Thursday, September 4, 2014

Đàm phán hay không đàm phán với khủng bố?

Phóng viên James Foley đã mất tích trong một chuyến đi tác nghiệp đến Syria vào tháng 11, 2012.
Phóng viên James Foley đã mất tích trong một chuyến đi tác nghiệp đến Syria vào tháng 11, 2012.
Với các nạn nhân bị bắt cóc như nhà báo James Foley hay Steven Sotloff, chắc hẳn không có mong muốn gì hơn đối với họ là được giải cứu, dù dưới hình thức một cuộc đột kích hay dưới hình thức một cuộc thương lượng. Đối với Foley, đã có một cuộc đột kích như vậy nhưng không thành, còn một cuộc thương lượng thì chưa bao giờ được thực hiện. Điều này là do chính sách cứng rắn của Mỹ từ trước tới nay – không đàm phán với khủng bố.
Mỹ nằm trong một số rất ít quốc gia có lập trường cứng rắn như vậy. Mỹ và Israel luôn tuyên bố không chấp nhận đàm phán với khủng bố, trong khi Columbia thậm chí còn đưa mọi dạng hành vi liên lạc với những kẻ bắt cóc con tin thành hành vi bất hợp pháp. Phần lớn các nước khác, đặc biệt là Châu Âu, đều đàm phán với khủng bố và các nhóm bắt cóc đòi tiền chuộc. Việc mặc cả, đàm phán này nhiều khi diễn ra như cơm bữa, đặc biệt là tại các địa bàn “nóng” về bắt cóc đòi tiền chuộc như vùng Somalia.
Lập luận cơ bản của các quốc gia khi từ chối đàm phán với khủng bố bắt nguồn từ một niềm tin cơ bản. Đó là việc nhượng bộ tại thời điểm này sẽ khuyến khích các hành vi khủng bố, bắt cóc phát triển mạnh hơn trong tương lai. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản chỉ có như vậy. Nếu chỉ có vậy thì tại sao lại có quốc gia sẵn sàng đàm phán với khủng bố trong khi một số quốc gia khác thì không?
Ngay cả với các quốc gia luôn tuyên bố không đàm phán với khủng bố như Mỹ thì thi thoảng việc đàm phán vẫn diễn ra. Gần đây nhất, mới đầu mùa hè 2014, là vụ trao đổi 5 nghi phạm khủng bố bị giam giữ tại Guantanamo Bay để đổi lấy Bowe Bergdahl, một quân nhân Hoa Kỳ bị lực lượng Taliban bắt giữ. Trước đó hồi năm 2007 cũng có một vụ trao đổi khác: Peter Moore, một cố vấn người Anh bị bắt giữ, được cứu thoát trong một cuộc trao đổi tù binh, theo đó một cựu lãnh đạo cấp cao của lực lượng phiến quân người Shiite được Mỹ thả ra.
Phóng viên James Foley đã mất tích trong một chuyến đi tác nghiệp đến Syria vào tháng 11, 2012.Phóng viên James Foley đã mất tích trong một chuyến đi tác nghiệp đến Syria vào tháng 11, 2012.
Không chỉ có Mỹ, Israel cũng từng thực hiện những vụ đổi chác lớn với khủng bố. Hồi năm 1985, Israel đã thả cùng một lúc 700 tù binh để đổi lấy sinh mạng của những người Mỹ bị bắt cóc trên chuyến bay TWA (chuyến bay bị khủng bố tấn công).
Điều này tạo ra một mâu thuẫn: Nếu nguyên tắc “không đàm phán với khủng bố” được xây dựng trên một chuẩn mực lý thuyết vững chắc, tại sao các nước vẫn đàm phán với khủng bố? Hay là điều này không đúng? Trong một nghiên cứu định lượng của nhóm các nhà kinh tế do Peren Arin (giáo sư ĐH Massey của New Zealand) đứng đầu, nhóm này đã chứng minh được (bằng các phương pháp định lượng dựa trên số liệu về các vụ bắt cóc trong quá khứ) rằng nếu các chính phủ càng nhượng bộ thì hoạt động khủng bố, bắt cóc sẽ càng tăng.
Vậy phải giải thích sao trước hành động của các nước liên quan đến các vụ thương lượng với khủng bố?
Kinh tế học có một nhánh nghiên cứu mang tên game theory. Theo lý thuyết này, nếu tương tác chỉ xảy ra một lần, thí dụ một nhà nước và một nhóm khủng bố chỉ phải đối diện với việc thương lượng hay không duy nhất một lần, sau đó không bao giờ lặp lại, thì nhà nước sẽ thương lượng. Điều này tốt cho phía nhà nước vì được tiếng là sẵn sàng làm mọi cách để bảo vệ công dân nước mình.
Tuy nhiên thực tế là các tương tác này không chỉ xảy ra một lần. Các nhóm khủng bố vẫn thường xuyên bắt cóc con tin, và nhà nước phải đối diện với quyết định thương lượng hay không nhiều lần. Game theory chỉ ra rằng nếu cả hai bên đều nhìn nhận là các tương tác này diễn ra mãi mãi (infinitely repeated games) thì nhà nước sẽ không bao giờ chấp nhận đàm phán. Và khi nhà nước không bao giờ chấp nhận đàm phán, các nhóm khủng bố cũng không có động cơ bắt cóc để đòi tiền chuộc hoặc trao đổi con tin.
Cái thú vị là ở chỗ game theory cũng chỉ ra rằng cho dù các tương tác là lặp lại nhưng có hạn định, tức là có điểm kết thúc (finitely repeated games), dù là điểm kết thúc ấy gần hay xa, thì nhà nước sẽ nhượng bộ và tiến hành đàm phán.
Và nếu nhìn sự lựa chọn của các nước liên quan đến việc đàm phán hay không với khủng bố dưới lăng kính này của game theory thì có thể thấy các nước thường xuyên đàm phán với khủng bố là những nước mà lãnh đạo có tư duy nhiệm kỳ hơn. Vì với tư duy nhiệm kỳ, họ không coi việc họ phải đối mặt với các lựa chọn này là việc vĩnh viễn (infintely repeated) mà nó sẽ hết khi họ không còn nhậm chức. Nếu với tư duy này, các nhà lãnh đạo sẽ không muốn chứng kiến công dân nước mình bị hành quyết trong nhiệm kỳ của mình, vì thế hãy cứ đàm phán để cứu người và lập công trước công chúng trước đã, còn việc hoạt động khủng bố tăng lên sau đó thì đã có lãnh đạo khoá sau lo.
Đương nhiên đây chỉ là một cách suy luận dựa trên một lý thuyết, nó không hẳn chính xác, tuy nhiên nó cũng là một góc nhìn đáng được suy ngẫm.
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

No comments:

Post a Comment