(Nhân đọc Ðèn Cù của Trần Ðĩnh)
Ðã khá lâu ta không được nghe thấy có tác phẩm nào đáng kể được sản xuất ra ở quê nhà. Thậm chí mấy cuốn sách do người “trong nước” viết xem ra lại xuất bản ở ngoài này trước, hay ít nhất cũng nổi tiếng ở ngoài này trước rồi mới được thấy ở trong nước nhắc nhở đến, như Bên Thắng Cuộc của Huy Ðức (đã về trong nước), hay Ðại Vệ Chí Dị của Người Buôn Gió (hiện đang ở Ðức).
Ðang còn phân vân về chuyện này thì hôm rồi, tôi gặp một chuyện “ngẫu nhĩ” (mượn chữ của Bùi Giáng) khá ly kỳ. Ðó là tôi và nhà tôi vừa ăn cơm xong ở Viet Royale, đứng dậy sửa soạn đi ra thì bỗng một người bạn từ thuở xa xưa (nghĩa là từ ngày chúng tôi còn là sinh viên, cũng phải cách đây gần nửa thế kỷ) reo lên: “Ô anh Bích 'Ðèn cù!'” Lạ quá, ai mà có thể nhớ được cái hỗn danh của tôi đã có từ cả mấy chục năm rồi!
Thì ra không những anh nhớ, anh còn nhắc nữa: “Ô khi hát, anh còn vung tay, múa chân, dậm mạnh xuống đất, tay chỉ mặt trăng: 'Ú lí đêm... đêm rằm / Tình cốt tình tình tình cốt...” Tôi phục anh quá vì quả khi nhỏ, tôi lên sân khấu có biết sợ ai đâu, và có lẽ hát bài “Ðèn Cù” khá thuyết phục nên người ta mới cho tôi cái biệt danh là “Bích Ðèn Cù.”
Ðây là nhớ đến cái ngày vàng son trước 75, ở xứ này chẳng có ca sĩ chuyên nghiệp nào (khác hẳn bây giờ) nên ở xứ mấy anh mù anh chột làm vua. Không ít người nhớ là hồi đó, mỗi khi có bài gì mới từ VN qua, nhất là vào mấy lễ hội Tết, là NNB tôi có dịp trổ tài giới thiệu mấy bài đó ngay. Cho nên từng giai đoạn một, tôi được bạn bè cho đủ thứ hỗn danh: Hết “NNB dân ca” hay “NNB Cò Lả” thì lại đến “NNB Tâm Ca” (của Phạm Duy), “NNB Da Vàng” (Trịnh Công Sơn) hay “NNB Tuổi Ðá Buồn” (Từ Công Phụng). Kể cũng vui vì đi đâu sau đó, người ta biết sẵn hỗn danh của tôi là đòi tôi biểu diễn tắp lự! (chữ này học của anh Vũ Thư Hiên!)
Nhưng tôi đang đi quá xa đề tài!
Cái ngẫu nhiên nằm ở đâu?
Về nhà nhận được Ðèn Cù thứ thiệt
Về đến nhà hôm đó thì trong bưu kiện tôi lại nhận được một gói từ Ðinh Quang Anh Thái ở Người Việt (từ California) gởi tặng. Mở ra thì hóa ra là cuốn sách khá dầy của Trần Ðĩnh với cái tên gần như định mệnh là Ðèn Cù!
Mở ra đọc, gặp ngay một bài giới thiệu khá dài (13 trang) và thật bay bướm của anh Ngô Nhân Dụng, tức nhà thơ Ðỗ Quý Toàn, thế thì thử hỏi mình còn cái gì để có thể “còm” thêm vào được dù như rất thích cuốn sách.
Ðến hôm nay, mở Việt Báo ra xem thì lại đụng ngay bài điểm sách của Phan Tấn Hải mà Hải đã điểm sách thì bao giờ cũng sâu sắc mà vẫn không trùng đụng bao nhiêu với bài giới thiệu phong phú của anh Ngô Nhân Dụng. Thế mới biết cuốn sách của Trần Ðĩnh quả là một mạch khoáng sản không dễ gì khai thác hết ngay được.
Tôi đọc một mạch và không rời được cuốn sách cho đến khi ào tới trang cuối và gấp sách lại, suy nghĩ mông lung.
Vậy đâu là ma lực của cuốn sách?
