Monday, June 23, 2014

Nhật Bản và Trung Quốc – Kẻ thù không đội trời chung

Học viện Quốc phòng Nhật Bản nằm thơ mộng ở bên trên Vịnh Tokyo. Lực lượng lãnh đạo quân đội của Nhật Bản được đào tạo ở đây. Sếp học viện từ tháng Tư 2012 là Ryosei Kokubun. Ryosei Kokubun không phải là nhà binh, mà là người dân sự, trước đó, ông là giáo sư của đại học nổi tiếng Keio.


Ông Ryosei Kokubun

Nổi bật trong cuộc trao đổi với ông thường là câu nói ngắn gọn: “We have to be prepared.” Chúng tôi phải chuẩn bị sẵn sàng. Cho điều gì? Ông không buộc phải nói ra và cũng không nói ra. Như thế cũng đã rõ là ông muốn nói gì: Chúng tôi phải chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc xung đột quân sự với Trung Quốc. Đó là một con bồ câu nói, vì Kokubun không thuộc phe diều hâu ở Nhật.
Đó là một quan hệ khó khăn giữa Trung Quốc và Nhật Bản, có lẽ là quan hệ khó khăn nhất mà Trung Quốc có với một đất nước khác. Từ quan điểm của Trung Quốc thì các lý do đã rõ: Không có nước nào khác đã gây hại cho Trung Quốc nhiều hơn là Nhật Bản. Điều đó bắt đầu với một chiến bại trong Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ Nhất 1894/95 mà hậu quả của nó là vùng Mãn Châu, phần Đông Bắc của Trung Quốc, thuộc Nhật, và tiếp tục với cuộc Chiến tranh chống Nhật – tên chính thức của Trung Quốc – từ 1937 tới 1945 mà trong đó người Nhật đã tàn phá Trung Quốc nặng nề.

Điều mà người Trung Quốc lên án đúng về người Nhật là sự việc, rằng họ chưa từng bao giờ xin lỗi xứng đáng với những hành động tàn ác trong cuộc Chiến tranh chống Nhật. Đặc biệt là cuộc thảm sát Nam Kinh mà người Nhật trong mùa Đông 1937/1938 đã giết chết trên 200,000 (phiên bản Nhật) hay trên 300,000 người Trung Quốc (cách đếm của Trung Quốc).

Vì vậy, chính vì là người Đức mà người ta thường hay nghe được lý lẽ: Người Đức các anh đã xin lỗi một cách gương mẫu cho các tội phạm của các anh trong Đệ nhị Thế chiến ở các nạn nhân. Tại sao người Nhật lại không thể làm được việc đó?

Vì vậy mà phải mất một thời gian dài, cho tới khi các quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật bản được bình thường hóa một ít. Mãi tới tháng Mười Hai 1972 – nối tiếp theo lần nhích lại gần nhau Mỹ-Trung – quan hệ ngoại giao mới được thiết lập. Rồi tiếp theo sau đó trong mùa Hè 1978 là một hiệp ước hòa bình và hữu nghị.

Thế nhưng tiếp theo những dấu hiệu tốt đẹp này lại là một sự hoán chuyển liên tục giữa tiếp cận và xa lánh, tùy theo người nào nắm quyền ở Tokyo.

Nắm quyền từ cuối 2012 là Shinzo Abe, một nhà dân chủ tự do có hơi hướng quốc gia mà trong chính phủ của ông có 14 thành viên của một hội ủng hộ đền Yasukuni, nơi ngoài những người khác, các tội phạm chiến tranh Nhật Bản được thờ phụng. Các động thái đầu tiên sau khi tiếp nhận chức vụ đã xác nhận tiếng tăm là người thuộc phe cứng rắn của ông. Ông muốn nâng ngân sách quốc phòng – lần đầu tiên sau mười một năm – lên. Chuyến ra nước ngoài đầu tiên dẫn ông sang Việt Nam, Thái Lan và Indonesia, để tranh thủ đồng minh chống Trung Quốc. Và ông muốn cắt xén điều 9 nổi tiếng của hiến pháp nước này, điều tuyên bố nước Nhật là một quốc gia yêu chuộng hòa bình và lệnh cho các lực lượng quân đội Nhật phải kiềm chế mình ở bên này của biên giới.
 

Chính điện của Đền Yasukuni. Hình: Wikipedia

Nhưng từ trước khi Abe tiếp nhận chức vụ thì Tokyo cũng đã rời bỏ từng bước vị trí hòa bình của mình, cái mà các lực lượng chiến thắng đã ép buộc sau chiến bại của nước Nhật trong Đệ nhị Thế chiến. Chính một trong các lực lượng đó – Hoa Kỳ – bây giờ lại là động lực chính thúc đẩy cho việc Nhật Bản lại hoạt động mạnh hơn về quân sự. Dù người Mỹ và người Nhật có len lách như thế nào đi chăng nữa thì cũng rõ là sự định hướng mới này nhắm tới ai: chống Trung Quốc.

Các tuyên bố và động thái của những năm vừa rồi nói một ngôn ngữ rõ ràng. Điều đó bắt đầu với bề ngoài. Cả một thời gian dài, ở Tokyo không có một bộ quốc phòng. Cơ quan này có tên là National Safety Agency. Mãi tới 2007, cơ quan mới được nâng cấp lên thành một Ministry of Defense đầy đủ. Rằng chính sách an ninh có một giá trị mới, điều này cũng thể hiện ở việc một Hội đồng An ninh Quốc gia theo kiểu mẫu Hoa Kỳ đã được thành lập.

