Monday, June 23, 2014

Thủy điện xả lũ đúng, dân chết sai quy trình?



(Tin tức thời sự) - Bộ Công thương cần dũng cảm thừa nhận trách nhiệm trong phê duyệt chỉ nghĩ tới lợi ích của thủy điện mà đẩy dân hạ du vào thế khó.

GS - TSKH Nguyễn Ngọc Lung lên tiếng trước thực tế hàng ngàn héc-ta lúa hè thu chịu cảnh chết cháy, nông dân cắt lúa điếc cho bò. Trong khi đó, lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định, thủy điện miền Trung không có khả năng chống lũ, lũ xả đầu dân đúng quy trình...
Bộ Công thương chỉ vì lợi ích của thủy điện
Xét về chức năng, các nhà máy thủy điện cỡ vừa và cỡ lớn phải có chức năng chống lũ thông qua hệ thống hồ chứa và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xả lũ.
Hồ chứa, giống như một trương mục tiết kiệm ở ngân hàng để cất giữ tiền dư cho những lúc thiếu hụt, hồ chứa dùng để tích trữ lượng nước thừa trong mùa mưa lũ và sử dụng khi cần thiết trong mùa khô hạn.
Thủy điện miền Trung không có khả năng chống lũ
Thủy điện miền Trung không có khả năng chống lũ
Ngoài tích nước cho thủy điện phát điện, hồ chứa còn nhiệm vụ điều tiết nước, cung cấp nước cho nông nghiệp, chống lũ...
Bất kỳ một hồ chứa lớn nào, không nhiều thì ít, cũng có khả năng điều tiết dòng nước bằng cách tích nước dư thừa trong mùa mưa để tăng cường dòng chảy trong mùa khô hạn.
Tuy nhiên lợi ích cục bộ của một nhà máy thủy điện đôi lúc mâu thuẫn với chức năng căn bản của một hồ chứa. Ví dụ trong mùa khô hạn nhà máy có thể quyết định ngưng phát điện trong một thời gian nào đó (nghĩa là không xả nước về hạ lưu) vì nhiều lý do khác nhau. Tương tự trong mùa lũ nhà máy có thể giữ mực nước hồ cao (để tăng công suất phát điện) do đó làm giảm khả năng điều tiết lũ của hồ chứa.
Và đứng trước thực tế đã có 41 người chết, 5 người mất tích và 74 người bị thương do mưa lũ.
Mưa lũ cũng làm đổ, sập, trôi 410 ngôi nhà; tốc mái, hư hỏng 1.271 ngôi nhà và ngập 425.573 ngôi nhà. Đó là chưa kể về những hậu quả sau này khi lũ đã cuốn sạch giống lúa, rau màu, cây trồng vật nuôi trong trận lũ cuối năm 2013.
Dân mất trắng, oán trách, địa phương đòi truy trách nhiệm, bồi thường lúc này Bộ Công thương mới vội vàng tổ chức đi rà soát, đánh giá rồi đưa ra kết luận "thủy điện miền Trung chỉ có khả năng giảm cắt lũ mà không có khả năng phòng chống lũ".
Đây là một phát ngôn thiếu trách nhiệm. Điều này chứng tỏ, Bộ Công thương khi phê duyệt thủy điện đã không xem xét quyền lợi của xã hội một cách toàn diện, mà chỉ đặt lợi ích của thủy điện lên trên.
Ngay cả một quy trình vận hành xả lũ được soạn ra cũng là vì thủy điện. Chỉ vì bảo vệ quyền lợi của các thủy điện mà bất chấp dân vùng hạ du sẽ gặp nguy hiểm họ vẫn xả.
Thông thường trong một hệ thống thủy điện bậc thang, vì dung tích các hồ chứa cũng như công suất thủy lực của các nhà máy không đồng bộ (mismatched) nên việc vận hành cần được phối hợp chặt chẽ mới có thể đạt hiệu quả cao nhất cho cả hệ thống.
