Chủ đề cải cách bầu cử đã gây căng thẳng từ vài tháng nay và dẫn tới các cuộc tuần hành, biểu tình
Sự kiểm soát của Bắc Kinh đối việc chọn lựa lãnh đạo của Hong Kong vào năm 2017 đã làm dấy lên tâm lý giận dữ và chống đối từ những người vốn đã hy vọng sẽ được quyền bầu chọn thực sự.
Tất cả mọi người ở Hong Kong đều được bỏ phiếu. Nhưng các ứng viên đều phải giành được đa số phiếu từ một ủy ban đề cử, được trông đợi là sẽ gồm đa phần các thành viên là những gương mặt trung thành với Bắc Kinh, mới được lọt vào danh sách bầu chọn.
Yêu cầu này khiến việc một ai đó không tỏ ra trung thành với Bắc Kinh sẽ không thể có cơ chạy đua tranh cử.
Hôm thứ Hai, Li Fei, một quan chức cao cấp của Trung Quốc, đã bảo vệ quan điểm của Bắc Kinh và nói nói sẽ giúp giảm bớt tình trạng đối đấu chính trị và chủ nghĩa dân túy.
Hai lãnh đạo của phong trào bất tuân dân sự, Chiếm đóng Khu trung tâm, là giáo sư xã hội học Chan Kin-man, và giáo sỹ dòng Baptist Chu Yiu-ming, đã có mặt trong buổi trình bày của ông Li.
"Nói toạc móng heo ra thì toàn bộ chuyện này chỉ là thứ 'chính trị chọn sẵn' trá hình trong cái 'phổ thông đầu phiếu'. Đơn giản là nhân dân sẽ không bị lừa gạt," ông Chan sau đó nói.
Nay, sự chú ý đang hướng vào chiến dịch bất tuân dân sự mà nhóm Chiếm đóng Khu trung tâm nói sẽ làm đối với khu quận hành chính của Hong Khong, và về việc chuyện đó sẽ có ý nghĩa ra sao đối với vùng lãnh thổ này.
Thời gian và thông tin chi tiết cụ thể về việc biểu tình ngồi vẫn chưa được công bố, nhưng một số ủng hộ viên đã bắt đầu biểu tình phản đối.
Khoảng 20 tình nguyện viên do đảng Dân Quyền huy động đã lái xe đi chầm chậm qua các đường phố ở khu quận Trung tâm hôm thứ Hai để tập dượt cho sự kiện chính, dự kiến sẽ diến ra vào cuối tháng Chín hoặc đầu tháng Mười.
Chừng 200 thành viên từ Hội Sinh viên Đại học Hong Kong đã nhóm họp lần đầu tiên trong tuần này để lên kế hoạch bãi khóa. Khoảng mười trường đại học lớn được trông đợi sẽ tham dự đợt bãi khóa theo dự kiến sẽ bắt đầu từ giữa tháng Chín.
Một số học sinh trung học nhiều khả năng cũng tham dự, tuy con số này sẽ ít hơn nhiều.
Alex Chow, tổng thư kí Liên đoàn Sinh viên Hong Kong nói việc bãi khóa sẽ được phối hợp thực hiện và sẽ gồm những hoạt động tại nhiều sự kiện công cộng, gồm cả các cuộc tụ tập trên đường phố.
"Đó không giống việc bỏ lớp bình thường. Khi sinh viên không tới lớp thì họ sẽ học ở bên ngoài. Nhưng họ cũng sẽ buộc xã hội phải nhìn nhận vào tình thế nguy hiểm mà chúng ta đang đối diện," anh nói.
Anh cho biết mục tiêu sẽ là tuần hành ủng hộ cho phong trào dân chủ và nhằm thuyết phục chính quyền Hong Kong, là cơ quan sẽ công bố kết quả lấy góp ý từ nhân dân lần thứ hai về cải cách chính trị, nhằm thúc đầy các quan chức Trung Quốc phải chấp nhận nhượng bộ nhiều hơn.
