Trong thời hiện đại của thế giới, có lẽ không có một tổng thống nào của Hoa Kỳ ngần ngại như Tổng Thống Barack Obama trong việc can thiệp vào vùng Trung Ðông.
Suốt hơn ba năm nay, ông đã tìm đủ mọi cách để khỏi tham dự vào chiến sự ở Syria. Ngay cả khi Iraq lâm nguy, ông cũng vẫn ngần ngại không muốn can thiệp. Thành ra khi ông quyết định không kích ở Syria thì đó không phải là phản xạ của một vị tư lệnh thích tham chiến mà là dấu hiệu đáng ngại về những đe dọa mà những lực lượng jihads ở Syria và Iraq đang mang lại cho vùng Trung Ðông. Phải nói là ông Obama không có mấy lựa chọn nào khác ngoài việc phải gia tăng chiến dịch để “làm suy giảm và cuối cùng phá hủy” các lực lượng tự gọi mình là Islamic State hay còn được gọi là ISIS hay ISIL.
Không phải là tổng thống ngần ngại tham chiến vì bản chất ông là con người chủ hòa. Sở dĩ ông không muốn đâm đầu vào Trung Ðông vì ông thấy rõ là Trung Ðông, tuy nguy hiểm, nhất là cho Âu Châu, nhưng không thực sự là mối lo chính cho ổn định của thế giới. Ông hiểu rõ là trên địa cầu này hiện nay chỉ có một cường quốc có thể thách thức Hoa Kỳ, đó là Trung Quốc. Khi chính phủ của ông nói đến “chuyển hướng” sang Á Châu, quả thật đó là điều mà ông muốn làm vì Á Châu mới thực sự là nơi mà tương lai của Hoa Kỳ và của thế giới được quyết định. Nếu Hoa Kỳ duy trì được sức mạnh ở Á Châu, thế giới như chúng ta biết hiện nay sẽ tiếp tục. Nếu Hoa Kỳ thất bại trong việc duy trì thế cường quốc ở Á Châu, thế giới sẽ khác hẳn. Bởi nó sẽ là thế giới trong đó Trung Quốc đóng vai trò quan trọng.
Nhưng hiện nay, với một giải rộng lớn của vùng Trung Ðông đã rơi vào tay các đám jihad, sau cùng ông đã lại phải quay trở lại với vùng này.
Hôm 23 tháng 9 vừa qua, Hoa Kỳ đã lãnh đạo một loạt các cuộc không kích vào Syria chống lại những chiến binh của Islamic State và một nhóm al-Qaeda ít được biết đến có cái tên là nhóm Khorasan. Hoa Kỳ nói là Khorasan đang âm mưu tấn công Tây phương.
Không ai nghi ngờ là việc nới rộng cuộc không kích sang Syria là không biện minh được trên phương diện quốc phòng. ISIS đã chiếm một giải rộng lớn lãnh thổ băng qua biên giới Iraq và Syria và đã hứa phá hủy biên giới với Jordan và Lebanon. ISIS còn có đến 30,000 chiến binh, theo dự đoán của cơ quan CIA, và kiếm nhiều triệu đô la từ 13 giếng dầu và mỏ khí đốt mà họ kiểm soát. ISIS đã chứng tỏ sự tàn bạo của mình đối với tất cả mọi người từ những nhóm thiểu số trong vùng như người Yazidis hay người Ki-tô giáo, cũng như với tất cả những con tin mà họ đã bắt. Với sự đe dọa rõ ràng mà ISIS đang đặt ra cho Âu Châu và vùng Ðịa Trung Hải, Hoa Kỳ đã có trách nhiệm phải ngăn chặn chiều hướng đang lên của nhóm quá khích này khi mà còn có thể làm được.
Nới rộng chiến dịch sang Syria có thể đặt vấn đề pháp lý cho Hoa Kỳ. Hành động của Hoa Kỳ đối với ISIS ở Iraq thì rõ ràng là hợp pháp vì chính phủ Iraq ở Baghdad đã yêu cầu can thiệp. Ở Syria, chế độ của ông Bashar al-Assa chưa bao giờ yêu cầu, mặc dù cho đến bây giờ hẳn là Damascus sẽ để yên cho Hoa Kỳ can thiệp vì việc làm của Hoa Kỳ có lợi cho họ. Ðiều quan trọng hơn là Hoa Kỳ đã thuyết phục được sự ủng hộ của năm quốc gia Ả Rập Sunni. Sự tham chiến của Saudi Arabia, Jordan, Qatar, Bahrain và các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất đã là những biện minh hùng hồn nhất cho chính nghĩa của cuộc can thiệp này.
Ngay đến Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã có một liên hệ với ISIS trong quá khứ, nay cũng đã đề nghị ủng hộ chính trị. Nó khác xa sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Iraq hồi năm 2003.
Hơn thế, sự can thiệp của Hoa Kỳ để tìm một cách đối phó với nhóm jihads tàn bạo này nay đã được thế giới coi đó là thử thách cho quyết tâm của Hoa Kỳ tiếp tục bảo vệ an ninh thế giới.
