Saturday, June 21, 2014

Vì sao Nga không ủng hộ Trung Quốc ở Biển Đông?

(Kienthuc.net.vn) - Vì nhiều nhân tố chiến lược và chính trị, Moscow không thể ủng hộ các tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông. 

Sau hàng loạt các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là hành động đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, Trung Quốc đã bị nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nhật lên tiếng chỉ trích. Tuy nhiên, Nga, “đối tác chiến lược” của Trung Quốc, vẫn chưa bày tỏ lập trường gì về vấn đề Biển Đông.
Điều đó khiến một số nhân vật ở Bắc Kinh nổi giận vì cho rằng mối quan hệ Nga – Trung không tốt đẹp như họ từng nghĩ. Ngay cả về tranh chấp Nhật - Trung đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, Nga cũng thể hiện lập trường không rõ ràng.

 
Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc không thân mật như Trung Quốc tưởng?

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Nga “hai lòng” trong mối quan hệ với Trung Quốc mà có các nhân tố phức tạp về chính trị và chiến lược khiến Nga phản ứng như vậy.
Thứ nhất, mối quan hệ Nga – Trung khác với mối quan hệ Mỹ - Philippines. Trung Quốc và Nga không phải là đồng minh. Hai nước không ký hiệp ước nào trong khi Mỹ và Philippines cũng như Mỹ và Nhật Bản có các hiệp ước an ninh song phương.
Trong mối quan hệ đồng minh, mỗi bên có nghĩa vụ ủng hộ về chính trị và thậm chí cả quân sự đối với bên kia. Trong quan hệ quốc tế, đây là hình thức cao nhất của quan hệ song phương. Mặc dù mối quan hệ Nga – Trung có một số điểm thể hiện mối quan hệ chiến lược toàn diện, hai bên vẫn chưa ký kết hiệp ước có tính ràng buộc.
Từ lâu, truyền thông Trung Quốc vẫn nhấn mạnh và đề cao các nhân tố tích cực trong mối quan hệ Nga – Trung và truyền thông hải ngoại thậm chí còn đề cao quá mức mối quan hệ này. Có lúc, một số tờ báo còn cho rằng Nga và Trung Quốc đã là “đồng minh” chỉ còn thiếu một hiệp ước chính thức. Điều đó khiến một số nhân vật ở Trung Quốc tin rằng Nga – Trung đã có mối quan hệ hợp tác chính trị vô cùng rộng lớn giúp cải thiện mạnh mẽ môi trường an ninh của Trung Quốc.
Tuy nhiên, những gì thực sự diễn ra trong các mối quan hệ quốc tế cho thấy bất kể mối quan hệ Nga – Trung tốt đẹp tới đâu, điều đó cũng không làm ảnh hưởng tới chính sách của Nga về Biển Đông và biển Hoa Đông. Trên thực tế, mối quan hệ Nga – Trung cơ bản dựa trên nguyên tắc “đôi bên cùng có lợi”. Biển Đông không phải là nơi Nga có thể mở rộng các lợi ích và cũng không cần thiết phải can thiệp vào vùng biển này. Trung Quốc không thể diễn giải sai bản chất mối quan hệ Nga – Trung và kỳ vọng quá nhiều vào Nga.
Thứ hai, Nga có mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia nằm xung quanh Biển Đông và không cần thiết phải khiến các nước này “mếch lòng” để bảo vệ lợi ích của Trung Quốc. Nga không lên tiếng công khai ủng hộ Trung Quốc về vấn đề Biển Đông và một trong những nguyên nhân quan trọng là Moscow muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với các quốc gia Đông Nam Á.