Tôi nghĩ trước hết là nghệ thuật viết mà Trần Ðĩnh đã nắm rất vững. Cả hai người điểm sách thuộc hạng thượng thừa là anh Ngô Nhân Dụng và Phan Tấn Hải đều nhắc đến điểm này, như chuyện cô Xuân, Nông Thị Xuân, người mà “Bác” đã ăn nằm với, đã có con với, rồi cho Trần Quốc Hoàn thủ tiêu (sau khi hãm hiếp) bằng một tai nạn xe hơi dựng đứng ở Chèm, một chuyện mà chồng cô Vàng (em họ cô Xuân, sau cũng bị giết để bịt miệng) đã có thư chi tiết cho Nguyễn Hữu Thọ, khi ông này là chủ tịch Quốc Hội, để tố cáo; một chuyện mà Vũ Thư Hiên đã kể trong Ðêm Giữa Ban Ngày là cha ông, cụ Vũ Ðình Huỳnh, có lúc là bí thư của ông Hồ, đã dẫn ông lên tận Chèm để chỉ chỗ có tai nạn “phịa” nhằm che đậy án mạng bỉ ổi của Hoàn (cho người lấy búa đập vào đầu cô Xuân); một chuyện mà ông Nguyễn Minh Cần, lúc đó là phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Hà Nội (tức cũng như phó thị trưởng), cũng đã kể lại chi tiết trong sách Công Lý Ðòi Hỏi... Song tất cả những bản tường trình kia chỉ nêu lên được cái ác của “Già Hồ” và tay sai của ông ta, một tên quỷ gốc gác du côn, du thủ du thực mà vẫn được lên làm tới bộ trưởng Bộ Nội vụ (tức công an sau này). Có thể nói không ai đem được hình ảnh lãng mạn và cái tình người, “con người” e lệ của một sơn nữ đẹp, “con nuôi Bác” mà “Bác” về sau vẫn đem ra “thịt,” cho bằng Trần Ðĩnh khi tả cô X. ở các trang 97 98:
“Em giới thiệu anh với Bác nhé... nhé...”
“Tôi quả đang vút lên chín tầng mây” nhất là sau khi nhớ lại, “mới hôm qua... được giơ tay ra đỡ X. Bàn tay con gái tôi lần đầu nắm lâu trong đời. Và cảm giác rạo rực theo tôi mãi...” Xong “X. đỏ bừng mặt... chợt lóng ngóng không đút nổi chiếc thìa vào trong cái túi dài... Chiếc thìa rơi xuống cỏ.” Ðể rồi khám phá ra, ở trang 183, là Xuân (tên cô gái) đã bị tai nạn ô tô chết. Và, trang 375, nhớ về một chuyện “tình trong như đã, tình ngoài còn e.” Cả một cuộc tình, phác họa trong mấy nét đan thanh!
Trần Ðĩnh là ai?
Phải nói, bàng bạc trong gần 600 trang khổ lớn của cuốn sách là một sự thương xót. Thương xót trước hết là cho mình, cho tác giả Trần Ðĩnh. Vậy Trần Ðĩnh là ai?
Nếu bảo anh là người đầu tiên chấp bút viết tiểu sử chính thức của “cụ Hồ” từ tháng 5, 1960, thì ta có thể hạ ngay một câu, anh chắc hẳn phải là một văn nô. Không những thế, anh cũng còn đã giúp vài nhân vật nổi tiếng khác trong chế độ CS cầm quyền ở VN như Phạm Hùng, Lê Văn Lương viết tự truyện Trong Xà Lim Án Chém, Gặp Bác ở Paris (truyện ký của Bùi Lâm), và nhất là cuốn Bất Khuất, hồi ký tù Côn Ðảo của Nguyễn Ðức Thuận (1967), một cuốn sách nổi danh một thời làm nên tên tuổi của anh. Nhưng lạ, đọc cuốn Ðèn Cù, ta không có cảm giác anh là một người lệ thuộc, nhất là lệ thuộc đảng CS mà lại thấy một người mà trong tiếng Anh gọi là “free spirit,” một con người khá độc lập tự do trong tư tưởng, chưa kể là có thực tài về văn.
Và anh cũng lại là một người có thực tâm vì hòa bình. Vì sao? Vì đọc hết cuốn sách, ta mới rõ anh thuộc về một gia đình trung lưu trong đó chỉ có hai người con “thoát ly” đi theo Việt Minh, đi theo kháng chiến, một lựa chọn không phải là hiếm của một số người mới lớn lên vào những ngày bồng bột của Cách Mạng Mùa Thu, Cách Mạng Tháng Tám của Việt Cộng. Người anh là Trần Châu và Ðĩnh là em. Cả gia đình tuy có tản cư khi chiến tranh Việt Pháp bùng nổ (tháng 12, 1946) nhưng sau đó, đã theo ông bố về thành rồi lại đi vào Nam khi chia đôi đất nước. Ông bố là một người rất sáng suốt nên sớm nhìn ra cái ác và cái hại của CS.
