Tuesday, October 7, 2014

Hòn sỏi Hồng Kông và đôi giầy Hoa-Mỹ

Vụ khủng hoảng khiến Tàu-Mỹ đều mắc kẹt

Mùng 10 tháng 11 này, Tổng Thống Barack Obama tới Bắc Kinh gặp Chủ Tịch Tập Cận Bình cùng nguyên thủ của 19 quốc gia tại thượng đỉnh thứ 26 của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu Thái Bình Dương (APEC). Từ nay đến đó, trong suốt tháng 10, cả hai lãnh tụ Mỹ Hoa đều mong là tình hình Hồng Kông không suy đồi hơn.

Khác nhau là định nghĩa về chữ “suy đồi.”

Trên cao điểm của vụ khủng hoảng, hôm Thứ Tư đầu tháng 10, Ngoại Trưởng Vương Nghị của Bắc Kinh vào Tòa Bạch Cung tại thủ đô Washington gặp Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice. Khi ấy, ông Obama ghé vào nói chuyện và nhấn mạnh đến quyết tâm xây dựng “một quan hệ vững bền và tích cực giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc,” như Phủ Tổng Thống Mỹ thông báo ra ngoài.

Ngoại Trưởng Vương Nghị qua Mỹ gặp Ngoại Trưởng John Kerry và lãnh đạo Mỹ là để chuẩn bị cuộc hội kiến Mỹ-Hoa nhân Thượng đỉnh APEC. Và chuyện Hồng Kông là ưu tiên thấp so với các đề mục mà lãnh tụ hai nước muốn thảo luận.

Hoa Kỳ kêu gọi Bắc Kinh hợp tác để cùng giải quyết các hồ sơ lớn, như nạn nhiệt hóa địa cầu, dịch Ebola, kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm của Iran hay nguy cơ khủng bố toàn cầu, đặc biệt là tổ chức ISIL, chứ nhân quyền không là đề mục thiết yếu của chính quyền Obama, như Ngoại Trưởng Hillary Clinton đã nói từ đầu năm 2009 khi thăm viếng Bắc Kinh.

Bắc Kinh thì gọi hồ sơ Hồng Kông là chuyện nội bộ thuộc thẩm quyền của chính quyền Ðặc khu Hành chánh, và còn gián tiếp vu cáo để chặn trước sự can thiệp của Hoa Kỳ.

Vì vậy, từ tổng thống, phó tổng thống, ngoại trưởng hay cố vấn an ninh Mỹ, đều đồng ca một giọng là kêu gọi tự chế và mong rằng ước nguyện của dân Hồng Kông được tôn trọng. Ngoại giao hơn một cách nói khác, xuất phát từ đối lập Cộng Hòa và phe bảo thủ: “Bắc Kinh phải tôn trọng ước vọng dân chủ của Hồng Kông, và đáng lẽ Hoa Kỳ phải đứng cùng dân Hồng Kông từ ngày 31 tháng 8 khi Thượng Vụ Quốc Hội Bắc Kinh đề nghị một thể thức bầu cử khác.”

Thành thử chuyện Hồng Kông gây bất tiện cho quan hệ giữa chính quyền Obama với chế độ Tập Cận Bình khi đôi bên đều không muốn có thêm sóng gió và nhất là tránh được một vụ thảm sát Thiên An Môn 1989.

Nhưng thế giới không chỉ có một mặt phẳng Mỹ-Hoa.

***

Tại Thượng đỉnh APEC, người ta còn chú ý đến sự tham dự của Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe, đến cuộc hội kiến riêng giữa hai nguyên thủ Tàu-Nhật. Và nếu có thể, một hội nghị tay ba với sự hiện diện của tổng thống Mỹ. Hoa Kỳ phải có tiếng nói về mối đe dọa của Trung Quốc với các nước láng giềng Ðông Á, đứng đầu là Nhật Bản.

Cũng tại Thượng đỉnh APEC, câu hỏi được nêu ra là Tống Thống Mã Anh Cửu của Ðài Loan có được dự hay không? Dư luận Ðài Loan chú ý đến sự kiện đó vì Trung Quốc không công nhận Ðài Loan là một quốc gia mà chỉ là một tỉnh của mình, nên chẳng thể có nguyên thủ mà cùng lắm chỉ có một phó tổng thống tham dự hội nghị.

Bài toán ngoại giao chính trị ấy cũng liên quan đến Hoa Kỳ, từ khi Mỹ công nhận chính quyền Bắc Kinh là đại diện duy nhất của Trung Quốc. Người ta trở lại nguyên tắc “Nhất Quốc, Lưỡng Chế” theo cách gọi của Trung Hoa (Cộng Sản và Ðài Loan), phiên dịch từ “One Country - Two Systems,” một quốc gia hai hệ thống chính trị, do Washington và Bắc Kinh bày ra sau chuyến Hoa du năm 1972 của Richard Nixon.

Từ nhiều năm nay, khi thấy Bắc Kinh lặng lẽ chối bỏ cam kết đã thành văn - Ðạo luật Căn bản - giữa Anh quốc và Ðặng Tiểu Bình khi thu hồi Hồng Kông năm 1997, và đưa ra thể thức bầu cử khác cho dân Hồng Kông để khỏi áp dụng nguyên tắc phổ thông đầu phiếu kể từ năm 2017, dân Ðài Loan hoài nghi chánh sách hợp tác kinh tế với Hoa lục của Tổng Thống Mã Anh Cửu.