Mối quan hệ Việt – Nga là một ví dụ. Trước đây, Liên Xô có mối quan hệ gần gũi với Việt Nam hơn với Trung Quốc. Nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của Liên Xô, Việt Nam đã chiến thắng Mỹ. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga thừa hưởng mối quan hệ này. Không có cản trở lớn nào trong mối quan hệ Việt – Nga và đặc biệt có một lĩnh vực giúp mối quan hệ hai nước gắn bó chính là quốc phòng. Nhiều vũ khí của Việt Nam được sản xuất ở Nga trong đó có tàu ngầm lớp Kilo, vũ khí giúp cải thiện sức mạnh của Hải quân Việt Nam. Ngoài ra, vào cuối năm 2014, Nga sẽ giao thêm 4 chiếc máy bay chiến đấu SU-30MK2 cho Việt Nam.
Nga cũng có mối quan hệ tốt đẹp với Philippines. Hai năm trước, 3 tàu Hải quân Nga (trong đó có tàu khu trục chống tàu ngầm Admiral Panteleyev) đã tới Manila trong 3 ngày. Theo phía Nga, chuyến thăm này sẽ giúp cải thiện mối quan hệ Nga – Philippines.
Thứ ba, Nga không cần thiết phải đối đầu trực tiếp với Mỹ về Biển Đông. Hiện Nga đang tập trung vào châu Âu, đặc biệt là cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến đối cầu giữa Nga và phương Tây trở nên vô cùng căng thẳng. Vấn đề đó không thể được giải quyết nhanh chóng. Trong bối cảnh đó, Nga cũng không mong muốn hoặc không có đủ năng lực để đối đầu Mỹ trên Biển Đông.
Ngoài ra, các cuộc tranh chấp trên Biển Đông không phải là tranh chấp giữa Trung Quốc và Mỹ mà là giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á. Mỹ chỉ là nhân tố gây ảnh hưởng, không phải nhân tố quyết định tương tai của Biển Đông. Trong bối cảnh đó, Nga với tư cách là quốc gia bên ngoài không có lý do gì để hậu thuẫn Trung Quốc và chỉ trích Mỹ.
Thứ tư, những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông khiến Nga cho rằng sự “giằng co” giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á về Biển Đông sẽ giúp hạn chế Bắc Kinh “bành trướng” sang các khu vực khác. Tại Nga, luôn có tiếng nói lo ngại rằng sự lớn mạnh của Trung Quốc sẽ khiến vùng viễn đông của Nga đứng trước nguy cơ bị người Trung Quốc “xâm chiếm”. Đây là vùng lãnh thổ rộng lớn và có nhiều tài nguyên nên chắc chắn sẽ là “miếng mồi ngon” cho một Trung Quốc đang lớn mạnh. Mặc dù các quan chức Nga vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng hợp tác với Trung Quốc, họ chưa bao giờ ngừng cảnh giác trước cái mà Bắc Kinh gọi là “sự mở rộng lãnh thổ”.
Moscow vẫn ngấm ngầm ủng hộ Bắc Kinh?
Dù vậy, Trung Quốc có thể không cần phải thất vọng trước lập trường của Nga về Biển Đông. Mối quan hệ trong hàng chục năm đã khiến hai quốc gia có thể “ngầm hiểu nhau”.


 Hải quân Nga - Trung tập trận trên biển Hoa Đông là 1 hình thức ủng hộ của Nga dành cho Trung Quốc?

Ví dụ, về vấn đề Crimea vừa qua, Trung Quốc đã tránh công khai ủng hộ Nga; thay vào đó bỏ phiếu trắng tại Liên Hợp Quốc. Điều đó không có nghĩa Trung Quốc phản đối Nga về Crimea. Tương tự, việc Nga thể hiện lập trường trung lập về Biển Đông không có nghĩa Nga không ủng hộ Trung Quốc.
Nga có cách riêng để bày tỏ sự ủng hộ đối với Trung Quốc, ví dụ như thông qua các cuộc tập trận quân sự chung trên biển Hoa Đông. Hành động đó khiến phương Tây không khỏi ghen tỵ.
Trung Quốc và Nga đều cho phép nhau thực hiện các chính sách không rõ ràng và đó là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đối tác đã sâu đậm hơn. Điều đó giúp cả Nga và Trung Quốc tối đa hóa các lợi ích quốc gia của hai nước này.
 13:32 21/06/2014
Tùng Lâm

No comments:

Post a Comment