Saturday, September 27, 2014

Người dân Trà My vẫn sống trong nỗi sợ động đất

song-tranh-2-622.jpgThủy điện Sông Tranh 2 ở Trà My, ảnh chụp trước đây.RFA PHOTO
Nhóm phóng viên tường trình từ VN 2014-09-26
Chuyện người dân các xã Trà Bui, Trà Đốc sống trong sợ hãi vì động đất vốn là chuyện đã xưa cũ, tưởng chừng không nên nhắc lại thêm làm gì. Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện nay, khi mà mùa mưa đang cận kề, thời hạn chịu đựng chấn động của người dân cũng đã kéo dài quá ba năm, mọi việc vẫn chẳng đâu vào đâu mà nước trong lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 lại sẽ dâng cao trong mùa mưa, nguy cơ vẫn treo trên đầu người dân… Mỗi trận động đất đầu mùa hiện nay giống như một nhát chém vào vết thương chưa kịp lành trong tâm trí người dân quanh đây.
Nếu nhà nước có kế hoạch di dời cho nhân dân hoặc là có kế hoạch trấn an làm sao để nhân dân người ta khỏi hoang mang để họ yên tâm sản xuất, sinh sống chứ!
-Bạn Dũng
Một bạn trẻ tên Dũng, hiện sống tại Trà Bui, Trà My, chia sẻ:“Động đất thì cũng có mấy trận nổ lớn, đợt ni có mấy trận nó nổ dài lắm. Dân tình người ta cũng hoang mang lắm chứ, họ cũng rày đây mai đó chẳng biết ra răng. Nếu nhà nước có kế hoạch di dời cho nhân dân hoặc là có kế hoạch trấn an làm sao để nhân dân người ta khỏi hoang mang để họ yên tâm sản xuất, sinh sống chứ!”.
Theo Dũng, cuộc sống của người dân Trà My hiện tại chẳng khác gì một cơn ác mộng dài, chiêm bao triền miên từ ngày này sang tháng nọ. Mọi người, ai cũng ước ao có tiền để di dời nhà cửa đến một nơi nào đó bình yên, không phải sống trong thấp thỏm để mà sinh sống. Thế nhưng chuyện ấy chẳng khác nào một giấc mơ dài đi song song với cơn ác mộng dài… Nghĩa là mọi vấn đề về dân cư ở Trà My coi như đã xong cách đây ba năm, những người dân có đất canh tác và sinh sống trong khu vực lòng hồ đã được di đời về khu tái định cư với nhà cửa tưởng như là đàng hoàng bởi được nhà nước dây dựng thông qua dự án của ban tái định cư. Mỗi căn nhà được xây dựng và nghiệm thu với chi phí lên đến ba, bốn trăm triệu đồng đã nứt toang hoác sau một trận động đất nhẹ chưa đầy 3 độ richter và để lộ ra hàng ngàn cái tệ hại của nó, trong đó tường xi măng bong tróc cho thấy người ta đã rót ruột quá nhiều xi măng trong quá trình xây dựng, cửa ngõ cũng nứt toác.
Mọi sự xụp xệ của nhà tái định cư đều chứng minh rằng số tiền dùng vào việc xây dựng nhà tái định cư chỉ chiếm chưa đầy 20% số tiền trên giấy tờ. Và kẻ thua thiệt nhiều nhất trong chuyện này chính là nhân dân. Nếu như ban giải quyết đền bù đưa hẳn số tiền trên giấy tờ cho nhân dân tự xây dựng thì mọi chuyện đã khác, nhà cửa kiên cố hơn, ít lo sợ hơn như hiện tại.
song-tranh-3-400.jpg
Mái nhà bị nứt do động đất tại Huyện Trà My. RFA PHOTO.
Có nhiều hộ dân trong khu tái định cư đã bỏ hẳn ngôi nhà của nhà nước xây, tự làm một căn nhà lá gần đó để ở. Khi chúng tôi hỏi vì sao lại phải che nhà lá để ở, nhiều người trả lời rằng làm như thế cho an toàn tính mạng, vì ở trong nhà tái định cư bằng xi măng khi động đất xảy ra, bao nhiêu khối xi măng dỏm sẽ đổ sập, đè lên người, chết là cái chắc, ở nhà lá an toàn hơn!
Cũng theo Dũng, hiện nay, vấn đề tái định cư không còn gì thay đổi được nữa, mọi chuyện coi như an bài, người dân chỉ còn biết sống chung với động đất, ai có tiền thì tự đi mua đất nơi khác để sống. Chuyện động đất làm trẻ con khiếp hãi, người lớn mất ngủ chỉ được giải thích đó là do hiệu ứng thùng sắt tây dưới lòng hồ, ráng chịu một thời gian sẽ hết. Nhưng trên thực tế thì thời gian người dân chịu đựng đã quá lâu trong khi chất lượng xây dựng thủy điện Sông Tranh 2 có vấn đề, hơn nữa, mùa mưa sắp tới, nghĩa là mùa động đất sắp về vì nước trong lòng hồ dâng cao, mỗi khi hồ thủy điện tích nước đều diễn ra động đất kinh hoàng.

