Thursday, September 4, 2014

Dân muốn chủ quyền hợp pháp phải 'biếu' đất cho quan

THÁI NGUYÊN (NV) - Muốn chuyển đổi đất ruộng, đất màu, vườn tạp... sang đất ở, người dân phải “biếu” cho “quan” xã ít nhất là một nửa mảnh đất đó để có chủ quyền hợp lệ.

Theo báo Lao Ðộng, nhiều người dân xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương, Thái Nguyên, cho biết, có miếng đất nào đẹp ông Nguyễn Hữu Hải đều đến gạ mua. Dân không bán thì ông Hải gạ chuyển đổi và mất một nửa đất cho ông Hải.


 Mảnh đất bị “quan” xã chiếm đoạt trắng trợn của bà gia đình Liêm. (Hình: báo Lao Ðộng)

Theo báo này, tuy chỉ là một nhân viên kế toán của xã Phấn Mễ, nhưng dân muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất thường phải qua tay ông Hải thì mới xong việc. Trường hợp nhất quyết không chịu mất đất cho hội ông Hải mà tự đi làm thủ tục chuyển đổi thì bị gây khó khăn đến cùng.

Thậm chí hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất về đến huyện, cũng có người ở xã lên huyện chơi và “mượn” mất hồ sơ... những câu chuyện khó tin này nếu không được những người dân dũng cảm tố cáo với báo chí, chắc chắn không bao giờ được đưa ra ánh sáng.

Năm 2004, bà Vũ Thị Liêm ở thôn Mỹ Khánh, xã Phấn Mễ, có nhu cầu chuyển đổi hơn 400m2 đất vườn tạp ở mặt đường QL3 Bắc Cạn, Thái Nguyên sang đất thổ cư để chia cho 4 người con. Biết chuyện, ông Hải nói sẽ làm thủ tục và yêu cầu bà Liêm phải nộp 20 triệu đồng để làm thủ tục, nộp tiền chuyển đổi...

Sau đó, ông Hải đến nhà và đưa ra một số giấy tờ trắng và bảo bà Liêm ký vào đó, vì ông Hải là cán bộ xã nên bà tin tưởng ký mà không hỏi ý kiến chồng, các con. Một thời gian sau, nhận được sổ đỏ nhưng diện tích chỉ có 165m2.

Diện tích đất còn lại 240m2, gia đình bà Liêm phát hiện được chuyển thành sổ đỏ mang tên Nguyễn Thị Hảo - con gái ông Hải (120m2) và vợ chồng ông chủ tịch xã lúc đó là ông Nguyễn Ngọc Sơn, bà Nguyễn Thị Toan (120m2). Hiện ông Sơn là bí thư Ðảng Ủy xã Phấn Mễ.

Báo Lao Ðộng xác minh sự việc tại Phòng Ðịa Chính xã Phấn Mễ, hồ sơ lưu cho thấy bà Vũ Thị Liêm đã ký 2 hợp đồng chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Hảo và bà Nguyễn Thị Toan. Giá chuyển nhượng, phương thức thanh toán... của cả hai hợp đồng này đều là: “Chuyển cho.”

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, nguyên chủ tịch xã Phấn Mễ đã ký xác nhận cả hai hợp đồng chuyển nhượng này. Sau đó, bà Toan và bà Hảo đã có “Ðơn xin đăng ký biến động đất đai,” xin chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở và được huyện cấp sổ đỏ đất ở.

Ông Sơn thừa nhận vợ chồng ông đã được cấp sổ đỏ cho 120m2 đất có nguồn gốc từ đất của hộ bà Liêm, song cho rằng chuyện giữa bà Liêm cho ông Hải thế nào không biết, còn 120m2 đất đó, ông Hải bán cho gia đình ông. Ông chẳng liên quan gì đến bà Liêm (?!).

Tuy nhiên, khi hỏi vợ chồng ông mua với giá bao nhiêu, ông Sơn cho biết: “Tôi chỉ phải nộp hơn 16 triệu một tí để đóng thuế cho Nhà nước, còn việc ông Hải bán cho tôi là việc chỉ tôi với ông Hải biết. Sau đó, ông Hải làm thủ tục và tôi chỉ nhận giấy chứng nhận đứng tên vợ chồng tôi. Thế là xong!”

Xác minh với ông Nguyễn Hữu Hải, ông Hải cho biết để làm thủ tục chuyển đổi cho nhanh, bà Liêm trả công cho ông ta.

Ông Lý Quảng Nam, chủ tịch xã Phấn Mễ cho biết, xã cũng đã biết sự việc từ cuối năm 2013. Ông Nam cho rằng: “Ðây là việc giao dịch dân sự giữa các bên, còn nếu bảo là sai phạm thì phải có cơ quan pháp luật kết luận.”

Ngoài bà Liêm, còn hàng chục hộ khác ở Phấn Mễ bị cướp đất tương tự, song không ai dám tố cáo vì sợ “khó sống” với “ nhóm lợi ích” địa phương này, bởi hiện thế lực của chúng còn rất mạnh.

Tại nhiều vùng nông thôn ở Việt Nam hiện nay, việc các “quan cộng sản” từ xã đến huyện như vua một cõi, họ có thể thao túng, làm bất cứ điều gì từ việc làm giàu bất chính đến cướp ruộng đất của người dân để trục lợi cho bản thân và đồng bọn. (N.T)

09-04-2014 4:43:37 PM
Theo Người Việt

No comments:

Post a Comment