Thursday, September 11, 2014

Triển lãm về 'Cải Cách Ruộng Đất' chết yểu (?)

HÀ NỘI (NV) .- Ban Tổ chức triển lãm “Cải cách Ruộng đất 1946 -1957” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Hà Nội thông báo quyết định “tạm đóng cửa” cuộc triển lãm này vì “sự cố về ánh sáng”.


Dân bị nhà nước cướp đất, bị chặn không cho vào xem triển lãm “Cải cách Ruộng đất 1946 -1957” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Hà Nội (Hình: FB Bạch Hồng Quyền)

“Sự cố về ánh sáng” xảy ra hôm 11 tháng 9, sau khi hàng trăm người bị nhà cầm quyền các địa phương cưỡng đoạt nhà cửa, đất đai, từ nhiều nơi ở Việt Nam tìm về Hà Nội khiếu kiện, đổ đến và ngỏ ý muốn vào “xem triển lãm”.

Trước đó,  “Xuân Việt Nam” - một nhóm vận động cho tự do, dân chủ tại Việt Nam gửi thư ngỏ, mời mọi người, đặc biệt là thân nhân của các nạn nhân trong cuộc “cải cách ruộng đất”, những người dân bị cưỡng đoạt nhà – đất nay đang kêu oan tại Hà Nội và phóng viên của các cơ quan truyền thông quốc tế đang thường trú tại Hà Nội, đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Hà Nội để cùng vào xem cuộc triển lãm này vào lúc 9 giờ sáng Chủ nhật 14 tháng 9.

Theo tường thuật của hai facebooker Trịnh Bá Phương và Bạch Hồng Quyền, trưa 11 tháng 9-2014, khi hàng trăm người dân đang kêu oan ở Hà Nội đổ đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, xếp hàng mua vé vào xem  triển lãm “Cải cách Ruộng đất 1946 -1957”, từng được giới thiệu là nhằm “cung cấp thông tin đa chiều về một giai đoạn lịch sử đặc biệt” thì Bảo tàng Lịch sử Quốc gia từ chối bán vé. Họ lấy cớ “đến giờ nghỉ trưa” và cho biết hai giờ chiều cùng ngày mới mở cửa trở lại.

Bảo vệ của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nói thêm với những người dân đang kêu oan rằng, chỉ có thể cho họ vào xem triển lãm nếu họ “ăn mặc đàng hoàng”, không mang những cái áo được kẻ - vẽ đủ loại khẩu hiệu đòi công lý, đòi quyền sống.

Tuy những người dân đang kêu oan đã thay áo song tới hai giờ chiều, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia vẫn đóng cửa. Lần này, chuyện không bán vé, tiếp đón người đến xem cuộc  triển lãm “Cải cách Ruộng đất 1946 -1957” được giải thích là vì có “sự cố ánh sáng”.

Liên quan tới việc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tạm đóng cửa, ngưng bán vé, tiếp đón người đến xem cuộc  triển lãm “Cải cách Ruộng đất 1946 -1957”, blogger Nguyễn Xuân Diện dẫn tin của một nhà báo cho biết, suốt buổi chiều 11 tháng 9-2014, Ban Tuyên giao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN đã họp với lãnh đạo Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch và lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử Quốc gia về phương thức đối phó với tình huống mới.

Theo đó, cuộc triển lãm “Cải cách Ruộng đất 1946 -1957” sẽ bị dẹp bỏ và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có trách nhiệm chuẩn bị một cuộc triển lãm cổ vật để thay thế. Nếu thông tin này chính xác thì cuộc triển lãm “Cải cách Ruộng đất 1946 - 1957”, khai mạc hôm 8 tháng 9-2014, sẽ mở cửa đón khách cho tới tháng 12 năm nay, cuối cùng chỉ tồn tại được ba ngày.

Trong thực tế, cuộc “Cải cách ruộng đất” được thực hiện tại miền Bắc Việt Nam từ 1953 – 1956, nhằm tiêu diệt các thành phần bị xem là "bóc lột", "phản quốc", "phản động" như địa chủ, cường hào,thành viên các đảng đối lập... Người ta ước đoán có khoảng 5,000 người bị xử tử oan (trong đó không ít người là ân nhân của Đảng Lao động Việt Nam - tiền thân của Đảng CSVN và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - tiền thân của nhà cầm quyền CSVN).