Khi các nhà máy nằm trên một con sông thuộc về những chủ nhân khác nhau thì vấn đề phối hợp hàng ngày sẽ khó khăn hơn, tuy nhiên khi điều tiết chống lũ cho hạ lưu thì vấn đề phối hợp trở thành bức thiết. Bộ Công thương phải là người đứng ra làm việc này.
Chỉ có một quy trình khách quan, công bằng mới bảo đảm rằng không một nhóm lợi ích nào được hưởng lợi một mình trên tài sản công.
Nhưng mọi lý lẽ gần như bất lực, dân lên án - thủy điện khẳng định xả lũ đúng quy trình, lũ là tại ông trời. Nghĩa là hơn 40 người chết trong mùa lũ vừa qua là cái chết không đúng quy trình.
Dũng cảm nhận sai
Vậy tại sao lại có sự tồn tại bất hợp lý này, trách nhiệm thuộc về ai?
Toàn tỉnh Quảng Nam hiện có 42 dự án thủy điện đã được phê duyệt với tổng công suất gần 1.600 MW, cung cấp lượng điện bình quân gần 6,3 tỷ Kwh/năm, trong đó có 15 công trình thủy đã phát điện.
Thủy điện đã tác động đến gần 3.300 hộ dân, trong đó 1.760 hộ buộc phải di dời, tái định cư do bị ngập trong vùng lòng hồ và khu vực xây dựng các hạng mục công trình thủy điện.
Cùng với đó, hàng ngàn héc-ta lúa hè thu của nông dân vùng hạ du từ Quảng Nam- Quảng Ngãi, Đà Nẵng, tới Tây Nguyên rơi vào tình trạng lúa cháy khô, cây trồng khát nước...
Trên 25ha lúa thuộc cánh đồng Gia Trà đã không thể trổ bông vì thiếu nước. Thay vì gặt lúa thu hoạch, số lúa này dân phải cắt cho bò ăn. Nguyên nhân là do thủy điện tích nước để phát điện.
Dù Bộ Công thương có bao che cho thủy điện thì dư luận ai cũng nhìn thấy. Tôi cho rằng, Bộ Công thương cần có bản lĩnh thừa nhận trách nhiệm trong phê duyệt quy hoạch thủy điện vì lợi ích của thủy điện nên mới dẫn tới hậu quả như vậy.
Nếu Bộ Công thương dũng cảm thừa nhận trách nhiệm, dư luận sẽ tạo điều kiện cho họ sửa sai.
Tuy nhiên, Bộ Công thương thay vì nhận lỗi lại loanh quanh phủ nhận, bênh vực  thủy điện, Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm, không thể đẩy trách nhiệm cho người dân.
Trước đây, không có thủy điện người dân không bị chết nhiều, nông nghiệp không phải hứng chịu thiệt hại nặng nề như vậy.
Cái này là do Bộ Công thương khi phê duyệt thủy điện chỉ nghĩ tới lợi ích của một nhóm người, vì quyền lợi của thủy điện mà bất chấp tất cả mối nguy cho người dân.
Các dự án thủy điện cần được quy hoạch và thiết kế dựa trên nguyên tắc sử dụng tài nguyên nước có hiệu quả nhất cho toàn xã hội, trong đó vấn đề tác động môi trường cần được nghiên cứu nghiêm túc để bảo đảm rằng các thế hệ tương lai không phải trả giá cho phát triển kinh tế hiện tại.
Các nhà máy thủy điện phải được vận hành cho lợi ích của toàn xã hội, trong đó mục đích phát điện phải cân bằng với những lợi ích công cộng khác.
Nếu một hồ chứa thủy điện mang lại lợi ích hàng tỉ đồng cho công ty phát điện nhưng làm thiệt hại hàng tỉ đồng khác vì phá rừng, lũ lụt, ảnh hưởng xấu lên môi trường, v.v.. thì rõ ràng dự án thủy lợi này sẽ không có lợi mà chỉ có hại trên bình diện quốc gia hay khu vực.
Lam Lam

No comments:

Post a Comment