Sunday, September 14, 2014

Mỹ tập trận vạn quân phá chiến lược “chống tiếp cận” TQ

(Baodatviet) - Gần hai vạn quân, hàng chục tàu chiến, máy bay của Mỹ chuẩn bị tham gia cuộc tập trận nhằm đối phó chiến lược chống tiếp cận của Trung Quốc
Cuộc diễn tập quy mô lớn

Theo thông tin từ Hạm đội 7 (hạm đội Thái Bình Dương) của Mỹ, ngày 15/9/2014, quân đội Mỹ sẽ bắt đầu cuộc tập trận "Valiant Shield 2014", kéo dài đến ngày 23/9/2014. Cuộc tập trận này được tổ chức hai năm một lần và quy mô rất lớn.
Đại diện chỉ huy của Hạm đội 7 cho biết sẽ có hơn 18.000 lính, 19 tàu chiến, hơn 200 máy bay chiến đấu các loại tham gia tập trận. Mỹ đã điều động 2 tàu sân bay là USS George Washington và USS Carl Vinson tham gia.
Lầu Năm Góc cho biết, nội dung của Valiant Shield năm nay sẽ chú trọng vào các khoa mục tác chiến theo học thuyết "chiến đấu Không - Biển" (Air-Sea Battle). Học thuyết này nhằm bẻ gãy, đập tan chiến lược chống tiếp cận của quân đội đối phương.
Mỹ đang nhắm vào ai?
Dù Lầu Năm Góc không chỉ rõ họ sẽ đập tan chiến lược chống tiếp cận của quân đội nào, nhưng đã liên tiếp có những thông tin từ giới phân tích đánh giá, mục tiêu lớn nhất của Mỹ chính là Trung Quốc.
Hạm đội 7 của Mỹ tác chiến
Hạm đội 7 của Mỹ tác chiến
Hiện tại, Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược chiến tranh này bằng việc đầu tư rầm rộ vào việc phát triển tên lửa đạn đạo hiện đại và tác chiến điện tử, nâng cao chất lượng, số lượng của lực lượng tàu ngầm, tàu khu trục có khả năng mang tên lửa.
Bắc Kinh đã tìm cách ngăn chặn sức mạnh tấn công của các đội tàu sân bay chiến đấu của Hải quân Mỹ bằng việc triển khai các tên lửa đạn đạo chống tàu sân bay DF-21 D, đồng thời khi tác chiến trên mặt biển Hải quân của họ dựa vào các tàu tấn công cao tốc có tầm hoạt động 300 hải lý được trang bị các tên lửa siêu thanh chống tàu chiến với đặc tính bay thấp trên mặt biển có thể tạo ra hàng rào hoả lực chống một nhóm tàu chiến ở khoảng cách gần.
Trung Quốc đã tăng cường khả năng tấn công - phòng thủ vùng ven biển của họ dựa trên các tên lửa chống tàu chiến có thể tạo ra sự thay đổi luật chơi ở các vùng biển có hoạt động hàng hải nhộn nhịp.
Việc họ triển khai các hạm đội gồm tàu khu trục, tàu hộ vệ và tàu ngầm được trang bị hoả lực mạnh gồm các tên lửa chống tàu chiến ở các vùng biển gần Biển Đông, eo biển Đài Loan sẽ tạo ra thách thức và là mối hiểm hoạ đối với các lực lượng hải quân khác nhau.
Việc Trung Quốc triển khai các tàu tấn công cao tốc diễn ra ở thời điểm khi Mỹ cố gắng tìm cách làm suy yếu sức chiến đấu của Hải quân Trung Quốc bằng cách tăng cường lực lượng chiến đấu của hải quân nước này thông qua các động thái khác nhau như triển khai các máy bay do thám không người lái (UAV) và cho các tàu ngầm hạt nhân tấn công và tàu chiến tiếp tục tuần tra ở vùng biển nối giữa Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương cũng như giữa Biển Đông và biển Hoa Đông.
Khinh hạm hai thân có khả năng mang tên lửa chống hạm Hộ Bắc Mẫu lớp 022 của Trung Quốc - con át chủ bài trong chiến lược chống tiếp cận
Khinh hạm hai thân có khả năng mang tên lửa chống hạm Hộ Bắc Mẫu lớp 022 của Trung Quốc - con át chủ bài trong chiến lược chống tiếp cận
