Saturday, September 6, 2014

Khi nữ quan tòa bị đe ‘xử đẹp’

Nhiều đương sự chẳng những không hợp tác với tòa mà còn nhắn tin đe dọa, nhục mạ thẩm phán, nhất là khi biết chắc tòa tuyên mình thua kiện.
Khi mới được bổ nhiệm lên làm thẩm phán TAND quận 9 (TP.HCM), đang hòa giải một vụ án ly hôn, nữ Thẩm phán C. bị đương sự chỉ thẳng tay vào mặt: “Liệu hồn mà tuyên theo ý tao, nếu không tao sẽ cho xã hội đen đến xử mày!”. Những ngày sau đó, trong điện thoại của chị C. những tin nhắn nặc danh có nội dung đe dọa, miệt thị gửi đến liên tục…
“Tuyên không đúng ý tao sẽ biết hậu quả”
Người chồng bị nhiễm HIV, chẳng chịu làm ăn và thường xuyên thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ. Lúc đầu vì muốn con có cả cha mẹ và vì đứa bé còn nhỏ, người vợ cố nhẫn nhịn tìm cách cảm hóa chồng. Đến một ngày, chị quyết định ra tòa ly hôn để giải thoát cho mình. Trong đơn chị tha thiết xin tòa cho mình được quyền nuôi con vì sợ anh bị bệnh sẽ chẳng có thời gian chăm đứa nhỏ.
Trong buổi hòa giải, người chồng khăng khăng: “Con là của tôi, nó phải ở với tôi! Cô đã cạn tình, cạn nghĩa ra đi thì đừng nhìn mặt con. Bằng mọi cách tôi phải có được thằng bé!”.
Thấy người vợ tha thiết năn nỉ chồng, Thẩm phán C. phân tích rằng hiện giờ anh đang bị bệnh, sẽ chẳng sống được bao lâu nữa đâu, thằng bé còn nhỏ nên rất cần được mẹ chăm sóc. “Anh không vì vợ thì hãy vì con mà tạo điều kiện cho thằng bé có một tương lai tốt” - Thẩm phán C. nói.
Người chồng đập bàn đứng dậy, chỉ thẳng tay vào mặt thẩm phán chửi té tát, đồng thời đe dọa thẩm phán. Sau đó, anh ta bỏ về.
Những ngày sau đó, điện thoại của Thẩm phán C. thường xuyên xuất hiện những tin nhắn nặc danh có nội dung đe dọa, miệt thị. Hôm thì năn nỉ “xin thẩm phán cho tôi được nuôi con”, hôm thì “nếu mày tuyên không đúng ý tao thì biết hậu quả thế nào rồi đó”. Có hôm nội dung tin nhắn sặc mùi xã hội đen: “Tao đã thuê giang hồ theo dõi mày rồi…”.
Dù thế, Thẩm phán C. vẫn giữ chính kiến của mình để phân xử theo đúng pháp luật. Chị C. tâm sự: “Nói thật, tình huống này nếu xử đúng luật thì người vợ sẽ được quyền nuôi con, vì đứa bé còn nhỏ, rất cần được mẹ chăm sóc, trong khi người chồng đã không có thu nhập lại đang bị bệnh”.
Nhưng rồi khi vụ án đưa ra xét xử, người vợ lại bày tỏ không muốn nuôi con, muốn giao con cho người chồng để yên tâm xây dựng hạnh phúc với người khác. “Tuyên chấp nhận cho nguyên đơn được ly hôn và người chồng được quyền nuôi con, tôi đã ray rứt vô cùng. Hôm đó tôi chỉ chờ người vợ sẽ đổi ý hay đưa ra tình tiết nào đấy có thể nuôi con để tôi có thể tuyên ngược lại. Nhưng đáp lại chỉ là sự dửng dưng của người vợ. Nhìn các đương sự ra về mà bao câu hỏi liên quan đến đứa nhỏ cứ vây quanh trong suy nghĩ của tôi” - Thẩm phán C. nói.
“Tao sẽ đập vào mỏ mày”
Là người có thâm niên công tác, không ít lần Thẩm phán H. ở TAND quận 4 (TP.HCM) bị đương sự đe dọa. Có khi chị bị chửi thẳng vào mặt, có khi bị chặn đường đe dọa, có khi điện thoại liên tục bị khủng bố. “Nhưng một khi đã làm nghề thì phải chấp nhận” - Thẩm phán H. cười.
Chị kể cách đây mấy tháng, khi xử một vụ án tranh chấp tài sản của một cặp vợ chồng đã ly hôn từ năm 2005, sau đó tiếp tục sống chung và… có thêm một đứa con. Thời gian sống chung này họ tạo dựng được thêm một căn nhà và nay thì đưa nhau ra tòa tranh chấp căn nhà đang ở ấy.
