Saturday, September 27, 2014

Việt Nam: Hàng loạt ‘đại gia’ thủy sản chờ chết

ÐBSCL (NV) - Hàng loạt doanh nghiệp thủy sản hùng mạnh một thời ở đồng bằng sông Cửu Long đang tiến sát bờ vực phá sản do đầu tư trái ngành. 

Thủy sản Phương Nam sử dụng sai mục đích vốn vay gần 10,000 tỷ đồng. (Hình: báo Người Lao Ðộng)


Báo Người Lao Ðộng cho biết, tiếp bước các “đại gia” thủy sản như Bình An, Phương Nam..., nhiều doanh nghiệp thủy sản nổi tiếng đầu những năm 2000 ở Ðồng bằng sông Cửu Long đang chờ chết.

Vùng tôm nguyên liệu lớn nhất nước là Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... nơi đặt hàng chục nhà máy chế biến thủy sản nằm dọc quốc lộ 1, hiện không còn cảnh nhộn nhịp “xe ra xe vào” như trước đây. 

Nằm trong KCN Trà Nóc, công ty xuất nhập khẩu An Khang, một trong những đại gia thủy sản vỡ nợ đầu tiên ở ÐBSCL tuy vẫn còn mở cửa, song chỉ gia công chả cá cho nơi khác. Từ khi phó giám đốc Nguyễn Thị Thu Sương bị đi tù, An Khang chỉ hoạt động cầm chừng do đang gánh khoản nợ trên 370 tỉ đồng (khoảng $1.65 tỉ USD).

Gần đó, nhà máy của công ty xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã cũng đang hoạt động cầm chừng, gia công cá tra cho khách hàng chờ tái cơ cấu với khoản nợ 700 tỉ đồng. Tại KCN Hòa Trung, sản xuất của các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu cũng ảm đạm, nhiều nơi vẫn trong cảnh “vườn không, nhà trống.”

Ðáng chú ý là tình cảnh của hai “đại gia” là công ty thủy sản Phú Cường-Jostoco và công ty Chế Biến Thủy Sản Xuất Khẩu Minh Hải, từng là những doanh nghiệp mạnh góp phần làm nên thương hiệu thủy sản Cà Mau, nhưng nay đang rớt dần xuống nhóm “đèn đỏ.” 

Theo Hiệp Hội Chế Biến và Xuất Khẩu Thủy Sản tỉnh Cà Mau (CASEP), tính đến cuối tháng 6, 2014, trong số 26 thành viên của CASEP thì chỉ có 30% hoạt động hiệu quả, số còn lại hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa.

Nguyên nhân theo ông Nguyễn Phương Lam, phó giám đốc Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ là do các “đại gia” thủy sản này đầu tư trái ngành và dàn trải, đặc biệt vướng vào bất động sản nên khi thị trường nhà đất “đóng băng” dẫn đến thiếu vốn lưu động, buộc phải vay vốn-trả lãi cao và rồi “chờ chết.” 

Theo ông Lam, nếu chuyên tâm làm thủy sản thì doanh nghiệp không bao giờ sợ chết, bởi ngành này mang lại lợi nhuận khá cao. 

Bằng chứng là nay hiện một số doanh nghiệp của Singapore và Malaysia có ý định đổ vốn vào ngành thủy sản Việt Nam. Họ nhận định đây sẽ là một trong những ngành mũi nhọn của Việt Nam cũng như ÐBSCL, bởi các thị trường trên thế giới ngày càng chuộng mặt hàng thủy sản Việt Nam.

Dù có hàng loạt “đại gia” thủy sản vỡ nợ thời gian qua nhưng 8 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của ngành vẫn đạt $4.95 tỉ, tăng 25.4% so với cùng kỳ. (Tr.N)

09-25-2014 1:33:12 PM 
Theo Người Việt

No comments:

Post a Comment