Tuesday, October 7, 2014

Hồng Kông: ‘Hòa bình và tình yêu’ chống bạo quyền

Tôi đến Chicago vào ngày đầu Thu, Chicago thời tiết trong lành với những hàng cây vàng lá đỏ, không khí trong sạch không có dấu hiệu báo động về hiểm họa môi sinh trong tuần lễ môi sinh thế giới.

Dân Chicago không có vẻ ưu tư sau ngày 26 tháng 9, 2014, khi đài kiểm soát không lưu bị đốt cháy. Sự ưu tư được dành riêng cho Tổng Thống Barack Obama đang đương đầu với quân ISIS ở Trung Ðông và xa hơn ở phía trời đông, Tập Cận Bình không còn thản nhiên nhìn Tổng Thống Obama lo đến bạc đầu khi hoàng đế phải đương đầu với phong trào dân chủ của nhiều giới trong đó đa số sinh viên và giới trẻ ở Hồng Kông.

Một người biểu tình giơ cao chiếc ô giữa làn khói hơi cay mù mịt

25 năm sau ngày thảm sát Thiên An Môn thế giới đang nhìn về Hông Kông chờ đợi phản ứng của Tập Cận Bình trước hàng chục ngàn người với những chiếc ô dù đủ màu trong cuộc cách mạng với tình thương và hòa bình đối lại cường quyền và bạo lực. Những người biểu tình chỉ muốn được quyền chọn lựa người lãnh đạo Hồng Kông năm 2017 trong tinh thần dân chủ với cuộc bầu cử tự do không giống như những cuộc bầu cử phường tuồng “đảng cử dân bầu” để tạo ra những tên hề tay sai cho đảng cộng sản. Sống dưới chế độ dân chủ hơn 17 năm từ ngày Hồng Kông được trả về cho Trung Hoa dưới chính sách hai chế độ, những người trẻ tuổi đã cho thế giới thấy họ đã trưởng thành và hiểu biết về dân chủ khác với phong trào sinh viên tranh đấu thiên tả trên thế giới thập niên 1960.

Thế giới đang nhìn vào hai Hồng Kông, một Hồng Kông có vẻ mặt bình thường thương mại và một Hồng Kông trung tâm với những người yêu dân chủ biết rằng nhà cầm quyền Cộng Sản Bắc Kinh sẽ không tổ chức bầu cử tự do thật sự vào năm 2017 như hiệp định ký kết năm 1997 giữa Bắc Kinh và Luân Ðôn. Chính quyền Anh đã có vẻ phản bội khi các viên chức Anh từ chối gặp hai lãnh tụ dân chủ Chan và Le ở Hồng Kông vài tuần trước và Thủ Tướng Anh David Cameron đã hèn nhát im lặng khi đến Trung Cộng chỉ nói những điều cần thiết làm ăn buôn bán với Bắc Kinh.

Sáu chiếc xe của quân đội giải phóng nhân dân (PLA) đã đi qua biên giới qua Hồng Kông chuẩn bị đối đầu với những người yêu dân chủ cùng với những biện pháp thường lệ, đóng cửa mạng lưới, kiểm duyệt báo chí nhưng Tập Cận Bình đang bị bó tay, giải pháp có vẻ dân chủ nhất là lựu đạn cay mặc dù những sinh viên trẻ tuổi đã hét lên, “Chúng tôi đã khóc cay mắt, chúng tôi không cần hơi cay của các ông!”

Lựu đạn cay là một kỹ thuật không giết chết người với nhu cầu càng ngày càng tăng. Các nhà cầm quyền chọn biện pháp dùng hơi cay chống biểu tình ở Ai Cập, Palestine và ở Mỹ, hầu hết là hơi CS (combine System). Chính quyền Bahrain dùng hơi cay mắt (tear gas). Ớt xịt (pepper spray) dùng ở Trung Hoa, chế tạo ở Thượng Hải (theo mạng lưới Alibaba). Lính Mỹ thực tập ở Trung Ðông dùng lựu đạn cay có chất CS (2-Chlorobenzalmalo notrile) họ cũng dùng chất CS này thay cho tiêu xịt vào trứng trong bữa điểm tâm. Chất CS giống như ớt xịt (tự nó là hơi cay) có cùng chất với ớt hiểm. Hơi cay dùng chống biểu tình có nồng độ cao hơn lựu đạn cay của quân đội Hoa Kỳ dùng để thực tập ở Trung Ðông. Hơi cay không phải chỉ gây khó chịu nhẹ trái lại có tác dụng mạnh giống như hơi ngạt trên hệ thống thần kinh gây đau đớn nhất là trên giây thần kinh mắt. Trong vụ cảnh sát dùng hơi cay chống biểu tình ở Ferguson Missouri, nạn nhân Sven-Eric Jordt của trường Ðại Học Duke đã cho biết, “cảm giác cay mắt giống như khi thái hành nhưng mạnh hơn 100 lần.”
10-07-2014 12:56:54 PM
Việt Nguyên
Theo Người Việt

No comments:

Post a Comment