Sunday, September 14, 2014

Phong trào công nhân có thể làm thay đổi xã hội Trung Quốc


Ông Hàn Đông Phương, nhà hoạt động công đoàn độc lập (wikipedia.org)

RFI-Lê Vy
Chưa bao giờ tại Trung Quốc, công nhân lại rầm rộ xuống đường biểu tình trên diện rộng như vào lúc này, từ công nhân làm việc cho các hãng Nike, Adidas, Converse cho đến tập đoàn bán lẻ Walmart của Mỹ … Hàn Đông Phương (Han Dongfang), người sáng lập ra công đoàn độc lập đầu tiên tại Trung Quốc, có bài viết về vấn đề này và được nguyệt san Le Monde diplomatique số ra tháng 09/2014, đăng tải.

Ông Hàn Đông Phương (Han Dongfang) là nhà hoạt động công đoàn độc lập từng bị cầm tù sau khi tham gia cuộc đấu tranh đòi dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989 đã bị trục xuất khỏi Trung Quốc vào năm 1993. Qua bài viết, ông rút ra những bài học sau các cuộc tranh đấu mà tổ chức của ông đã tham gia.

Tác giả cho biết, vào tháng Tư vừa qua, tại Đông Quản, một thị trấn công nghiệp phía Nam Trung Quốc, 40 nghìn công nhân tại một xưởng giày lớn ở Trung Quốc (Yue Yuen), vốn cung cấp cho thị trường các sản phẩm như Nike và Adidas, đã đình công trong vòng hai tuần vì công ty không chi trả bảo hiểm xã hội. Sự kiện này có ý nghĩa cho thấy, từ ba thập niên gần đây, chính quyền địa phương đã lách luật và phớt lờ các hành vi vi phạm quyền lợi của công nhân để thu hút và bảo đảm nguồn đầu tư nước ngoài.

Từ 10 năm nay, công ty sản xuất giày Đài Loan nói trên đã không đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân. Chính quyền địa phương biết chuyện, nhưng vẫn nhắm mắt làm ngơ. Khi sự việc bị bại lộ, chính quyền đã hoảng hốt và không biết xử lý thế nào. Sự việc tại công ty Yue Yuen đã thu hút sự chú ý của truyền thông quốc gia cũng như quốc tế.

Ông Hàn Đông Phương giải thích, chính quyền địa phương không có một cơ chế giải quyết nào cho các vụ tranh chấp như vậy. Trên thực tế thì có một nghiệp đoàn trong mỗi công xưởng, nhưng họ chẳng phản ứng gì. Do đó, nhân viên không có một người đại diện nào đủ tư cách để đưa các khiếu nại của họ lên cấp lãnh đạo hay để yêu cầu một cuộc thương lượng tập thể. Một tổ chức phi chính phủ (ONG) bảo vệ quyền lợi người lao động đã can thiệp để giúp công nhân bầu ra đại diện và đưa ra một loạt các yêu sách.

Tuy nhiên, theo tác giả, thiện chí thôi không đủ. Việc đại diện cho hàng trăm nghìn công nhân và giải quyết các xung đột xã hội đòi hỏi phải có một kinh nghiệm dày dặn và chuyên môn về thương lượng tập thể. Tại Trung Quốc, lãnh đạo công đoàn đều thiếu các kỹ năng trên. Hơn nữa, công nhân Đông Quản cũng không tin tưởng vào nghiệp đoàn.

Kịch bản tương tự tại Walmart

Le Monde Diplomatique đưa ra một dẫn chứng tương tự, cách Đông Quản chừng 900 cây số về phía Bắc, một nhóm công nhân kiên quyết đấu tranh. Họ bị sa thải do nhà phân phối Walmart đóng cửa một cửa hàng tại một thành phố nhỏ.

Trước đây, tập đoàn Mỹ có thể mở cửa, đóng cửa tùy thích, tuyển dụng hay sa thải nhân viên mà công đoàn không hề lên tiếng. Mọi việc đã thay đổi vào ngày 05/05/2014, khi công ty này quyết định đóng cửa cửa hàng tại Thường Đức. Như thông lệ, Walmart chỉ đưa quyết định sa thải cho công nhân hai tuần trước đó và cho họ chọn lựa giữa một là nhận tiền đền bù, hai là đi làm cho một cửa hàng khác cách đó cả trăm cây số.