Không chỉ hoài nghi, tháng 3 vừa qua sinh viên học sinh Ðài Loan còn biểu tình phản đối qua chiến dịch “Thái Dương Hoa Học Vận” - Vận động hoa hướng dương của thanh niên Ðài Loan. Chính là cuộc biểu tình của tuổi trẻ Ðài Loan để chiếm đóng trụ sở của Lập Pháp Viện và Hành Pháp Viện tại Ðài Bắc khiến chính quyền Mã Anh Cửu phải nhượng bộ mới khích lệ tuổi trẻ Hồng Kông khi Bắc Kinh công bố Bạch thư về lề lối áp dụng nguyên tắc “Nhất Quốc Lưỡng Chế” cho Hồng Kông.

Nếu với Hồng Kông mà Bắc Kinh còn ngang ngược như vậy thì dân Ðài Loan trông mong gì về đề nghị hội nhập với Trung Quốc? Tổng Thống Mã Anh Cửu sẽ thất cử năm 2017 này và đảng đối lập Dân Tiến sẽ tranh đấu mạnh hơn cho giải pháp độc lập - và gây vấn đề cho Hoa Kỳ vì đã có đạo luật cam kết bảo vệ Ðài Loan.

Trong quan hệ giữa Ðài Loan và Trung Quốc, hai chế độ khác biệt của một quốc gia Trung Hoa thống nhất, Hoa Kỳ cũng phải có tiếng nói, là điều cả Bắc Kinh và Washington đều muốn né!

Mà Bắc Kinh dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình càng muốn tránh một vụ khủng hoảng Hồng Kông với hậu quả dội ngược về Ðài Loan, khi nội tình đang có nhiều vấn đề nghiêm trọng khác.

Chương trình cải cách để chuyển hướng kinh tế xã hội đề ra từ Hội nghị III của Ban Chấp Hành Trung Ương khóa 18 vào tháng 11 năm ngoái gặp trở ngại và sẽ thành đề mục thảo luận trong Hội nghị IV vào tháng 10 này để may lắm sẽ thi hành sau khi Quốc Hội nhóm họp vào mùa Xuân năm tới. Trong nỗ lực chuyển hướng với vai trò quan trọng hơn của quy luật thị trường, Bắc Kinh cần phối hợp với Hoa Kỳ vì lãi suất tại Mỹ và vì trị giá của đồng Mỹ kim, và cần một cửa thông thương với thị trường tài chánh quốc tế. Cửa ngõ ấy chính là Ðặc khu Hành chánh Hồng Kông, hành lang tiếp nhận và chuyển giao đầu tư trực tiếp.

Không chỉ có vấn đề kinh tế, Tập Cận Bình còn gặp nhiều bài toán nghiêm trọng về an ninh tại hai Ðặc khu Hành chánh kia là Tân Cương và Tây Tạng.

Tại Tân Cương, việc dân Hồi Giáo của sắc tộc Duy Ngô Nhĩ đấu tranh cho một nước Ðông Thổ độc lập ngày càng thiên về giải pháp bạo động và thậm chí khủng bố với sự can dự và xâm nhập mạnh hơn của phong trào Thánh Chiến Jihad là mối nguy cho Bắc Kinh. Khi thấy Hán tộc tại một khu vực tự do như Hồng Kông mà còn bị đối xử tàn tệ thì các lực lượng Hồi tộc càng thấy giải pháp bạo động là có lý. Và trận tuyến chống khủng bố toàn cầu do Hoa Kỳ đề nghị cho Trung Quốc sẽ mở rộng tới Trung Á, vào đến Tân Cương.

Trong hoàn cảnh ấy, con đường “trung đạo,” ôn hòa và biết điều, của đức Ðạt Lai Lạt Ma lại là giải pháp hấp dẫn hơn cho Tập Cận Bình, một lãnh tụ không quên rằng thân phụ mình khi xưa đã có cảm tình với vị “Phật sống Tây Tạng.” Việc đức Ðạt Lai Lạt Ma được phép vào thăm Tây Tạng, như đôi bên ngầm thương thuyết từ cả năm nay, có thể là một cách xả sức ép cho Tập Cận Bình.

Nhưng sau đó, dân Tây Tạng có chịu tiếp tục cúi đầu và bị Trung Quốc đồng hóa chăng?

Ngoài cõi Tân Cương, Tây Tạng hay Ðài Loan, tuổi trẻ của các nước Ðông Á như Nam Hàn và Ðông Nam Á như Phi Luật Tân, Việt Nam, đều đang theo dõi khát vọng của tuổi trẻ Hồng Kông và cách ứng xử của Bắc Kinh.

Ðấy là lúc Hoa Kỳ có thể lên tiếng, mà dường như Obama lại muốn nín thinh!

Chuyện chỉ có tại nước Mỹ

Trong khi thanh niên học sinh Hồng Kông dàn trận đấu tranh thì sinh viên của Ðại học UC Irvine tại California đã vừa đạt một kỷ lục mới, được Guiness World Record ghi nhận hẳn hoi vào ngày mùng 2 vừa qua, nhờ 100 người thiện nguyện đứng kiểm tra rõ ràng. Ðó là có nhiều sinh viên nhất, 4200 cô cậu, đã đánh nhau bằng gối bông. Nước Mỹ thanh xuân chừng nào!
10-06- 2014 12:40:22 PM
Nguyễn-Xuân Nghĩa
Theo Người Việt

No comments:

Post a Comment