Cảnh sát mặc thường phục lôi một người biểu tình đòi dân chủ ra khỏi khu vực gần trụ sở chính phủ ở Hong Kong, ngày 15/10/2014.
Cập nhật: 15.10.2014 11:47
HONG KONG__Các tổ chức nhân quyền và dân chúng Hồng Kông đang bày tỏ sự phẫn nộ sau khi hình ảnh video cho thấy nhiều cảnh sát viên đánh đập một người biểu tình không có khí giới và bị còng tay. Video quay vào lúc tảng sáng cho thấy các cảnh sát viên lôi người biểu tình bị còng tay tới một góc tối của một công viên ở gần đó rối đánh đập nạn nhân một cách dã man. Từ Hồng Kông, thông tín viên Ivan Broadhead của đài VOA ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Sau khi được tin anh Ken Tsang bị bắt, Nghị viên Alan Leong, Chủ tịch Đảng Công dân, đã phái các luật sư tới Học viện Cảnh sát, nơi anh Tsang bị giam. 9 tiếng đồng hồ sau đó, toán luật sư đã hộ tống anh Tsang cùng với 7 người biểu tình khác tới bệnh viện. Nghị viên Leong phát biểu như sau về vụ này.
"Việc sử dụng vũ lực, sử dụng sức mạnh của cảnh sát, trong trường hợp này là một vụ lạm quyền trắng trợn. Chúng tôi yêu cầu cảnh sát bắt giam ngay lập tức 6 cảnh sát viên này và tiến hành các cuộc điều tra hình sự."
Vụ bắt giữ anh Tsang diễn ra trong một đêm có những vụ xô xát kịch liệt nhất giữa cảnh sát với những người biểu tình đòi dân chủ kể từ khi phong trào chiếm cứ khu trung tâm thương mại của Hồng Kông bắt đầu cách nay 18 ngày.
Nhiều giờ trước khi anh Tsang bị cảnh sát hành hung, các nhân vật tranh đấu đã tràn vào một con đường chính gần khu trụ sở chính phủ mà cảnh sát đã lấy lại quyền kiểm soát vài ngày trước.
Sau khi những người biểu tình đặt rào cản trên đường, cảnh sát chống bạo động vào lúc tảng sáng đã dùng dùi cui và súng xịt thuốc cay mắt, và trong một số trường hợp đã đánh đập và vật ngã những người biểu tình trong lúc tìm cách chiếm lại con đường này. Ít nhất 45 người biểu tình bị bắt.
Hình ảnh video cho thấy cảnh sáu nhân viên công lực mặc thường phục lôi anh Tsang vào một góc tối của một tòa nhà, liên tục đánh đập nạn nhân (phải) trong suốt bốn phút đồng hồ.
Vài giờ sau khi hình ảnh anh Tsang bị đánh đập xuất hiện trên truyền hình, các viên chỉ huy cảnh sát đã đưa ra một thông cáo nói rằng các cảnh sát viên liên can đã được chuyển sang những nhiệm vụ khác.
Cựu Bộ trưởng An ninh Hồng Kông, bà Regina Ip, một thành viên thân Bắc Kinh trong Hội đồng quản trị thành phố Hồng Kông, kêu gọi dân chúng chớ nên vội vã lên án cảnh sát. Bà cho rằng cảnh sát đang làm việc dưới áp lực khá lớn trong lúc cuộc biểu tình đòi dân chủ bước sang tuần lễ thứ ba.
"Tôi tin chắc là cảnh sát sẽ thông qua các kênh thông thường để điều tra bất kỳ tố cáo nào về việc hành hung trái phép. Tôi tin chắc là cảnh sát sẽ thực hiện những hành động cần thiết."
Những người biểu tình mỗi lúc một đông đã kéo tới Viện Lập pháp trong lúc các nghị viên chuẩn bị cho phiên họp đầu tiên sau kỳ nghỉ hè.
Phó Chủ tịch Hội đồng Độc lập về Khiếu tố Cảnh sát, ông Lam Tai Fai nói rằng ông hiểu được sự tức giận của công chúng.
