Đối với các nước nhỏ, việc sử dụng pháp lý là cơ hội để bảo vệ các lợi ích của mình phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế và Hiến chương của Liên Hiệp Quốc.
Ngày 21-6, ngày làm việc thứ hai của hội thảo quốc tế “Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử”, gần 120 học giả, các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đã có buổi tọa đàm về việc Trung Quốc (TQ) hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Phê phán hành động bạo lực của TQ
Tại buổi tọa đàm, nhiều học giả đã lên tiếng phê phán hành động của TQ khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Nhất là các hành động bạo lực của các tàu TQ khi đâm va, phun vòi rồng công suất lớn vào các tàu dân sự của Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ trên vùng biển của mình. Đặc biệt là vụ tàu cá TQ đã đâm chìm tàu cá Việt Nam.
Các học giả kêu gọi TQ cùng với các nước ASEAN sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) với tính ràng buộc cao để ngăn ngừa những hành động leo thang, gây căng thẳng ở biển Đông. Các nước đang tranh chấp cần coi trọng hơn các công cụ pháp lý và cơ chế trọng tài quốc tế theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Các học giả quốc tế khuyên Việt Nam có thể sử dụng công cụ pháp lý thông qua tòa trọng tài theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 để bảo vệ các quyền lợi và lợi ích của mình trước hành vi xâm lấn của TQ ở biển Đông.
Các học giả quốc tế tận mắt chứng kiến lỗ thủng “vô nhân đạo” trên thân tàu ĐNa 90152 bị tàu TQ đâm chìm ngày 26-5. Ảnh: LÊ PHI
GS Jerome Cohen - Chủ tịch Viện Luật pháp Hoa Kỳ-châu Á nhấn mạnh việc nếu Việt Nam sử dụng cơ chế tài phán quốc tế chứng tỏ cố gắng của Việt Nam tận dụng mọi biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp ở biển Đông. Tuy sử dụng công cụ pháp lý là phức tạp và đi kèm với những rủi ro nhưng đối với các nước nhỏ thì việc sử dụng pháp lý là cơ hội để bảo vệ các lợi ích của mình phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế và Hiến chương của Liên Hiệp Quốc.
Trực tiếp gặp chủ tàu bị tàu TQ đâm chìm
Chiều cùng ngày, các học giả và phóng viên quốc tế đã trực tiếp tìm hiểu về vụ việc tàu cá ĐNa 90152 của gia đình bà Huỳnh Thị Như Hoa (trú phường Xuân Hà, Thanh Khê, Đà Nẵng) bị tàu cá TQ đâm chìm trên biển vào chiều 26-5.
Trả lời câu hỏi “Tại sao tàu của bà lại đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa và bà đánh giá như thế nào về lệnh cấm đánh bắt cá của chính quyền TQ?” của phóng viên quốc tế, bà Huỳnh Thị Như Hoa cho biết: “Đây là vùng biển cha ông tôi bao đời nay đánh bắt. Từ lúc mới biết ra khơi đến nay lần nào chúng tôi chẳng ra Hoàng Sa để mưu sinh. Hoàng Sa bao đời nay là của chúng tôi chứ có phải của TQ đâu”.
Thuyền trường tàu cá ĐNa 90152 Đặng Văn Nhân cũng bức xúc nói: “Lệnh cấm đánh bắt cá của nhà nước TQ trên vùng biển Hoàng Sa là rất vô lý. Bởi đó là vùng biển bao đời nay của Việt Nam. TQ không có quyền nghiêm cấm ngư dân Việt Nam. Họ cấm là việc của họ, còn chúng tôi vẫn tiếp tục ra Hoàng Sa đánh bắt”.
Trước sự chứng kiến của các học giả và giới truyền thông quốc tế, thuyền trưởng Đặng Văn Nhân đã kể lại hành trình đầy hãi hùng cùng các thuyền viên trên tàu các ĐNa 90152 khi đối phó với tàu của TQ. “Từ bao đời nay chúng tôi đánh bắt cá có sai trái gì đâu. Ông cha tôi đánh bắt ở đó, giờ đến lượt chúng tôi đánh bắt. Sao TQ lại có thể hành xử như vậy được? Chúng tôi đâu có xâm phạm vùng biển của TQ mà họ lại chạy tới vùng biển của Việt Nam rồi đâm chìm tàu chúng tôi” - thuyền trưởng Đặng Văn Nhân nói.
Bà Hoa cũng thông báo với học giả và phóng viên quốc tế rằng gia đình bà và Hội Nghề cá TP Đà Nẵng đang gấp rút hoàn thành hồ sơ để khởi kiện tàu cá TQ đã đâm chìm tàu của mình.
Sau khi nghe các ngư dân trình bày, các học giả quốc tế đã vô cùng bất bình trước hành động tấn công tàu cá ngư dân Việt Nam của tàu TQ. Một cuộc quyên góp tiền để giúp đỡ gia đình bà Hoa nhanh chóng diễn ra ngay tại hiện trường con tàu ĐNa 90152 vừa được trục vớt và nhắn nhủ gia đình bà cùng các ngư dân tiếp tục yên tâm ra khơi.
Chủ Nhật, ngày 22/6/2014 - 02:45
LÊ PHI
No comments:
Post a Comment