Sản phẩm của một trường Pháp (?), anh, sinh năm 1930, đã được tôi luyện trong chiến đấu trên mặt trận tuyên truyền bởi ngay chính Trường Chinh, một người mà anh vẫn giữ được cảm tình sâu đậm, anh lại còn được gởi đi từ rất sớm (chỉ ít lâu sau khi Việt Minh vào Hà Nội năm 54) sang Trung Quốc học 5 năm cùng với người yêu của anh là nữ nghệ sĩ vũ gốc Hoa, Hồng Linh, mà bố đã bị Việt Minh “thịt” vì nghi là điệp viên của Tưởng (Giới thạch). Thời gian anh ở Trung Cộng là thời gian của Trăm Hoa Ðua Nở, trăm nhà tranh tiếng, một bẫy sập mà Mao lập ra để diệt Hồ Phong và các văn nghệ sĩ “hữu khuynh,” rồi đến Bước Tiến Nhảy Vọt (1959) trong đó khoảng 40 triệu dân Trung Hoa chết đói, có nơi phải quay ra ăn thịt người. Sống qua tất cả những giai đoạn khủng khiếp đó ở xứ người, anh nhận xét bằng một con mắt đầy thương cảm. “Tôi lạnh người,” anh viết, khi nghe một anh bạn Trung Hoa kể:
“Mình có một ông chú họ làm đội trưởng ở công xã. Trên bắt ông khai vống lên lấy sản lượng vệ tinh [nghĩa là sản lượng ở trên trời. NNB chú]. Ông không nghe, sợ khai man nộp hết thì đói. Thế là bị đánh gẫy hai hàm răng. Cứ nhè mồm đánh bắt nhận 'vệ tinh,' cuối cùng đầy mồm máu khai man. Nhờ đó được chữa không tiền cái tay bị đánh què nhưng răng thì đắt quá thành ra từ nay ông chú chỉ nuốt không nhai. Sự thật phải nuốt, nhai gẫy răng ngay. Cứ thả cửa nói phét rồi bạo lực giáng xuống cho thật khỏe vào là cái giả toàn thắng.”
Cả một cuốn sách mà hết trang này đến trang khác toàn những hình ảnh đập mắt như vậy, cho thấy cái tài viết ký vượt trội của Trần Ðĩnh. Cả anh Ngô Nhân Dụng lẫn anh Phan Tấn Hải đều phải nhắc đến trường hợp ghê khiếp mô tả cái chết dã man, rùng rợn của bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long), ân nhân của cách mạng, và vai trò đồ tể của Hồ Chí Minh trong cái chết đó một điều làm cho GS Nguyễn Văn Tuấn ở tận Úc cũng phải đòi đặt lại vấn đề về sự đánh giá của họ Hồ.
Mấy đặc điểm nổi bật của cuốn sách
Không chỉ giỏi tiếng Pháp và tiếng Hoa, anh xem ra cũng rất thông thạo tiếng Anh nên anh đã có một hành trang tri thức rất rộng và một vốn văn học nước ngoài đáng nể (có lẽ chủ yếu qua tự học) mà ta có thể thấy được rải rác trong toàn bộ cuốn sách. Không lạ là trong những năm tháng bị trù dập, anh đã căn bản sống bằng nghề dịch, với một sự nghiệp đáng nể. Trên bìa sau cuốn sách, ta được biết anh đã dịch khoảng 30 tác phẩm từ tiếng nước ngoài, trong đó phải kể: Linh Sơn của Cao Hành Kiện (Giải Nobel năm 2000, dịch từ tiếng Pháp, La montagne de l'âme), Rebecca của Daphne du Maurier, Nụ Hôn Của Ngọn Gió Ðêm (tức The Kiss of the Night Wind) của Janelle Taylor, Người Chìa Khóa (The Keylock Man) của Louis Lamour, Ðời Tỷ Phú (Le Grec) và Ðồng Tiền Thấm Máu (Out) của Pierre Rey, Máu Lạnh (In Cold Blood) của Truman Capote, Những Con Chim Hồng Hộc (The Wild Swans) của Trương Nhung, Bồ Câu Cô Ðơn (Lonesome Dove) của Larry McMurtry, Ngầm (Underground) của Haruki Murakami v.v... Tóm lại, một sự nghiệp dịch thuật rất đáng nể. Về phương diện này, ta có thể nói đây là một nét thật hiếm có nơi các thành phần tạm gọi là “trí thức” của CSVN.