"Dĩ nhiên là tôi không tán đồng việc sử dụng bạo lực và tôi tin rằng cảnh sát phải đứng ra để nói một điều gì đó để giải tỏa những sự nghi ngờ của công chúng."
Sự phẫn nộ của người dân đang gia tăng sau khi có thêm những chi tiết về vụ hành hung, kể cả những hình ảnh cho thấy anh Tsang thân thể bị bầm tím ở sở cảnh sát. Khoảng giữa trưa giờ địa phương, Nghị viên Dennis Kwok, luật sư của anh Tsang, nói rằng ông không biết điều gì làm cho anh bị cảnh sát bắt giữ, nhưng ông đưa ra những tố cáo như sau.
Hình ảnh anh Tsang thân thể bị bầm tím tại sở cảnh sát.
Khi anh Ken Tsang ở sở cảnh sát, cảnh sát tiếp tục sử dụng sức mạnh không cần thiết và bạo lực đối với anh. Như quí vị có thể thấy trong các bản tin và những bằng chứng mà tôi thu thập được, tôi nghĩ rằng những gì mà cảnh sát đã làm là rất rõ ràng. Vì vậy việc họ bị thuyên chuyển công tác là không đủ. Tôi tin rằng những gì họ đã làm là một hành vi tội phạm."
Các tổ chức nhân quyền trên khắp thế giới, kể cả Hội Ân xá Quốc tế, đã cùng nhau lên án sự thô bạo của cảnh sát Hồng Kông. Ông Law Yuk Kai, giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Hồng Kông, nói rằng vụ hành hung đó vi phạm luật lệ của Hồng Kông về tra tấn, theo đó các giới chức lạm quyền có thể phải lãnh án tù chung thân. Ông yêu cầu giới hữu trách đưa các cảnh sát viên đó ra trước ánh sáng công lý.
"Điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận được. Đó là một sự vi phạm trắng trợn đối với nhân quyền mà các cảnh sát viên đã làm. Điều đó hoàn toàn trái với pháp luật và thật là vô lý khi họ tấn công một người đã bị bắt và rõ ràng là không làm điều gì để chống lại vụ bắt giữ. Điều này rõ ràng là vi phạm pháp luật và luật lệ của cảnh sát."
Trong lúc Trưởng quan Hành chánh Hồng Kông Lương Chấn Anh tuyên bố hủy bỏ kế hoạch tham dự phiên họp của Viện Lập pháp vào ngày mai vì căng thẳng leo thang, các sinh viên cho biết họ nhất định sẽ tiếp tục ở lại trên đường phố.
Người đứng đầu công tác hiến pháp của chính quyền Hồng Kông, ông Raymond Tam cho biết ông hy vọng cuộc điều đình bị bế tắc có thể được thực hiện lại.
"Trong vài ngày nay chúng tôi đã tiếp xúc với Liên đoàn Sinh viên Học sinh thông qua một người trung gian để xem có thể mở lại cuộc đối thoại hay không và nếu được thì khi nào. Hy vọng là chúng tôi sẽ tìm được một nền tảng chung cho một cuộc đối thoại trực tiếp, thẳng thắn và xây dựng để đưa sự việc tiến tới cho bầu cử trực tiếp và phổ thông đầu phiếu vào năm 2017."
Tối nay, tình hình tương đối yên tĩnh trên các đường phố ở Hồng Kông. Các nhân viên cảnh sát lại một lần nữa duy trì một vị thế thấp ở nơi công cộng. Tuy nhiên, công chúng đang lo âu sau khi Hiệp hội Nhân viên Cảnh sát Trung cấp đưa ra một lời cảnh báo cho chính phủ là tinh thần của cảnh sát đang ở mức thấp nhất từ trước tới nay và 20.000 cảnh sát viên của hiệp hội này đang ở trong tình trang mà họ nói là “bắt đầu không thể phân biệt đúng sai”.
No comments:
Post a Comment