Thursday, September 4, 2014

Nhiều cựu tướng quân đội đòi bạch hóa quan hệ Việt-Trung

HÀ NỘI (NV) - Sáu viên tướng và 14 sĩ quan, đa số là đại tá của cả quân đội và công an vừa gửi thư cho chủ tịch nhà nước và thủ tướng CSVN kèm ba kiến nghị.

Ba kiến nghị này liên quan đến việc đối xử và sử dụng “lực lượng vũ trang nhân dân.” Tại Việt Nam “lực lượng vũ trang nhân dân” bao gồm cả quân đội lẫn công an.


Hình ảnh được cho là chụp tại hội nghị thành Ðô năm 1990. (Hình: Internet)

Ðứng đầu danh sách ký kiến nghị là ông Lê Hữu Ðức, trung tướng-cựu cục trưởng Cục Tác Chiến Bộ Tổng Tham Mưu. Ông Trần Minh Ðức, thiếu tướng-cựu phó tư lệnh về hậu cần mặt trận Trị Thiên-Huế. Ông Huỳnh Ðắc Hương, thiếu tướng-cựu tư lệnh kiêm chính ủy quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Ông Lê Duy Mật, thiếu tướng-cựu phó tư lệnh, tham mưu trưởng Quân Khu 2. Ông Bùi Văn Quỳ, thiếu tướng-cựu phó tư lệnh binh chủng Thiết Giáp. Ông Nguyễn Trọng Vĩnh, thiếu tướng-cựu chính ủy Quân Khu 4.

Kiến nghị đầu tiên là không sử dụng quân đội và công an đàn áp dân chúng khi họ bảo vệ hoặc đòi hỏi quyền lợi hợp pháp của họ như biểu tình bày tỏ tinh thần yêu nước, chống cưỡng đoạt đất đai. Không làm như thế “lực lượng vũ trang nhân dân” sẽ suy yếu vì không thể dựa vào dân.

Kiến nghị thứ hai đòi hỏi cống hiến của “lực lượng vũ trang nhân dân” phải được ghi nhận thỏa đáng và gia đình của họ phải được chăm sóc chu đáo. Không như vậy, “lực lượng vũ trang nhân dân” không “yên tâm rèn luyện và sẵn sàng hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc.”

Kiến nghị lên án việc phớt lờ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 và những người lính đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển. Hai mươi sĩ quan cao cấp ký tên vào kiến nghị khẳng định đó là sai lầm và yêu cầu “đừng tái phạm.”

Họ yêu cầu phải thay đổi ngay cách cư xử đối với với thương binh và gia đình liệt sĩ. Ðặc biệt, phải sớm khôi phục danh dự và quyền lợi đã bị lãng quên của các liệt sĩ và thương binh đã hy sinh xương máu trong cuộc chiến với Trung Quốc, gấp rút tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ dọc biên giới phía Bắc đã bị bỏ hoang hơn hai thập niên vừa qua.

Kiến nghị thứ ba yêu cầu minh định kẻ thù vì “không thể mơ hồ biến thù thành bạn hoặc coi bạn là thù.”

Những người ký tên vào kiến nghị khẳng định, đối tượng tác chiến của quân đội Việt Nam phải là những thế lực có thể đe dọa chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ cả trong hiện tại và tương lai, chứ không thể là những đối thủ đã thuộc về quá khứ.

Tương tự, đối tượng khống chế của công an phải là những kẻ vi phạm Hiến Pháp, pháp luật, ở cả trong bộ máy cầm quyền, chứ không thể là những dân lành vô tội.

Các sĩ quan cao cấp ký tên vào kiến nghị khuyến cáo, đừng để những quan niệm bảo thủ, giáo điều làm vuột mất “các cơ hội hợp tác với các cường quốc tiên tiến văn minh, nhằm phát triển kinh tế, công nghệ, nâng cao sức mạnh quốc phòng và tăng cường sự ủng hộ quốc tế trong sự nghiệp bảo vệ đất nước.”

Họ cho rằng dân chúng - những người chủ quốc gia và “lực lượng vũ trang nhân dân” - lực lượng bảo vệ quốc gia phải được biết chính xác về hoàn cảnh thực tế của quốc gia. Cũng vì vậy, chính quyền Việt Nam phải báo cáo rõ ràng về thực trạng quan hệ Việt-Trung và về những hiệp định liên quan đến lãnh thổ, biển, đảo, những hợp đồng kinh tế ảnh hưởng lớn đến an ninh và chủ quyền của quốc gia.

Các sĩ quan cao cấp dẫn tin mà Tân Hoa Xã và Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc từng loan.

Theo đó, trong hội nghị Thành Ðô (1990), Tân Hoa Xã và Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc, cho rằng, đại diện Việt Nam đã thỏa thuận như thế này: “Việt Nam chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền trung ương tại Bắc Kinh như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây... Phía Trung Quốc đồng ý và chấp nhận đề nghị nói trên và cho Việt Nam thời gian 30 năm (1990-2020) để đảng Cộng Sản Việt Nam giải quyết các bước cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc.”

Họ yêu cầu chủ tịch nhà nước và thủ tướng công bố thỏa thuận tại hội nghị Thành Ðô. Họ cũng lên án chuyến thăm Trung Quốc vừa qua của ông Lê Hồng Anh - đặc phái viên của tổng bí thư đảng CSVN, vì thỏa thuận đã đạt được với Trung Quốc, ba nguyên tắc chỉ đạo phát triển quan hệ Việt-Trung “chỉ là sáo ngữ”, không liên quan tới thực trạng và các biện pháp cần có để chấm dứt những hành động ngang ngược, xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam của Trung Quốc.

Họ khẳng định, toàn dân và toàn quân không thể chấp nhận thái độ thể hiện sự thần phục Trung Quốc và cần công khai, minh bạch thực trạng quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. (G.Ð)

Theo Người Việt

No comments:

Post a Comment