Tuesday, October 7, 2014

Báo TQ nói gì về "thất bại" của người dân Hong Kong?

Khampha.vn-Thứ tư, 08/10/2014, 00:04 (GMT+7)
Bài báo được đăng tải rộng rãi ở Trung Quốc phản ánh cách nhìn của họ về vấn đề Hong Kong hiện nay.
Ngày 6/10, các tờ báo ở Trung Quốc đồng loạt đăng tải một bài viết được cho là của một nghị sĩ Hong Kong giấu tên nhằm “giải thích” về thất bại của cuộc biểu tình đòi dân chủ hiện nay do sinh viên Hong Kong phát động.

 - 1
Biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong lúc cao điểm với hàng vạn người tham gia

Bài báo này đã được phổ biến rộng rãi trên các mạng xã hội và trang thông tin Trung Quốc, nhằm giúp người dân nước này “hiểu rõ hơn” về cuộc biểu tình ở Hong Kong hiện nay và nguyên nhân vì sao phong trào này không thể thành công.
Chúng tôi xin trích bài báo đã được đăng tải rộng rãi trên các tờ báo và trang mạng Trung Quốc:
Để hiểu được vì sao Hong Kong đang đi xuống, chúng ta phải nắm được nó phất lên như thế nào: Từ lâu thành phố này đã đóng vai trò là điểm trung chuyển thương mại và liên lạc giữa Trung Quốc đại lục với phương Tây. Thế nhưng kể từ khi được trao trả về cho Trung Quốc, vị thế này của Hong Kong bắt đầu phai nhạt.
Nhiều người dân Hong Kong đổ lỗi điều này cho sự bất tài của chính quyền, tuy nhiên cách giải thích này không có cơ sở. Lý do thật sự là mối quan hệ trực tiếp giữa Trung Quốc đại lục với phương Tây cũng như Đài Loan đã được tăng cường, khiến vai trò trung gian của Hong Kong ngày càng mờ nhạt.
 - 2
Ông Lương Chấn Anh, Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong
Vấn đề thực sự của Hong Kong là phần lớn người dân không ý thức được sự thay đổi này, bởi thế họ chưa sẵn sàng về mặt tư tưởng cho tái cấu trúc nền kinh tế. Thái độ của nhiều người dân Hong Kong với sự thay đổi thời cuộc đó có thể được mô tả bằng từ “coi thường”.
Trong hai năm qua, tin tức về những xung đột giữa người dân Hong Kong và du khách đại lục đã liên tục xuất hiện trên báo. Có người dân Hong Kong đã gọi người Trung Quốc đại lục là “ăn tàn phá hoại”, thậm chí một hướng dẫn viên du lịch Hong Kong còn lớn tiếng nhục mạ du khách Trung Quốc.
Điều này vô cùng khác thường, bởi trong những năm gần đây, Hong Kong giàu lên trông thấy nhờ du lịch, thế nhưng họ lại để người dân có những cách hành xử như vậy đối với du khách?
Đó chỉ là một ví dụ cho thấy người dân Hong Kong không hiểu được mảnh đất mà mình sinh sống đang thay đổi như thế nào. Nhìn bề ngoài, người Hong Kong có vẻ như những đại diện nổi trội của chủ nghĩa tư bản thị trường hào nhoáng. Nhưng từ cốt cách bên trọng, họ vẫn chỉ là những nông dân có tầm nhìn không vượt quá lũy tre làng.
 - 3
Một sinh viên giơ biểu ngữ "Hong Kong dành cho người Hong Kong"
Ngoài miệng, họ luôn nói về thương mại quốc tế, nhưng họ không hiểu được rằng sự trỗi dậy của Hong Kong phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Bởi vậy mà người dân Hong Kong nhìn nhận sự phát triển của thành phố với cái đầu đầy u mê, và trong tương lai, họ sẽ trở nên lụi tàn bởi chính sự u mê này.
