Một bếp ăn công nhân trong khu công nghiệp ở Bình Dương.-RFA
Sau cuộc biểu tình đầy lửa, bạo động và hôi của mà theo đánh giá của nhiều người, cuộc biểu tình cùng với nhiều nhóm đầu gấu mặc sức phá phách như giữa chốn không người này có nhiều vấn đề để đặt câu hỏi, đời sống của công nhân ở các khu công nghiệp Bình Dương bị tác động nặng nề. Điều đáng nói ở đây là sự tác động này không thiên về vấn đề kinh tế mà nghiêng hẳn sang chiều hướng tâm lý.
Sẽ làm việc trở lại…
Một nữ công nhân tên Loan, làm việc tại một công ty của người Trung Quốc trong khu công nghiệp Sóng Thần, chia sẻ: “Nó đốt với lại nó đập nát bét luôn a. Một số công nhân thì ở nhà chờ, còn một số công nhân thì về quê chứ biết sao. Mấy công ty khác cũng của Trung Quốc nó đốt không còn gì luôn a, còn lâu mới phục hồi được, công ty bị đập phá thì còn có thể chứ mấy công ty bị đốt cháy thì… Đốt xong còn bị hôi của nữa mà, họ ôm laptop, vi tính, nói chung là lấy hết đồ luôn, không còn gì luôn. Công nhân một số bị ở ngoài xúi giục, bị mua chuộc ấy. Trung Quốc nó thuê mình, nó tự đốt rồi đổ thừa Việt Nam mình.”
Theo chị Loan, kể từ sau cuộc biểu tình khá ôn hòa của giới công nhân, lao động và liền sau đó là hết sức bạo động của một nhóm người được cho là cầm đầu, phá phách, đốt cháy kho bãi, văn phòng, lục lọi máy tính và hôi của ở các nhà máy của người nước ngoài trong khu công nghiệp Sóng Thần, đến nay, mọi người vẫn chưa kịp định thần. Và nếu như những ngày đầu, nỗi lo của công nhân là sợ mất việc làm, thất nghiệp dài dài thì đến nay, nỗi lo không phải là vấn đề thất nghiệp, thiếu đói mà là vấn đề an ninh.
Chị Loan nói thêm, về chuyện thất nghiệp, hầu như tất cả mọi công nhân làm ở các khu công nghiệp Bình Dương đều quen với cảm giác bị thất nghiệp vài tuần, vài tháng, thậm chí cả nửa năm vì công việc ở đây không ổn định, mức lương cũng bấp bênh, không đủ sống. Chính vì thế, các công nhân luôn chuẩn bị cho mình một công việc dự bị, chẳng hạn như đi bán trái cây ngoài chợ, đi bán vé số hoặc đi buôn một thứ hàng vừa phải, ít vốn, thậm chí, không ngoại trừ chuyện công nhân nữ tranh thủ đi bán dâm trong thời gian thất nghiệp.
"Mấy công ty khác cũng của Trung Quốc nó đốt không còn gì luôn a, còn lâu mới phục hồi được, công ty bị đập phá thì còn có thể chứ mấy công ty bị đốt cháy thì… Đốt xong còn bị hôi của nữa mà, họ ôm laptop, vi tính, nói chung là lấy hết đồ luôn, không còn gì luôn. -Cô Loan
Chính vì quen với thất nghiệp nên khi có biến cố như cuộc biểu tình ngày 13 tháng 5 vừa qua, các công nhân đều chuẩn bị tinh thần đi kiếm việc làm ở công ty khác hoặc tranh thủ về quê thăm gia đình, phụ người thân làm ruộng, làm vườn hoặc ra chợ buôn bán trái cây. Tuy nhiên, đa số các công ty bị thiệt hại vừa qua đều có thông báo cho công nhân, họ sẽ đi làm lại vào thứ Hai tuần sau, tức là ngày 19 tháng 5 này.
Vấn đề hiện tại làm các công nhân lo lắng là không biết rồi đây các đầu gấu sẽ làm trò gì nữa một khi họ từng vào các công ty kêu gọi biểu tình rồi đập phá ngay trước mặt các công an, cảnh sát cơ động. Điều này cho thấy họ có một thế lực nào đó che chở. Mà đáng sợ hơn cả là theo nhiều đồng nghiệp của chị Loan chứng kiến thì ở một số công ty, vừa mới bị đập phá bên ngoài nhưng bên trong, hoặc là chính chủ công ty, hoặc là những bảo vệ thân tín của giới chủ tự tay phóng hỏa để đốt công ty.
