Mọi chế độ độc tài và không chính danh đều tồn tại dựa trên sự dối trá và bạo lực. Ðiều đó cũng không khác, trong trường hợp của Ðảng và Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam.
Cựu tù nhân lương tâm Ðỗ Thị Minh Hạnh tham gia phong trào “Chúng Tôi Muốn Biết.” (Hình: Dân Luận)
Ðảng và nhà nước cộng sản vừa tổ chức kỷ niệm 69 năm Ngày Quốc Khánh Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (2 Tháng Chín, 1945 - 2 Tháng Chín, 2014). Cũng là 69 năm đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo ở miền Bắc và 39 năm trên toàn đất nước, sau ngày 30 Tháng Tư, 1975.
Nhìn lại quãng thời gian dài đó, người dân Việt Nam toàn bị đảng cộng sản lừa dối. Ðảng viết lại lịch sử, đổi trắng thay đen, đánh tráo các khái niệm. Ðảng vẽ ra những cái bánh tự do, độc lập, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội tươi đẹp để mỵ dân.
Ðảng sử dụng học thuyết Marxism-Leninism mà thế giới đã vứt vào sọt rác từ lâu, cộng với tư tưởng Hồ Chí Minh do đảng cố nặn ra, để trói buộc từ tư tưởng cho tới tâm hồn của nhân dân.
Người dân còn bị đảng cộng sản bịt mắt, bịt tai, bịt miệng không cho nhìn/nghe/nói lên những sự thật.
Theo thời gian, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, Internet, sự giao lưu hội nhập với thế giới bên ngoài, nhiều người Việt Nam thuộc các thế hệ khác nhau đã dần dần tìm biết được nhiều điều.
Sự thật về nhân vật lãnh tụ Hồ Chí Minh, về tính chính danh và công lao giành lại độc lập cho đất nước, dân tộc, công lao đánh Pháp đuổi Mỹ của đảng cộng sản, nhất là sự thật về cuộc chiến tranh chống “đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai bán nước.”
Sự thật về mối quan hệ bất xứng giữa hai đảng, hai nhà nước Việt-Trung trong suốt mấy chục năm qua, khi từ tài nguyên của đất nước cho tới một phần lãnh thổ lãnh hải thiêng liêng bị mất hoặc được dâng, cúng cho “người bạn láng giềng phương Bắc.”
Sự thật về thực trạng xã hội mọi mặt của đất nước cũng như vị trí của Việt Nam hiện tại đang đứng ở đâu trên thế giới...
Mọi thứ dần dần được phơi bày.
Sự thật chính là điều mà mọi chế độ độc tài toàn trị trên thế giới đều sợ hãi.
Nhưng dưới sự kiểm soát chặt chẽ của đảng và nhà nước cộng sản, vẫn chỉ mới có một phần sự thật của lịch sử bị rò rỉ. Rất nhiều thông tin, sự kiện liên quan đến vận mệnh đất nước, dân tộc, đã và đang xảy ra, vẫn còn trong vòng bí mật.
Trong đó có những thông tin, sự kiện vô cùng nghiêm trọng, ví dụ như những hiệp định được ký kết bí mật giữa hai đảng, hai nhà nước cộng sản Việt-Trung bao lâu nay, đặc biệt là Hội Nghị Thành Ðô 1990 mà người dân chỉ có thể đồn đoán.
Từ trước đến nay, đảng và nhà nước cộng sản luôn luôn hành xử như thể đất nước này là của riêng của đảng, đảng muốn làm gì thì làm, nhân dân không được quyền hỏi, không được quyền biết.
Ðã đến lúc người dân phải đòi lại cho mình cái quyền chính đáng là quyền được biết.
Thời gian qua rất nhiều lần các nhân sĩ, trí thức, các cá nhân, tổ chức dân sự khác nhau đã thực hiện quyền được biết đó thông qua việc gửi các loại kiến nghị đòi hỏi nhà cầm quyền phải có câu trả lời, hoặc phải hành động. Tất nhiên, nhà cầm quyền không bao giờ hồi đáp cũng như hoàn toàn không muốn đối thoại.
Và những ngày gần đây lại nổi lên hai sự việc. Một là phong trào “Chúng tôi muốn biết” do mạng lưới Blogger Việt Nam phát động.
Hình ảnh những con người khác nhau, phần lớn là những khuôn mặt quen thuộc của các cựu tù nhân lương tâm, nhà bất đồng chính kiến, nhà hoạt động nhân quyền, các thanh niên, sinh viên, blogger...cầm những tấm biểu ngữ với dòng chữ “Tôi muốn biết - I want to know,” “Ðược biết là quyền công dân - It's our right to know” v.v...