Tất nhiên, nhiều người Hong Kong không chịu thừa nhận điều này. Họ thích đổ lỗi cho chính quyền Đặc khu Hành chính Hong Kong vì sự trì trệ hiện nay, rằng mọi thứ bây giờ tồi tệ hơn rất nhiều so với thời Hong Kong còn là thuộc địa của Anh.
Họ không nhận ra rằng chính quyền Hong Kong hiện nay chẳng có gì khác so với chính quyền Hong Kong thuộc địa trước đây. Để duy trì sự ổn định khi Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc, Bắc Kinh đã hứa sẽ duy trì nguyên trạng hệ thống chính trị của Hong Kong trong 50 năm. Điều này có nghĩa là chính quyền Hong Kong hiện nay vẫn nguyên xi như dưới thời của Anh, và vẫn là một “chính quyền thuộc địa”.
 - 4
Người biểu tình Hong Kong đòi ông Lương Chấn Anh phải từ chức
Vậy ai là người ra quyết định ở Hong Kong hiện nay? Không ai cả. Hong Kong không có khả năng tự điều chỉnh trước thay đổi kinh tế, vì nó giống như một chiếc xe bị mất vô-lăng. Theo lẽ thường, nó sẽ đâm vào mọi thứ, và càng đi xa, mọi thứ càng trở nên tồi tệ.
Và như một chiếc xe không có vô-lăng, hướng đi của nó phụ thuộc vào những ổ gà mà nó vấp phải. Ở Hong Kong, ổ gà này chính là dư luận. Trong khi đó, dư luận thì giống như tâm trạng một đứa trẻ lên ba, thay đổi thất thường không ai lường được. Khi không có sự định hướng bền vững, việc chạy theo dư luận khiến chính sách sẽ bị thay đổi xoành xoạch.
Hậu quả là, quá trình làm luật bị chi phối bởi phe bảo thủ không chịu cải cách, trong khi phe ủng hộ dân chủ thì tìm cách tác động lên quá trình này bằng học thuyết tam khoa vô nghĩa. Chính sự tranh đấu giữa hai phe này đã biến Hong Kong thành một sân khấu chính trị đầy bi hài.
Giờ đây, nếu chính phủ Trung Quốc tìm cách can thiệp vào công việc của Hong Kong, liệu họ có thể đảo ngược được xu thế này và định hướng nền kinh tế Hong Kong tiến tới chuyển giao thành công hay không? Viễn cảnh này không mấy khả quan, bởi thái độ “cửa trên” của người Hong Kong so với người dân đại lục.
 - 5
Cảnh sát Hong Kong bảo vệ trước tòa thị chính
Người Hong Kong luôn cho rằng mình giàu có hơn, tiên bộ hơn, cởi mở hơn so với người Trung Quốc đại lục, bởi vậy họ không có lý do gì để phải thay đổi theo người Trung Quốc. Một khi người Hong Kong còn giữ cách nghĩ này, bất cứ sự can thiệp nào của chính phủ Trung Quốc sẽ chỉ phản tác dụng và vấp phải phản ứng dữ dội hơn.
Trên đây là nội dung bài báo đã được tờ Financial Times dịch lại, và nó được coi là sự phản ánh cách nhìn hiện nay của người dân Trung Quốc đối với Hong Kong nói chung và cuộc biểu tình đòi dân chủ do sinh viên Hong Kong phát động nói riêng.
Trong khi đó, ngày 6/10, lãnh đạo phe biểu tình Hong Kong đã đồng ý tham gia đối thoại chính thức với chính quyền sau khi cuộc biểu tình đã kéo dài qua 9 ngày liên tiếp, mặc dù số lượng người tham gia ngày càng ít đi.
Sau các vòng đàm phán sơ bộ, dự kiến người biểu tình sẽ thống nhất với đại diện của chính quyền về thời gian và địa điểm để gặp gỡ Phó Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam để bàn về các thỏa hiệp giữa chính quyền Hong Kong và phe biểu tình.
Trí Dũng (Theo FT)

No comments:

Post a Comment