Tuy nhiên, Walmart lại đề nghị một chức vụ mới, kèm theo một khoản tiền thưởng kha khá cho việc « tái bố trí công tác » cho ông Hoàng Hưng Quốc, lãnh đạo công đoàn của công ty. Bất ngờ là cả công nhân lẫn công đoàn đều từ chối giải pháp của Walmart và họ quyết định biểu tình. Họ giăng biểu ngữ để phản đối việc sa thải bất hợp pháp và yêu cầu nhận được tiền đền bù một cách « thỏa đáng ».

Chính quyền địa phương tuyên bố dự án đóng cửa cửa hàng của Walmart hợp pháp và hành vi của công nhân là phi pháp. Ông Hoàng Hưng Quốc làm chứng rằng đã phải chịu nhiều áp lực từ phía chính quyền. Họ dọa sẽ bắt ông nếu ông tiếp tục ủng hộ công nhân cản trở tập đoàn Mỹ. Cảnh sát đã đến nơi biểu tình để giải tán đám đông, nhưng công nhân vẫn thường xuyên cập nhật trên các mạng xã hội tin tức mới nhất.

Từ đó, tác giả bài viết nhận định, ông Hoàng Hưng Quốc và các đồng nghiệp đã không có được những gì họ muốn, song họ đã giành một chiến thắng lớn. Họ đã chứng tỏ cho thấy nhân viên và công đoàn có thể hợp tác với nhau để giải quyết vấn đề.

Trung Quốc giờ đây đã thay đổi. Các vụ biểu tình trên và các phong trào xã hội gần đây cho thấy, công nhân không còn đơn thuần là nạn nhân của các vụ trấn áp chính trị : họ trở thành những tác nhân có thế lực và góp phần vào sự thay đổi.

Do đó, công đoàn lẫn công nhân đều phải biết thích ứng với hoàn cảnh mới. Giới cầm quyền cần hiểu rằng, không nên giải quyết vấn đề bằng cách bỏ tù người phản kháng, thông thường là vài ngày nhưng một số cũng có thể bị giam giữ lâu hơn. Cấp lãnh đạo không quan tâm đến nguyên nhân dẫn đến xung đột. Doanh nghiệp cần học cách thương lượng một cách bình đẳng với công nhân và công đoàn, đồng thời ủng hộ họ khi cần.

Hiện nay, doanh nghiệp là hiện thân của một xã hội Trung Quốc thu nhỏ : đó là một cấu trúc theo tôn ti trật tự rất chặt chẽ, cứng nhắc và độc đoán. Do đó, căng thẳng phát sinh là không tránh khỏi và đôi khi còn nổ ra cả bạo lực, bởi vì người cầm quyền lạm dụng nó cho mục đích cá nhân, mà không hề quan tâm đến nhu cầu của cấp dưới…cho đến khi, người thấp cổ bé họng không còn chịu đựng được nữa và chuyển sang hành động.

Nhà hoạt động Hàn Đông Phương nhận định, nếu như doanh nghiệp trở nên dân chủ hơn và tiếng nói của công nhân được lắng nghe nhờ vào một công đoàn thật sự thì rõ ràng, công nhân sẽ ít bị trấn áp hơn. Nhân viên tự tin hơn vào chính mình sẽ bắt đầu sử dụng các cơ chế cho phép giải quyết hòa bình các xung đột, hơn là tìm đến ngay lập tức việc đối đầu.

Đúng là thay đổi diễn tiến chậm chạp, thưa thớt, nhưng phong trào công nhân, nghiệp đoàn cuối cùng sẽ gây nên tác động mạnh, không chỉ trên việc cải thiện đồng lương cho công nhân mà còn tác động lên cả xã hội. Chỉ cần công nhân có thể dựa vào những nghiệp đoàn được bầu cử và lãnh đạo một cách dân chủ để thương lượng với giới chủ.

Phong trào công nhân không chỉ góp phần làm cho giới chủ cải thiện đồng lương tương xứng cho công nhân mà còn thúc đẩy chính phủ mở trường học nghiêm chỉnh, hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt cho công dân, an sinh xã hội đáng tin cậy. Nói cách khác, Trung Quốc có thể trở thành một phiên bản của mô hình Thụy Điển, nơi mà lợi ích cá nhân lẫn tập thể đều được bảo vệ công bằng.

