Đăng Bởi -
Ảnh minh họa- Nguồn:Internet
Thưa ông,
Tôi cũng không khỏi ngạc nhiên khi ông Tổng giám đốc Điện lực Hà Nội trả lời báo chí rằng, với "công nghệ" trèo cột điện ghi số bằng tay, sai sót là chuyện... đương nhiên!
Trước hết, xin được bày tỏ lòng cảm kích trước sự vào cuộc tức thì của ngành điện khi cử nhân viên đi kiểm tra các điểm có phản ánh hiện tượng tăng tiền điện bất thường.
Cũng thật vui khi kết quả mang lại là chẳng có gì là “bất thường cả”, dùng nhiều thì phải trả tiền điện nhiều, mọi thứ đều hiện hữu trên công tơ (mà công tơ được kiểm tra đều hoạt động bình thường, hoặc sai số trong giới hạn cho phép), rồi việc ghi chốt chỉ số công tơ, ghi hóa đơn không có sai sót gì...
Thế nhưng, trong suy nghĩ của tôi cũng như của nhiều khách hàng, những lời giải thích cũng như kết quả kiểm tra nêu trên vẫn không giải tỏa được nghi ngại trong dư luận về cách tính giá, cách ghi số điện hiện nay của ngành điện.
Trước hết, có sự trùng hợp ngẫu nhiên khi trong các tháng 5 và 6, cùng lúc nhiều hộ gia đình ở Hà Nội gặp phải cảnh ngộ tăng hóa đơn tiền điện bất thường. Giả sử, nếu có xảy ra sai sót (thực tế đã xảy ra ở Sóc Sơn), hoặc có sự gian lận, thì khách hàng cũng khó mà kiện ngành điện. Bức xúc lâu nay của phần lớn khách hàng là họ không hề được biết thời điểm nhân viên ngành điện đến chốt chỉ số công tơ.
Không những thế, hầu hết công tơ điện đều nằm ở khu vực riêng (treo trên cột, hoặc trong buồng điện tại các khu chung cư), khách hàng rất khó mà kiểm tra được số điện thực tế họ dùng. Chỉ khi nào có hóa đơn thì họ mới biết lượng điện tiêu thụ của mình là bao nhiêu!
Quan điểm của tôi cũng như nhiều khách hàng sử dụng điện, đây là sự bất cập rất cần được ngành điện thay đổi. Mà trước hết ngành điện cần cải tiến việc ghi chốt số công tơ, đồng thời cần thông báo ngay cho khách hàng về số công tơ mới. Cách làm này giúp cho khách hàng kiểm tra được tức thì số điện thực tế nếu phát hiện có sự bất thường.
Thế nên, với cách trả lời của người đứng đầu ngành điện ở thủ đô, tôi cũng như nhiều khách hàng cảm thấy bất ổn. Chẳng lẽ, ngành điện bất lực trong việc tìm ra một giải pháp hữu hiệu hơn để thay thế “công nghệ” trèo cột điện nhằm giảm bớt sai sót (cũng có nghĩa nhằm giảm bớt thiệt hại cho khách hàng)?
Thực tế, theo cách tính giá điện bậc thang lũy tiến hiện nay, càng tiêu dùng nhiều điện, đơn giá càng cao thì thủ thuật ghi tăng, giảm sản lượng điện cũng rất dễ xảy ra và chắc chắn phần thiệt sẽ thuộc về khách hàng.
Bỗng tôi liên tưởng đến một sự giải thích khác của ngành điện. Bước vào cao điểm của thời kỳ nắng nóng, trước lo ngại của người dân thủ đô về nguy cơ mất điện xảy ra, Điện lực Hà Nội tuyên bố sẽ không cắt điện khi nhiệt độ lên quá 36 độ C.
Thế nhưng, tuyên bố vừa được đưa ra, thì khu phố nhà tôi nhiều ngày bỗng mất điện đánh rụp. Cũng với cách giải thích do nhu cầu sử dụng tăng đột biến dẫn đến quá tải, rằng sự cố “bất khả kháng”…, Điện lực Hà Nội tiếp tục mong được khách hàng thông cảm và sẻ chia!!!
Vâng, khách hàng sẵn sàng cảm thông và sẻ chia với ngành điện nếu đó là sự cố bất khả kháng. Nhưng sẽ là ngược lại nếu sự cố ấy liên tục lặp lại, khách hàng cứ tiếp tục nhận được sự giải thích vòng vo, thậm chí chối bỏ trách nhiệm của ngành điện mỗi khi xảy ra sự cố.
Bởi nhiều năm qua, sự độc quyền của ngành điện đã gây khá nhiều bức xúc và thiệt hại cho khách hàng, nhưng mọi việc chỉ dừng ở sự phản ánh của công luận, hoặc rơi vào “sự im lặng đáng sợ".
Thậm chí, tình trạng quản lý lỏng lẻo, làm ăn thua lỗ, kinh doanh kém hiệu quả, đẩy giá điện tăng cao…, ngành điện cũng đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan.
Thưa ông
Vẫn biết, ngành điện đang ngổn ngang những việc hệ trọng cần được giải quyết. Nhưng dẫu sao, tôi cũng như nhiều khách hàng khác vẫn thiết tha đề nghị ông chỉ cho chúng tôi cách kiểm soát được việc nhân viên dưới quyền của ông có ghi đúng sản lượng điện mà chúng tôi sử dụng hay không?
Xin cảm ơn ông đã lắng nghe ý kiến của tôi!
Một người dân Hà Nội (theo Tin Tức)
No comments:
Post a Comment