Gây hấn ở biển Đông, Trung Quốc đã mất những gì? Lý Lệnh Hoa cũng thẳng thắn bác bỏ “Đường 9 đoạn” phi lý và phi pháp. Ông viết “Từ xưa đến nay, trên thế giới, không hề có đường biên giới trên bộ hay trên biển...
Chuyên gia về TQ tại ĐH George Washington (Mỹ) David Shambaugh: “TQ đang mất rất nhiều do cách hành xử với láng giềng, thiệt hại to lớn ở khu vực, TG và dư luận QT”.
Tổn thất về mặt ngoại giao
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia cho rằng việc Trung Quốc hung hăng, dọa dẫm Việt Nam trên biển Đông sẽ khiến chính nước này phải chịu tổn thất nặng nề về mặt ngoại giao.
Cùng chung quan điểm này, tờ National Interest (Mỹ) đánh giá, Trung Quốc càng ngang ngược trong vấn đề biển Đông thì uy tín quốc tế của nước này càng bị xói mòn.
Những nhận định này là hoàn toàn chuẩn xác, vì với hành động hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Việt Nam, cái tên Trung Quốc những ngày qua luôn gắn liền với những cụm từ như “khiêu khích”, “nguy hiểm”, “mang tính hăm dọa”…
Ngay trong cuộc gặp gỡ với Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc Phòng Phong Huy tại Washington, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đã thẳng thắn cảnh báo Trung Quốc phải dừng ngay những hành vi nguy hiểm trên biển Đông.
Quan chức và học giả nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Italy… cũng như truyền thông thế giới đều đồng quan điểm cho rằng hành động của Trung Quốc khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam là hoàn toàn sai trái, gây gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Tờ Thế giới đa cực (Nga) đã đăng tải bài viết cho rằng Trung Quốc đang cố ép Việt Nam đồng ý với cái gọi là “phương án vô chủ”, mà thực chất là ép Việt Nam phải thừa nhận lãnh thổ chủ quyền của mình đang “có tranh chấp” để Trung Quốc thừa cơ nhảy vào. Trung Quốc cũng cố tìm cách bóp méo hình tượng Việt Nam thành “kẻ xâm lược”, “bên gây hấn”. Nhưng những thủ đọa này của Trung Quốc đã không thành công.
Tờ Washington Post (Mỹ) tố cáo hành động lần này của Trung Quốc nguy hiểm hơn rất nhiều so với những lần trước đó, động cơ đã vượt ra ngoài việc thuần tuý tìm kiếm các nguồn năng lượng. Tờ này còn kêu gọi Mỹ cần hành động cứng rắn và cụ thể hơn nữa để ngăn chặn sự bành trướng và tham vọng của Trung Quốc.
Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice cảnh báo rằng Trung Quốc đang này càng bị cô lập trên thế giới và trong khu vực, bởi những nước mong muốn có quan hệ hữu nghị và xây dựng với Trung Quốc “đang ngày càng cảm thấy khó chịu và lảng tránh (Trung Quốc) bởi điều mà họ coi là các hành động khiêu khích và gây hấn của nước này”.
Đẩy châu Á về gần phía Mỹ
Tại khu vực ASEAN, ngay sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam, nhiều quốc gia đã bày tỏ sự lo ngại của mình trước ý định thực sự của Trung Quốc và kêu gọi nước này kiềm chế.
Tổng thống Philippines đã lên tiếng chỉ trích hành động của Bắc Kinh đang làm trên biển Đông là “vi phạm những gì chúng tôi đã thỏa thuận trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)”. Đặc biệt, Indonesia, từ một quốc gia vốn giữ quan điểm trung lập về các tranh chấp trên biển Đông, cũng đã thay đổi lập trường, công khai bày tỏ sự quan ngại của mình.
Tại hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra ngày 10/5, Ngoại trưởng các nước đã dành nhiều thời gian thảo luận một cách nghiêm túc về các thủ đoạn mới, ngày càng hung hăng của Trung Quốc cũng như cách đối phó với chúng. Lần đầu tiên kể từ năm 1995, một tuyên bố chung về biển Đông đã được ASEAN thông qua.