Lúc nộp đơn, người chồng chỉ xuất trình được giấy tờ căn nhà mua năm 2011, do hai vợ chồng đứng tên nhưng trong sổ hộ khẩu thì chỉ có tên người chồng và các con. “Nhiều lần mời nhưng bị đơn không lên tòa, tôi phải lập hội đồng định giá xuống tận nhà để xem xét và thẩm định tại chỗ. Thấy chúng tôi, bị đơn hỏi: “Chị theo đạo nào?”. Rồi chị ta lấy ra một tượng Phật đặt trước mặt tôi nói: “Nó là thằng lừa đảo, đòi chia là đổ máu. Tài sản này là của tôi, ông ta không có đồng nào hết!”. Tôi phải tìm mọi cách phân tích, khuyên nhủ chị ta mới dịu giọng” - Thẩm phán H. kể.
Hòa giải bất thành, Thẩm phán H. đưa vụ án ra xét xử. “Nói thật, lúc đầu tôi nghĩ cùng là phụ nữ với nhau, bị đơn tinh thần đang hoảng loạn, phải nuôi hai con nhỏ, không yêu cầu cấp dưỡng, tôi định sẽ chia cho bị đơn phần nhiều hơn. Thế nhưng khi đưa ra xét xử thì tôi không thể quyết một mình được. Hơn nữa, trong giấy tờ cung cấp cho tòa, nguyên đơn là người đứng tên trước, bị đơn cũng chẳng đưa ra được bằng chứng gì chứng minh căn nhà là do mình bỏ tiền mua. Vì vậy, cuối cùng tôi phải chia đôi”.
Án vừa tuyên xong, bên dưới bị đơn la mắng chủ tọa. Những ngày sau đó, điện thoại Thẩm phán H. có dòng tin nhắn: “Mày có mỏ mà không biết hót thì để đó bọn giang hồ sẽ giúp mày hót tốt hơn. Còn không nữa, tao sẽ tự tay đập vào mỏ mày”. Đúng như thế, lúc lên tòa để làm thủ tục kháng cáo, bị đơn đưa ba người đàn ông đi theo tháp tùng. Gặp Thẩm phán H., bị đơn nói: “Mày nhìn ra cổng tòa đi, không làm được thì bọn nó làm thay nhá!”. Nói xong, chị ta cầm giấy ném vào mặt Thẩm phán H.
Bị quậy đủ kiểu
Trong một lần giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa hai người bạn thân, nữ Thẩm phán T. (ở tòa án một quận của TP.HCM) cũng phải “lên bờ xuống ruộng”.
Lần đó chị ra quyết định chấp nhận đơn kiện của nguyên đơn, yêu cầu bị đơn phải hoàn trả 1 tỉ đồng đã vay trước đó. Do bị đơn ủy quyền cho người khác tham gia tranh tụng nên khi làm kháng cáo, người này cũng đến tòa để làm thủ tục. Theo quy định người ủy quyền không thể ký vào đơn kháng cáo nên Thẩm phán T. yêu cầu phải có mặt của bị đơn thì mới có thể làm thông báo để nộp tiền tạm ứng án phí kháng cáo. Đại diện bên bị đơn cãi: “Tôi được bị đơn ủy quyền thì phải làm hết các thủ tục”. “Không được, anh cứ mở hợp đồng ra đi, hợp đồng ủy quyền đến đâu thì anh làm tới đó. Tôi chấp nhận ủy quyền của anh nhưng lên tòa trên người ta không chấp nhận, quá hạn thì bị đơn sẽ bị thiệt thòi” - Thẩm phán T. nói.
Buộc phải đến tòa, bị đơn chửi bới, đe dọa, la lối: “Nó ra đường sẽ đâm chết mẹ nó. Cái đồ bỏ đi, rác rưởi của pháp luật!”.
“Hôm đó tôi phải báo công an đến giải quyết. Sau khi phải viết bản tường trình, cam kết không có hành động gì làm ảnh hưởng đến thẩm phán, ông ta mới chịu để tôi làm việc. Nhưng khi ông ta bị tòa phúc thẩm bác kháng cáo, tự nhiên trong điện thoại của tôi lại xuất hiện những tin nhắn lạ chửi bới, bảo tôi thế này thế kia” - Thẩm phán T. cho biết.
Chị T. tâm sự: “Nghề của chúng tôi đôi khi bạc bẽo lắm. Chúng tôi chẳng muốn làm gì trái với lương tâm, trái với đạo đức nghề nghiệp nhưng do chứng cứ buộc phải tuyên thế này, tuyên thế kia mà đương sự họ chẳng hiểu. Có nhiều đương sự không chịu hợp tác, không cung cấp chứng cứ, toàn làm khó tòa nhưng lại bắt tòa phải làm theo ý mình. Đến khi ra hòa giải hoặc xét xử, họ lại chửi mắng thẩm phán không ra gì…”.
Thứ Bảy, ngày 6/9/2014 - 02:35
NGỌC THÂN

1 comment:

  1. TRUYỀN ĐƠN TỐ CÁO.
    TỔNG BÍ THƯ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM NGUYỄN PHÚ TRỌNG NHẬN HỐI LỘ 100 LƯỢNG VÀNG ĐỂ DUNG TÚNG BAO CHE CHO NHỮNG TỘI ÁC CƯỚP CỦA - GIẾT NGƯỜI.
    Hộp thư spam nay đã có 3620 số lần xem trang.

    ReplyDelete