Trang Security Daily nhận định, chỉ trong năm ngày đầu tháng 9, có hơn 300 website Việt Nam bị vô hiệu hóa.
Danh sách các website của Việt Nam bị hacker Trung Quốc vô hiệu hóa và được trưng ra trên trang web hack-cn như một bảng báo công. (Hình: Tuổi Trẻ)
Trang Security Daily cho biết thêm, đợt tấn công lần này khởi đầu vào ngày 28 tháng 8 và nếu tính từ thời điểm đó, số website của Việt Nam bị hacker Trung Quốc đánh sập lên tới hơn 700 trang web.
Security Daily cho biết, đợt tấn công lần này do hai nhóm hacker lớn của Trung Quốc là 1937cn và Sky-Eye thực hiện.
Từ khi quan hệ Việt-Trung trở thành căng thẳng, đây là lần thứ hai hacker Trung Quốc tổ chức tấn công vào các trang web của Việt Nam.
Hồi thượng tuần tháng 5, hacker Trung Quốc đã từng tấn công hàng trăm website của Việt Nam và nhiều website vẫn chưa khôi phục hoạt động bình thường. Lúc đó, tờ Người Lao Ðộng cho biết, các website bị tấn công bao gồm cả những trang web của cá nhân, của doanh nghiệp và các tổ chức nhưng không cho biết đó là những website loại nào.
Một vài chuyên gia về an ninh trên Internet của Việt Nam nhận định, trước đó một chút, một số hacker của Việt Nam đã tấn công các trang web của Trung Quốc bằng hình thức từ chối dịch vụ DdoS và hacker Trung Quốc đáp trả.
Các chuyên gia về bảo mật từng cảnh báo về khả năng xảy ra một cuộc chiến trên mạng Internet giữa hacker Việt Nam và hacker Trung Quốc. Lúc đó, các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức sở hữu các trang Internet của Việt Nam sẽ bị thiệt hại nặng nhất vì “Hacker Trung Quốc rất đông, đã cài nhiều chương trình gián điệp vào các trang mạng tại Việt Nam từ nhiều năm trước. Thành ra nếu các trang mạng Việt Nam bị tấn công thì thiệt hại là rất nặng nề.”
Còn một yếu tố khác đã từng được cảnh báo hồi giữa năm ngoái. Ðó là gần như toàn bộ thiết bị mà các công ty viễn thông Việt Nam đang sử dụng là sản phẩm do hai công ty Huawei và ZTE của Trung Quốc sản xuất.
Giữa năm ngoái, Hiệp Hội An Toàn Thông Tin Việt Nam về an ninh thông tin cho biết, hiện có 6/7 công ty viễn thông ở Việt Nam đang sử dụng thiết bị và công nghệ do Huawei và ZTE cung cấp. Cũng theo báo cáo này, trên toàn Việt Nam, hiện có khoảng 30,000 trạm thu phát sóng (BTS) đang sử dụng thiết bị của Huawei và ZTE.
Trước nữa, chỉ tính riêng năm 2009, đã có hơn 5 triệu thiết bị như: modem, router, USB do Huawei và ZTE sản xuất đã được bán trên thị trường Việt Nam. Hiệp Hội An Toàn Thông Tin Việt Nam xác nhận là chưa thống kê được số thiết bị do Huawei và ZTE sản xuất, đã được bán tại Việt Nam.
Hồi tháng 10 năm 2012, Ủy Ban Tình Báo Của Hạ Viện Hoa Kỳ chính thức lên tiếng cảnh báo các doanh nghiệp Hoa Kỳ ngưng làm ăn với Huawei và ZTE. Ðây là hai công ty hàng đầu của Trung Quốc, chuyên cung cấp thiết bị, công nghệ trong lĩnh vực viễn thông. Ủy Ban Tình Báo của Hạ Viện Hoa Kỳ cho rằng, thiết bị, công nghệ của Huawei và ZTE có thể gây ra mối de dọa an ninh đối với Hoa Kỳ.
Lo ngại trước các vụ tấn công qua Internet xuất phát từ Trung Quốc, Ủy Ban Tình Báo của Hạ Viện Hoa Kỳ đề nghị không mua các thiết bị của Huawei và ZTE để lắp đặt cho hệ thống máy tính của các cơ quan chính phủ, nhằm ngăn ngừa rủi ro gián điệp.
Ủy ban này còn cảnh báo về nguy cơ các nhu liệu cũng như linh kiện do Huawei và ZTE sản xuất, có thể có các tác nhân độc hại được cấy vào đó để bán cho các khách hàng Hoa Kỳ. Ủy Ban Ðầu Tư Nước Ngoài của chính phủ Hoa Kỳ (CFIUS) cũng đã được cảnh báo nên ngăn chặn các vụ sát nhập, thâu tóm mà Huawei và ZTE thực hiện ở Hoa Kỳ. Sau Hoa Kỳ, Huawei và ZTE đã gây lo ngại tương tự khắp Châu Âu, Úc.
Hiệp Hội An Toàn Thông Tin Việt Nam từng cảnh báo về tình trạng nhiều máy chủ của các cơ quan chính quyền Việt Nam bị tấn công. Trong đó có 395 máy chủ âm thầm bị kết nối thường trực ra nước ngoài để đánh cắp thông tin mật. (G.Ð)
09-05-2014 5:53:12 PM
No comments:
Post a Comment