Sau khi lấy ý kiến đóng góp, chính phủ được trông đợi sẽ trình kế hoạch bầu cử ra trước Hội đồng Lập pháp, tức Quốc hội của Hong Kong, để xin chuẩn thuận.
Kế hoạch chỉ được thông qua nến giành được sự ủng hộ của hơn hai phần ba các nhà lập pháp.
Các nhà lập pháp theo đường lối dân chủ chiếm 27 trong tổng số 70 ghế ở Quốc hội. Họ đã cam kết sẽ phủ quyết bất kỳ đề xuất nào dựa trên các yêu cầu mà Bắc Kinh đưa ra.
Nếu điều này xảy ra, thì kỳ bầu chọn lãnh đạo tiếp theo được trông đợi sẽ diễn ra giống như lần trước, khi ủy ban bầu cử gồm 1.200 thành viên chọn ra vị lãnh đạo cao cấp.
Hội sinh viên Đại học Hong Kong đang lên kế hoạch bãi khóa
'Khó có thay đổi'
Benny Tai, giáo sư luật đồng thời là một trong những người sáng lập ra phong trào Chiếm đóng Khu trung tâm, nói với BBC News rằng điều quan trọng là phải có quan điểm đạo đức để phản đối kỳ bầu cử không công bằng.
Alex Chow, lãnh đạo sinh viên, thì nói nếu như dân chúng giữ im lặng về đề xuất của Bắc Kinh thì chính quyền trung ương sẽ bắt đầu bác bỏ các quan điểm về các vấn đề ít gây tranh cãi hơn, chẳng hạn như quy hoạch thành phố hay phát triển kinh tế.
Cả hai nhà hoạt động đều nhấn mạnh tới di sản dài hạn mà hành động bất tuân dân sự có thể đem lại, thay vì những lợi ích trước mắt.
"Vẫn có một chút hy vọng về việc khước từ đề xuất của Bắc Kinh, tuy điều này ra rất khó xảy ra," Chow thừa nhận.
Hôm thứ Hai, ông Tai được hãng tin Bloomberg dẫn lời nói sự ủng hộ của dân chúng cho Chiếm đóng Khu trung tâm đang giảm đi.
Sau đó ít giờ, phong trào này đã làm giảm bớt nội dung nhận xét này và nói việc cho rằng sự ủng hộ của cộng đồng giảm đi là không chính xác.
"Tuy có một số ủng hộ viên có thể rời đi, nhưng lại có những ủng hộ viên mới tham gia với chúng tôi, bởi họ tức giận về quyết định của chính phủ Trung Quốc và họ muốn thể hiện phẩm cách và ý chí của người Hong Kong," phong trào nói.
Tại vùng lãnh thổ này, một số người đang theo dõi phong trào phản kháng với thái độ lo ngại thay vì ủng hộ.
Hong Kong hiện đang phân rẽ sâu sắc giữa những người đòi tự do bầu cử và những người không muốn phản đối Bắc Kinh và ủng hộ việc đưa thành phố trở thành một trung tâm tài chính quốc tế.
Người ta đã lo ngại khi Băc Kinh hồi tháng Hai quyết định chuyển cuộc họp quan trọng của các bộ trưởng tài chính toàn cầu từ Hong Kong sang Bắc Kinh, điều khiến nhiều người coi là sự đáp trả cho tình hình chính trị căng thẳng gia tăng tại vùng lãnh thổ này.
Những người thuận theo Bắc Kinh cho rằng việc có quyền bầu chọn lãnh đạo, dù chỉ dựa trên danh sách rất hạn chế, thì vẫn tốt hơn là không có bất kỳ lựa chọn nào.
Một số người khác lo rằng cuộc biểu tình phản đối kéo dài sẽ ảnh hưởng nặng tới việc làm ăn và tới ngành du lịch, đồng thời làm tổn hại thêm nữa mối quan hệ với Bắc Kinh.
Do đó, việc những người biểu tình sẽ làm gì, và giới chức sẽ phản đối ra sao, rất có thể sẽ quyết định tới tương lai thành phố.
No comments:
Post a Comment