Loan nói rằng chị không hiểu họ làm vậy với ý đồ gì, mục đích gì. Nhưng chắc chắn là sự việc bị đẩy đến chỗ căng thẳng và thiệt hại sẽ bị nâng lên mức báo động đỏ. Đặc biệt, một khi lửa cháy, công ty bị đốt và nếu như có người Trung Quốc bị đánh, sẽ làm cho tình hình thêm xấu đi. Biết đâu, Trung Quốc sẽ dựa vào cái cớ là giải cứu công dân của nước họ mà mang quân vào Việt Nam. Có lẽ vì sợ chuyện này nên Loan luôn cảm thấy các khu công nghiệp ở Bình Dương là mối bất an đối với giới lao động.
Một nữ công nhân khác, người được nhiều bạn bè của cô cho biết là đã chứng kiến ông chủ người Đài Loan tự tay châm lửa đốt kho chứa hàng, vì lúc đó cô vừa tan ca, bị đau bụng nên về muộn hơn các bạn đồng nghiệp và đã nhìn thấy tất cả. Khi nghe chúng tôi yêu cầu kể lại những gì nhìn thấy, cô sợ hãi, từ chối: “Em cũng chưa biết nữa, hôm công ty bị thì em đi nằm viện. Sang thứ hai thì nhiều công ty đi làm lại, chỉ có mấy công ty bị nặng thì tới ngày 26/5 mới có thông báo chính thức. Mấy ngày nay em thấy ai cũng la rằng không tiền đóng tiền trọ, tiền ăn tiền uống, tại lương công nhân đã thấp rồi, tháng lãnh có ba triệu mấy mà giờ nghỉ cả tuần. Công ty em, tụi em tới thì thấy cổng đi vào văn phòng, cửa kiếng và phòng bảo vệ bị đập.”
Bất an và lo lắng chiến tranh
Sau khi tìm hiểu tình hình đời sống công nhân ở các khu công nghiệp Bình Dương kể từ sau cuộc biểu tình ngày 13 tháng 5, chúng tôi đều nhận chung một kết quả là đời sống của người lao động ở đây chưa có vấn đề gì đáng lo ngại về mặt kinh tế. Nghĩa là tuy đã ngưng công việc một tuần và thời gian ngưng việc có thể không có lương nhưng các công nhân không cảm thấy lo ngại bởi vì chuyện thất nghiệp vốn rất thường xuyên kể từ sau Tết nguyên đán đến nay. Chỉ có sự bất an là bao trùm các khu nhà trọ.
Một nam công nhân tên Nguyên, chia sẻ: “Ngoài mặt tiền thì bị đập hết. Mấy hôm nay thì công ty ngừng hoạt động, tới thứ hai mới hoạt động lại, từ bữa đình công tới giờ chưa có hoạt động lại. Thì cũng phải làm đại thôi chứ biết sao giờ.”
Theo anh Nguyên, hầu như mọi công nhân trong công ty anh làm việc đều theo dõi sát sao tình hình trên Biển Đông, bởi vì tình hình biển Đông không những liên quan đến rất nhiều người đang làm việc tại các công ty do người Trung Quốc làm chủ mà đó còn là vấn đề quốc gia, dân tộc. Nếu như có chiến tranh xảy ra, không những anh và bạn bè bị mất việc, bị chủ quỵt tiền lương mà ngay cả mạng sống của mọi người cũng có nguy cơ bị xâm hại. Với anh, không có gì làm con người mau chết hơn chiến tranh. Mà với tình hình căng thẳng hiện tại, chiến tranh rất có thể xảy ra.
Chính vì hoang mang chiến tranh, mất nước, hầu như giới lao động ở các khu công nghiệp không còn tha thiết mấy với công việc bởi vì họ là những người khổ nhất trong bất kì hạng mục hay ngành nghề nào nhưng họ lại chịu thiệt thòi sớm nhất mới khi có biến cố không tốt. Ví dụ như chiến tranh Việt – Trung nổ ra, sẽ có rất nhiều người bị mất việc, mất tiền lương và không biết chạy về đâu bởi họ không có nhà cửa, ngay ở quê nhà, nhà cửa của cha mẹ họ cũng tạm bợ, chỉ cần một viên đạn xuyên nhẹ qua vách tường mỏng cũng đủ mang đến tang tóc.
Và, hầu hết giới lao động vẫn chưa hết bàng hoàng, không hiểu vì sao có nhiều ông chủ người Trung Quốc lại sẵn sàng tự tay phóng hỏa đốt cơ nghiệp của họ. Họ làm như vậy với ý gì?!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/labors-life-work-4-cn-co-in-bd-05202014092709.html/TTVN05202014.mp3/inline.html
No comments:
Post a Comment