Thursday, September 11, 2014

Trung Quốc âm mưu gì ở Trường Sa

Tờ Want China Times của Đài Loan đưa tin
Tờ Want China Times của Đài Loan đưa tin, TQ mở rộng khu vực đảo Gạc Ma (tên quốc tế: Johnson South Reef - là một bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa) đe dọa nghiêm trọng Việt Nam, Đài Loan...Screen shot/Want China Times ngày 11/9/2014
Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok 2014-09-11
Trung Quốc được nói đang gấp rút cải tạo những bãi đá tại khu vực Trường Sa thành đảo và xây dựng căn cứ quân sự trên đó. Điều này được giới chuyên gia cảnh báo là một mối đe dọa cho an ninh khu vực, nhất là đối với Việt Nam.
Thực tế diễn ra thế nào và những cảnh báo được nêu ra sao?
Triển khai cải tạo, xây dựng của Trung Quốc
Thông tin về hoạt động cải tạo các bãi và đá tại khu vực quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc dùng vũ lực chiếm từ phía Việt Nam hồi năm 1988,  được các cơ quan chuyên trách của phía Philippines tiết lộ và rồi các báo đăng tải lại. Gần đây chính báo chí Trung Quốc công khai những hoạt động cải tạo và xây dựng như thế tại khu vực Trường Sa.
Mạng Giáo dục Việt Nam trích dẫn tờ Tin tức Thanh Hoa của Trung Quốc số ngày 6 tháng 9 nói rằng từ đầu năm đến nay Trung Quốc đưa 3 tàu đổ bộ xe tăng loại 5 ngàn tấn đến Gạc Ma và Tư Nghĩa để tác nghiệp đắp đất, phong nền xây dựng đảo nhân tạo theo phương án thiết kế của Viện Quy Hoạch Công trình Hải quân Trung Quốc.
Theo tờ Hoàn Cầu Thời Báo thì Gạc Ma cách Sài Gòn 830 km, cách Manila 890 km, cách eo biển Malacca khoảng 1500km. Như thế với đường băng 2km trên Gạc Ma, các loại máy bay Su-30, J-10, J-11 của Trung Quốc có khả năng tác chiến đến tận Malacca
Sáu bãi đá nằm trong diện được cải tạo phong nền xây dựng đảo gồm Gạc Ma, Gaven, Chữ Thập, Tư Nghĩa, Su Bi và Châu Viên.
VTV News trước đó có bài trích đăng hình ảnh của tờ Hoàn Cầu Thời Báo cho thấy hoạt động xây dựng tại Gạc Ma đang được gấp rút thực hiện
Đánh giá mối nguy
Cũng theo tờ Hoàn Cầu Thời Báo thì khi Trung Quốc xây xong đường băng 2km trên đảo Gạc Ma, cả miền nam Việt Nam sẽ nằm trong vùng tấn công của chiến đấu cơ Trung Quốc.  Theo tờ báo này thì Gạc Ma cách Sài Gòn 830 km, cách Manila 890 km, cách eo biển Malacca khoảng 1500km. Như thế với đường băng 2km trên Gạc Ma, các loại máy bay Su-30, J-10, J-11 của Trung Quốc có khả năng tác chiến đến tận Malacca.
Thông tấn xã Đài Loan trích dẫn nhận định của cựu thứ trưởng quốc phòng Đài Loan Lâm Trung Bân rằng 6 bãi đá ở Trường Sa đang được Trung Quốc đảo hóa nằm trong chiến lược muốn hóa ‘tốt thành xe’, với âm mưu tăng cường đáng kể khả năng khống chế và kiểm soát toàn bộ Biển Đông.
Ông Lâm Trung Bân cho rằng việc đảo hóa 6 bãi đá vừa nêu ở Trường Sa giúp Trung Quốc tạo nên được gần ’10 điểm cao chiến lược’ ở Biển Đông.
Nhận định của cựu thứ trưởng quốc phòng Đài Loan Lâm Trung Bân rằng 6 bãi đá ở Trường Sa đang được Trung Quốc đảo hóa nằm trong chiến lược muốn hóa ‘tốt thành xe’, với âm mưu tăng cường đáng kể khả năng khống chế và kiểm soát toàn bộ Biển Đông
Khái niệm ‘điểm cao chiến lược’ được chính chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đưa ra tại đợt học tập tập thể lần thứ 17 do Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức hồi cuối tháng 8 vừa qua. Ông Tập Cận Bình cho rằng ‘điểm cao chiến lược’ là ‘lợi ích nối dài hợp lý’ của Trung Quốc tại hải ngoại.
Theo tờ Want China Times của Đài Loan sau khi Trung Quốc hoàn tất việc xây dựng đảo Gạc Ma ở Trường Sa và thành phố Tam Sa trên đảo Vĩnh Hưng mà Việt Nam gọi là Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, thì Bắc Kinh có thể lắp đặt hệ thống radar tầm xa, sóng vô tuyến và các thiết bị giám sát trên không và trên biển. Như thế các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đến tận Singapore sẽ nằm trong tầm kiểm soát của radar Trung Quốc. Tàu bè qua eo biển Malacca cũng sẽ bị radar Trung Quốc theo dõi.