Nhật Bản đổ xô đầu tư vào Miến Điện

Cách đây không lâu, Miến Điện vẫn còn bị cả thế giới cấm vận, nhưng hiện nay, đất nước này đang thay da đổi thịt. Là một đất nước đông dân và giàu tài nguyên thiên nhiên, Miến Điện đang thu hút nhiều nhà đầu tư đến từ xứ sở hoa anh đào. Nhật báo Libération hôm nay phản ánh vấn đề này qua bài viết : « Nhật đổ xô vào miền Tây Miến Điện ».

Tờ báo nhận định, đầu tư vào thị trường năng động với dân số là 60 triệu người, Nhật Bản đang tìm cách thâm nhập vào đất nước vốn bị xem là sân sau của Trung Quốc. Nhân chuyến công du tại Miến Điện vào tháng 5/2013, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho biết tham vọng của Nhật là muốn thúc đẩy tăng trưởng Miến Điện, đồng thời đó cũng là cách kích thích tăng trưởng Nhật.

Tuy nhiên, ông nhận định, người Nhật vẫn còn khá ngập ngừng, vì họ muốn đợi kết quả bầu cử vào năm 2015 mới dám mạnh tay đổ vốn vào Miến Điện. Năm 2013, giới doanh nhân Nhật chỉ đầu tư 56 triệu đô la, đứng khá xa sau Hàn Quốc, Singapour và Malaysia.

Chuyên gia Richard Horsey tại Rangoun nhận định: “Sự hiện diện và việc đầu tư ồ ạt của Trung Quốc 20 năm gần đây đã tạo nên một thái độ căm ghét của người dân đối với Trung Quốc vì Bắc Kinh không ngừng ủng hộ tập đoàn quân sự Miến Điện. Các hợp đồng của Trung Quốc còn lâu mới có lợi cho dân chúng. Thị trường Miến Điện tràn ngập hàng hóa kém chất lượng ».

Người Nhật hiểu rằng, người Miến Điện không thích một sự đầu tư ào ạt như vậy. Do đó, Nhật Bản nhắm đến một sự hợp tác có trách nhiệm để tiếp sức cho Miến Điện phát triển. Tokyo xóa nợ hơn 5 tỷ đô la cho Miến Điện, đồng thời cho nước này vay với lãi suất thấp là 0,01%, hoàn trả trong vòng 4 năm.

Trong 510 triệu đô la tháo khoán cho Miến Điện, Nhật dành đến 200 triệu đô la để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho Miến Điện. Nhiều dự án xây dựng tầm cỡ tại Rangoun được mở ra như tàu điện ngầm, tàu hỏa, đường cao tốc thành thị…, nơi mà dân số sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới.

Đức Đạt Lai Lạt Ma không có người nối nghiệp ?

Nhà lãnh đạo tinh thần Phật giáo Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma vừa tuyên bố, Ngài có thể là nhà lãnh đạo cuối cùng của định chế Lạt Ma hóa thân. Nhật báo Le Figaro trở lại bình luận vấn đề này. Theo tờ báo, tuyên bố trên của Giải Nobel hòa bình đã làm cho Bắc Kinh phẫn nộ. Trung Quốc khước từ quyền định đoạt ấy của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Đang cáu tiết, Bắc Kinh cáo buộc nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng nào là « sói đội lốt cừu » và « có âm mưu » vi phạm truyền thống tôn giáo này. François Robin, giám đốc viện nghiên cứu Tây Tạng tại Collège de France, nhận định : « Tuyên bố của Ngài đã làm cho Bắc Kinh hỗng cẳng, do Bắc Kinh cũng muốn cài người thân tín làm vị hóa thân Đạt Lai Lạt Ma. Các vị Lạt Ma có thể quyết định không hóa thân ».

Người Tây Tạng lo ngại văn hóa của họ bị biến mất và liên tục lên án « sự ức hiếp của Bắc Kinh ». Từ tháng 2/2009, có ít nhất 122 người Tây Tạng đã tự thiêu để thể hiện sự bất mãn trước sự cai trị hà khắc của Bắc Kinh.