Chỉ giản dị thế thôi, nhưng phong trào thật sự có ý nghĩa. Bởi, đất nước này là của hơn 90 triệu công dân Việt Nam. Mọi chủ trương, chính sách, hành động của đảng và nhà nước, nhân dân phải được biết, nhân dân có quyền tham gia bàn bạc, phủ quyết hoặc chấp nhận. Nếu đảng và nhà nước nào đi ngược lại điều đơn giản này thì phải bị loại trừ.
Sự kiện thứ hai là kiến nghị của một số cựu sĩ quan lực lượng vũ trang nhân dân gửi lãnh đạo Nhà Nước và Chính Phủ CHXHCN Việt Nam, trong rất nhiều đòi hỏi đối với nhà cầm quyền, cũng lại có “quyền được biết”:
Là người chủ và người bảo vệ đất nước, Nhân dân và lực lượng vũ trang phải được biết chính xác hoàn cảnh thực tế của quốc gia. Vì vậy, nhà nước phải báo cáo rõ ràng với nhân dân về thực trạng quan hệ Việt-Trung và về những ký kết liên quan đến lãnh thổ trên biên giới, biển đảo và các hợp đồng kinh tế ảnh hưởng lớn đến an ninh và chủ quyền của quốc gia. Về Hội Nghị Thành Ðô, có tin nói rằng Tân Hoa Xã và Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc đã công bố nội dung thỏa thuận giữa hai bên, trong đó trích dẫn: “Việt Nam mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền trung ương tại Bắc Kinh như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây... Phía Trung Quốc đồng ý và chấp nhận đề nghị nói trên, và cho Việt Nam thời gian 30 năm (1990-2020) để Ðảng Cộng sản Việt Nam giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc.” Chúng tôi không biết thật giả thế nào, yêu cầu chủ tịch và thủ tướng cho chúng tôi và nhân dân biết rõ thỏa thuận tại Hội Nghị Thành Ðô năm 1990...
Một điều chắc chắn rằng kiến nghị này cũng sẽ rơi tõm vào cái hố đen mịt mùng của sự im lặng, từ phía nhà cầm quyền. Như từ trước đến giờ vẫn thế.
Nhưng, khi nhà cầm quyền càng tiếp tục đánh bài lờ, thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Ngay trong những người còn cố biện minh, còn cố tin vào đảng và nhà nước cộng sản, cũng sẽ cảm thấy sự hồ nghi và đánh giá của nhân dân dành cho cái đảng này, nhà nước này là đúng. Nghĩa là một đảng cầm quyền không chính danh, độc tài và bán nước.
Nếu sự mất mát lòng tin ấy không chỉ trong nhân dân, giới trí thức, bất đồng chính kiến mà từ các cựu sĩ quan gửi thư kiến nghị, lan rộng ra cả trong quân đội, công an, đảng viên, từ người lính đến tướng tá, thì số phận của đảng cộng sản thực sự rủi ro. Quân đội mà nổi dậy đòi đảo chính, làm cách mạng thì nhà cầm quyền tiêu tùng.
Thứ hai, sự im lặng đánh bài lờ của đảng chỉ khiến cho các loại tin vỉa hè, tin ngoài luồng hay tin đồn khác nhau, càng có đất sống, sinh sôi nảy nở ở đất nước này. Ðã là tin vỉa hè, tin đồn thì khó mà ngăn ngừa hay dập tắt được.
Một xã hội mà tin đồn luôn luôn nhanh nhạy, phong phú hơn, mạnh hơn tin chính thức, chứng tỏ xã hội đó không có sự công khai, minh bạch đồng thời cũng chứng tỏ sự bất lực của nhà cầm quyền.
Những thông tin chưa được xác thực sẽ tàn phá lòng tin còn sót lại, nếu có, của người dân đối với nhà cầm quyền nhanh hơn bao giờ hết.
Và cuối cùng, trong những sự kiện có liên quan đến hai quốc gia, khi nhà cầm quyền Việt Nam không tìm mọi cách giải thích, thông tin chính thức cho người dân thì chỉ làm lợi cho Trung Cộng.
Bắc Kinh thừa biết Hà Nội khiếp sợ sự thật, luôn tìm cách che chắn sự thật trước nhân dân, cho nên cứ lâu lâu họ lại tung ra tin này tin khác. Từ những thông tin úp mở về nhân thân của ông Hồ Chí Minh cho đến các thỏa thuận, ký kết bí mật giữa hai đảng, càng làm cho nhà cầm quyền Việt Nam bị “mất điểm” trong mắt nhân dân và thế giới.
Về phía người dân Việt Nam, từ “tôi muốn biết,” sẽ chỉ là một khoảng cách ngắn đi đến chỗ “tôi muốn thay đổi,” và “chúng tôi muốn sống tốt đẹp hơn.”
“We want to change. Can we change? Yes, we can.” Như thông điệp ứng cử của Tổng thống Barack Obama trước đây.
09-05-2014 5:19:01 PM
Song Chi/Người Việt
Theo Người Việt
No comments:
Post a Comment