Ông Ernest Bower, Chủ tịch Sumitro về Nghiên cứu Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, đánh giá rằng động thái hung hăng mới này của Trung Quốc đã khiến cho các quốc gia láng giềng quan ngại… Trung Quốc đang khiến ASEAN cùng hướng về các mối quan tâm chung và điều đó khiến cho khối này càng thêm gắn kết hơn”.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn tờ Reuters, một nhà ngoại giao cấp cao Mỹ cho rằng thái độ của Trung Quốc chỉ càng khiến nhiều nước châu Á muốn Hoa Kỳ can dự nhiều hơn vào các vấn đề quân sự, kinh tế và ngoại giao trong khu vực.
Giáo sư Kim Tae-wan, trưởng Khoa chính trị Đại học Dong-Eui, Hàn Quốc, trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN cũng đồng tình khi cho rằng, hành động của Trung Quốc sẽ giúp cho Mỹ “thực hiện chiến lược quay trở lại châu Á của mình”.
Sự chỉ trích từ trong nước
Dù đã dùng nhiều cách bưng bít thông tin, bóp méo sự thật, nhưng ngay ở trong nước, Trung Quốc cũng đã vấp phải những tiếng nói chỉ trích hành động hung hăng của mình trên biển Đông.
Ông Lý Lệnh Hoa, chuyên viên nghiên cứu thuộc Trung tâm Thông tin Cục Hải Dương Quốc gia Trung Quốc, một học giả nổi tiếng về luật biển, trong các bài viết đăng tải trên trang blog của mình đã cho rằng Trung Quốc có trách nhiệm không thể thoái thác được trong việc phát sinh sự kiện căng thẳng hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc.
“Một số quan chức và chuyên gia, học giả Trung Quốc từ lâu nay vẫn phiến diện kiên trì quan điểm về thềm lục địa kéo dài tự nhiên và chủ trương về “Đường 9 đoạn”, một mình một chợ, không đếm xỉa người khác…”.
Lý Lệnh Hoa cũng thẳng thắn bác bỏ “Đường 9 đoạn” phi lý và phi pháp. Ông viết “Từ xưa đến nay, trên thế giới, không hề có đường biên giới trên bộ hay trên biển hư ảo. Đường 9 đoạn trên Nam Hải (Biển Đông) là một đường hư ảo. Tiền nhân của chúng ta đã vạch ra đường 9 đoạn không hề có kinh độ, vĩ độ cụ thể, cũng chẳng có căn cứ pháp lý.”
Trong khi đó, trên nhiều mạng xã hội của Trung Quốc như Sohu, Sina… cũng xuất hiện không ít những lời bình luận chỉ trích Trung Quốc như: “Với cách hành xử của chúng ta, được phản ánh qua báo chí quốc tế, tôi nghĩ chúng ta đã đánh mất sự khôn ngoan. Thật không xứng là một nước lớn”, “Chúng ta như những kẻ cướp. … Thực tế, với việc làm của chúng ta mấy ngày qua, chúng ta phải chấp nhận đối mặt với sự lên án của quốc tế. Tình bạn, tình thân trong quá khứ giữa hai nước Trung Quốc – Việt Nam cũng chẳng còn”, “Trong khi bạo động trong nước đang khiến dân chúng lo lắng, chính quyền lại đi gây hấn với quốc gia khác”.
Thậm chí, cư dân mạng nước này còn tố cáo: “Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cố ý làm ra vẻ ta vô tội. Thực ra tàu Việt Nam bị húc đến thảm. Phía ta toàn là tàu chiến hoán cải thành hải giám, sao có thể bó tay chịu húc? Vậy mà toàn thấy đưa tin ‘bị khiêu khích, bị bắt nạt’”.
Những tiếng nói phản đối này tuy chưa hẳn là phổ biến ở Trung Quốc, nhưng việc nó xuất phát từ những người có hiểu biết, các học giả và giới trẻ, những đối tượng mà phát ngôn dễ lan truyền và có khả năng gây ảnh hưởng, chính là một lời cảnh báo với nước này. Nếu tiếp tục các hành vi gây hấn, xâm phạm chủ quyền láng giềng, thì đến một ngày, mọi thủ đoạn che giấu sự thật của họ sẽ mất tác dụng và xu hướng phản đối từ trong nước sẽ lan rộng hơn.
Theo Tri Thức Trẻ
No comments:
Post a Comment