Thursday, September 11, 2014

Đừng để nâng chén tiêu sầu càng… sầu thêm!

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
Việc hạn chế bia rượu phải đi từ chính sách thuế và việc quy hoạch nguồn sản xuất, hơn là can thiệp vào hành vi sử dụng bia rượu vốn đã được pháp luật và xã hội thừa nhận như một nhu cầu của đời sống.
Cấm bán bia sau 22 giờ, hay người dân không được ngồi vỉa hè uống bia là những ý tưởng được các bộ Y tế, Công thương đề xuất trong các dự thảo luật và nghị định trong thời gian qua. 
Dù cho các văn bản này có nhấn mạnh đến hạn chế tiêu thụ bia rượu là hướng đến mục tiêu bảo vệ sức khỏe của dân chúng, nhưng vẫn không tránh khỏi sự phản ứng từ dư luận.
Cứ nhìn vào tỉ lệ tiêu thụ bia rượu cả nước mỗi năm là 3 tỉ USD so với tổng GDP 170 tỉ USD sẽ thấy: chi phí “nâng chén tiêu sầu” ở đất nước ta quả thật là "ấn tượng". 
Chưa có một nghiên cứu xã hội học nào chỉ ra vì sao dân ta uống bia rượu nhiều thế và thời gian dành cho nhậu nhẹt là bao nhiêu trong mỗi năm, mỗi tháng, mỗi ngày… Rõ ràng bia rượu đi rất sâu vào các mối quan hệ thân gia, bạn bè, đối tác làm ăn và cũng là… đầu câu chuyện cho những dự án có tầm vóc từ phường xã đến quốc gia đại sự.  
Chưa có một nghiên cứu xã hội học nào chỉ ra vì sao dân ta uống bia rượu nhiều thế và thời gian dành cho nhậu nhẹt là bao nhiêu trong mỗi năm, mỗi tháng, mỗi ngày… 
Nhưng tác hại từ đó cũng đã quá rõ. Chỉ riêng năm 2013, cả nước xảy ra gần 30.000 vụ tai nạn giao thông, trong đó 40% vụ liên quan đến rượu bia với khoảng 11% trường hợp tử vong (nguồn Ủy ban An toàn giao thông). Như vậy, trung bình mỗi năm có đến gần một "sư đoàn từ chết đến bị thương” có liên quan đến bia rượu. 
Tai nạn rập rình, nguy cơ thành thảm họa cho từng gia đình, cá nhân là vậy, mà người ta vẫn tiếp tục uống bia rượu…
Đâu đó cũng có vài lý giải cho hiện tượng quá chén: cuộc sống trong nền kinh tế thị trường căng thẳng, những khó khăn trong cuộc sống của người dân đô thị, đặc thù xã hội ở vùng sâu vùng xa hay khu công nhân đông người không có gì để giải trí sau giờ tăng ca… tất cả là nguyên nhân để con người tìm đến bia rượu tiêu sầu.
Khi các ý tưởng hạn chế bán bia rượu gặp phải phản ứng dư luận, các nhà làm dự thảo đều giải thích là căn cứ vào một quyết định của Thủ tướng.
Đó là quyết định “về chính sách quốc gia phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến 2020”, bản thân tên gọi của quyết định này đã hàm chứa đầy đủ mục tiêu chính sách mà nhà cầm quyền hướng đến.
Nội dung quyết định đưa ra rất nhiều giải pháp, từ “mềm” là tuyên truyền vận động đến “cứng” là tăng cường thực thi pháp luật (quy định về quảng cáo, an toàn thực phẩm, lái xe…). Nhìn chung, nếu thực hiện đầy đủ và quyết liệt những quy định hiện hành, cùng với hoạt động khuyến cáo của các tổ chức, xã hội thì có vẻ những con đường bia rượu cũng sẽ đi vào “khung cửa hẹp”.
Trong quyết định, Thủ tướng cũng giao cho gần 10 bộ trong chính phủ tiếp tục đề xuất thêm các biện pháp khác có tính pháp lý như luật, nghị định… để siết bia rượu.
Và những gì gây ồn ào dư luận nhất từ đề xuất của 2 bộ Y tế và Công thương: cấm bán bia sau 22 giờ và cấm bán bia vỉa hè. 