Một nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Trung Quốc khẳng định : « Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma qua đời, chính quyền trung ương Bắc Kinh vẫn duy trì truyền thống Phật giáo Tây Tạng bằng cách chỉ định một người thân Trung Quốc làm hóa thân cho Đức Đạt Lai Lạt Ma ». Tuy nhiên, vị Đạt Lai Lạt Ma đấy có thể không được dân chúng Tây Tạng thừa nhận.

Tổng thống Hollande dưới đáy địa ngục

Tổng thống Hollande lại là nhân vật xuất hiện trên trang nhất cả hai tuần san, L’Express và Le Nouvel Observateur. Gương mặt Tổng thống Pháp vô cùng phẫn nộ. Ba cụm từ : « Vị tổng thống mất uy tín, người đàn ông bị sỉ nhục, nhiệm kỳ tổng thống bị phá hỏng » chạy trên tạp chí L’Express. Bên cạnh đó, Le Nouvel Observateur đăng câu nói của ông Hollande : « Đó là một lời dối trá gây tổn thương cho tôi », sau khi cựu đệ nhất tình nhân Pháp tung cuốn sách bêu rếu người từng chung sống với bà.

L’Express nhận định, nhiệm kỳ 5 năm của Tổng thống Hollande không yên ổn tí nào. Cả hành động lẫn tính cách cá nhân của người đứng đầu nước Pháp bị tứ bề công kích. Tình hình trở nên vô cùng tội tệ đến mức đe dọa lên cả một hệ thống chính trị.

Tạp chí L’Express cho biết, Tổng thống Hollande không phải là người mà ông ta luôn thể hiện. Đúng là ông Hollande rất vui vẻ, nhiệt tình, nhưng đồng thời là một người tính toán, lừa lọc, không thể hiểu nỗi. Tính cách của ông Hollande đã được phóng viên Elise Karlin của L’Express phát hiện từ rất lâu, trước khi người tình cũ của ông tung đòn phản công.

Một người bạn lâu năm của Tổng thống Hollande nhận định : « Tổng thống luôn tạo một vỏ bọc là người đơn giản nhưng tính cách vô cùng phức tạp. Ông ta giống như một củ hành tây, bóc mãi mà vẫn chưa chạm được đến lõi của củ hành ». Trong đời sống chính trị, ông Hollande thường ngược đãi bạn bè, lừa gạt, phản bội, gieo mối bất hòa trong nội bộ. Một số chỉ mới phát hiện bộ mặt thật của ông vào lúc này trong khi tính cách của ông đã như vậy từ hơn 30 năm nay.

L’Express nhận định, trong xung khắc giữa Tổng thống Hollande và Valérie Trierweiller, quả là bên tám lạng người nửa cân. Qua vụ ầm ĩ tweet mà cựu tình nhân của ông là tác giả vào năm 2012 để hất cẳng Ségolène Royal, bạn đời có 4 mặt con với ông Hollnde đủ thấy bà Valérie Trierweiller không phải là một người đàng hoàng.

Tạp chí này cho rằng, để trở thành một vị tổng thống chuẩn mực thì bản thân người đấy phải làm gương và những người thân cận cũng phải vậy. Thực ra, câu chuyện của Tổng thống Hollande với người tình cũ là vô cùng bình thường trên trái đất. Có cặp nào lại không gặp cảnh đó ? Khi không hạp nhau nữa thì họ lập tức nói xấu nhau, lừa dối nhau… Ai lại không ghen tuông ? Tuy nhiên, trường hợp của Tổng thống Hollande lại gây ầm ĩ và bị khắp nơi công kích chính vì ông Hollande luôn tự tin cho mình là mẫu người chuẩn mực.

Tổng thống Hollande thì liên tục lên tiếng thanh minh trên tạp chí Le Nouvel Observateur. Ông cho biết cả cuộc đời ông kề cận với người nghèo và luôn giúp đỡ họ chứ không hề có thái độ khinh rẻ tầng lớp này. Bị phản bội, bà Valérie Trierweiller đã nuôi mối thù trong vòng 3 tháng để viết cuốn sách như đòn trã đũa đau đớn cho Tổng thống Hollande. Để hoàn thành ý đồ này, bà còn được 3 người khác tiếp sức. Đó là giám đốc nhà xuất bản Les Arènes, một nhà văn khác và một người xuất bản của Les Arènes.

No comments:

Post a Comment