Saturday, September 6, 2014

Việt Nam nhập gần $4 tỉ xa xỉ phẩm trong 8 tháng

HÀ NỘI (NV) - Kinh tế suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói gia tăng nhưng tám tháng qua, Việt Nam chi gần 4 tỉ Mỹ kim để nhập hàng xa xỉ và hàng tiêu dùng mà Việt Nam đã sản xuất được.


Xe hơi hạng sang được Việt Nam ưa chuộng khi nhập cảng. (Hình: Getty Images)

Bộ Công Thương Việt Nam thừa nhận, tuy hàng xa xỉ và hàng tiêu dùng mà Việt Nam đã sản xuất nằm trong nhóm “cần hạn chế nhập cảng” nhưng tám tháng qua tổng giá trị nhập cảng các loại hàng này vẫn tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Bộ Công Thương Việt Nam, trong tám tháng vừa qua, Việt Nam bỏ ra $800 triệu để nhập cảng 37,000 chiếc xe hơi, tăng hơn 71% về số lượng và hơn 90% về giá trị so với cùng thời điểm năm ngoái. Còn nếu tính từ đầu năm nay đến hết tháng 7, kim ngạch nhập cảng của đá quý và kim loại quý đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước các thông tin vừa kể, ông Phạm Tất Thắng, một chuyên gia thương mại cho rằng, tuy kim ngạch nhập cảng hàng xa xỉ chỉ chiếm từ 4% đến 5% tổng kim ngạch nhập cảng, không làm tổng lượng nhập siêu tăng nhiều nhưng vẫn là điều bất hợp lý khi Việt Nam chật vật xuất cảng nguyên liệu thô để nhặt từng đồng ngoại tệ thì lại bỏ ra hàng tỉ để nhập cảng hàng xa xỉ và hàng tiêu dùng mà Việt Nam đã sản xuất được.

Một chuyên gia khác là ông Lưu Bích Hồ, Cựu Viện Trưởng Viện Chiến lược phát triển, cảnh báo, trong khi tỉ trọng nhập cảng máy móc, nguyên liệu, vật liệu, phụ liệu không tăng, thậm chí đang giảm mà tỉ trọng nhập cảng hàng xa xỉ và hàng tiêu dùng mà Việt Nam đã sản xuất được tăng vọt cho thấy nhiều điều đáng ngẫm nghĩ.
Kinh tế vẫn tiếp tục suy thoái, mặt bằng chung về thu nhập đang giảm nhưng mãi lực của các mặt hàng xa xỉ và hàng tiêu dùng mà Việt Nam đã sản xuất được vẫn tăng cho thấy sự phân hóa về giàu nghèo, khoảng cách về thu nhập trong xã hội đang ngày một lớn hơn.

Thống kê trong tám tháng qua, Việt Nam chi gần $4 tỉ để nhập hàng xa xỉ và hàng tiêu dùng mà Việt Nam đã sản xuất được, được công bố gần như cùng lúc với một số thống kê khác.

Ðó là cứ năm đứa trẻ trong độ tuổi từ 5 đến 17 tại Việt Nam thì có một đứa phải làm việc để kiếm sống.

Ðây là kết quả một cuộc khảo sát do Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc phối hợp với tổng Cục Thống Kê của Việt Nam thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả việc chăm sóc phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam của năm ngoái và năm nay.

Tình trạng trẻ em Việt Nam phải làm việc để kiếm sống hiện rất phổ biến tại các khu vực trung du và miền núi. Ở khu vực trung du, có 36% trẻ trong độ tuổi từ 5 đến 17 phải làm việc để kiếm sống, còn tại Tây Nguyên, tỷ lệ này là 25%.

Kết quả cuộc khảo sát còn cho thấy, trẻ em tại Việt Nam không được chăm sóc đúng mức, tỷ lệ trẻ em từ 3 tuổi đến 5 tuổi được đến các nhà trẻ, trường mẫu giáo chỉ khoảng 71%. Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, chỉ có 30% trẻ em từ 3 tuổi đến 5 tuổi được đến các nhà trẻ, trường mẫu giáo và tỷ lệ này được xem là thấp nhất Việt Nam.

Ðó là chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam hiện ở mức 163 cm và chiều cao trung bình của nữ thanh niên Việt Nam ở mức 153 cm. Tính ra chiều cao của nam thanh niên Việt Nam thấp hơn chuẩn của Tổ Chức Y Tế Thế Giới là 13 cm và nữ thanh niên Việt Nam thấp hơn chuẩn của Tổ Chức Y Tế Thế Giới gần 11 cm.

Một viên thứ trưởng của Bộ Y Tế Việt Nam nói rằng, 54% tiềm năng phát triển chiều cao của con người được khơi dậy ở giai đoạn dưới 3 tuổi nếu đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc,... 46% tiềm năng còn lại trong phát triển chiều cao tối đa nằm trong giai đoạn từ 12 đến 18 tuổi. Cũng vì vậy, Bộ Y Tế Việt Nam đã đàm phán với các hãng sữa để thực hiện chương trình cung cấp sữa miễn phí cho những đứa trẻ đang học mẫu giáo và tiểu học ở các vùng nghèo khó.

Hồi tháng trước, tại một hội thảo do Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội phối hợp với Quỹ Nhi Ðồng Liên Hiệp Quốc tổ chức, Cục Bảo Vệ-Chăm Sóc trẻ em xác nhận, Việt Nam vẫn là một trong 16 quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao nhất thế giới. Cũng vì vậy, so với nhiều sắc dân khác, người Việt vừa thấp hơn về chiều cao, vừa nhẹ hơn về cân nặng. (G.Ð)

09-05-2014 6:08:17 PM
Theo Người Việt.

No comments:

Post a Comment