Bao giờ cho hết sợ chết

Một bạn trẻ khác tên Kiểng, ở thị trấn Trà My, cách thủy điện Sông Tranh 2 chừng 7km, chia sẻ thêm: “Từ hồi tháng Năm đến tháng Tám này nó nổ nhiều lắm. Mình ở vùng thấp, gần thủy điện không thấy nổ chứ ở mấy thôn Tư, thôn Năm nó rung dữ dội lắm, nhất là mấy ngày hồ tích đầy nước thì nổ dữ lắm… Không thấy cứu trợ hay hỏi han gì hết, chỉ thấy khu tái định cư người ta có sửa chữa mấy chỗ nứt, chứ còn mình không thuộc diện tái định cư thì không thấy gì cả! Ban đền bù thủy điện nó có cho mấy bao gạo cho người tái định cư, chẳng thấy ai lên đây cả!”.
Mình ở vùng thấp, gần thủy điện không thấy nổ chứ ở mấy thôn Tư, thôn Năm nó rung dữ dội lắm, nhất là mấy ngày hồ tích đầy nước thì nổ dữ lắm…
-Bạn Kiểng
Theo Kiểng, chuyện chờ cho lòng hồ Sông Tranh 2 ổn định sẽ hết động đất là chuyện không tưởng, vì theo chỗ hiểu biết của Kiểng thì lòng hồ Sông Tranh 2 nằm ngay trên đới đứt gãy của dãy liên đới Trường Sơn. Chính vì thế, khi tích nước, hiệu ứng thùng sắt tây của lòng hồ Sông Tranh 2 khác hoàn toàn với những lòng hồ khác trên thế giới này. Vì với kinh nghiệm làm việc và nghiên cứu của một kỹsư địa chất, Kiểng phải thừa nhận rằng Sông Tranh 2 là mối nguy quá lớn.
Nếu như các hồ thủy điện khác trên thế giới sẽ có động đất trong giai đoạn đầu thì đó là chuyện bình thường bởi các lớp dưới lòng hồ chưa ổn định, sự tích nước sẽ dẫn đến xê dịch các mảng địa tầng. Nhưng ở hồ Sông Tranh 2 không phải là xe dịch mà là đứt gãy, tổn thương. Đới đứt gãy giống như một phần xương đang bị tổn thương trong cơ thể, bây giờ đặt thêm một vật nặng lên cơ thể đó thì trước sau gì cơ thể đó cũng bại xuội, đổ gục chứ không giống như một cơ thể chưa chịu đựng quen và cần thời gian thích nghi theo kiểu hiệu ứng thùng sắt tây.
Và điều này cũng cho thấy rằng từ ba năm trước trở về sau này, khó có thể khẳng định được là bao giờ Trà My hết động đất và bao giờ người dân Trà My được sống trong bình yên. Bởi mỗi khi Sông Tranh 2 tích nhiều nước sẽ dẫn đến hiện tượng động đất liên tục, trong khi đó chất lượng xây dựng thủy điện Sông Tranh 2 rất kém, các bờ đập rò rỉ, lở loét ngay từ đầu. Nếu có động đất mạnh sẽ dẫn đến vỡ đập và mọi tai ương khó mà lường trước được.
Có lẽ chính vì thế mà người dân Trà My luôn sống trong sợ hãi, lo lắng, mệt mỏi. Trong khi đó, những cán bộ ở Trà My có thể nói là hơn 80% đã có nhà ở thành phố Tam Kỳ, thậm chí có người ban ngày làm việc ở Trà My, buổi tối chạy về Tam Kỳ ngủ, sáng mai lại đến Trà My làm việc.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

No comments:

Post a Comment