Quy định luật pháp trong trường hợp này thường nhắm đến việc điều chỉnh các hành vi giữa con người với con người và cộng đồng. Những ảnh hưởng có thể xảy ra của một người do uống bia (hay bán bia) đến người khác hay đến cộng đồng đã được nhiều bộ luật và quy định khác điều chỉnh (cấm lái xe khi có nồng độ cồn quá quy định, gây rối trật tự công cộng, quy định về lòng lề đường và sử dụng vỉa hè…). 
Vì vậy, căn cứ vào mục tiêu từ quyết định của Thủ tướng, đến các sáng kiến luật của 2 bộ trên, có thể thấy những chế tài này nhắm vào ý thức lựa chọn của công dân, nhằm “buộc” công dân phải “hạn chế” bia rượu.
Từ đặc thù của xã hội Việt Nam hiện nay, các ý kiến phản biện cho rằng việc thực thi các quy định nói trên là “không tưởng”, từ việc xác định “phụ nữ mang thai, đang cho con bú”, đến khả năng lách luật quá dễ dàng của các quy định trong văn bản. 
Ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) khẳng định, quy định cấm bán bia trên vỉa hè, cấm bán bia cho phụ nữ có thai, người say bia rượu là đều có căn cứ, có tính khả thi. "Không phải lúc nào chúng ta cũng ngồi canh để xử phạt, nhưng cần phải có một chế tài, một quy định để nếu vi phạm thì có cơ sở để xử lý, để lần sau những người bán bia sẽ không dám bán nữa. Cho nên chúng ta cứ nói là không khả thi, không kiểm soát được thì rất khó, thì không làm" - ông Dũng nói. 
Những thảo luận về luật doanh nghiệp tại Quốc hội cũng đã nhận định rằng nhiều quy định cấm đoán vừa chặn đường làm ăn của người dân, vừa mở rộng cửa cho cán bộ “làm ăn”.
Với cách nói ấy, rõ ràng quy định mà Bộ Công thương đang soạn thảo mang nặng tính “hù dọa”, cảnh báo nhiều hơn là để thi hành trên thực tế. Đó là chưa kể, nhiều quy định bất hợp lý và mù mờ ở nước ta đang bị chính những người thực thi pháp luật dùng như một thứ công cụ “làm luật” trục lợi nhan nhản trên đường, trong công sở.
Thực tế ấy, chính chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng thốt lên: “Các ông ấy cấm khắp nơi!”. Và những thảo luận về luật doanh nghiệp tại Quốc hội cũng đã nhận định rằng nhiều quy định cấm đoán vừa chặn đường làm ăn của người dân, vừa mở rộng cửa cho cán bộ “làm ăn”.
Nếu nhìn vào góc độ quyền kinh doanh mà Nhà nước đang cố gắng mở ra cho người dân thì các đề xuất này lại đi ngược lại. Các nhà soạn thảo không đánh giá ảnh hưởng của các quy định này đối với hang triệu hộ kinh doanh bia rượu, nhất là những người nghèo đang mưu sinh trong khó khăn.    
Mục tiêu nào thì chính sách ấy, theo lẽ thông thường, việc hạn chế bia rượu phải đi từ chính sách thuế và việc quy hoạch nguồn sản xuất… Nguồn thu thuế từ ngành bia rượu có thể được phân bổ trở lại cho các hoạt động khuyến cáo sâu rộng trong xã hội hoặc hỗ trợ cho những hoạt động kiểm soát chặc chẽ các quy định hiện hành, hơn là can thiệp vào hành vi sử dụng bia rượu vốn đã được pháp luật và xã hội thừa nhân như một nhu cầu của đời sống.
Để có một Nhà nước pháp quyền, trước tiên pháp luật phải đảm bảo tính chính đáng, để trước tiên được công dân tự có ý thức thực hiện. 
Pháp luật mà "vừa đá bóng, vừa thổi còi" thì không chỉ gây khó dễ cho đời sống người dân mà còn khiến cho niềm tin vào pháp luật suy giảm. Và tình trạng “vô pháp” đôi khi xuất phát từ những quy định đi tréo ngoe với đòi hỏi từ cuộc sống. 

No comments:

Post a Comment