Cuộc “Cải cách ruộng đất” vừa kể khiến miền Bắc Việt Nam tan hoang, nhân tâm ly tán. Những sai lầm này nghiêm trọng tới mức, tháng 9 năm 1956, ông Trường Chinh phải từ chức Tổng Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương của  Đảng Lao động Việt Nam đưa  ông Hoàng Quốc Việt ra khỏi Bộ Chính trị, đưa ông Hồ Viết Thắng ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương. Đến tháng 10 năm 1956, ông Võ Nguyên Giáp, thay mặt ông Hồ Chí Minh, Chủ tịch Nước thừa nhận sai lầm và phát động chiến dịch sửa sai.

Còn cuộc triển lãm về “Cải cách ruộng đất 1946 - 1957” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thì chia làm bốn mảng. Một đề cập đến chủ trương về cải cách ruộng đất. Một đề cập đến việc thực hiện. Một đề cập đến kết quả “người cày có ruộng”. Mảng cuối cùng đề cập đến “sai lầm và sửa chữa sai lầm” được xem là sơ sài nhất vì chỉ có nghị quyết, thông tư, chỉ thị, công văn sửa sai và báo cáo kết quả sửa sai từ một số địa phương.

Cũng vì vậy mà cuộc triển lãm bị công chúng chỉ trích kịch liệt. Trên các diễn đàn điện tử, các blog, hệ thống facebook, người ta gọi cuộc triển lãm là “bỉ ổi”, là “một bằng chứng khác về sự dối trá rẻ tiền, ngu dốt, đáng khinh”. Theo nhiều người, triển lãm này sẽ gợi ý cho những người chưa biết tường tận về “cải cách ruộng đất” tự tìm thông tin để hiểu đúng, hiểu đủ về nó.

Lúc đầu, trả lời báo điện tử VietNamNet, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, mục tiêu chính của cuộc triển lãm nhằm “nhấn mạnh về những thành quả của cải cách ruộng đất”, còn “sai lầm và sửa sai” không phải là mục đích chính. Ông Cương nhấn mạnh: “Không nhất thiết phải phơi bày sai lầm của lịch sử như vậy”.

Trên Internet, công chúng trưng ra hàng loạt bằng chứng, chứng minh giới lãn đạo Đảng Lao động Việt Nam (tiền thân của Đảng CSVN) dìm “cải cách ruộng đất” trong biển máu, gây oan khiên cho hàng triệu người là nhằm chứng minh sự trung thành với chủ nghĩa cộng sản để đổi lấy sự hỗ trợ vật chất, củng cố và phát triển quyền lực.

Đó cũng là lý do mà sau khi trả lời điện tử VietNamNet một ngày, lúc trả tời tờ Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đổi giọng. Ông Cường xác nhận, cuộc triển lãm từng được quảng bá là nhằm “cung cấp thông tin đa chiều về một giai đoạn lịch sử đặc biệt”, thật ra “chỉ giới thiệu một phần” tài liệu, hiện vật. Phần lớn còn lại “không thể nào đưa ra hết” và không thể nào “cho phép công chúng tiếp cận”.

Ông Cường thú nhận, điều đó “có thể không thỏa mãn được hết mong muốn của người dân, đặc biệt là những dòng họ, gia đình có liên quan đến cải cách ruộng đất”. Tuy nhiên ông Cường biện bạch, “cuộc cách mạng nào cũng có những tổn thất” nên phải nói với các nạn nhân rằng “sự hi sinh của họ mang lại nhiều điều tích cực cho đất nước thời kỳ đó”. Theo ông Cường, “có những mất mát không thể nào bù đắp và trở thành nỗi đau kéo dài rất lâu và giá trị những bài học ấy luôn có tính thời sự”.

Cách nay vài ngày, trả lời BBC về cuộc triển lãm “Cải cách Ruộng đất 1946 -1957”, với tư cách là một người nghiên cứu lịch sử, ông Dương Trung Quốc, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam bảo rằng, ông không chấp nhận cách giải quyết vấn đề theo kiểu: “Thôi, chuyện lịch sử nó phức tạp quá, không bới ra làm gì nữa”.

Ông Quốc nói thêm, cần phải bàn về việc: “Có cần thiết phải làm một cuộc phát động long trời lở đất như thế, dẫn đến những việc làm cực đoan như thế và để lại những hậu quả nặng nề như thế hay không?”. Sự bàn bạc đó, theo ông Quốc là cho tương lai. Đó là “tinh thần tự chủ, giải quyết vấn đề của nước mình trên cơ sở của nước mình, chứ không phải áp đặt việc học hỏi các nước khác một cách cực đoan”. (G.Đ)
09-11-2014 2:32:04 PM
Theo Người Việt.

No comments:

Post a Comment