(Bảo vệ người tiêu dùng) - Thương lái đã hô biến mít xanh thành mít chín, bảo quản,sơ chế hải sản nhờ những tuýp hóa chất từ Trung Quốc.
Các sản phẩm như quần áo, khăn bày bán trên thị trường có xuất xứ từ Trung Quốc cũng lúc nhúc dòi bọ. Là những sự việc được báo chí phản ánh trong tuần qua.
Ép mít chín bằng cách bơm hóa chất Trung Quốc
Mùa mít ở các tỉnh phía Bắc chưa bắt đầu nhưng trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn từ Thanh Hóa ra Hòa Bình có rất nhiều những điểm bán mít đã chín. Hầu hết mít chín được bán dọc tuyến đường này đều là mít non được bơm thuốc kích thích của Trung Quốc.
Trên tờ Lao động, một chủ buôn mít tên Huy tại đây cho biết, chỉ cần dùng một lọ hóa chất xuất xứ từ Trung Quốc bơm trực tiếp vào quả thì trưa nay bơm tối mai chín.
Để minh chứng lời mình nói, Huy hướng dẫn: Mỗi quả mít chỉ cần cho vài giọt này thì chỉ 2 ngày sau là chín hết. Khi đã quen, mình muốn lấy mít chín vào ngày nào thì căn liều lượng.
Ví dụ, muốn nhanh chín để nguyên lọ nhỏ vài giọt vào, còn muốn lâu hơn thì pha loãng ra. Nói rồi, Huy ngồi xuống làm luôn. Huy lấy dao cắt vỏ lọ thuốc, rồi cắt sâu cuống mít 2-3cm, sau đó nhỏ vài giọt hóa chất vào cuống. Sau đó, Huy lấy nilon bọc kín cuống lại.
Hóa chất Trung Quốc làm mít non chín siêu tốc - Ảnh: Zing |
Huy cũng cho biết, khi nhỏ hóa chất phải cẩn thận, đeo găng tay. Nếu để hóa chất rớt vào tay thì chỉ có cháy tay. Hơn nữa, việc bơm hóa chất vào mít phải đúng liều lượng.
Nếu cho nhiều quá, mít chín nhanh có thể bị hư; bơm ít, mít chín không đều sẽ bị đắng và sượng. “Trước đây chưa có thuốc, cứ phải chờ chín mới bán được nên mất giá. Có thời điểm chỉ 2.000 đồng/kg, cả quả mít to như cái thúng cũng chỉ bán được hơn 20.000 đồng.
Bây giờ có thuốc làm đỡ tốn công, gọn nhẹ, hơn nữa, chỉ làm đầu mùa nên được giá. Như hiện tại giá bán là 15.000 đồng/kg. Tính ra, mỗi quả mít lên tới cả trăm ngàn đồng, có quả còn hơn.
Việc bơm hóa chất không chỉ được thực hiện bởi các thương lái mà các chủ vựa mít ở tỉnh như Đắk Lắk nơi được xem là thủ phủ cung cấp trái cây, mít cho nhiều địa phương cả nước cũng áp dụng phương thức này.
Thay vì làm theo cách thông thường, những trái mít già khi hái xuống sẽ được đóng cọc vào cuống, phơi nắng hoặc ủ để chín tự nhiên những vựa mít được bơm hóa chất trực tiếp vào trái, ép chín siêu tốc.
"Muốn làm mít chín nhanh phải có bí kíp. Dùng thuốc này không tốn công, muốn bao nhiêu mít chín cũng có. Sau khi dùng dùi nhọn đâm vào trái, chỉ cần bơm 2 - 5cc thuốc tùy trái lớn hay nhỏ, muốn chín nhanh thì bơm nhiều hơn. Ngày hôm sau bảo đảm trái chín đều, không sượng”, bà Hoa - chủ cơ sở chế biến mít tại Đắk Lắk nói.
Mực tươi sủi bọt như xà phòng tắm
Trong tuần qua, báo chí phản ánh trường hợp chị Linh Giang (Phúc Yên, Vĩnh Vĩnh) mua mực tại chợ, trong lúc sơ chế mực, càng rửa càng thấy nước đục ngầu, sủi bọt như xà phòng tắm.
Chị Giang bức xúc: “Chỗ mua là người quen thân, quảng cáo là mực tươi ngon, mình to, dầy, 4 con 1 kg. Vậy mà mua về rửa mãi vẫn không hết nhớt, nước lại đục và sủi bọt như xà phòng, cảm thấy không yên tâm nên tôi đành vứt bỏ".
Chị Linh Giang mua phải mực bị nghi đã ngâm hóa chất tại chợ Phúc Yên, Vĩnh Phúc (ảnh do nhân vật cung cấp) |
Chung cảnh ngộ với chị Giang, chị Phạm Thu Huệ (Hoàng Mai, Hà Nội) kể lại cũng có lần mua ở chợ cóc loại mực rửa ra nước đục ngàu như nước gạo, nhầy nhớt sủi bọt. “Xào lên ăn miếng đầu tiên thấy dai nhẳng, không nuốt nổi, tôi sợ quá đổ nguyên cả đĩa".