Cảnh báo của tướng và trí thức Việt Nam
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên đại sứ Hà Nội tại Bắc Kinh và nguyên chính ủy Quân khu 4, vào ngày 8 tháng 9, có bài viết trên trang Bauxite Việt Nam tựa đề ‘Trường Sa của chúng ta sẽ bị uy hiếp’. Trong đó ông phân tích những tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc nói về quan hệ với Việt Nam mà tất cả ông đều chứng minh là không thực, nói một đàng làm một nẻo và âm mưu của Bắc Kinh lâu nay là muốn thôn tính Biển Đông của Việt Nam.
Tình hình nguy hiểm khi Trung Quốc làm một chốt quân sự ở đó, một sân bay quân sự, một căn cứ quân sự ở đó thì nguy hiểm đối với Việt Nam, nguy hiểm đối với an ninh hàng hải, chủ quyền của Việt Nam và của khu vực … Như thế vấn đề Gạc Ma rất lớn
Ông Nguyễn Khắc Mai
Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh viết rõ “Gần đây máy bay do thám của nước ngoài cho biết trên bãi đá Gạc Ma không người ở trong quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đánh chiếm của chúng ta hồi năm 1988, Trung Quốc đương đổ cát đá để xây dựng Gạc Ma và các bãi đá xung quanh thành các đảo nhân tạo nhằm khẳng định chủ quyền của họ đồng thời sẽ xây dựng thành căn cứ chiến đấu có đường cho máy bay cất, hạ cánh”.
Ông đặt câu hỏi lẽ nào lãnh đạo và Bộ quốc phòng Việt Nam không biết đến sự kiện mà ông cho là nguy hiểm đó. Theo tướng Nguyễn Trọng Vĩnh thì bộ máy truyền thông trong nước không đá động và lãnh đạo Hà Nội im lặng.
Tướng Lê Mã Lương, anh hùng lực lượng vũ trang nguyên giám đốc Bảo tang Lịch sử Quân sự Việt Nam cũng nói đến âm mưu của Trung Quốc tại Biển Đông như sau:
Đối với Trung Quốc họ nhất quán với chiến lược độc chiếm Biển Đông, họ sẽ tìm mọi cách để đánh chiếm và làm chủ toàn bộ Hoàng sa; và tiến tới chiếm các đảo ở Trường sa kể cả Việt Nam, Philippines và của nước nào đó. Họ sẽ bằng hành động quân sự chiếm các đảo bất chấp luật pháp, bất chấp dư luận quốc tế.
Một trí thức khác tại Việt Nam, ông Nguyễn Khắc Mai, giám đốc Trung tâm Minh Triết Việt tại Hà Nội, vào đúng ngày 2 tháng 9 cũng viết thư cảnh báo lại về hoạt động của Trung Quốc đang xây dựng Gạc Ma thành căn cứ quân sự có cảng, sân bay.
Ông Nguyễn Khắc Mai nhắc lại hồi tháng sáu, sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ông và những nhà trí thức và tướng lãnh về hưu khác cũng đã cảnh báo về việc Trung Quốc cải tạo, xây dựng tại Gạc Ma. Lời cảnh báo là Trung Quốc đang ‘dương đông, kích tây; không phải giàn khoan mà là Gạc Ma mới là chuyện lớn.
Lúc đó ông phát biểu:
Tình hình nguy hiểm khi Trung Quốc làm một chốt quân sự ở đó, một sân bay quân sự, một căn cứ quân sự ở đó thì nguy hiểm đối với Việt Nam, nguy hiểm đối với an ninh hàng hải, chủ quyền của Việt Nam và của khu vực …  Như thế vấn đề Gạc Ma rất lớn.
Thứ hai, điểm yếu của Trung Quốc là sau khi họ ký Công nước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 với điều 2 khoản 4 cấm dùng vũ lực, quân sự để giải quyết vấn đề tranh chấp, vào năm 1988 họ đã vi phạm. Mình cần nói rõ họ là một thành viên Liên Hiệp Quốc, một nước lớn, lại là ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc mà trắng trợn chà đạp lên công ước họ ký. Đó là điều cần phải nói rõ.
Trong lá thư viết vào ngày 2 tháng 9 vừa qua, ông Nguyễn Khắc Mai kêu gọi người dân hãy lên tiếng thúc giục lương tri của những người lãnh đạo đất nước để họ hành động kịp thời và hiệu quả.
Ông Nguyễn Khắc Mai kêu gọi tìm cách vận động thành lập một Ủy ban Vì Công Lý Gạc Ma hay một tên gọi khác của Xã hội Dân sự trong nước và ngoài nước. Nhiệm vụ của ủy ban là vận động cả quốc tế tham gia lập ra những tóa án lương tâm, tòa án dư luận tố cáo, lên án hành động mà ông cho rằng vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

No comments:

Post a Comment