Trong những năm vừa qua, Hải quân và Không quân cũng được tăng cường vũ trang. Bây giờ nước Nhật có rất nhiều trang thiết bị quân sự hơn là cần thiết để bảo vệ. Và việc tăng cường vũ trang vẫn được tiếp tục. Con số tàu ngầm sẽ được tăng từ 16 lên 22 trong những năm tới đây. Đó là lần mở rộng hạm đội đầu tiên từ 34 năm nay. Ngoài ra, người Nhật mua chiến đấu cơ F-35 từ người Mỹ và lên kế hoạch chế tạo một loại máy bay ném bom tàng hình riêng mà chuyến bay đầu tiên của nó được dự định vào năm 2014. Khẩu hiệu: nếu người Trung Quốc có một chiếc thì chúng ta cũng cần một chiếc.

Rằng Trung Quốc dứt khoát là kẻ thù mới của nước Nhật, điều này đã rõ chậm nhất là trong tháng Mười Hai 2010. National Defense Program Guidelines (NDPG) được công bố lúc đó thay thế cho cái cũ của năm 2004. Thông điệp chính là: tất cả ba binh chủng (hải lục không quân) chuyển người và vật liệu từ Bắc (nơi trước đây trong thời Chiến tranh Lạnh lần thứ nhất người ta chờ đợi địch thủ Nga) sang Tây Nam (nơi trong thời của cuộc Chiến tranh Lạnh lần thứ nhì người ta chờ đợi địch thủ Trung Quốc).

Mùa Hè 2012, chính phủ đổ thêm dầu vào lửa, khi họ đưa ra một quyển sách trắng mới về quốc phòng. Trong lần giới thiệu nó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thời đó Satoshi Morimoto đã tấn công Trung Quốc một cách hết sức phi ngoại giao và đả kích việc họ nâng cao ngân sách quốc phòng liên tục và nhanh chóng hiện đại hóa quân đội của họ. “Trung Quốc mở rộng hoạt động của họ trong các vùng biển gần Nhật Bản và tăng cường chúng”, Morimoto lên án và đồng thời bảo đảm: “Liên minh với Hoa Kỳ là cột trụ trung tâm của chính sách an ninh quốc gia chúng ta.”

Trong những năm vừa qua, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã nhích lại gần nhau. Từ nhiều năm nay, trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, người Mỹ đã thúc giục người Nhật hãy cộng tác nhiều hơn nữa.  Họ muốn có một sự điều hợp chặt chẽ hơn nữa giữa hai quân đội. Yêu cầu của họ ngày này được lắng nghe. Lần đầu tiên đã có một cái gì đó giống như phân chia lao động giữa hai quân đội.
 
Diễn tập quân sự Mỹ-Nhật trong tháng 12 năm 2010

Nhưng không chỉ quan hệ giữa quân đội Mỹ và Nhật là được tăng cường. Guidelines được ban hành năm 2010 cũng dự định có những tiếp xúc quân sự mật thiết của Nhật với Hàn Quốc, Úc, các nước ASEAN và Ấn Độ. Ở Tokyo thì đó không phải là điều bí mật, rằng người Mỹ đã ép buộc người Nhật đi vào những liên minh như vậy, nhiều hay ít nhẹ nhàng.

Đặc biệt, đối tác chiến lược với Ấn Độ được tăng cường. Nó được khoác lên bởi những từ ngữ lớn lao: Đó là một sự hợp tác của nền dân chủ lớn nhất thế giới (Ấn Độ) với nền dân chủ lâu đời nhất châu Á (Nhật Bản). Thật ra thì đó là một phản xạ hoàn toàn bình thường vì Trung Quốc. “Lần trỗi dậy của một Trung Quốc ngày càng tự tin hơn đã tăng tốc cho sự hợp tác Nhật-Ấn”, chuyên gia chính trị Ấn Độ Brahma Chellanex nói.

Quân đội Nhật Bản và Ấn Độ thời gian sau này tập trận chung trên đất liền và trên biển. Cũng như giữa Nhật và Úc, đã có những cuộc gặp gỡ thường xuyên của các bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Quốc phòng hai nước, những cái được gọi là đối thoại 2+2. Và từ tháng Mười Hai 2011 cũng tồn tại một đối thoại tam phương giữa Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Có thành hình một trục mới Washington-Tokyo-New Delhi không? Các liên minh này và việc Nhật Bản tăng cường vũ trang chắc chắn là không làm giảm các căng thẳng giữa Nhật Bản và Ấn Độ. Còn ngược lại: “Khả năng của một xung độ quân sự giữa Trung Quốc và Nhật Bản dường như không còn cách xa như người ta nghĩ lâu nay”, Susan Shirk, nữ chuyên gia về Trung Quốc tại University of California ở San Diego.

Quan hệ giữa hai láng giềng rất mỏng manh. Có những mối hận thù sâu đậm mà cả hai dân tộc có với nhau và cũng được vun xới như thế nào đó. Người ta đơn giản là không ưa nhau. 84% người Nhật nói rằng họ có một ấn tượng xấu về Trung Quốc. Ngược lại, tuy 'chỉ' là 64,5%, nhưng đối với phần lớn người Trung Quốc thì người Nhật là 'quỷ dữ'.

Trước tình cảnh này thì không cần phải xảy ra nhiều điều, và rồi tình hình sẽ leo thang căng thẳng. – Như tại các tranh chấp vì một vài hòn đảo ở biển Hoa Đông.

Phan Ba trích dịch từ “Der nächste Kalte Krieg: China gegen den Westen” ("Cuộc Chiến tranh Lạnh kế tiếp - Trung Quốc chống Phương Tây")

06-23-2014 12:24:36 PM
Wolfgang Hirn

No comments:

Post a Comment