Theo tìm hiểu của PV từ một số dân buôn hải sản tại Hà Nội, nguồn mực trên có thể đã bị ngâm ôxy nước. Người khỏe mạnh nếu uống nhầm dù chỉ một chén nhỏ nước ngâm mực này nếu không cấp cứu kịp thời sẽ tử vong.
Anh Hoàng Hòa - dân biển chuyên buôn tôm mực Nam Định - Hà Nội cho biết, mực ngâm hóa chất Trung Quốc hiện bán lẻ tại các chợ giá rất rẻ, chỉ 105.000/kg trong khi mực của dân đi biển bán trực tiếp cho khách giá rẻ nhất cũng 230.000/kg.
Không chỉ mực, các loại hải sản như ngao, tôm, cá, cua từ khâu nuôi trồng đến khi sơ chế đưa ra thị trường cũng dều được tiêm chích hóa chất cấm
Áo ngực, khăn tắm lúc nhúc dòi bọ
Tuần vừa qua, người tiêu dùng không chỉ khiếp vía với những sản phẩm thực phẩm, hoa quả nhiễm độc, những sản phẩm như quần áo có xuất xứ từ Trung Quốc cũng khiến nhiều người khiếp vía.
Ngày 19/6 vừa qua, chị T.L đã chia sẻ trên trang mạnh xã hội Facebook hình ảnh chiếc áo ngực được mua tại quê với giá 100.000 đồng có xuất xứ từ Trung Quốc khi được ngâm vào nước xuất hiện đỉa con lúc nhúc trong chậu.
Chị T.L chia sẻ: "Mình về quê mua áo ngực ở 1 cửa hàng bán quần áo. Áo ngực này có mốt dày nhưng ko phải là mốt cao su. Mình về giặt ngâm vào nước, không ngờ có 2 con đỉa con lúc nhúc trong thau.
Áo ngực có xuất xứ từ Trung Quốc xuất hiện dòi bọ sau khi ngâm nước |
Nhìn lại, đó là nhãn hiệu Trung Quốc. Người mình rụng rời tay chân. Mất hết tính người rồi...".
Đây không phải là lần đầu tiên sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc khi gặp nước xuất hiện những sinh vật lạ. Vào hồi tháng 3 vừa qua, sự việc sinh vật lạ xuất hiện trong khăn tắm có nguồn gốc Trung Quốc cũng khiến người tiêu dùng lo lắng.
Theo phản ánh của chị Nguyễn Thị Thu Thảo (khu phố 5, phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), khi chị ngâm 4 chiếc khăn tắm mới mua vào xà bông thì phát hiện rất nhiều ấu trùng màu đen bám đầy vào chiếc khăn, bò loằng ngoằng và bơi trong nước như đỉa con.
Theo thông tin ghi trên nhãn mác thì những chiếc khăn này làm bằng chất liệu cotton, có xuất xứ từ Trung Quốc.
Sau khi có thông tin về vụ việc, Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh Đồng Nai đã cử cán bộ đến lấy mẫu sinh trùng. Sau khi xét nghiệm, Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh Đồng Nai khẳng định sinh vật lạ xuất hiện trong những chiếc khăn tắm này là loài côn trùng bù mắt (đang trong giai đoạn ấu trùng) thuộc bộ 2 cánh Diptera, lớp côn trùng Insecta.
Trước đó, hồi đầu năm 2013, bà Nguyễn Thị Phụng (ở thôn Quang Hưng, xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa, Phú Yên) cũng phản ánh đến báo chí về việc xuất hiện một sinh vật lạ giống như đỉa bò lúc nhúc trong bộ quần áo nữ mới mua ở chợ của bà. Bộ quần áo này nghi là hàng Trung Quốc vì không hề có nhãn mác, xuất xứ.
Theo mô tả, khi ngâm bộ đồ mới trong nước có xà phòng khoảng 15 phút, bà Phụng phát hiện nhiều đốm nhỏ màu trắng nổi lên trên mặt vải. Tiếp tục ngâm và đến lúc giặt thì bà phát hoảng khi phát hiện có hàng nghìn sinh vật, nhìn giống như đỉa, nhỏ bằng hạt gạo, bò lúc nhúc.
Số sinh vật này càng lúc càng lớn dần và sau đó tiếp tục đẻ trứng sinh sản rất nhanh. Gia đình bà Phụng đã thử dùng dầu hỏa để đốt, thậm chí ngâm những sinh vật này trong thuốc diệt cỏ, nhưng chúng vẫn không chết và tiếp tục sinh sản.
Hà Anh (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment