Tu sĩ Phật giáo và người biểu tình tập trung gần Đại sứ quán Việt Nam ở Phnom Penh.
VOA Tiếng Việt
07.10.2014
Khoảng 100 người Khmer Krom hôm qua tập trung bên ngoài đại sứ quán Việt Nam ở Phnom Penh rồi sau đó đốt quốc kỳ cũng như tiền của Việt Nam.
Cuộc biểu tình bắt đầu hôm 4/10 và dự kiến sẽ kéo dài tới ngày 8/10 với mục đích yêu cầu chính quyền Hà Nội phải xin lỗi về một lời phát biểu của một quan chức đại sứ quán.
Các cuộc biểu tình phản đối chính sách của Việt Nam về đất đai vùng Nam Bộ nơi xuất thân của nhiều người Khmer Krom đã bùng lên từ hồi đầu tháng Bảy với sự tham gia của hàng trăm người sau khi ông Trần Văn Thông, Tham tán Chính trị của Đại sứ quán Việt Nam ở Phnom Penh, tuyên bố rằng vùng đất mà người Khmer Krom gọi là Campuchia Krom, tức khu vực sông Mekong ở Việt Nam, thuộc về Việt Nam từ nhiều đời nay.
Ông Trần Mannrinh, một đại diện của Liên đoàn Khmer Campuchia Krom ở Hoa Kỳ, nói với VOA Việt Ngữ rằng phía Việt Nam vẫn chưa liên hệ với người Khmer Krom để giải quyết tình hình.
“Đây là một vấn đề hiểu lầm rất lớn. Nước Việt Nam tới nay không có giải quyết vấn đề ông Trần Văn Thông đã phát biểu, gây sự bất mãn cho rất nhiều người. Việt Nam không quan tâm đúng mức, tìm hiểu đúng mức xem sự việc nó như thế nào mà đến hôm nay nhà nước Việt Nam vẫn cứ làm ngơ, cho nên sự giận dữ của dân chúng ngày càng tăng thêm.”
Trong khi đó, Chủ tịch Liên đoàn Khmer Campuchia Krom Thạch Ngọc Thạch nói với VOA Việt Ngữ qua email rằng 'không ai có thể thay đổi quá khứ' và 'Việt Nam phải tôn trọng lịch sử'.
Trong cuộc biểu tình hôm thứ Bảy, ông Thạch đã kêu gọi người dân Campuchia tẩy chay hàng hóa Việt Nam nếu nhà ngoại giao Việt Nam vẫn phớt lờ yêu cầu của họ.
Hà Nội chưa chính thức lên tiếng về đợt biểu tình bài Việt Nam mới nhất ở Campuchia, nhưng trước đây phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã “kịch liệt phản đối việc những phần tử cực đoan Khmer Kampuchea Krom tổ chức biểu tình bất hợp pháp và đốt quốc kỳ của Việt Nam tại Phnom Penh.”
Ông Lê Hải Bình cũng cho rằng hành động này 'cố tình xúc phạm nghiêm trọng tình cảm của nhân dân Việt Nam, không phù hợp với quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Campuchia'.
Hồi tháng Tám, khi đón tiếp Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị chính quyền Phnom Penh 'không để tái diễn cảnh biểu tình, đốt cờ Việt Nam’ mà ông cho là ‘gây tổn thương tình cảm của nhân dân Việt Nam'.
Vùng Khmer Krom hiện là nơi sinh sống của nhiều người thiểu số Khmer Krom ở miền Nam Việt Nam vốn thuộc về Campuchia trước khi Pháp giao lại cho Việt Nam vào năm 1949.
No comments:
Post a Comment