Trong những năm gần đây, cảm tưởng của thế giới và ở một khía cạnh nào đó ngay cả ở Hoa Kỳ, là cường quốc duy nhất của nhân loại đang suy thoái dần, trong khi Hoa Kỳ mệt mỏi tìm cách ra khỏi ảnh hưởng của một cuộc khủng hoảng tài chánh và hai cuộc chiến khó khăn và tốn kém. Trung Quốc có thể tự hỏi tại sao một quốc gia mới giàu và đang lên như họ lại phải nghe những bài giảng về cách điều hành chính quyền của mình từ một tổng thống vốn gặp khó khăn thông qua ngân sách của chính mình. Những quốc gia Ðông Á, nằm dưới bóng của tên khổng lồ, lo ngại là liệu có tin nổi vào những cam kết chiến lược của Hoa Kỳ hay không.
Hoa Kỳ trong khi đó có vẻ như đã bị đè bẹp bởi các thế lực của náo loạn, hoặc là không muốn hay không có khả năng để ổn định một thế giới đang vượt tầm kiểm soát. ISIS tiêu biểu cho chiều hướng đáng sợ đó.
ISIS, nói theo kiểu của các nhà phân tích hiện nay, là một nhân tố không phải là một quốc gia, và chính vì thế, càng xáo trộn thì lại càng lớn mạnh.
Ở một khía cạnh nào đó sự lớn mạnh của ISIS cũng phản ảnh chính sách của Hoa Kỳ. Trước hết là cuộc can thiệp không được suy nghĩ chín chắn của Tổng Thống George W. Bush vào Iraq. Rồi sau đó sự thiếu can thiệp của ông Obama. Khi người dân Syria vùng lên chống lại chế độ của ông Bashar al-Assad, tổng thống đã từ chối hành động, hy vọng là mọi sự rồi sẽ tự giải quyết, để mặc cho ông Assad tha hồ tàn nhẫn đối với dân mình. Ngay cả khi ông Assad vượt lằn đỏ, sử dụng vũ khí hóa học, cường quốc duy nhất vẫn không trừng phạt ông ta.
Không can thiệp ở những nơi này cũng không giải quyết vấn đề ở những nơi khác trên thế giới. Tổng thống thường nói đến sự giới hạn của quyền lực Hoa Kỳ, khuyến cáo các quốc gia khác, nhất là các quốc gia Âu Châu, hãy đóng góp phần của mình cho sự an toàn của thế giới. Ông không muốn Hoa Kỳ là sen đầm quốc tế mà chỉ là lãnh đạo của dư luận thế giới. Nhưng khi Hoa Kỳ rút lại, các đồng minh của Hoa Kỳ cũng rụt rè. Và những quốc gia sẵn sàng xông ra lại chinh là những đối thủ của họ, như Trung Quốc và Nga.
ISIS đã giúp tạo được một thay đổi trong thái độ của người Mỹ. Trước khi ISIS chứng tỏ sự tàn nhẫn đối với những vùng đất họ chiếm đóng, chặt đầu hai người Mỹ rồi phổ biến lên Internet, người Mỹ đã nghi ngờ không muốn can thiệp vào Trung Ðông một lần nữa. Nhưng khi họ thấy là ISIS đang đe dọa chính họ, họ đòi bảo vệ. Tổng thống nay có cơ hội để mang lại một trật tự nào đó ở Trung Ðông. Ðồng thời ông cũng có cơ hội để chứng minh là Hoa Kỳ vẫn là số một.
Bởi sự thất bại của tình trạng hậu can thiệp ở Iraq làm chúng ta quên mất sức mạnh quân sự kinh hồn của Hoa kỳ. Nếu cần ông Obama có thể chứng minh cho thấy sức mạnh đó. Ðừng quên là trong sáu tuần lễ ngắn ngủi của mùa Xuân năm 2003, Hoa Kỳ và các đồng minh đã đánh bại một quân đội 375,000 binh sĩ của nhà độc tài Saddam Hussein mà chỉ mất có 138 người Mỹ. Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại có một quốc gia với một khả năng quân sự chế ngự đến như vậy. Các nhà ngoại giao ở Á Châu vẫn chỉ ra là chính khả năng vũ bão của Hoa Kỳ ở Chiến tranh vùng Vịnh đã làm cho Trung Quốc bắt đầu con đường canh tân quân đội. Và khả năng đó không phải đột nhiên biến mất.
Người Mỹ sẽ cằn nhằn về gánh nặng của việc phải lo cho thế giới. Dĩ nhiên là các đồng minh Âu Châu phải đóng góp hơn. Các đồng minh ở Á Châu cũng phải đóng góp thêm. Nhưng cũng rõ ràng là trong quyền lợi Hoa Kỳ để phải can thiệp, và nếu cần phải sử dụng sức mạnh của mình để ủng hộ chính nghĩa, ít nhất cũng để cho những nhà độc tài và những tay khủng bố đừng quá lộng hành.
09-27-2014 2:18:02 PM
Lê Phan
Theo Người Việt
No comments:
Post a Comment