Gần 100 đại biểu là các học giả, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đến từ Mỹ, Nga, Pháp, Bỉ, Canada, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines..., tham dự buổi tọa đàm về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) tại Hoàng Sa, tổ chức ngày 21/6, tại Đà Nẵng.
Buổi tọa đàm này nằm trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế "Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử."
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm đều cho rằng: trong hơn một tháng qua, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam; đồng thời đưa hàng trăm tàu các loại, kể cả tàu quân sự bao gồm tàu hộ vệ tên lửa, tàu tuần tiễu tấn công nhanh, tàu săn ngầm, tàu quét mìn và tàu đổ bộ vào hoạt động trái phép tại vùng biển này của Việt Nam.
Các tàu của Trung Quốc đã có hành động hung hăng, vây hãm, cố tình đâm va, phun vòi rồng với công suất lớn vào các tàu Cảnh sát biển, tàu Kiểm ngư của Việt Nam đang thực thi pháp luật trên vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.
Thậm chí, ngày 26/5 vừa qua, tàu Trung Quốc đã cố tình đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 cùng 10 ngư dân Việt Nam đang tiến hành đánh bắt bình thường trong vùng biển của Việt Nam. Cộng đồng quốc tế bao gồm các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ những hành động gây hấn, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Các đại biểu cũng khẳng định hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc đã phá vỡ nguyên trạng ở Biển Đông, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông.
Nhiều ý kiến đánh giá cao sự kiên trì và thiện chí của Việt Nam nhằm giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông, đồng thời cho rằng với việc Trung Quốc bất chấp những nỗ lực ngoại giao của Việt Nam cũng như sự bất bình của cộng đồng quốc tế, không rút giàn khoan và dừng các hoạt động phi pháp của mình, đã đến lúc Việt Nam cần sử dụng biện pháp pháp lý để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Đây là một biện pháp hòa bình được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, phù hợp với chủ trương của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp ở Biển đông.
Giáo sư Carlyle A.Thayer, nguyên giáo sư Học viện Quốc phòng Australia, chuyên gia về Việt Nam và Đông Nam Á cho rằng: Hành động đơn phương của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 đầu tháng Năm vừa qua trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đặt ra các vấn đề phức tạp liên quan đến các yêu sách tranh chấp về chủ quyền...
Lúc đầu, Trung Quốc bảo vệ việc hạ đặt giàn khoan bằng biện luận rằng nó nằm trong lãnh hải của Trung Quốc. Trung Quốc lưu ý là giàn khoan Hải Dương-981 được đặt cách đảo Tri Tôn 17 hải lý. Trung Quốc sử dụng thuật ngữ lãnh hải mang lại ít nhất hai ý nghĩa: Yêu sách gọi các vùng nước trong đường 9 đoạn là lãnh hải; yêu sách gọi "lãnh hải" theo Công ước Luật biển. Theo cách biện luận đó, Trung Quốc cũng không thể đòi hỏi lãnh hải theo các giải thích về vị trí của giàn khoan bởi vì nó được đặt ít nhất 5 hải lý ngoài vùng lãnh hải hợp pháp theo quy định của UNCLOS.
Ngày 6/6 vừa qua, Tuyên bố của Trung Quốc đã sửa lỗi này qua việc cho rằng giàn khoan Hải Dương-981 được đặt trong vùng tiếp giáp của Trung Quốc. Tuy nhiên, tuyên bố này cũng thiếu cơ sở pháp lý.
Theo UNCLOS, mục đích duy nhất của vùng tiếp giáp là cho phép quốc gia ven biển "thực hiện kiểm soát cần thiết để ngăn chặn việc vi phạm quy định của nước đó về hải quan, tài khóa, di trú và kiểm dịch trong lãnh thổ hay lãnh hải; trừng phạt việc vi phạm luật và các quy định nói trên diễn ra trong lãnh thổ và lãnh hải."
Trung Quốc cũng có mưu đồ biện minh tranh chấp của mình với Việt Nam bằng việc sử dụng lý lẽ là vị trí của giàn khoan Hải Dương-981 gần quần đảo Hoàng Sa hơn bờ biển Việt Nam. Theo luật pháp quốc tế, chỉ sự gần gũi không thôi là chưa đủ để chứng minh chủ quyền...
Chiều cùng ngày, các đại biểu đã tham quan tàu cá ĐNa 90152 bị Trung Quốc đâm chìm hôm 26/5 vừa qua. Các đại biểu đã bất bình trước hành động thô bạo, vô nhân đạo của Trung Quốc đâm thủng mạn sườn của tàu cá ĐNa 90152, khi tận mắt nhìn thấy vết đâm lớn trên mạn tàu.
Đặc biệt, các đại biểu đã hết sức phẫn nộ khi được các ngư dân đi trên con tàu này kể lại tàu Trung Quốc đã cố tình đâm nhiều lần để làm chìm tàu cá ĐNa 90152 và đã ngăn cản các tàu của Việt Nam đến cứu vớt các ngư dân của con tàu này đang lênh đênh trên biển./.
Thứ Bảy, ngày 21/6/2014 - 18:18
Theo Vietnam+
No comments:
Post a Comment