Mặc dù Indonesia nằm rất xa Trung Quốc và tưởng chừng hai nước này không thể nào có tranh chấp về biển đảo nhưng với đường lưỡi bò, yêu sách của Trung Quốc đã chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở quần đảo Natuna của nước này.
Theo giáo sư Carlyle Thayer (thuộc Học viên Quốc phòng Australia) trả lời trên báo Thanh Niên thì từ năm 2009, các tàu chấp pháp của Indonesia đã va chạm rất nhiều lần với các tàu của Trung Quốc. Tuy vậy Jakarta chọn cách phản ứng lặng lẽ, không để các thông tin va chạm này đến tai công chúng.
Tuy nhiên phương án đó của Indonesia tỏ ra không thích hợp vì Trung Quốc ngày càng gia tăng các hành động nhằm biến đường lưỡi bò phi lý thành hiện thực. Bước đi mới nhất của Trung Quốc là cho hàng chục tàu hộ tống một giàn khoan nước sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ngoại trưởng Indonesia - Natalagewa.
Sự kiện này đang gây căng thẳng cho tình hình Biển Đông và cũng căng thẳng cho khu vực. Các nước trong khu vực đều nhìn thấy từ hành động này một mối nguy hiểm cho an ninh khu vực nói chung và an ninh của chính nước mình.
Đối với Indonesia, sự kiện này như một hồi còi báo động. Nó chỉ ra một logic rằng Trung Quốc sẽ không từ bỏ dã tâm độc chiếm Biển Đông theo bản đồ đường lưỡi bò. Và do vậy sớm muộn gì Trung Quốc cũng sẽ nhắm đến Indonesia.
Từ sự kiện giàn khoan, các tiếp cận vấn đề Biển Đông của Indonesia đã bắt đầu thay đổi. Người Indonesia đã bắt đầu lên tiếng. Hôm 19/5, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa lên tiếng kêu gọi các bên liên quan đến vấn đề biển Đông cần tăng cường đối thoại để giải quyết vấn đề. Đáng lưu ý, vị Ngoại trưởng này đã nói rằng các nước trong khu vực đều đang cảm thấy sức nóng của cuộc khủng hoảng. Điều đó có nghĩa là Chính phủ Indonesia đang cảm nhận sâu sắc mối nguy hiểm từ điểm nóng giàn khoan.
Một ngày sau, trả lời phỏng vấn của Tạp chí tin tức Phố Wall, ông Natalegawa đã phản bác một số quan điểm mà Trung Quốc dùng để biện minh cho hành động leo thang tại Biển Đông. Ông lập luận: Trung Quốc luôn chủ trương giải quyết tranh chấp Biển Đông trên cơ sở song phương và gạt bỏ sự can thiệp của bên thứ ba nhưng những căng thẳng hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc không chỉ là vấn đề song phương mà còn là vấn đề của khu vực cho nên ASEAN có “trách nhiệm đặc biệt”.
Mặt khác Ngoại trưởng Indonesia cũng chỉ ra rằng hành động của Trung Quốc rõ ràng đã vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) trong khi Bắc Kinh thường xuyên cam kết thực thi tuyên bố này. Ông Natalegawa cũng cho biết thêm là Indonesia sẽ can dự mạnh mẽ hơn nhằm giải quyết tình hình căng thẳng trên Biển Đông sau sự kiện giàn khoan.
Hành động thực tế
Trên thực địa, từ đầu năm nay, Indonesia cũng đã tăng cường sự hiện diện quân sự ở quần đảo Natuna của họ. Giải thích cho điều này, Tổng tham mưu trưởng quân đội Indonesia – tướng Moeldoko hồi tháng 2/2014 phát biểu: “Do Natuna nằm ở vị trí chiến lược, nên tăng cường lực lượng trên biển, trên bộ lẫn trên không quanh quần đảo này là cần thiết để lường trước bất kỳ bất ổn nào trên biển Đông và có tác dụng như một hệ thống cảnh báo sớm cho Indonesia và quân đội”.
Quân đội Indonesia cũng đã được đầu tư tăng cường thêm vũ khí. Nước này đang mua 3 tàu ngầm Type-209 của Hàn Quốc, 2 tàu chiến lớp Sigma của Hà Lan, cùng 8 trực thăng AH-64E Apache của Mỹ.
Hải quân Indonesia trong một cuộc tập trận với Australia.
Theo kế hoạch của Jakarta, nửa số trực thăng mới mua sẽ được điều ra căn cứ Natuna. Bên cạnh đó, nước này cũng vừa hoàn thành nâng cấp đáng kể căn cứ không quân Ranai trên đảo Riau đồng thời có kế hoạch nâng cấp đường băng và xây nhà chứa chiến đấu cơ Su-27SK, Su-30MK và máy bay chiến đấu F-16 ở đây để hỗ trợ đảo Natuna khi cần thiết.
Tháng 3 vừa rồi, Indonesia tiến hành cuộc tập trận hải quân mang tên Komodo ở vùng biển quanh tỉnh Riau (bao gồm cả Natuna). Cuộc tập trận có sự tham gia của 17 nước gồm các thành viên ASEAN và các đối tác của khối.
Phát biểu về cuộc tập trận, chuẩn đô đốc Amarullah Octavian, chủ nhiệm cuộctập trận chung, đã không ngần ngại nói thẳng: “Cuộc tập trận này tập trung vào năng lực cứu trợ thảm họa, nhưng chúng tôi cũng lưu ý về lập trường hung hăng của chính phủ Trung Quốc thể hiện qua việc xâm nhập vùng biển Natuna”.
Thêm tin xấu cho Trung Quốc
Những phát biểu của Ngoại trưởng Indonesia gần đây là tín hiệu về sự thay đổi chính sách về Biển Đông của nước này. Mặc dù tháng 7 tới đây Indonesia sẽ tiến hành bầu cử Tổng thống mới nhưng điều này sẽ không ảnh hưởng tới chính sách về Biển Đông vì cả hai ứng cử viên Tổng thống đều mang lập trường không khoan nhượng với Trung Quốc.
Theo Jakarta Post, hai ứng cử viên là ông Widodo và ông Subianto. Ông Widodo hiện là Thị trưởng Jakarta còn ông Subianto vốn xuất thân từ quân đội với quân hàm Trung tướng. Cả hai ứng cử viên này đều được xem là những người có lập trường cứng rắn trong quan hệ với Trung Quốc.
Ông Subianto nổi tiếng với các phát ngôn cứng rắn khiến Trung Quốc không vừa ý trong những năm cuối thế kỷ 20. Ở phía đối thủ, ông Widodo cũng đã lựa chọn ông Jusuf Kalla vào liên danh của mình. Ông Kalla, theo mô tả của Jakarta Post là một người bảo vệ mạnh mẽ những giá trị đạo Hồi và không khoan nhượng trước người Trung Quốc. Năm 2004, ông Kalla trở thành Phó Tổng thống Indonesia sau thắng lợi của ông Yudhoyono (người liên minh với ông Kalla) trong cuộc bầu cử Tổng thống. Như vậy, dù cho phe nào thắng cử thì trong vấn đề đối ngoại với Trung Quốc, Indonesia cũng sẽ có lập trường cứng rắn hơn.
22.05.2014 | 18:56 PM
Trần Vũ
No comments:
Post a Comment