Chiến lược chống tiếp cận còn được phát triển thêm một tầng nữa khi Bắc Kinh tiếp tục cho ra đời học thuyết chiến tranh không đối xứng nhằm đánh bại các lực lượng ưu việt của đối thủ, giành thắng lợi trong một cuộc chiến không cân sức.
Chiến lược trên liên quan tới việc triển khai các tàu ngầm, tên lửa siêu thanh chống tàu chiến, ngư lôi tấn công tốc độ cao SHKVAL (bão tuyết), và loại thuỷ lôi mới siêu lớn được phóng bằng rốckét theo hướng từ đáy biển lên được tàu ngầm đặt thành từng chùm để có thể tạo ra đòn tấn công hàng loạt vào tàu sân bay.
Một trong các loại tàu chiến đấu tầm trung quan trọng của Hải quân Trung Quốc là tàu tấn công cao tốc có 3 lớp vỏ được biết tới như loại tàu lớp Hộ Bắc Mẫu 022 sử dụng công nghệ rẽ sóng của mẫu tàu hai thân giống loại thuỷ phi cơ hai thân và vòi phun nước cực mạnh tạo thành lớp bọt nước che phủ thân tàu khiến đối phương khó phát hiện mục tiêu.
Loại tàu Mẫu 022 có khả năng tấn công mục tiêu ở cự ly ngoài đường chân trời (OTH) với hệ thống hoả lực cho phép tạo ra hàng rào hoả lực tên lửa siêu thanh chống tàu chiến bằng tên lửa YJ-83.
Hải quân Trung Quốc hiện có khoảng 83 tàu tấn công cao tốc lớp Hộ Bắc Mẫu 022 có thể tạo ra lưới lửa gồm 640 tên lửa hành trình chống tàu (ASCM) và bay với tốc độ siêu thanh. Ngoài tàu lớp Hộ Bắc Mẫu 022, Hải quân Trung Quốc còn có các loại tàu tấn công cao tốc loại cũ như lớp Hộ Kiến Mẫu 037 II mang tên lửa C-802 và lớp Hộ Tân Mẫu 077 IG được trang bị các loại tên lửa C-801,802 và 803 chống tàu chiến.
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ
Phải nói rằng Trung Quốc đã từ lâu xác định họ sẽ phải đối đầu với Mỹ, và họ đã chủ động tìm đủ mọi cách, đưa ra đủ mọi học thuyết để đối phó. Việc Washington tập trận để kiểm chứng những học thuyết của mình để đáp lại là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Mỹ không đơn độc
Một vấn đề khác, dù Trung Quốc đưa ra đủ loại học thuyết, chiến thuật, nhưng họ sẽ luôn thua Mỹ ở một thứ vũ khí quan trọng – đồng minh. Tiêu biểu trong cuộc chơi “chống tiếp cận” và phá “chống tiếp cận” này ở Thái Bình Dương, Nhật Bản nổi lên như một tướng tiên phong.
Từ lâu, Nhật Bản đã đọc ra chiến lược của Trung Quốc và chủ động phát triển quân đội của mình theo hướng hỗ trợ, hộ công cho quân đội Mỹ. Tiêu biểu trong việc đối phó với hạm đội ngầm của Trung Quốc, Nhật vừa cho ra mắt tàu sân bay trực thăng có khả năng trang bị ít nhất 15 trực thăng các loại. Ngoài ra, họ biên chế thêm hai tàu đổ bộ tấn công lớp Hyuga có thể mang nhiều nhất 11 trực thăng các loại. Có thể nói, Nhật Bản đang là ông vua trong khả năng chống ngầm trên Thái Bình Dương.
Ngoài ra, Nhật cũng đang ra sức trang bị cho mình khả năng phòng thủ tên lửa, đánh chặn tên lửa mà chỉ huy của Hạm đội 7 Thái Bình Dương của Mỹ đã phải nhìn nhận rằng “không thua kém nước Mỹ.”
Rào cản lớn nhất của Nhật Bản về hiện đại hóa vũ khí, gia tăng sức mạnh quân sự nằm ở bản Hiến pháp hòa bình. Tuy nhiên chỉ trong năm 2014, bản Hiến pháp này đã liên tiếp được sửa đổi, diễn giải lại. Trao cho Nhật Bản khả năng tự vũ trang và vũ trang mạnh mẽ.
Trung Quốc sẽ không chỉ phải đối mặt với một mình nước Mỹ, mà họ sẽ phải đối diện với những chuỗi đảo liên tiếp từ đồng minh của Mỹ. Bắc Kinh có thể chống những hạm đội viễn chinh của Mỹ, nhưng khó có thể chống được sợi xích chuỗi đảo đang ngày càng siết chặt, trải từ Hoa Đông đến Biển Đông.
Đỗ Phong (Tổng hợp)

No comments:

Post a Comment