Nhưng đáng nói hơn, anh là một thành phần đã ngả về phe hòa bình khi cộng sản tái phát cuộc chiến ở miền Nam. Có lẽ cũng vì thương xót cho gia đình và đồng bào nên anh và một số bạn ngả về chủ trương “chung sống hòa bình” (“peaceful co existence”) do Khrushchev chủ trương trong cuộc tranh chấp Nga-Hoa. Nào ngờ, anh đã vì thế mà trở thành một trong những quân bài để Hà Nội mặc cả với Bắc kinh, bắt đầu từ 1966- 67, khi cho bắt cả nhóm từ Hoàng Minh Chính, chủ nhiệm Viện Triết Học Mác Lê, đến Tướng Ðặng Kim Giang, Vũ Ðình Huỳnh, Lê Trọng Nghĩa, Phạm Viết, Phan Văn Vấn, Vũ Thư Hiên, Trần Thư, v.v... gần 300 người, bị bắt nhốt nhiều năm để rồi có người về sau chết rũ mục trong tù.
Ngay những người như Trần Ðĩnh, tuy không bị tù tội nhưng vẫn bị điêu đứng, và mặc dầu có tài được công nhận rộng rãi vẫn phải đi học tập như một công nhân trong một thời gian và không bao giờ được phục hồi danh dự cả. Không những thế, ngay một người phản tỉnh như Nguyễn Trung Thành ở trong Bộ Công An khi dựa vào lương tâm của mình đã đòi phục hồi danh dự cho những người bị bắt oan trong vụ gọi là “xét lại chống đảng” này lại cũng bị trù dập. Thành thử quyển Ðèn Cù của Trần Ðĩnh này là một bản tường trình tương đối khách quan nhất về toàn vụ án “xét lại chống đảng” mà ngoài này ta chỉ được biết nhiều thập niên sau qua những sách như của Trần Thư (Tử Tù Tự Xử Lý), Vũ Thư Hiên (Ðêm Giữa Ban Ngày), Nguyễn Minh Cần (Công Lý Ðòi Hỏi)...
Không phải là một cáo trạng chính trị
Mặc dù Trần Ðĩnh đã đưa ra được nhiều tiết lộ động trời về chế độ Cộng Sản ở Trung Quốc và miền Bắc song cuốn sách lại không phải là một cáo trạng chính trị đối với chế độ. Như ông vẫn dành nhiều cảm tình với người này hay người nọ trong chế độ mà chúng ta ở hải ngoại coi là “tội đồ” và có lẽ lịch sử mai hậu cũng đến cùng một kết luận, song chính ông lại tỏ ra vẫn thân tình với họ, có lẽ dựa thuần túy trên tình cảm cá nhân (như với Trường Chinh hay Hoàng Tùng). Chính tính cách này của cuốn sách sẽ có thể làm cho một số người dị ứng vì họ đi tìm một sự lên án.
Nhưng tôi cho đòi hỏi như thế là một đòi hỏi quá đáng ở một hồi ký. Một hồi ký không phải là một cuốn sách về lập trường chính trị, để nó thật nó phải nói được lên tấm lòng của mình, nghĩa là của tác giả, trong liên hệ tình cảm với tất cả mọi người chung quanh, mọi người mà ta thực sự quen biết. Trong nghĩa đó, cuốn Ðèn Cù theo tôi đã giống những hồi ký như của Ilya Ehrenburg ở Nga trước kia, nói lên sự thật như được nhìn thấy bởi một con người với những yêu ghét của chính người ấy. Ta sẽ công bằng hơn nếu ta chỉ đòi hỏi thế thôi ở Trần Ðĩnh.
Song những tiết lộ từ ngòi bút của ông đã cho ta thấy cả một thế giới rất đa dạng và phong phú, bởi như một “free spirit” ông đã chơi với tất cả mọi người, cả người trong chính quyền lẫn ngoài chính quyền, trong “đảng” ngoài “đảng,” người thân Nga người thân Trung, Tố Hữu và những người Tố Hữu “đì” như Lê Ðạt, Trần Dần, Văn Cao trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, những người trong phe chủ chiến và những người trong phe chống chiến tranh “giải phóng” ở miền Nam trong đó có Trần Ðĩnh. Nhưng biết đâu, cuối cùng phe chiến thắng đã sai và phe chiến bại có khi lại đúng như nhận định sau đây của Nguyễn Tư Nghiêm từ năm 1970:
“Ðĩnh à, chế độ này là capitalisme d'Etat - chủ nghĩa Tư bản Nhà nước, một số người thao túng lũng đoạn toàn bộ tài sản đất nước, cộng sản trá hình thôi, đừng tin họ.” (trang 115)
09-02- 2014 6:53:26 PM
Nguyễn Ngọc Bích
Theo Người Việt
No comments:
Post a Comment