân tư triều bị tờ Văn Hối Báo tấn công. Đây là tờ báo phát hành bằng tiếng Hán, chào đời tại Thượng hải vào tháng 1/1938 rồi ấn bản Hong Kong xuất hiện vào đầu tháng 12/1948, nhắm mục đích ủng hộ chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng như loan tin một chiều về các thành tựu ở đại lục, chỉ trừ một ngoại lệ duy nhất vào năm 1989, khi tờ báo công khai phản đối việc Bắc Kinh đàn áp dẫm máu trong vụ Thiên An Môn; nhưng không lâu sau bài báo, toàn ban biên tập đã bị thay thế. Mỗi ngày, tờ Văn Hối in 48 trang, được người đọc cho là tiếng nói của Bắc Kinh tại Hong Kong, đặc biệt là sau bài xã luận vào tháng 6/2009, trong đó tác giả lập luận với giọng điệu của một chính phủ hơn là của ban biên tập, rằng “tại Thái Bình Dương, Mỹ đã có hai quân cảng Guam và Changi (Singapore), nên nếu thuê được Cam Ranh của Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ hoàn tất cụm tam giác bao vây Trung Quốc.”

Mặt nạ cộng sản của Văn Hối đã rơi, vì 24 giờ sau khi tờ báo đăng các “bí mật” về chàng thanh niên trẻ tuổi để chuẩn bị dư luận, Hoàng Chi Phong liền bị cảnh sát HK bắt khi Phong đang dẫn đầu một đám 30 người xuống đường trèo qua hàng rào của trụ sở hành chánh, mặc dù 40 tiếng đồng hồ sau, họ đã phóng thích anh vô điều kiện mà không bị án phạt nào. Thực ra, lệnh phóng thích Hoàng Chi Phong chỉ được thi hành sau khi đoàn người biểu tình đã xung đột tận tình với cảnh sát, xâm chiếm con đường huyết mạch của thành phố, và hô to các khẩu hiệu “Phải phóng thích sinh viên! Sinh viên là thành phần vô tội!”

Bà Suzanne Pepper, một học giả giảng dạy tại viện đại học TQ tại Hong Kong giải thích trong một imeo trả lời báo chí: “Sinh viên nay đã trở thành các người hùng tại địa phương, trong mắt nhìn của công chúng. Do đó, nếu bị nguy khốn hay gián đoạn việc học, họ sẽ được lòng dân hơn và sẽ được hậu thuẩn mạnh hơn.” Một người khác trong đám xuống đường tên Jerry Chik, 17 tuổi, học sinh cấp hai, nói với ký giả rằng “Anh Phong thật can đảm. Anh ấy có thể sống chết hết mình cho điều mà anh tin là lẽ phải. Nếu cuộc xuống đường mang màu sắc chính trị, chúng tôi sẽ không chấp nhận.”

Bắt, rồi thả, cảnh sát HK cho rằng họ vẫn có đủ quyền để xét xử Hoàng Chi Phong. Bản án dành cho lãnh tụ sinh viên non trẻ có thể là tội xâm nhập khuôn viên công quyền bất hợp pháp, cũng như tụ tập bất hợp pháp. Phần mình, chàng sinh viên năm thứ nhất cho hay anh không có bất cứ kế hoạch nào để rời Hong Kong đi du học ở nước ngoài, cho dù anh có nhận được tài trợ. Anh cười: “Tôi không đủ thông minh đến mức ấy. Tôi chỉ muốn làm tí ti công tác xã hội. làm sao tôi có thể lìa xa Hong Kong trong hoàn cảnh thế nầy. Nếu tôi ra đi, nhà nước sẽ có cớ để chụp mũ tôi thêm.”

Trong một tuần lễ vừa qua, công ty phân tích Topsy nhận thấy cái tên “Yoshua Wong” của người trẻ mảnh mai mang kính cận được đề cập tới 23.000 lần trên mạng. Hiện phong trào Học dân tư triều là một trong ba nhóm lãnh đạo chính của “cuộc Cách mạng dù”; hai nhóm kia là Chiếm Lĩnh Trung Hoàn và Tổng liên đoàn Sinh viên Học sinh Hong Kong, mặc dù theo tờ Nam Hoa Tảo Báo của HK, trang nhà của Học dân tư triều trong Tân Lãng Vi Bác (Weibo.com) đã bị niêm phong.

 Người không được Bắc Kinh chấp nhận

Hôm thứ Tư 1/10/2014 vừa qua, là ngày Quốc Khánh TQ, Hoàng Chi Phong dẫn theo 30 bạn đồng môn tới địa điểm cử hành lễ thượng kỳ, thay vì cung kính chào cờ “quốc gia”, cả đám đã quay ngược lưng về phía lễ đài và đồng loạt đưa cao hai tay chéo lên trời, theo lời giải thích của chính Phong với báo chí thế giới là “để bày tỏ thái độ chống đối đảng Cộng sản TQ, và để đòi hỏi Lương Chấn Anh phải từ chức.” Hồi tháng trước, Phong ngang nhiên tuyên bố với ký giả tờ Thời Báo Kinh tế của Luân Đôn rằng thần tượng của anh là Vương Đán, lãnh tụ sinh viên tranh đấu trong vụ Thiên An Môn, chỉ trừ, anh chủ trương không đổ máu trong cuộc đấu tranh đòi dân chủ cho Hong Kong. Anh nói rất rõ: “Nếu quân đội tiến tới, tất cả chúng tôi sẽ bỏ về nhà… chúng tôi không muốn nhìn thấy máu đổ.” Phong cũng thú thực rằng mức độ bất phục tùng của cuộc xuống đường vượt quá dự liệu của anh. Anh từ chối không tiên đoán cuộc xuống đường sẽ còn kéo dài bao lâu, và đưa tới hậu quả nào. Anh nói gọn: “Giữa tất cả mọi công dân Hong Kong hiện nay, chỉ có một người có thể quyết định phong trào xuống đường nầy sẽ kết thúc vào lúc nào; người đó là Lương Chấn Anh. Nếu ông ta chấp thuận yêu cầu của chúng tôi mà từ chức, cuộc xuống đường sẽ mặc nhiên kết thúc.”

Hồi tháng 7 năm nay, khi được hỏi anh nghĩ Hong Kong sẽ thế nào trong 10 năm sau, Phong đáp: “chúng ta sẽ có một thể thức bầu cử đúng nghĩa như mọi cuộc bầu cử dân chủ khác trên thế giới.” Mới bước vào ngưỡng cửa đại học hai tháng trước đây, nhưng Hoàng Chi Phong đã là tác giả một cuốn sách mang tựa đề I am not a Hero (Tôi không phải là anh hùng). Khi được nhiều người đồng hóa cái tên Phong với phong trào Học dân tư triều, anh nói ngay: “Tôi không thích như thế. Khi một phong trào quần chúng xoay ra thần tượng hóa chỉ một cá nhân, là lúc chúng ta gặp rắc rối lớn.” Chào đời ngày 13/10/1996, Hoàng Chi Phong là một thanh niên với thân hình gầy guộc, khuôn mặt oắt con, đôi kính cận dày đè nặng trên gò má hóp, nhìn ra vẻ một học sinh lớp tám hay lớp chín trung học hơn là một sinh viên đại học năm thứ nhất.

Theo Nam Hoa Tảo Báo, tờ báo có số ấn bản lớn nhất tại Hong Kong hiện nay, Hoàng Chi Phong là mẩu người trẻ năng động và bận rộn, bước đi nhanh, nói năng nhanh nhẩu, và không có đủ thì giờ để nói chuyện cà kê dê ngỗng. Vào YouTube.com đánh tên tiếng Anh của Phong là Joshua Wong Chi-fung, bạn sẽ thấy các video clip chiếu tài hùng biện khi anh đối đáp với ký giả quốc tế, hay cầm micro thuyết trình trước các cử tọa và rừng người xuống đường. Câu danh ngôn được Phong tâm đắc nhất là lời phát biểu của nhà văn Nhật Bản, ông Haruki Murakami, khi nhận một giải thưởng văn học vào ngày 15/02/2009: “Nếu có quả trứng bị đánh mạnh vào bức tường thành cao và cứng, tôi không thèm biết lẽ phải của bức tường hay cái sai trái của quả trứng, tôi sẽ đứng về phía chiếc trứng trước đã.”  Tình trạng nổi tiếng của anh cũng mang theo chuyện lôi thôi, bực mình. Anh nghĩ rằng đường dây điện thoại di động của anh bị mật vụ Bắc Kinh nghe lén. Anh thú thực là anh cũng có lo sợ, nhưng sẽ vẫn theo đuổi con đường của mình mà anh nghĩ là chính đáng. Là con cái trong một gia đình trung lưu theo đạo Thiên Chúa, anh cho hay bố anh thường mang anh đi tìm thăm người nghèo khó và gặp cảnh bất hạnh từ lúc anh mới lên sáu, lên bảy. “Bố tôi dặn dò tôi lớn lên nên tìm cách lo cho những kẻ bị lạc loài trong xã hội, vì họ không được may mắn nghe lời Thánh kinh, phải sống cô đơn, và đối diện với khổ ải.” Lúc bé, anh không cầm tờ báo nào, nhưng qua các trang mạng, anh đọc thấy các lời trao đổi của những nhà hoạt động xã hội, nên quan tâm của anh về vấn đề xã hội cũng lớn dần. Trong tiềm thức Phong thường xuyên có 3 mối ám ảnh: cuộc đàn áp quân sự ở Thiên An Môn, ngày hàng năm kỷ niệm việc trao trả Hong Kong cho TQ, và đồng lương tối thiểu của người làm thuê.

Chúng tôi may mắn tìm được các thông tin rời rạc về Hoàng Chi Phong, xem như một hiện tượng, gom góp lại thành bài báo nhỏ bé nầy, dành tặng những người trẻ ở Việt Nam. Tại quê nhà, chúng ta cũng có những nhà hoạt động trẻ trung kiểu Hoàng Chi Phong như những Nguyễn Phương Uyên, những Đinh Nguyên Kha, những Phạm Thanh Nghiên, những Đỗ Thị Minh Hạnh, những Nguyễn Tiến Trung hay những Việt Khang… Địa chỉ imeo của Phong để các bạn trẻ liên lạc là joshua10131996@gmail.com .

Không biết Bắc Kinh có gửi chiến xa tới Hong Kong để tạo thêm một Thiên An Môn thứ nhì, và không biết bài học Hong Kong có làm thao thức những người yêu dân chủ tại Việt Nam? Câu trả lời, xin dành cho thời gian.

NgyThanh

Tác giả gởi trực tiếp cho VRNs

No comments:

Post a Comment